Một bài điều tra đặc biệt của hãng tin AP cho biết, trong sáu ngày, từ ngày 14 đến 20 tháng 01 năm 2020, các lãnh đạo chóp bu của Trung Quốc đã bí mật giấu nhẹm thông tin về sự bùng phát dịch coronavirus chủng mới để tránh gây lo sợ và hoảng loạn trong dân chúng, từ đó bỏ lỡ cơ hội khống chế virus khiến dịch lan tràn khắp thế giới và gây hậu quả thảm khốc hiện nay.
Trong sáu ngày này thành phố ổ dịch Vũ Hán vẫn tổ chức bữa tiệc cộng đồng khổng lồ có hàng chục ngàn thực khách tham gia, hàng triệu người dân Vũ Hán tỏa ra khắp các địa phương Trung Quốc và nhiều nước khác để đón những ngày nghỉ tết âm lịch, mang theo con virus chết chóc làm lây nhiễm ra cộng đồng mà có khi họ cũng không biết được.
Phải đến ngày 20-01, tức ngày thứ bảy kể từ khi được báo cáo chi tiết về sự bùng phát dịch, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới thông báo cho dân chúng, lúc nước này đã ghi nhận hơn 3.000 người nhiễm bệnh – AP phân tích các tài liệu nội bộ của Trung Quốc, cho biết.
Sáu ngày sinh tử
Thời gian sáu ngày “trì hoãn” được AP tính từ ngày 14-01-2020 – ngày mà Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc mở hội nghị trực tuyến với các quan chức y tế các tỉnh thành cảnh báo về tình hình dịch bệnh do coronavirus gây ra, nhưng theo một bài báo trên bán nguyệt san Cầu Thị (Qiushi) – tờ báo lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – số ra ngày thứ Bảy 15-02, thì Chủ tịch Tập Cận Bình đã được báo cáo và đã có chỉ thị sơ bộ về việc phòng chống dịch ngay từ ngày 07-01-2020. Nếu thông tin của Cầu Thị là xác thực thì thời gian “im lặng” của ông Tập và bộ máy lãnh đạo chóp bu Trung Quốc kéo dài tới hai tuần lễ chứ không phải sáu ngày như AP nói. Nhưng ở đây, tạm chấp nhận khung thời gian “sáu ngày” của AP để xem xét các diễn biến.
Theo AP, đây không phải là sai lầm đầu tiên của nhà cầm quyền Trung Quốc khi đối đầu với dịch bệnh; sáu ngày cũng không phải là thời gian trì hoãn quá dài vì nhiều chính phủ trên thế giới đã bỏ mất nhiều tuần, nhiều tháng trong cuộc chống dịch. Nhưng sáu ngày này hết sức quan trọng bởi vì Trung Quốc là nơi phát sinh dịch, thời gian đầu tiên này là thời khắc sinh tử (critical) để ra tay ứng phó. Trung Quốc đã cố không gây hoảng sợ cho dân chúng và hậu quả là một trận đại dịch lan rộng trên toàn cầu, cướp đi hơn 133.000 sinh mạng, hơn hai triệu người mắc bệnh, một nửa nhân loại “bị giam trong nhà” và mọi hoạt động kinh tế bị đình trệ.
Ông Zuo-Feng Zhang (Trương Tác Phong), nhà dịch tễ học của Đại học California Los Angeles (UCLA) nói: “Thật là khủng khiếp. Nếu họ hành động sớm hơn sáu ngày sẽ có ít bệnh nhân hơn rất nhiều, các cơ sở y tế sẽ không bị quá tải; chúng ta sẽ tránh được vụ sụp đổ hệ thống y tế Vũ Hán”.
Địa phương không báo hay chóp bu không quan tâm?
Nhưng sự im lặng kéo dài sáu ngày của bộ máy lãnh đạo ở Bắc Kinh xảy ra trùng với hai tuần lễ mà cơ quan kiểm soát bệnh tật quốc gia (tên tiếng Anh là China Center for Disease Control, CCDC) không nhận được báo cáo trường hợp nhiễm bệnh nào từ quan chức y tế địa phương, trong khi từ ngày 05-01 tới ngày 17-01 đã có hàng trăm bệnh nhân đến điều trị bệnh viêm phổi Vũ Hán không chỉ ở Vũ Hán mà ở nhiều nơi khác ở Trung Quốc, tài liệu nội bộ mà AP có được cho biết.
Do đó, không biết chắc rằng “sáu ngày im lặng” là do quan chức địa phương không báo cáo hay là do lãnh đạo chóp bu không quan tâm đúng mức. Cũng không rõ chính xác các lãnh đạo chóp bu đã biết gì về tình hình ở Vũ Hán lúc đó – do thành phố bị phong tỏa, mới chỉ được “giải phóng” gần đây.
Cũng có thể, theo một số chuyên gia, chế độ kiểm soát thông tin cứng nhắc của Trung Quốc, trở ngại hành chánh và lo ngại báo cáo cấp trên những thông tin xấu đã dập tắt những tiếng nói cảnh báo lúc đầu. Việc nhà cầm quyền trừng phạt tám bác sĩ “phao tin đồn nhảm” (!), buộc họ phải “thú tội” trên truyền hình tối ngày 02-01-2020 đã khiến tất cả cá y bác sĩ biết thông tin về dịch bệnh phải ớn lạnh. Dali Yang (Dương Đại Lập), giáo sư về chính trị Trung Quốc, Đại học Chicago, nhận xét: “Các bác sĩ ở Vũ Hán rất sợ hãi. Đây thật sự là vụ đe dọa cả một nghề nghiệp”.
Phải đến khi xảy ra trường hợp nhiễm virus đầu tiên ngoài Trung Quốc – một người ở Thái Lan bị xác định nhiễm bệnh ngày 13-01 – các nhà lãnh đạo Trung Quốc mới thừa nhận khả năng xảy ra nạn dịch. Chỉ khi đó họ mới khởi động một kế hoạch toàn quốc để tìm những trường hợp nhiễm bệnh – phân phối các bộ dụng cụ xét nghiệm, hướng dẫn tiêu chuẩn định bệnh, sàng lọc bệnh nhân; Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc bắt đầu kiểm tra thân nhiệt hành khách tại các phi trường và đầu mối giao thông. Nhưng tất cả các công việc này được thực hiện mà không cảnh báo cho công chúng.
Chính phủ Trung Quốc nhiều lần phủ nhận họ che giấu thông tin trong những ngày đầu, nói họ đã báo cáo kịp thời vụ bùng phát dịch cho Tổ chức Y tế thế giới.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc bí mật ngày 14-01
Tài liệu nội bộ của Trung Quốc mà AP có được cho thấy người phụ trách Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc Ma Xiaowei (Mã Tiểu Vĩ) trong một cuộc hội nghị truyền hình bí mật với các quan chức y tế tỉnh thành ngày 14-01 đã đưa ra một nhận định u ám. “Tình hình dịch bệnh vẫn rất trầm trọng và phức tạp, là thách thức trầm trọng nhất kể từ dịch SARS năm 2003 và có thể phát triển thành một sự kiện y tế công cộng lớn”, ông Mã nói. Ủy ban Y tế là cơ quan y tế cao nhất của quốc gia. Ủy ban này nói họ tổ chức hội nghị truyền hình bởi vì có vụ bệnh nhân đầu tiên ở Thái Lan và khả năng virus phát tán trong mùa du lịch tết nguyên đán. Biên bản hội nghị còn nói hội nghị được tổ chức để phổ biến các chỉ thị của Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Phó thủ tướng Sun Chunlan (Tôn Xuân Lan) về coronavirus nhưng không rõ nội dung các chỉ thị này là gì. Chi tiết này một lần nữa góp phần khẳng định bộ máy lãnh đạo chóp bu, nhất là ông Tập Cận Bình, đã biết thông tin về dịch bệnh rất sớm, trước hội nghị trực tuyến này, có thể là trước ngày 07-01 như tạp chí Cầu Thị nói, dẫn ở trên.
Trong một đoạn biên bản của hội nghị có tiêu đề: “Hiểu biết đúng đắn về tình hình”, biên bản nói “các ổ dịch nhỏ cho thấy việc virus lây từ người sang người là có thể”. Hội nghị chỉ ra trường hợp bệnh nhân ở Thái Lan và nói tình hình “đã thay đổi đáng kể” vì khả năng virus phát tán ở nước ngoài. “Với lễ hội Tết đang tới, nhiều người sẽ đi du lịch và nguy cơ truyền nhiễm, phát tán virus là rất cao… Tất cả các địa phương phải chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với đại dịch,” biên bản ghi lại.
Trong biên bản hội nghị, ông Mã cũng nói rõ ý nghĩa chính trị và ổn định xã hội là những ưu tiên chủ yếu trong thời gian chuẩn bị cho hai hội nghị chính trị lớn nhất (*) của Trung Quốc vào tháng Ba. Cũng có thể vì các hội nghị chính trị này mà các lãnh đạo Trung Quốc đã im lặng suốt sáu ngày trước khi công bố dịch. “Động cơ duy trì ổn định xã hội trước các kỳ hội nghị của Đảng là rất mạnh. Tôi đoán họ muốn để cho dịch diễn ra một thời gian để xem thế nào,” ông Daniel Mattingly, học giả về Trung Quốc của Đại học Yale, nói.
Nói dối để trấn an dân chúng
Một ngày sau hội nghị truyền hình, ngày 15-01, CCDC nâng mức báo động nội bộ lên cấp cao nhất, cấp một; các lãnh đạo CCDC thành lập 14 nhóm công tác, huy động tài chánh, huấn luyện nhân viên y tế, thu thập dữ kiện, điều tra thực tế tại hiện trường và giám sát các phòng thí nghiệm. Ủy ban Y tế quốc gia cũng phát hành tới các cơ quan y tế cấp tỉnh bộ tài liệu hướng dẫn 63 trang – mà AP có được – huấn thị các cơ quan y tế toàn quốc phải xác định các trường hợp nhiễm bệnh, bệnh viện phải mở rộng khoa hô hấp, bác sĩ và y tá phải mặc trang bị bảo hộ cá nhân. Tài liệu này được đóng dấu “lưu hành nội bộ”, “không phổ biến công khai”, “không đăng lên mạng trực tuyến”.
Trong khi đó, trước công chúng, các quan chức tiếp tục coi nhẹ mối nguy cơ dịch bệnh, chỉ nói rằng có 41 trường hợp viêm phổi đang được điều trị.
Ngày 15-01, Lý Quần (Li Qun), người đứng đầu trung tâm khẩn cấp của CCDC lên truyền hình quốc gia khẳng định chắc nịch rằng, “Theo hiểu biết mới nhất của chúng tôi, nguy cơ lây bệnh từ người sang người là rất thấp”. Cùng ngày hôm ấy Lý được bố trị phụ trách một nhóm soạn thảo kế hoạch khẩn cấp cho tình trạng báo động cấp một.
Ngày 20-01 ông Tập xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên sau thời gian dài vắng mặt một cách bí ẩn, và đưa ra ý kiến đầu tiên về coronavirus. Ông nói dịch bệnh “phải được xử lý nghiêm” và “bằng mọi biện pháp có thể”. Một nhà dịch tễ học hàng đầu của Trung Quốc, bác sĩ Zhong Nanshan (Chung Nam Sơn) lần đầu tiên lên truyền hình xác nhận virus có thể lây từ người sang người.
Nếu như công chúng được cảnh báo sớm hơn và có các biện pháp như giãn cách xã hội, mang khẩu trang, hạn chế đi lại thì số người nhiễm bệnh có thể giảm bớt hai phần ba – sau này một tài liệu xác định như vậy. Một sự cảnh báo sớm cũng có thể cứu được nhiều mạng người, bác sĩ Trương của Đại học UCLA nhận định.
Vụ trì hoãn sáu ngày cũng củng cố lời buộc tội của Tổng thống Trump rằng sự bí mật của chính phủ Trung Quốc đã kìm hãm phản ứng chống dịch của thế giới.
Nhiều cơ hội bị bỏ lỡ
Câu chuyện ban đầu về đại dịch ở Trung Quốc cho thấy nhiều cơ hội bị bỏ lỡ trong từng bước đi ở Trung Quốc; các tài liệu nội bộ và các cuộc phỏng vấn của AP cho thấy như vậy. Dưới thời ông Tập – nhà lãnh đạo chuyên chế bậc nhất của Trung Quốc trong nhiều thập niên, sự đàn áp chính trị ngày càng nặng nề đã làm cho các quan chức trong guồng máy lưỡng lự không muốn báo cáo thông tin khi chưa được cấp trên bật đèn xanh.
“Các quan chức không muốn bước ra khỏi lằn ranh, nếu họ không muốn trả giá đắt. Chế độ làm cho những người ở cấp địa phương khó mà báo cáo các thông tin xấu”, ông Mattingly của Đại học Yale nói.
Các bác sĩ và y tá ở Vũ Hán từng nói với truyền thông Trung Quốc có rất nhiều dấu hiệu cho thấy cororavirus có thể lây từ người sang người từ rất sớm, vào cuối tháng 12-2019. Bệnh nhân của họ có những người chưa bao giờ đặt chân tới chợ hải sản và động vật sống Hoa Nam Vũ Hán – nơi được cho là nguồn phát tán virus – nhưng vẫn bị nhiễm coronavirus. Các nhân viên y tế cũng bắt đầu đổ bệnh theo.
Nhưng các quan chức ngăn cản các y bác sĩ báo cáo những trường hợp đó. Họ đặt ra tiêu chuẩn chặt chẽ cho việc xác định và báo cáo các ca nhiễm coronavirus: bệnh nhân không chỉ là người được xét nghiệm dương tính mà mẫu xét nghiệm phải được gửi tới thủ đô Bắc Kinh để kiểm tra và xâu chuỗi. Họ bắt buộc nhân viên phải báo cáo cho cấp lãnh đạo trực tiếp trước khi thông tin lên cấp cao hơn, báo chí Trung Quốc cho biết. Họ thậm chí trừng phạt các bác sĩ dám cảnh báo về dịch bệnh.
Kết quả là trong hai tuần lễ, từ ngày 05-01, khi các quan chức tập trung ở Vũ Hán để dự hai hội nghị chính trị lớn của tỉnh Hồ Bắc, không có ca nhiễm bệnh mới nào được báo cáo.
Trong thời gian này, có hai nhóm chuyên gia từ Bắc Kinh được cử tới Vũ Hán tìm hiểu nhưng đã không phát hiện được dấu hiệu nguy hiểm và sự lây lan từ người sang người. Người phụ trách nhóm thứ nhất, ông Từ Kiến Quốc (Xu Jianguo) nói trên tờ Đại Công báo của Hong Kong hôm 06-01 rằng “không có bằng chứng lây bệnh từ người sang người” và mối đe dọa của virus là rất thấp.
Nhóm thứ hai tới Vũ Hán ngày 08-01 cũng không tìm được dấu hiệu truyền nhiễm từ người sang người. Nhưng trong thời gian họ điều tra ở Vũ Hán đã có một số bác sĩ và y tá ngã bệnh vì con virus này; ngay cả lãnh đạo của nhóm, ông Vương Quang Phát (Wang Guangfa) cũng đổ bệnh vì coronavirus ngay sau khi về tới Bắc Kinh ngày 16-01, sau này ông thừa nhận trên mạng Weibo ngày 15-03: “Tôi luôn luôn ngờ rằng đó là truyền nhiễm từ người sang người”.
Benjiamin Cowling, một nhà dịch tễ học của Đại học Hong Kong, đến Bắc Kinh vào cuối tháng 01 để nghiên cứu các ca bệnh này, nhận xét sở dĩ các nhóm điều tra này không phát hiện được dấu hiệu nguy hiểm vì họ chỉ giới hạn vào việc tìm những bệnh nhân bị viêm phổi nặng, bỏ qua những người có triệu chứng nhẹ. Họ cũng giới hạn việc tìm kiếm vào những người đã lui tới chợ động vật sống – mà sau này nhìn lại thật sai lầm.
Vài tuần sau khi dịch cúm Vũ Hán đã trở thành trầm trọng, nhiều chuyên gia buộc tội chính quyền Vũ Hán đã cố ý che giấu số trường hợp thương vong. Nhưng thị trưởng Vũ Hán khi ấy, ông Chu Hiền Vượng (Zhou Xianwang) đổ lỗi cho những quy định về giữ bí mật của cấp quốc gia. “Là một cán bộ cấp địa phương, tôi chỉ có thể công bố thông tin sau khi được lãnh đạo cấp cao phê duyệt. Nhiều người không hiểu điều đó,” ông Chu nói với truyền thông Trung Quốc cuối tháng 01.
Kết quả là các quan chức hàng đầu Trung Quốc dường như bị đặt trong bóng tối. “CCDC hoạt động chậm chạp, cho rằng mọi chuyện đều tốt”, một chuyên gia y tế của nhà nước nói và không muốn nêu danh tính vì sợ trả thù, “Nếu chúng tôi bắt đầu làm gì đó sớm hơn một tuần, hai tuần thì mọi chuyện đã khác rất nhiều”.
Mà không chỉ ở Vũ Hán. Tại thành phố Thẩm Quyến ở miền Nam Trung Quốc cách xa Vũ Hán hàng trăm dặm, một nhóm chuyên viên y tế do nhà vi sinh vật học Viên Quốc Dũng (Yuan Kwok-yung) dẫn đầu, sử dụng các bộ dụng cụ xét nghiệm của riêng họ, đã phát hiện sáu thành viên của một gia đình bảy người bị nhiễm virus vào ngày 12-01. Trong lần trả lời phỏng vấn báo Tài Tân (Caixin) – một tờ báo tài chánh có uy tín của Trung Quốc, ông Viên nói ông đã thông tin cho chi nhánh CCDC “ở tất cả các cấp”, kể cả ở Bắc Kinh; nhưng số liệu nội bộ của CCDC không phản ánh báo cáo của ông Viên.
Phản ứng muộn, đại dịch ra ngoài vòng kiểm soát
Khi trường hợp bệnh nhân ở Thái Lan được báo lên, các quan chức y tế cuối cùng cũng lập ra một kế hoạch nội bộ để xác định một cách có hệ thống, cô lập, xét nghiệm và điều trị tất cả những ca nhiễm coronavirus trên cả nước. Số ca nhiễm virus ở Vũ Hán tăng lên ngay lập tức – bốn ca vào ngày 17; rồi 17 ca ngày hôm sau, lên tới 136 ca ngày hôm sau nữa. Khắp cả nước, hàng trăm trường hợp bắt đầu nổi lên, trong một số trường hợp bệnh nhân đã bị nhiễm virus từ trước nhưng chưa được xét nghiệm. Ở Chiết Giang chẳng hạn một người đàn ông vào bệnh viện ngày 04-01, được cách ly ngày 17-01 và xác định dương tính vào ngày 21-01. Ở Thẩm Quyến, những bệnh nhân mà ông Viên phát hiện ngày 12-01 cuối cùng cũng được xác nhận vào ngày 19-01.
Bệnh viện Thống nhất Vũ Hán, một trong những bệnh viện tốt nhất thành phố, đã có cuộc họp khẩn cấp ngày 19-01, huấn thị nhân viên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về cách ly – trước ngày ông Tập cảnh báo dân chúng. Một chuyên viên y tế nói với AP rằng trong ngày 19-01, bà đã đi quanh một vòng cái bệnh viện được xây dựng sau đại dịch SARS 2002, nơi các nhân viên y tế đang tất bật chuẩn bị thêm hàng trăm giường bệnh cho các bệnh nhân viêm phổi. “Tất cả những ai làm việc trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm cả nước đều biết có chuyện gì đó đang xảy ra. Họ đã đoán trước được điều gì đó,” bà nói và không muốn nêu tên vì sợ ảnh hưởng tới công việc nhạy cảm là tư vấn cho chính phủ.
Hôm sau, ngày 20-01, ông Tập Cận Bình lần đầu tiên thông báo với dân chúng Trung Quốc về trận dịch. Nhưng sáu ngày im lặng đã trôi qua, đó có thể là sáu ngày làm tan nát thế giới như chúng ta thấy.
(*) Hai hội nghị chính trị lớn: một là kỳ họp thường niên của Đại hội đại biểu nhân dân, tức Quốc hội Trung Quốc và hai là Hội nghị hiệp thương chính trị toàn quốc, gọi tắt là Chính hiệp, tương tự như hội nghị Mặt trận ở Việt Nam. Hai hội nghị này thường diễn ra song song vào cuối mùa xuân hằng năm, và có tầm quan trọng chỉ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc.