Tình hình kinh tế khó khăn của Trung Quốc (TQ) có tệ như Nhật Bản sau cú nổ bong bóng bất động sản và thị trường chứng khoán sau thập niên 1980?
Tương đồng bề ngoài
Từ bản đồ nhân khẩu học đến hôn nhân, TQ phải đối mặt với những thách thức mà Nhật Bản không gặp phải. Bắt đầu từ thập niên 1990, Nhật Bản rơi vào tình trạng trì trệ kinh tế; thời kỳ bùng nổ nhường chỗ cho tăng trưởng chậm chạp, dân số giảm và giảm phát. Nhiều nhà kinh tế cho rằng TQ ngày nay cũng tương tự, nhưng thực tế, xét về nhiều mặt, các vấn đề của TQ khó giải quyết hơn các vấn đề của Nhật Bản.
Mức nợ công của TQ cao hơn so với Nhật Bản và bản đồ nhân khẩu học còn tệ hơn. Những căng thẳng địa chính trị mà TQ đang phải đối mặt vượt xa những xung đột thương mại Nhật Bản từng gặp với Mỹ. Một điểm trừ khác, chính phủ TQ siết chặt khu vực tư nhân trong những năm gần đây thay vì giúp họ vực dậy như chính phủ Nhật Bản lúc đó. Nhưng nói thế không có nghĩa là TQ chắc chắn sẽ lặp lại những năm kinh tế trì trệ của Nhật Bản (đến gần đây mới có dấu hiệu phục hồi).
Wall Street Journal cho biết, TQ có một số lợi thế mà Nhật Bản không có. Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế TQ trong những năm tới có thể cao hơn nhiều so với Nhật Bản vào thập niên 1990. Dù vậy, các nhà kinh tế cho rằng viễn cảnh u ám tương tự như Nhật Bản nên được các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản TQ xem là lời cảnh báo. Nếu họ không hành động mạnh mẽ hơn, TQ sẽ rơi vào thời kỳ kinh tế trì trệ kéo dài giống như Nhật Bản.
Bất chấp những tháo gỡ từng bước trong vài tuần gần đây (trong đó có việc cắt giảm lãi suất khiêm tốn), Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra biện pháp kích thích nào đủ lớn để vực dậy tăng trưởng. Johanna Chua, nhà kinh tế trưởng châu Á tại Citigroup nhận định: “Cho đến nay, các phản ứng chính sách của TQ vẫn có thể đưa nước này vào đúng những gì Nhật Bản đã gặp”.
TQ ngày nay và Nhật Bản 30 năm trước có nhiều điểm tương đồng, gồm mức nợ cao, dân số già và dấu hiệu giảm phát. Trong giai đoạn bùng nổ kinh tế kéo dài sau chiến tranh, Nhật Bản trở thành một cường quốc xuất khẩu hùng mạnh đến nỗi các chính trị gia và giám đốc điều hành doanh nghiệp Mỹ phải cảnh báo “Sẽ không thể ngăn chặn được!”. Nhưng đến đầu thập niên 1990, bong bóng bất động sản và thị trường chứng khoán vỡ tung, đẩy nền kinh tế xuống dốc.
Các nhà hoạch định chính sách phải cắt giảm lãi suất xuống gần như bằng 0 nhưng tăng trưởng vẫn không thể phục hồi do người tiêu dùng và các công ty tập trung vào trả nợ để “làm đẹp” lại bảng thu chi thay vì tiếp tục vay tiêu dùng và đầu tư mới. Richard Koo, nhà kinh tế học tại bộ phận nghiên cứu của ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura Securities, đã đặt ra thuật ngữ nổi tiếng “suy thoái bảng cân đối kế toán” để mô tả hiện tượng này.
TQ cũng chứng kiến bong bóng bất động sản vỡ sau nhiều năm kinh tế tăng trưởng phi mã. Hiện người dân đua nhau trả nợ thế chấp mua nhà càng sớm càng tốt, bất chấp nỗ lực của chính phủ thuyết phục họ vay và chi tiêu nhiều hơn. Các công ty tư nhân cũng ngần ngại đầu tư dù lãi suất đã thấp hơn, khiến các nhà kinh tế lo lắng rằng việc nới lỏng tỷ giá tiền tệ đang mất hiệu lực.
Theo một số thước đo, bong bóng tài sản của TQ không lớn bằng bong bóng của Nhật Bản. Morgan Stanley ước tính tỷ lệ tổng giá trị địa ốc trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của TQ đạt đỉnh 260% vào năm 2020, tăng từ 170% GDP của năm 2014. Trong khi đó, tại Nhật Bản, giá trị địa ốc tính theo phần trăm GDP là 560% GDP vào năm 1990 và giảm còn 394% vào năm 1994.
Vốn hóa thị trường của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo tăng lên 142% GDP vào năm 1989 từ mức 34% của năm 1982. Năm 2021, thị trường chứng khoán TQ đạt mức cao nhất là 80% GDP nhưng nay chỉ còn 67% GDP. Giá nhà tại TQ mới chỉ hơi giảm kể từ mức đỉnh. Số sinh viên đại học tốt nghiệp đạt kỷ lục vào mùa Hè này, nhưng việc tìm được công việc mơ ước có thể phải chờ một thời gian dài nữa.
Tỷ lệ đô thị hóa của TQ đạt 65% vào năm 2022, so với 77% của Nhật Bản vào năm 1988. Có nghĩa là TQ còn nhiều khả năng kích thích tăng trưởng bằng xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở khi người dân chuyển đến các thành phố và làm các công việc phi nông nghiệp.
Nhưng khác biệt sâu sắc
Việc TQ kiểm soát chặt chẽ hơn các thị trường vốn là để giảm nguy cơ đồng nhân dân tệ tăng giá mạnh, gây tổn hại cho xuất khẩu là thấp. Trong những thập niên gần đây, Nhật Bản nhiều lần phải đối mặt với tình trạng đồng tiền tăng giá mạnh khiến nền kinh tế gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, đứng ở các góc độ khác, các vấn đề của TQ khó giải quyết hơn của Nhật Bản.
Dân số TQ đang già đi nhanh hơn từ khi bắt đầu giảm vào năm 2022 (Ở Nhật Bản, năm 2008 mới xảy ra tình trạng này, tức gần hai thập niên sau khi bong bóng vỡ). Dân số già đã đẩy TQ chuyển sang giai đoạn tăng trưởng chậm lại sớm hơn khi vẫn chưa trở thành nước giàu như Nhật. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của TQ khoảng $12,850, thấp hơn nhiều so với $29,080 của Nhật Bản vào năm 1991.
Tiếp theo là vấn đề nợ nần. Sau khi tính cả các khoản vay “ngoài kế hoạch” của nhiều chính quyền địa phương, năm 2022, tổng nợ công ở TQ đã lên đến 95% GDP so với 62% GDP của Nhật Bản vào năm 1991 (số liệu của J.P. Morgan) khiến chiến lược kích thích tài chính của chính phủ bị hạn chế. TQ cũng chịu áp lực bên ngoài lớn hơn so với Nhật Bản lúc đó. Dù phải đối mặt với rất nhiều sức ép từ các đối tác thương mại nhưng với tư cách là đồng minh quân sự của Mỹ, Nhật Bản chưa bao giờ gặp nguy cơ sa vào cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”, khác hoàn toàn với mối quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung hiện nay.
Những nỗ lực của Mỹ và các đồng minh nhằm ngăn TQ tiếp cận các công nghệ tiên tiến và giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của TQ đã làm sụt giảm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào TQ trong năm nay và làm chậm đáng kể tốc độ tăng trưởng trong dài hạn. Nhiều nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đang đánh giá thấp nguy cơ suy thoái lâu dài và làm quá ít để tránh điều đó.
Việc cắt giảm “rón rén” các lãi suất cơ bản, giảm khoản thanh toán định kỳ mua căn hộ và sự hỗ trợ “vừa làm vừa lo” cho khu vực tư nhân là không đủ để giúp vực dậy tâm lý thị trường. Các nhà kinh tế như Xiaoqin Pi từ Bank of America khuyến cáo TQ cần nới lỏng hơn trong các chính sách tài chính, tiền tệ và tài sản để đưa tăng trưởng trở lại đúng hướng. Nhưng về mặt ý thức hệ, Chủ tịch Tập Cận Bình phản đối đề nghị tăng cường hỗ trợ của chính phủ cho các hộ gia đình và người tiêu dùng, một động thái mà ông phê phán là “Chủ nghĩa bám vào an sinh” (welfarism).