Trung Quốc mở chiến dịch thanh trừng?

Xi Jinping
Tập Cận Bình có tham vọng trở thành một nhà lãnh đạo trọn đời, như một hoàng đế của đất nước Trung Quốc. Ảnh minh họa Wikipedia Commons.

H.C.

Trung Quốc đã phát động một cuộc “chỉnh huấn” chính trị và củng cố cơ cấu ngành an ninh làm cho nhiều quan chức nước này lo lắng một cuộc thanh trừng nội bộ sắp xảy ra. Tường thuật của báo Nikkei Asian Review.

Hôm 26-08, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình triệu tập hơn 300 quan chức cao cấp ngành cảnh sát và an ninh cả nước về họp tại Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Tại hội nghị, ông Tập đã trao cho ngành an ninh lá “quân kỳ” mới hai màu xanh đỏ – màu đỏ chiếm hơn nửa trên của lá cờ, tượng trưng cho sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, và lá cờ là biểu tượng cho lòng trung thành tuyệt đối của lực lượng an ninh với đảng.

Có một sự thay đổi ở đây. Từ trước tới nay, ngành cảnh sát và an ninh trực thuộc Hội đồng Nhà nước, tức chính phủ, dưới sự giám sát của Ủy ban Chính Pháp trung ương của đảng Cộng sản. Ông Tập thay đổi điều đó bằng quyết định đặt lực lượng cảnh sát và an ninh dưới sự kiểm soát trực tiếp của đảng, giống như quân đội. Và các đơn vị công an vũ trang – lực lượng chịu trách nhiệm chính về an ninh công cộng, chống bạo loạn và chống khủng bố, trước đây thuộc chính phủ – cũng được đặt dưới quyền chỉ huy toàn diện của Quân Ủy trung ương.

Như vậy, toàn bộ các lực lượng vũ trang Trung Quốc, từ quân đội tới cảnh sát, an ninh và công an vũ trang đều thuộc quyền chỉ huy của Quân Ủy trung ương, tập trung quyền lực và súng ống vào tay một chỉ huy cao nhất là ông Tập. Mỗi lần thay đổi như vậy, ông Tập lại đưa ra một lá cờ mới.

Ông Tập trao “quân kỳ” mới cho ngành an ninh. Ảnh AP/Nikkei Asia Review

Có một sự thay đổi nữa, về nhân sự. Ông Wang Xiaohong (Vương Tiểu Hồng), một phụ tá thân cận của Tập, đang là thứ trưởng cao cấp bộ Công an, được bổ nhiệm làm cục trưởng Cục An ninh mật mới thành lập của bộ này. Tuy ông Vương làm thứ trưởng đã lâu nhưng việc bổ nhiệm ông ta đứng đầu bộ phận an ninh mật làm nhiều người phải chú ý.

Ông Vương phục vụ ông Tập đã mấy chục năm, từ hồi Tập còn là quan chức địa phương tỉnh Phúc Kiến. Một nguồn tin ở Phúc Kiến nói ông Vương “là một trong vài người bạn cũ mà ông Tập thực sự tin cậy”.

Cục An ninh mật được lập ra theo chỉ thị của ông Tập, có nhiệm vụ bảo vệ các quan chức lãnh đạo của đảng Cộng sản, ngoại trừ các lãnh đạo chóp bu trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính Trị. Phạm vi bảo vệ của Cục này gồm các phó chủ tịch nước, phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phó thủ tướng, các quốc vụ khanh, lãnh đạo Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Bề ngoài là như vậy, nhưng bên trong Cục này có nhiệm vụ quan trọng hơn là theo dõi các quan chức cao cấp để báo cáo cho lãnh đạo. Và ông Tập cần người tin cẩn để giao trọng trách đó.

Hai ngày sau hội nghị của ông Tập, ông Vương viết bài đăng trên tờ báo của bộ Công an về “kỷ luật chính trị”, trong đó ông ta cảnh cáo “những người hai mặt”, tức những người giả vờ tuân phục nhưng bí mật bất mãn và những người không thể hiện rõ lòng trung thành. Vương cho rằng những kẻ đó phải bị loại bỏ. Cụm từ “người hai mặt” có một ý nghĩa đặc biệt trong từ vựng của đảng Cộng sản, nó thường được dùng trong các quyết định kỷ luật của đảng.

Cảnh báo của ông Vương làm cho nhiều quan chức cao cấp của đảng Cộng sản Trung Quốc lạnh xương sống.

Có một cụm từ nữa khiến người ta hoảng sợ: “chỉnh huấn” (rectification).

Khắp nước Trung Quốc đang dấy lên một chương trình học tập chính trị trong các tổ chức chính trị và pháp lý, như cảnh sát, viện kiểm sát và tòa án; kêu gọi mọi người đẩy mạnh “cải tạo bản thân” theo “tinh thần chỉnh huấn”, noi gương Phong trào Chỉnh huấn Diên An do Mao Trạch Đông thực hiện trong thập niên 1940 tại Diên An (Yan’an) tỉnh Thiểm Tây – căn cứ địa của cách mạng cộng sản Trung Quốc. Thực chất của cuộc chỉnh huấn Diên An là thủ đoạn của Mao nhằm tiêu diệt các đối thủ chính trị trong đảng Cộng sản.

Việc phát động trở lại Phong trào Chỉnh huấn làm sống dậy bóng ma của một cuộc thanh trừng mới, nhắm vào những người mà ông Tập và đồng đảng cho là những kẻ thù chính trị.

Bài báo của ông Vương và phong trào chỉnh huấn dường như đang gửi đi một thông điệp: “Sắp có cuộc thanh trừng. Mọi người hãy cẩn trọng”.

Trong thực tế, cuộc thanh trừng đã bắt đầu.

Hồi giữa tháng Tám, ông Gong Daoan (Cung Đạo An), Phó Thị trưởng kiêm Giám đốc Công an thành phố Thượng Hải, đã bị bắt giam để điều tra về “vi phạm luật pháp và kỷ luật trầm trọng”. Ông Cung là quan chức công an cấp thứ trưởng thứ ba bị hạ bệ trong năm nay.

Nhiều người đang phân vân không rõ chiến dịch chỉnh huấn có mở rộng ra ngoài các ngành công an và tư pháp hay không.

Hồi 2013, chỉ vài tháng sau ngày lên nắm quyền lực cao nhất Trung Quốc, ông Tập cũng đã phát động một chiến dịch chính trị tương tự trong đảng, mở màn cho cái gọi là chương trình chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi”. Lúc đó, ông Tập kêu gọi cán bộ công chức tiết kiệm, chống tiêu xài xa hoa lãng phí. Nhưng từ đó đến đại hội đảng năm 2017 rất nhiều quan chức cao cấp của đảng Cộng sản Trung Quốc đã lần lượt bị bắt bỏ tù về tội tham nhũng; nhiều người tự sát để không bị làm nhục.

Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” cũng không dung thứ những cán bộ cao cấp nhất – những người có quyền lực và ảnh hưởng tới mức được coi là những người có khả năng kế vị ông Tập trong tương lai.

Lần này, ông Tập lại kêu gọi người dân Trung Quốc “thắt lưng buộc bụng” để chống đỡ cuộc tấn công về kinh tế và thương mại của Mỹ có thể diễn ra; thậm chí ông kêu gọi người dân để dành tiền, bớt ăn uống nhậu nhẹt phung phí. Có phải ông ta muốn lặp lại thành công của các chiến dịch chính trị trước đây hay không? Có phải Phong trào Chỉnh huấn Diên An lại tái diễn hay không? Một bầu không khí lo sợ lại bao trùm xã hội Trung Quốc và không ai biết chắc mình có thể là nạn nhân kế tiếp của cuộc thanh trừng hay không.

Trong bóng tối của cuộc thanh trừng đang bắt đầu, người ta đang tìm kiếm và bàn bạc những dấu hiệu mơ hồ nhất báo trước chuyện gì sẽ xảy ra.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: