Cảnh giác trước một gã “giang hồ quốc tế”
Gần đây, Giám đốc Cơ quan Không gian Hoa Kỳ (NASA) – Bill Nelson – đã bày tỏ lo ngại về tham vọng của Trung Quốc trong không gian và đặc biệt, Trung Quốc, bằng một cách nào đó, sẽ tuyên bố chủ quyền Mặt trăng và ngăn các quốc gia khác đổ bộ lên Mặt trăng. Trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo của Đức, Nelson cảnh báo, “Chúng tôi thực sự lo ngại Trung Quốc sẽ hạ cánh xuống Mặt trăng và nói: “Bây giờ Mặt trăng là của chúng tôi, mọi người nên tránh ra nó!”.
Phần mình, như mọi lần, Trung Quốc lên tiếng rằng cảnh báo này là “dối trá”. Cuộc tranh cãi giữa người điều hành NASA và các quan chức chính phủ Trung Quốc diễn ra vào thời điểm cả hai quốc gia đang chạy đua tiến hành các sứ mệnh liên quan Mặt trăng. Năm 2019, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh tàu vũ trụ xuống phía xa (cực) của Mặt trăng. Cùng năm đó, Trung Quốc và Nga công bố kế hoạch chung đến Cực Nam của Mặt trăng vào năm 2026.
Một số quan chức Trung Quốc và các tài liệu chính phủ nêu rõ ý định xây dựng một Trạm nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (International Lunar Research Station) thường trực, có người vào năm 2027. Khác biệt lớn giữa Trung Quốc và các quốc gia quan tâm đến Mặt trăng là Trung Quốc muốn thiết lập căn cứ trên Mặt trăng, thậm chí chiếm Mặt trăng làm của riêng! Dĩ nhiên chuyện này không dễ.
Chiến thuật “tích tiểu thành đại”
Xét về mặt pháp lý, Trung Quốc không thể chiếm Mặt trăng vì đi ngược lại luật không gian quốc tế hiện hành. Hiệp ước Không gian Bên ngoài (Outer Space Treaty), được thông qua vào năm 1967 và được ký bởi 134 quốc gia, gồm cả Trung Quốc, nêu rõ:
“Không gian bên ngoài, gồm Mặt trăng và các thiên thể khác, không thể bị bất cứ quốc gia nào chiếm đoạt bằng việc công bố chủ quyền, bằng cách chiếm đóng hoặc bằng bất kỳ phương tiện nào khác ”(Điều II).
Các học giả pháp lý đã tranh luận về ý nghĩa chính xác của từ “chiếm đoạt”, nhưng theo nghĩa đen, hiệp ước qui định “không quốc gia nào có thể chiếm hữu Mặt trăng và tuyên bố đặc quyền quốc gia của mình”. Nếu Trung Quốc cố gắng làm như thế, họ sẽ bị quốc tế lên án và có thể gặp phản ứng trả đũa. Tuy nhiên, dù không quốc gia nào có quyền sở hữu Mặt trăng, Điều I của OST cho phép “mọi quốc gia đều có thể khám phá và sử dụng không gian cũng như các thiên thể bên ngoài”.
Trung Quốc không là quốc gia duy nhất đến Cực Namcủa Mặt Trăng trong tương lai gần. Hiệp định Artemis do Hoa Kỳ dẫn đầu gồm 20 quốc gia có kế hoạch đưa con người trở lại Mặt trăng vào năm 2025, trong đó có việc thiết lập một trạm nghiên cứu trên bề mặt Mặt trăng và một trạm không gian hỗ trợ trên quỹ đạo gọi là Gateway, với kế hoạch triển khai vào Tháng Mười Một 2024.
Vấn đề ở chỗ, ngay cả khi không quốc gia nào được tuyên bố chủ quyền một cách hợp pháp đối với Mặt trăng, thì Trung Quốc, hoặc quốc gia nào đó, có thể cố gắng thiết lập quyền kiểm soát từng phần trên thực tế đối với các khu vực chiến lược quan trọng thông qua “thủ thuật” gọi là “salami slicing” (cắt lát xúc xích). Thủ thuật này liên quan việc thực hiện các “chiếm hữu” nhỏ, nhưng cộng dồn lại sẽ có được một miếng lớn. Cái lợi là ở chỗ, chiếm từng miếng nhỏ sẽ không bị phản ứng mạnh mẽ của quốc tế nhưng “tích tiểu thành đại” sẽ rất lớn. Trung Quốc đang sử dụng thủ thuật này ở các vùng biển gần Trung Quốc gọi là “Hoa Nam” và “Hoa Đông”. Đối với Mặt trăng, cách làm này sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng khả thi – như được phân tích từ The Conversation.
Tham vọng không tưởng
Với diện tích bề mặt gần 14.6 triệu dặm vuông (39 triệu km2), tức gần gấp năm diện tích nước Úc nên bất kỳ sự kiểm soát nào đối với toàn bộ Mặt trăng đều bất khả thi. Để vượt qua trở ngại này, Trung Quốc sẽ cố gắng kiểm soát các khu vực cụ thể có giá trị chiến lược trên Mặt trăng, chẳng hạn miệng núi lửa có nồng độ băng nước cao hơn. Băng trên Mặt trăng rất quan trọng vì nó sẽ cung cấp nước cho con người mà không cần vận chuyển tốn kém từ Trái đất.
Nước đá cũng là nguồn cung cấp oxy và hydro quan trọng, có thể sử dụng làm nhiên liệu cho hỏa tiễn. Nói tóm lại, nước đá rất cần thiết để đảm bảo tính bền vững và khả năng sống sót của bất kỳ sứ mệnh nào lên Mặt trăng hoặc xa hơn. Nhưng để tiếp cận và thực thi quyền kiểm soát các khu vực chiến lược của Mặt trăng sẽ đòi hỏi các khoản đầu tư tài chính đáng kể và nỗ lực lâu dài. Không quốc gia nào có thể làm được điều này trong bí mật. Vậy nguồn lực và khả năng của Trung Quốc có đủ không?
Trung Quốc đang đầu tư mạnh vào không gian. Năm 2021, nước này dẫn đầu về số lần phóng lên quỹ đạo với tổng số 55 lần so với 51 của Mỹ. Trung Quốc cũng nằm trong top 3 về phóng tàu vũ trụ trong năm 2021. Công ty vũ trụ StarNet thuộc sở hữu nhà nước đang lên kế hoạch cho một chùm vệ tinh gồm 12,992 đơn vị, và Trung Quốc sắp xây dựng xong Trạm không gian Thiên Cung (Tiangong).
Đi lên Mặt trăng rất tốn kém; “tiếp quản Mặt trăng” còn tốn nhiều hơn. Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều tăng ngân sách không gian vào năm 2020 (Hoa Kỳ tăng 5.6%, Trung Quốc tăng 17.1% so với năm trước), nhưng ngân sách không gian của Trung Quốc chỉ khoảng $13 tỷ, vẫn chỉ bằng một nửa ngân sách NASA. Ngay cả khi ngân sách tăng, Trung Quốc dường như không đầu tư đủ số tiền cần thiết để thực hiện sứ mệnh tốn kém, táo bạo và không chắc chắn là “tiếp quản” Mặt trăng. Bỏ qua sự tốn kém và mạo hiểm, nếu vẫn khư khư tìm cách kiểm soát một phần quan trọng của Mặt trăng, Trung Quốc sẽ làm hoen ố hình ảnh quốc tế của mình vì vi phạm OST và chắc chắn sẽ gặp phản ứng mạnh. Ít nhất ở thời điểm này, tất cả cho thấy tham vọng Trung Quốc sẽ khó thành hiện thực.