Trung Quốc ra sức lôi kéo Miến Điện

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Aung San Suu Kyi chụp ảnh lưu niệm tại Dinh Tổng thống Miến Điện hôm nay thứ Bảy 18-01-2020. Ảnh Shutterstock

HIẾU CHÂN

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến viếng thăm chính thức hai ngày tới Miến Điện (Myanmar) nhằm thúc đẩy việc tái tục các dự án hạ tầng cơ sở lớn trong chương trình “Nhất lộ, nhất đới” của Trung Quốc.

  • Ký kết nhiều dự án xây dựng trong Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Miến Điện.
  • Facebook xin lỗi vì dịch tên ông Tập thành “hố phân”.

Ông Tập cũng tìm cách củng cố vai trò của Trung Quốc là đối tác quốc tế gần gũi nhất của Miến Điện trong lúc nước này đang bị thế giới cô lập vì vi phạm nhân quyền trầm trọng trong vụ đàn áp người thiểu số Rohingya. Tháng trước, Tòa Công lý Quốc tế (International Court of Justice, ICJ) đã cáo buộc các lực lượng vũ trang Miến Điện phạm tội diệt chủng và Hoa Kỳ đã áp đặt lệnh cấm vận chống lại bốn sĩ quan cao cấp nhất của quân đội nước này, gồm cả tổng tư lệnh.

Trong cuộc khủng hoảng người Rohingya, Trung Quốc đứng về phía chính quyền Miến Điện, và nay Bắc Kinh tận dụng tình thế bị cô lập của Miến Điện để đẩy mạnh các nỗ lực biến đất nước có vị trí chiến lược này thành một đối tác quan trọng trong khu vực.

Ông Tập đã có cuộc thảo luận với nhà lãnh đạo thực tế của Miến Điện, Aung San Suu Kyi hôm thứ Bảy. Hai bên đã ký kết một loạt thỏa thuận thúc đẩy dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Miến Điện, một loạt những dự án đường sá, đô thị, thương mại và năng lượng trị giá nhiều tỷ đô la Mỹ, mở đường cho vùng tây nam Trung Quốc nằm sâu trong lục địa ra biển Ấn Độ Dương.

Dự án hành lang này gồm một cảng biển nước sâu và một đặc khu kinh tế ở Kyaukpyu trên bờ biển phía tây Miến Điện, một đường ống dẫn dầu khí và một tuyến đường sắt nối tới tỉnh Vân Nam (Yunnan) của Trung Quốc.

Cũng như ở nhiều nước khác, ở Miến Điện, các dự án kinh tế của Trung Quốc bị người dân phản đối mạnh mẽ vì nhiều lý do như không sử dụng nhân công địa phương, tàn phá môi trường, hối lộ tham nhũng và cưỡng chế đất đai của nông dân. Dự án xây dựng đập thủy điện Myitsone có vốn đầu tư tới 3,6 tỷ USD đã phải dừng vì người dân phản đối, hải cảng Kyaukpyu cũng phải thu hẹp quy mô so với mức vốn 7 tỷ USD dự tính ban đầu.

Tại thủ đô Naypyitaw của Miến Điện, ông Tập đã hết lời ca ngợi mối quan hệ “anh em” giữa Trung Quốc và Miến Điện, tuy nhiên giới lãnh đạo Miến Điện tỏ ra thận trọng trong việc tiếp nhận dòng vốn đầu tư Trung Quốc. Phát biểu hôm qua thứ Sáu 17-01, bà Suu Kyi nhấn mạnh yêu cầu phải tránh xâm hại môi trường và phải bảo đảm sự phát triển của người dân khi thực hiện các dự án đã ký kết.

Miến Điện thực hiện bầu cử dân chủ năm 2015, sau nhiều thập niên sống dưới chế độ độc tài quân phiệt. Đảng Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành được đa số ghế quốc hội nhưng quân đội vẫn nắm giữ những đòn bẩy quyền lực chính yếu.

Cuộc chuyển hóa chính trị đã giúp kết thúc thời kỳ bị cô lập về kinh tế và ngoại giao của Miến Điện, từ năm 2015 các chính phủ phương Tây bắt đầu bỏ cấm vận, xóa nợ vay và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào Miến Điện. Có lúc nước này được coi là một trường hợp thành công trong công cuộc “thoát Trung” – xa rời ảnh hưởng của Trung Quốc và tiệm cận các giá trị tự do dân chủ của thế giới. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã hai lần đến thăm Miến Điện và cũng đã tiếp bà Suu Kyi tại tòa Bạch Ốc năm 2016.

Thế rồi xảy ra vụ quân đội Myanmar đàn áp dã man người dân sắc tộc Rohingya theo Hồi giáo ở bang Rakhine phía bắc Miến Điện, buộc hơn 700.000 người Rohingya chạy sang nước láng giềng Bangladesh để lánh nạn. Người tị nạn kể lại những câu chuyện rùng rợn về những vụ tàn sát hàng loạt, hãm hiếp, đốt phá làng mạc do quân đội Miến Điện tiến hành.

Washington lên tiếng yêu cầu Miến Điện trừng trị những kẻ gây tội ác, nhưng chính quyền Miến Điện nói rằng, quân đội của họ chỉ chống khủng bố và không sử dụng vũ lực quá đáng. Quan hệ giữa Miến Điện và Hoa Kỳ, cũng như với Nhật Bản và châu Âu rơi trở lại tình trạng đóng băng u ám.

Vụ khủng hoảng đã mở lại cơ hội cho Trung Quốc. Bắc Kinh đứng ra bảo kê chính trị cho Miến Điện tại Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế, đổi lại Miến Điện phải tạo điều kiện cho Trung Quốc thúc đẩy dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Miến Điện trong tổng thể chương trình “Nhất lộ, nhất đới”. Một lần nữa, Miến Điện lại rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.

“Thực tế, phương Tây đã thắng, rồi lại mất Miến Điện. Yếu tố chính là cuộc khủng hoảng Rohingya,” ông David Mathieson, một phân tích gia độc lập ở Yangon, Miến Điện, nhận định.

* Liên quan tới chuyến thăm Miến Điện của ông Tập, hôm nay thứ Bảy 18-01, hãng tin Reuters đưa tin tập đoàn Facebook cho biết họ đang tìm hiểu tại sao tên của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, khi dịch sang tiếng Anh, đã biến thành “Mr. Shithole” (ngài Hố Phân). Lỗi biên dịch này xuất hiện nhiều chỗ trong một bản tin trên trang Facebook chính thức của bà Suu Kyi, nhà lãnh đạo Miến Điện, thông báo về cuộc hội đàm với ông Tập. Một tờ báo địa phương, the Irrawaddy, cũng chạy bản tin có tiêu đề “Dạ yến chào mừng chủ tịch hố phân” (“Dinner honors president shithole”)!

“Chúng tôi đã sửa chữa vấn đề liên quan tới việc dịch từ tiếng Burmese sang tiếng Anh trên nền tảng Facebook, đang tìm hiểu nguyên nhân và bảo đảm sẽ không xảy ra sự cố tương tự trong tương lai… Chúng tôi thành thật xin lỗi về sự xúc phạm mà sự cố gây ra,” thông báo của Facebook nêu rõ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: