Trung Quốc tẩy chay các hãng thời trang quốc tế

Công ty H&M chú trọng thị trường châu Á, nhưng đang bị tẩy chay ở Trung Quốc. Ảnh minh họa: khai trương cửa hàng H&M đầu tiên ở Sài Gòn năm 2017. Ảnh H&M Group

Hàng loạt thương hiệu thời trang quốc tế đang đối mặt với làn sóng “tẩy chay” ở Trung Quốc sau khi bày tỏ lập trường chống lại việc sử dụng lao động cưỡng bức trong ngành trồng bông và sản xuất bông vải ở tỉnh Tân Cương miền tây nước này.

Hồi tháng Chín năm ngoái, các công ty H&M, Nike đã bày tỏ mối lo ngại trước những thông tin cho rằng lao động cưỡng bức đã được sử dụng trong ngành sản xuất bông vải ở tỉnh Tân Cương nhưng đến đầu tuần này trên các mạng xã hội ở Trung Quốc mới bùng phát một cơn bão chính trị kêu gọi tẩy chay sản phẩm của các thương hiệu này. Chính phủ Hoa Kỳ cho rằng đây là một phong trào do nhà cầm quyền Trung Quốc kích động để trả đũa việc Liên Âu, Anh quốc, Canada và Hoa Kỳ mới đây đã ra lệnh trừng phạt các quan chức công an của tỉnh Tân Cương vì hành vi vi phạm nhân quyền của người sắc tộc Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo.

Công ty H&M (Thụy Điển) – nhà bán lẻ quần áo lớn thứ hai thế giới – cho biết sản phẩm của họ đã bị đưa ra khỏi các sàn thương mại điện tử Trung Quốc như Alibaba và JD.com, bảng quảng cáo của họ bị tháo xuống khỏi mặt tiền các trung tâm thương mại.

Nhân Dân nhật báo – cơ quan tuyên truyền chính của đảng Cộng sản Trung Quốc – hôm qua thứ Năm đã đăng bài phê phán nặng nề Nike, Adidas, Burberry, New Balance và hàng chục công ty thời trang trong Sáng kiến Bông vải Tốt hơn (Better Cotton Initiative, BCI) – tổ chức đã bày tỏ lo ngại về việc sản xuất bông vải ở Tân Cương. Tờ báo kêu gọi tẩy chay sản phẩm của các thương hiệu quốc tế, cáo buộc họ “thu lợi lớn ở Trung Quốc nhưng đồng thời tấn công Trung Quốc bằng những lời dối trá”, theo trích dẫn của CNN.

Hàng chục các nhân vật nổi tiếng trong giới giải trí Trung Quốc đã cắt hợp đồng quảng cáo hoặc cho biết sẽ chấm dứt hợp đồng với các thương hiệu thời trang, bao gồm Nike, Adidas, Puma, Converse, Tommy Hilfiger và Uniqlo.

Hành động tẩy chay của khách hàng Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư lo ngại. Trong phiên giao dịch hôm qua thứ Năm, giá cổ phiếu của Nike giảm 3%, của Adidas giảm hơn 6% ở thị trường chứng khoán New York; giá Burberry giảm 4% ở thị trường chứng khoán London và H&M giảm 2% ở Thụy Điển.

Theo nhà phân tích Aneesha Sherman của công ty đầu tư Bernstein, tác động đó chỉ là thoáng qua. Giá cổ phiếu của H&M tăng lại 2%, của Nike tăng 1,5% trước giờ mở cửa phiên giao dịch hôm nay thứ Sáu 26-03. Thị trường Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 5% tổng doanh số của H&M trong năm 2019, ở các công ty khác tỷ lệ còn ít hơn nữa. Vụ tẩy chay có thể sẽ không gây thiệt hại nặng cho các công ty, tuy nhiên trong thời buổi làm ăn khó khăn do đại dịch, nó cũng đặt ra những thách thức khó chịu cho các thương hiệu phương Tây đang cố chinh phục sức mua lớn của khách hàng Trung Quốc.

“Thật là một tình huống khó giải quyết cho các nhà quản lý công ty; họ không thể từ bỏ lập trường của mình nhưng đồng thời họ cũng không thể từ bỏ thị trường Trung Quốc,” bà Sherman nói với CNN.

Các công ty thời trang Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng khó khăn của các thương hiệu quốc tế để mở rộng ảnh hưởng. Đài CNN cho biết các công ty Trung Quốc như Anta Sports, FILA China đã lập tức quảng cáo sản phẩm của họ sử dụng “bông vải Tân Cương” hoặc bông vải Trung Quốc. Trong nhóm này có cả tập đoàn bán lẻ Muji của Nhật Bản và hãng giày Sketcher có trụ sở ở California.

Cộng đồng quốc tế  cần“chống lại việc Trung Quốc coi sự phụ thuộc của các công ty tư nhân vào thị trường của họ như một thứ vũ khí làm triệt tiêu quyền tự do biểu đạt, ngăn chặn cung cách kinh doanh phù hợp với đạo đức”.

Jen Psaki, Thư ký Báo chí Tòa Bạch ốc

Các tổ chức nhân quyền quốc tế, các chính phủ phương Tây và cả đặc phái viên nhân quyền của Liên hiệp quốc đều lên án Bắc Kinh giam cầm hàng triệu người thiểu số Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung ở Tân Cương, và khai thác lao động cưỡng bức của họ để làm ra các sản phẩm xuất cảng với giá rẻ. Nhiều sản phẩm như vậy được cung cấp cho các dây chuyền cung ứng toàn cầu, các chuỗi thương mại đa quốc gia, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

Trong năm vừa qua, nhiều công ty phương Tây nói họ sẽ xem xét mạng lưới cung ứng toàn cầu của mình để bảo đảm không sử dụng sản phẩm bông vải từ Tân Cương sau khi có những cáo buộc về lao động cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ.

Tháng Mười Hai năm ngoái, chính phủ Hoa Kỳ đã đình chỉ toàn bộ các lô hàng bông vải nhập cảng từ Tân Cương với lo ngại chúng “có thể được làm ra bởi lao động nô lệ ở vài nơi vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất ngày nay”. Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, ông Mike Pompeo, còn lên án Bắc Kinh “phạm tội diệt chủng” trong việc đàn áp người thiểu số ở Tân Cương – một nhận định mà Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng hiện nay Antony Blinken tán thành.

Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của phương Tây. Nhưng cuối tuần qua, khi Liên Âu, Anh quốc, Canada và Hoa Kỳ đồng loạt ban hành lệnh cấm vận các quan chức Trung Quốc liên quan tới Tân Cương thì Bắc Kinh đưa ra các biện pháp chống trả, cấm vận các quan chức Liên Âu vì “lan truyền những lời dối trá một cách độc ác”, đồng thời kích động một chiến dịch trả đũa nhắm vào các công ty đa quốc gia của phương Tây.

Chính phủ Hoa Kỳ đã lên án hành động tẩy chay của Trung Quốc mà họ cho rằng do chính quyền Bắc Kinh dàn dựng và điều khiển. Sáng nay thứ Sáu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter nói, chính phủ Biden đứng cùng với các công ty tuân thủ pháp luật Hoa Kỳ và bảo đảm sản phẩm tiêu dùng tại Mỹ không được sản xuất bằng lao động cưỡng bức. “Chúng tôi ủng hộ và khuyến khích các doanh nghiệp tôn trọng nhân quyền theo đúng các nguyên tắc hướng dẫn của Liên hiệp quốc về kinh doanh và nhân quyền, hướng dẫn của tổ chức OECD cho các doanh nghiệp đa quốc”, bà Porter nói, theo Reuters. 

Trước đó, Thư ký Báo chí Tòa Bạch ốc Jen Psaki kêu gọi cộng đồng quốc tế “chống lại việc Trung Quốc coi sự phụ thuộc của các công ty tư nhân vào thị trường của họ như một thứ vũ khí làm triệt tiêu quyền tự do biểu đạt, ngăn chặn cung cách kinh doanh phù hợp với đạo đức”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: