Bắc Kinh mới đây giận dữ lên tiếng phản đối Washington, sau khi nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma lưu vong được các quan chức cấp cao của Mỹ tại New York trọng vọng khi tiếp đón.
Trung Cộng vẫn luôn cảnh cáo Hoa Kỳ về chuyện không được cho phép Đức Đạt Lai Lạt Ma tham gia vào “các hoạt động ly khai” khi đến thăm đất nước này, và Bắc Kinh đã “long trọng phản đối” – tức một hình thức phản đối cao độ về mặt ngoại giao – với Washington sau khi các quan chức cấp cao của Mỹ phớt lờ lời cảnh cáo, và vẫn tìm gặp nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong của người Tây Tạng ở New York, hôm thứ Tư 21 Tháng Tám.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng Mao Ning cho biết hôm Thứ Năm: “Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào cho phép Đạt Lai Lạt Ma đến thăm dưới bất kỳ lý do gì, và kiên quyết phản đối bất kỳ quan chức chính phủ của bất kỳ quốc gia nào gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, dù ở bất kỳ hình thức nào.”
Ý của Trung Cộng là muốn cô lập Đức Đạt Lai Lạt Ma trên toàn bộ phương diện ngoại giao và chính trị thế giới, kể cả với các quan chức về y tế, mặc dù Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố rời khỏi những vai trò lãnh đạo chính trị từ năm 2011. Bắc Kinh lên giọng, coi việc các quan chức cấp cao Hoa Kỳ thăm gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma tương đương cấu thành sự can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia vô thần này.
Trong khi đó, trong một tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, giám đốc nhân quyền Tòa Bạch Ốc Kelly Razzouk và Uzra Zeya, thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ về nhân quyền và điều phối viên đặc biệt về các vấn đề Tây Tạng, đã tới New York để xin hội kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tuyên bố cho biết cuộc gặp mặt với rất Đức Đạt Lai Lạt Ma “tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy nhân quyền của người Tây Tạng.”
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tỵ nạn sang Ấn Độ vào năm 1959 sau cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của Trung Cộng ở Tây Tạng thất bại. Hiện ngài tới New York để tiếp tục điều trị cho chứng đau đầu gối của mình. Đây là lần thứ hai ông trở lại Mỹ, lần đầu là vào năm 2017.
Tháng trước, Bắc Kinh cũng bày tỏ sự phản đối cực lực với Washington sau khi Tổng Thống Joe Biden ký Đạo Luật Resolve Tibet Act, trong đó kêu gọi Bắc Kinh nối lại đối thoại trực tiếp với Đức Đạt Lai Lạt Ma để giải quyết những khác biệt, và kêu gọi một thỏa thuận đàm phán về Tây Tạng.
Vì sao Bắc Kinh lúc này đột ngột giận dữ về câu chuyện của một tu sĩ Phật giáo đã 89 tuổi, không màng đến chính trị như vậy? Những nhà phân tích nói, đó là biểu lộ cho việc thất bại cay đắng của Trung Cộng sau khi tổ chức một chiến dịch bôi nhọ tốn kém và rộng lớn nhất, từ trước đến nay vào một cá nhân. Kết quả tổng chiến dịch bôi nhọ bí mật và công phu đó, chỉ diễn ra rầm rộ trong vài chục ngày và bị phơi bày.
Hồi đầu Tháng Tư năm 2023, một chiến dịch bôi nhọ toàn cầu được chỉ đạo, để chống lại Đức Đạt Lai Lạt Ma, được Bắc Kinh tung ra trên mạng xã hội.
Đối với nhiều người, những chuyện như vậy không có gì mới từ nhiều năm nay. Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, sống lưu vong ở Ấn Độ, sau khi ông bị buộc phải rời khỏi quê hương của mình, bị chiếm đóng bởi Trung Cộng thời Mao. Dù bây giờ chỉ là một nhà hoạt động tôn giáo thuần túy ôn hòa và kêu gọi yêu thương nhưng chế độ Trung Cộng luôn bày tỏ một thái độ căm ghét đến cực độ, thậm chí có thể ghép tội hình sự khi bất kỳ người dân Tây Tạng lưu giữ một bức ảnh của ngài. Kể từ sau khi truy đuổi, tìm cách bắt giữ và ám sát thất bại, các quan chức Trung Cộng đã phỉ báng Đức Đạt Lai Lạt Ma bằng mọi cách có thể.
Truyền thông tuyên truyền của Cộng Sản Trung Quốc cố gắng vẽ Đức Đạt Lai Lạt Ma như một kẻ ấu dâm và ghê tởm. Sự kiên trì bôi nhọ này cũng đạt được một kết quả nhất định với những người có định kiến và thù ghét tôn giáo cũng như thiếu hiểu biết rộng rãi về lịch sử và văn hóa Tây Tạng.
Câu chuyện được sử dụng để làm lệch đi ý nghĩa của nó, và thao túng với những người chưa biết về văn hóa Tây Tạng, xảy ra ở Dharamsala. Một bà mẹ Ấn Độ làm việc với các tổ chức từ thiện cho người tị nạn Tây Tạng tìm cách đặt lịch cho đứa con trai nhỏ của mình (khoảng 8 tuổi) đến gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma. Việc này diễn ra vào ngày 28 Tháng Hai, những đoạn phim được đăng tải lên mạng, chỉ là kỷ niệm ngày vui đặc biệt.
Các cán bộ dư luận viên Trung Cộng mừng như bắt được vàng khi tìm thấy đoạn video từ này. Họ cắt bỏ một phần để làm giống như Đức Đạt Lai Lạt Ma muốn hôn cậu bé 8 tuổi. Trong video mô tả, cho thấy “ông ấy thè lưỡi ra và nói bằng tiếng Anh, là “Hãy mút lưỡi của ông đi!'”
Sử dụng một tài khoản Twitter được thành lập rất nhanh sau đó, đoạn clip đã được gửi đi với lời nói tục tĩu “Pedo-Dalai Lama.” lan truyền thông qua các tài khoản bot được liên kết và mạng lưới của những người ủng hộ chế độ Trung Cộng trên khắp thế giới. Chỉ trong vài ngày, clip này có hàng triệu lượt truy cập. Và cứ thế nó tiếp tục, với rất nhiều meme chồng chất cũng những lời lên án.
Trong những năm gần đây, Trung Cộng dồn các nguồn lực mới vào việc thao túng mạng xã hội ở nước ngoài, không chỉ ở trong nước; sử dụng nền tảng toàn cầu, không phải nền tảng trong nước. Họ nhận ra rằng làm cho thế giới bị hỗn loạn chính là cơ hội của mình.
Nhưng thực tế chuyện gì đã xảy ra? Hóa ra ở Tây Tạng, người ta có phong tục cho con ăn bằng miệng – một phong tục dường như vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở Amdo, quê hương cũ của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Từ bối cảnh này xuất hiện một trò đùa thường trực mà những người Tây Tạng lớn tuổi thường dùng khi họ không còn đồ ăn hay đồ ngọt để cho con cháu mình: Họ sẽ lè lưỡi và nói với đứa trẻ, “Con có thể ăn lưỡi của ta, vì ta không còn gì khác nữa.” Việc Đức Đạt Lai Lạt Ma nói “ngậm” thay vì “ăn” có lẽ là vì ngài đang nghĩ đến kẹo chứ không phải đồ ăn – từ gốc tiếng Tây Tạng là che le sa, nghĩa đen là “ăn lưỡi của tôi.”
Không có gì “khiêu dâm” trong toàn bộ video. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với cậu bé về việc khi còn nhỏ, ông thường cãi nhau với anh trai mình, rồi đùa giỡn, tựa đầu vào vai cậu bé như tỏ thái độ thương yêu. Sau đó, ông áp trán mình vào trán cậu bé – một cử chỉ tôn trọng truyền thống khác, được gọi là oothuk (giống như cái bắt tay trang trọng ở phương Tây).
Bản thân cậu bé đã được phỏng vấn sau đó, cũng như mẹ cậu (người ngồi cách đó vài mét trong suốt quá trình tương tác). Cả hai sau đó, đều mô tả sự vui mừng khôn xiết khi có được khoảnh khắc này.
Ban đầu cậu bé Ấn Độ hỏi liệu cậu có thể “ôm” Đức Đạt Lai Lạt Ma không. Lúc đầu Đức Đạt Lai Lạt Ma không hiểu hoàn toàn ý nghĩa. Ở Tây Tạng người ta thường không ôm hay bắt tay. Nhưng cậu bé đã có được những giây phút tuyệt vời nhất của đời mình: oothuk, po và trò đùa “che le sa” cùng với một cái ôm, một cái bắt tay và một cuộc trò chuyện hài hước, như mọi người thấy trong toàn bộ video.
Magnus Fiskesjö, với tư cách là một nhà nhân chủng học, lên tiếng trước những trò bóp méo thông tin của Trung Cộng và chi phối một phần thế giới, rằng toàn bộ sự việc không chỉ minh họa “tâm trí đã bị vấy bẩn” của con người ở thời hiện đại đã quen với nhiều điều xấu xa. “Thao túng sự khác biệt về văn hóa và các tập quán cơ thể, có thể bị dịch sai như thế nào, đã được Trung Cộng lợi dụng thật điêu xảo,” Magnus Fiskesjö nói.
“Chúng ta phải khâm phục kỹ năng bóp méo và tuyên truyền Trung Cộng,” ông Magnus Fiskesjö nhấn mạnh. “Họ biết rõ khán giả của mình và ngay lập tức nhìn thấy sơ hở. Hầu hết mọi người ở phương Tây đều không biết gì về các tập tục văn hóa của người Tây Tạng, chứ đừng nói đến việc đùa ‘ăn lưỡi của tôi’ như một khái niệm phi tình dục.”
Như nhà hoạt động lưu vong Tây Tạng Lhadon Tethong nói trong một cuộc hội luận gần đây, rằng mục tiêu hủy hoại hình ảnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma, là một trong những phương thức nhằm đánh lạc hướng thế giới khỏi cuộc đàn áp kịch tính mới bên trong Tây Tạng do Trung Cộng chiếm đóng. Các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc cũng đưa ra cảnh báo rằng chính quyền Trung Cộng đang cố che giấu việc giam giữ một số lượng lớn cả trẻ em và người lớn ở Tây Tạng, để xóa bỏ văn hóa của họ và biến họ thành những người lao động nói tiếng Trung Cộng – theo mô hình của cuộc diệt chủng song song quy mô lớn chống lại người Duy Ngô Nhĩ.
Bên cạnh những câu chuyện thời sự về các chức sắc nhiều tôn giáo đang mắc tội ấu dâm, và thành một nỗi ám ảnh với công chúng, kết hợp cả hai điều này lại, các nhà tuyên truyền cộng sản đã nhìn thấy cơ hội vẽ ra Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng là một kẻ “ấu dâm.”
Thủ đoạn đã thành công ngoài mong đợi, thiệt hại uy tín trong phút chốc đã lan ra trên toàn cầu cho danh tiếng của Đức Đạt Lai Lạt Ma và người dân Tây Tạng. Hàng triệu người ở Hoa Kỳ, Châu Âu và xa hơn nữa – do thành kiến trước đó, cùng với xu hướng tự cho mình là đúng để đi đến kết luận, kết hợp với sự thiếu hiểu biết rộng rãi về Tây Tạng.
Áp lực ồn ào của quốc tế đã khiến văn phòng của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đưa ra lời xin lỗi, vì quyết định không muốn tạo thêm tranh cãi và cơ hội tấn công từ phía Trung Cộng. Nhận thức là vấn đề của thời gian và hiểu biết, và không thể thay đổi được mọi thứ tức thì chỉ qua một lời tranh cãi. Đức Đạt Lai Lạt Ma gửi đi thông điệp rằng xin lỗi vì “những tổn thương mà lời nói của ông có thể đã gây ra.” Nhưng điều này đã khiến nhiều người Tây Tạng thất vọng hơn, vì thấy rõ ràng thế giới sống đặc biệt của họ không được bên ngoài nhìn thấy, và hiểu.
Và cũng chính vì lý do này Bắc Kinh giận dữ liên tiếp lên án Hoa Kỳ về việc tiếp xúc với một thành phần “bất mãn chính trị” Tây Tạng, nhưng không dám nhắc gì về cái gọi là “ấu dâm” họ đã dày công gán đặt cho Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Nếu tính luôn cả tổng chiến dịch bôi nhọ uy tín của Đức Đạt Lai Lạt Ma lần này, có thể nói Trung Cộng đã bỏ ra một ngân sách khổng lồ và lần lượt hàng ngàn lần như vậy trong cả một đời người, chỉ để tấn công một tu sĩ với niềm tin Phật giáo tự do của quê hương mình.