Biển Đông và Đệ Tam Thế Chiến

Một tàu Hải Cảnh Trung Quốc bắn vòi rồng vào Unaizah – con tàu được Hải Quân Philippines thuê, thực hiện nhiệm vụ tiếp tế thường lệ cho quân đội đóng tại Bãi cạn Second Thomas, vào ngày 05 Tháng Ba năm 2024 trên Biển Đông. Philippines cho biết các tàu của Philippines và Trung Quốc va chạm trên biển, khiến 4 người Philippines bị thương nhẹ sau khi kính chắn gió của một tàu tiếp tế bị vòi rồng bắn vỡ. (Hình: Ezra Acayan/Getty Images)

Từ ngày 15 Tháng Sáu, lực lượng Cảnh Sát Biển (Hải Cảnh) Trung Quốc sẽ bắt đầu khám tàu và bắt người trên các vùng biển theo một quy định mới có tên “Thủ tục thực thi luật hành chánh của các cơ quan tuần duyên” do chính phủ nước này ban hành hôm 15 Tháng Năm.

Hành động mới của Trung Quốc chắc chắn làm leo thang xung đột trên Biển Đông, thậm chí khơi mào đụng độ quân sự trực tiếp với Hoa Kỳ và mở màn cuộc chiến tranh Đệ Tam Thế Chiến.

Quy định nói trên cho phép Hải Cảnh Trung Quốc chặn đường, lên tàu điều tra và bắt giữ mọi nhân sự và tàu bè của “những người nước ngoài xâm phạm hoặc có hành vi hỗ trợ xâm phạm lãnh hải hoặc vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, gây nguy hiểm cho an ninh và lợi ích quốc gia của Trung Quốc.” Trong những vụ đơn giản, người và tàu thuyền vi phạm sẽ bị giam giữ tới 30 ngày không cần xét xử; còn trong những vụ phức tạp, thời hạn giam giữ có thể kéo dài tới 60 ngày. Hải Cảnh Trung Quốc cũng được phép sử dụng vũ lực để khống chế những người chống đối việc bắt giữ.

Những người am hiểu luật pháp đều cho rằng đây là điều chưa từng có trong luật pháp và thông lệ quốc tế. Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) quy định mọi quốc gia đều có quyền tự do hàng hải và hàng không ở tất cả các vùng biển quốc tế, thậm chí được quyền “đi qua vô hại” trong lãnh hải rộng 12 hải lý của các quốc gia ven biển mà không cần phải khai báo. Bằng việc ban hành và thực thi một quy định chưa từng có như vậy, Trung Quốc mặc nhiên biến Biển Đông thành một cái “ao nhà” của họ, theo ngôn ngữ pháp lý là “vùng nội thủy,” ở đó họ tùy tiện áp dụng luật quốc nội bất chấp thực tế đây là vùng biển nhộn nhịp nhất của hàng hải thế giới.

Vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền thể hiện trong “đường lưỡi bò chín đoạn” do nước này vẽ ra, bao phủ 90% diện tích Biển Đông, lấn sâu vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Theo quy định mới của Trung Quốc, hoạt động của các nước ven Biển Đông kể trên – bao gồm thăm dò và khai thác dầu khí, đánh cá, tập trận,… – trong vùng EEZ của mình nhưng chồng lấn với khu vực đường chín đoạn mà Bắc Kinh vẽ ra đều bị coi là gây hại cho Trung Quốc, do đó có nguy cơ bị Hải Cảnh Trung Quốc ngăn cản và bắt giữ. Thành phần bị xâm hại trước tiên là ngư dân Việt Nam, Philippines mà nhiều đời nay đã mưu sinh trên các ngư trường giàu hải sản của khu vực.

Yêu sách chủ quyền quá đáng đó của Trung Quốc đã bị Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc tại La Haye, Hòa Lan tuyên bố là “không có căn cứ theo luật pháp quốc tế” trong phán quyết ngày 14 Tháng Bảy, 2016, kết thúc vụ kiện mà Philippines khởi xướng năm 2013. Bắc Kinh chẳng những không chấp nhận phán quyết mà còn trở nên quyết đoán hơn.

Chính phủ Philippines đã phản đối kịch liệt quy định mới của Trung Quốc và tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ vụ bắt giữ công dân hoặc ngư dân nào trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Ngày 19 Tháng Năm, ông Ferdinand Marcos Jr., tổng thống Philippines, cảnh báo: “Những quy định kiểu như vậy là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp để luôn bảo vệ công dân của mình.” Bộ Ngoại Giao Việt Nam không trả lời một cách cụ thể Việt Nam có phản đối quy định mới của Trung Quốc hay không.

***

Tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã có từ lâu, ít nhất là từ thập niên 1970 và càng ngày Bắc Kinh càng có những thủ đoạn thâm độc, lấn dần từng bước theo kiểu “tằm ăn dâu” để biến tham vọng đó thành hiện thực. Việc ban hành và thực thi quy định bắt giữ nói trên là bước mới nhất trong chuỗi hành động càn rỡ của Bắc Kinh, lợi dụng lúc Hoa Kỳ và thế giới đang bận tâm với cuộc chiến tranh ở Ukraine và Israel.

Va chạm giữa Trung Quốc với Philippines và Việt Nam gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Truyền thông quốc tế đã có nhiều bài tường thuật các vụ Hải Cảnh Trung Quốc tấn công các tàu nhỏ hơn của Tuần Duyên Philippines bằng vòi rồng cực mạnh, bằng chùm tia laser cấp quân sự trong khu vực gần bãi cạn Scarborough và Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), nơi có một tiền đồn của Philippines do một nhóm lính thủy trấn giữ trong chiếc tàu chiến gỉ sét mà Manila cố tình cho mắc cạn vào năm 1999 để làm cột mốc lãnh thổ.

Nhân viên tàu tuần duyên Philippines của BRP Sindangan triển khai chắn bùn khi va chạm với tàu Hải Cảnh Trung Quốc trong lúc các tàu Philippines thực hiện nhiệm vụ tiếp tế thường lệ cho quân đội đóng tại Bãi cạn Second Thomas, vào ngày 05 tháng 3 năm 2024 trên Biển Đông. (Hình: Ezra Acayan/Getty Images)

Mới đây nhất, ngày 7 Tháng Sáu, Hải Quân Philippines cáo buộc Hải Cảnh Trung Quốc cản trở nỗ lực di tản một thành viên bị bệnh trên tàu BRP Sierra Madre trên Bãi Cỏ Mây, gọi hành động đó là “tàn bạo và vô nhân đạo.” Phía Trung Quốc nói họ sẽ cho phép Philippines vận chuyển hàng tiếp tế và di tản binh lính khỏi chiếc tàu chiến nếu Manila báo trước với Bắc Kinh. Đáp lại, ông Eduardo Ano, cố vấn an ninh quốc gia Philippines, tuyên bố Manila sẽ tiếp tục hoạt động tiếp tế và duy trì các tiền đồn trên Biển Đông mà không cần xin phép bất kỳ quốc gia nào.

Sau sự việc đó, tổng thống Philippines nói với quân đội rằng Philippines cần chuẩn bị cho mọi tình huống xấu có thể xảy ra do hành động leo thang xung đột của thế lực ngoại bang ở Biển Đông. “Sự đe dọa từ các thế lực ngoại bang đang ngày càng trở nên rõ ràng và đáng lo ngại. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải chuẩn bị,” ông Marcos phát biểu hôm 10 Tháng Sáu.

Cùng thời điểm này, Việt Nam lên tiếng phản đối việc Hải Quân Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 26 vào hoạt động trái phép trong vùng EEZ của Việt Nam, có lúc chỉ cách bán đảo Sơn Trà thuộc thành phố Đà Nẵng khoảng 40 hải lý về phía Đông Bắc. Đáng chú ý đây là con tàu khảo sát của quân đội Trung Quốc, không phải tàu dân sự và thường bí mật xâm nhập vùng EEZ của nhiều nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Các nguồn tin mới nhất cho biết, tàu Hải Dương 26 đã rời vùng biển Việt Nam sau khi ông Tô Lâm, tân chủ tịch nước, tiếp ông Hùng Ba, đại sứ Trung Quốc, và nêu vấn đề với ông này.

____________________________

Trong lịch sử, nhiều cuộc chiến tàn khốc bắt đầu từ những biến cố rất nhỏ, một tính toán sai hoặc một sự hiểu lầm, dẫn tới hàng chục triệu sinh mạng bị giết, nhiều thành phố bị san bằng. Trong một bài đăng trên Asia Times ngày 4 Tháng Sáu, Giáo Sư Bob Savic, khoa chính trị và quan hệ quốc tế đại học University of Nottingham, Anh, nhắc lại cuộc chiến tranh Đệ Nhất Thế Chiến nổ ra ngày 28 Tháng Sáu, 1914, chỉ từ vụ ám sát Hoàng Thân Franz Ferdinand của hoàng gia Áo tại Sarajevo xứ Serbia, để rồi cả Âu Châu  bị lôi vào cơn binh lửa tàn khốc với hơn 20 triệu người thiệt mạng.

Lần này, cái chết của một thủy thủ Philippines ở Biển Đông có thể là biến cố tương tự, dẫn tới chiến tranh Đệ Tam Thế Chiến. “Trung Quốc và Hoa Kỳ phải bảo đảm họ sẽ không mộng du vào việc lặp lại thảm kịch 1914 vào nửa cuối Tháng Sáu, 2024, hoặc bất kỳ thời điểm nào trong tương lai,” ông Savic viết.

    ____________________________

Phản ứng của Philippines đối với Trung Quốc về Biển Đông đã cứng rắn hơn rất nhiều, nhất là sau hội nghị thượng đỉnh giữa tổng thống Philippines với Tổng Thống Mỹ Joe Biden ở thủ đô Washington ngày 12 Tháng Tư. Tổng Thống Biden tái khẳng định sự hỗ trợ “sắt đá” của Mỹ theo Hiệp Ước Phòng Thủ Chung Mỹ-Philippines ký kết năm 1951 và được củng cố bằng nhiều thỏa thuận sau này. Điều V của hiệp ước quy định, nếu lực lượng Philippines bị tấn công quân sự trên Biển Đông thì quân đội Mỹ sẽ can thiệp và bảo vệ đồng minh.

Tuy vậy, Điều IV của hiệp ước cũng quy định, sự can thiệp của quân đội Mỹ chỉ được thực hiện sau khi vụ tấn công quân sự đã được báo cáo lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và hành vi can thiệp sẽ chấm dứt sau khi Hội Đồng Bảo An có biện pháp cần thiết để vãn hồi và duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. Cho đến nay, Manila chưa lần nào báo cáo lên Hội Đồng Bảo An những vụ gây hấn của Hải Cảnh Trung Quốc và hành động gây hấn bằng vòi rồng, dù gây hư hại tàu thuyền và làm vài thủy thủ Philippines bị thương, vẫn chưa được coi là xung đột quân sự đến mức Manila yêu cầu Mỹ can thiệp. Có thể thấy, cho tới nay mặc dù Trung Quốc ngày càng hung hăng nhưng chưa dám vượt “lằn ranh đỏ,” thực hiện một hành động quân sự ở Biển Đông.

Nhưng tại Diễn Đàn An Ninh Quốc Tế Shangri-La ở Singapore hồi cuối Tháng Năm, tổng thống Philippines tuyên bố “nếu có một công dân Philippines bị giết do một hành vi cố ý thì sự kiện đó đã gần với cái mà chúng tôi định nghĩa là hành động chiến tranh.” Điều đó có nghĩa là, xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông, nếu gây chết người, thì nguy cơ chiến tranh sẽ rất gần. Một khi Manila kêu gọi sự hỗ trợ của Mỹ thì cuộc đối đầu giữa tàu Hải Cảnh Trung Quốc với chiến hạm của Hải Quân Mỹ có thể xảy ra.

Thật dễ tưởng tượng một diễn biến đáng sợ: một tàu Tuần Duyên Philippines làm nhiệm vụ tiếp tế cho tiền đồn ở Bãi Cỏ Mây thì bị Hải Cảnh Trung Quốc ngăn chặn và bắt giữ, phía Philippines chống đối và súng nổ, người chết. Máu kêu máu, thêm nhiều người chết, lằn ranh đỏ bị vượt qua. Phía Trung Quốc huy động Hải Quân và dân binh tiếp viện còn Tuần Duyên Philippines kêu gọi hỗ trợ của Hải Quân và Tuần Duyên Hoa Kỳ hiện diện gần đó. Một đụng độ nhỏ nhanh chóng biến thành một vụ xung đột nghiêm trọng.

Nếu xảy ra một biến cố như vậy, chính quyền Biden chắc chắn sẽ hành động nếu không muốn lòng tin của các đồng minh bị giảm sút. Hơn nữa, tâm lý chống Trung Quốc đang mạnh ở Washington, cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đều không muốn tỏ ra mềm yếu trước Bắc Kinh.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: