Thi thể của tám công dân Trung Quốc được tìm thấy trên một bãi sông gần thị trấn Playa Vicente ở tiểu bang Oaxaca của Mexico hôm thứ Sáu 29 Tháng Ba 2024.
Đài BBC nói những thi thể được tìm thấy dọc theo con đường mà di dân bất hợp pháp thường đi để đến biên giới Hoa Kỳ. Còn quan chức chính quyền địa phương cho biết trong số thi thể có bảy phụ nữ và một người đàn ông. Họ đi từ Guatemala, qua tiểu bang Chiapas cực nam của Mexico trên một chiếc thuyền do một người Mexico điều khiển.
Nhưng không may, khi thuyền của họ đi qua địa phận Oaxaca thì bị lật, tám người thiệt mạng, có một người sống sót và chưa rõ số phận của người lái thuyền ra sao. Văn phòng công tố ở Oaxaca nói họ đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, và phối hợp với Đại Sứ Quán Trung Quốc ở Mexico để xác định danh tính các nạn nhân.
Vụ tai nạn thương tâm này làm mọi người chú ý tới một thành phần mới trong làn sóng người vượt biên vào Mỹ: người Trung Quốc – công dân của một quốc gia cách xa nửa vòng trái đất, một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có tham vọng vượt qua Mỹ trong một tương lai không xa. Theo hãng tin AP, hiện người Trung Quốc là nhóm đông thứ tư trong số người vượt biên bất hợp pháp ở biên giới phía Nam nước Mỹ, chỉ sau người Venezuela, Ecuador, và Haiti.
Còn theo BBC, trong số di dân đến từ bên ngoài châu Mỹ thì người Trung Quốc đông nhất và gia tăng nhanh nhất. Số liệu của cơ quan Hải quan và Biên phòng (CBP) Mỹ ghi nhận trong năm 2023 có 52,000 người Trung Quốc vào Mỹ qua biên giới phía Nam, trong đó có 37,500 người bị CBP bắt và hiện bị giữ trong các trại tạm giam gần biên giới, nhiều gấp 50 lần so với năm 2021.
Người Trung Quốc tìm cách vượt biên vào Mỹ được cho là để trốn tránh nền kinh tế đang chập chờn và sự gia tăng đàn áp chính trị ở quê nhà. Trong một phóng sự dài, nhật báo The New York Times phỏng vấn nhiều người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp và ghi nhận trên các mạng xã hội Trung Quốc đang lan truyền nhiều “cẩm nang” chỉ dẫn chi tiết cho những người muốn “chạy trốn khỏi thiên đường” cách thức đến Mỹ.
Thông thường, họ sẽ mua vé máy bay đến Ecuador – quốc gia Nam Mỹ mà công dân Trung Quốc có thể đến mà không cần visa. Từ đó, họ bắt đầu cuộc hành trình vạn dặm về phía Bắc, băng qua các nước Colombia, Panama, Costa Rica, Nicaragua, Honduras, Guatemala và Mexico để đến biên giới Mỹ. Sau khi vượt biên, họ sẽ bị nhân viên biên phòng Mỹ bắt và đưa vào các trại tạm giam người nhập cư bất hợp pháp. Ở đó họ sẽ nộp hồ sơ xin tị nạn với lý do họ bị đàn áp và sẽ bị ngược đãi nếu bị trả về Trung Quốc.
Nếu may mắn những người Trung Quốc này sẽ được thả ra sau vài ngày hoặc vài tuần và được tạm trú trong nước Mỹ trong thời gian hồ sơ xin tị nạn của họ được cứu xét. Với người vượt biên, được tạm trú ở Mỹ là họ đã thành công; từ biên giới họ sẽ tỏa về các cộng đồng người Hoa ở New York và California, hoà lẫn vào các “Phố Tàu” (Chinatown) đông đúc, tìm việc làm và bắt đầu xây dựng cuộc sống mới.
Khác với người vượt biên từ các nước Nam Mỹ có thể bị trục xuất nhanh chóng, người Trung Quốc không sợ bị trục xuất vì chính quyền Bắc Kinh không nhận lại công dân của họ và nhiều người vượt biên cố tình đốt bỏ hộ chiếu (passport) để che giấu nguồn gốc của mình.
Cộng đồng Hoa Kiều tại Mỹ có truyền thống đùm bọc đồng hương thường sẵn sàng bảo bọc những người mới đến, cung cấp chỗ ăn ở và công ăn việc làm cho họ. Ra đi từ một quốc gia toàn trị, người Trung Quốc thường viện dẫn sự đàn áp chính trị và tôn giáo của đảng cộng sản như là lý do để họ xin tị nạn và hồ sơ của họ thường được chấp thuận với tỷ lệ cao, khoảng 55%, so với tỷ lệ 29% của người Venezuela và 19% của người Columbia, theo trang The Conversation.
Hiện tượng người Trung Quốc ồ ạt vượt biên vào Mỹ làm dấy lên mối lo ngại chính đáng về an ninh quốc gia của Mỹ. Ông Gordon Chang, nhà nghiên cứu gốc Hoa của Gatestone Institute, cho rằng có một số người chạy trốn khỏi Trung Quốc vì tuyệt vọng, nhưng cũng có những kẻ có ý đồ đen tối. Ông nhận thấy có nhiều người Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp là nam giới, ở độ tuổi quân dịch, không có thân nhân ở Mỹ và giả vờ không biết tiếng Anh.
“Họ có thể là những kẻ phá hoại đến đây để chờ ngày nổ ra chiến tranh [của Mỹ] với Châu Á,” ông Chang nói trong một dự báo đáng sợ. Còn ông Steven W. Mosher, tác giả cuốn sách mới xuất bản “The Devil and Communist China, from Mao down to Xi” nói chắc chắn trong đám người Trung Quốc vượt biên trái phép vào Mỹ có những tên gián điệp và những kẻ phá hoại, “đảng Cộng sản Trung Quốc đâu có ngu để không lợi dụng biên giới mở của chúng ta theo cách đó,” ông nói.
Nhìn ở góc độ khác, hiện tượng người Trung Quốc “bỏ phiếu bằng chân,” bất chấp hiểm nguy để đến Mỹ, cho thấy sự thất bại trong chính sách cai trị của ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc. Sau hơn 12 năm cầm quyền của ông, Trung Quốc không còn phát triển kinh tế “thần kỳ” như trước mà ngược lại, xuất cảng giảm sút, công nghiệp bị đình trệ, thị trường bất động sản sụp đổ và thanh niên thất nghiệp tràn lan.
Người trung lưu Trung Quốc không thấy lối thoát sau khi của cải mà họ tích cóp được tan thành mây khói trong cơn vỡ bong bóng nhà đất hiện nay. Thêm nữa, do các chính sách kiểm soát xã hội ngày càng khắc nghiệt, bất kỳ người Trung Quốc nào cũng có thể trở thành mục tiêu của nhà nước công an trị, cuộc sống trở nên ngột ngạt và bế tắc.
Dẫn tài liệu của Liên Hiệp Quốc, hãng tin AP cho biết năm nay Trung Quốc có thể mất khoảng 310,000 công dân do di cư, cả hợp pháp và bất hợp pháp. Đích đến được ưa chuộng nhất không đâu khác hơn là nước Mỹ, sau đó là Canada và Úc.
Cho đến nay, nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn thường huênh hoang rằng “Phương Đông đang trỗi dậy còn Phương Tây đang suy tàn.” Ông cho rằng mô hình quản trị xã hội của Trung Quốc chứng tỏ là ưu việt hơn hệ thống dân chủ của Phương Tây và trọng tâm kinh tế của thế giới ngày nay đã “chuyển từ Phương Tây sang Phương Đông.” Ông khuyến dụ các nước đang phát triển hãy đứng về phía Trung Quốc, làm theo mô hình Trung Quốc, “cùng chia sẻ tương lai” với Bắc Kinh và xa lánh các thể chế dân chủ, tự do của phương Tây.
Thực tế cho thấy quan niệm của ông Tập là hết sức sai lầm, phi thực tế và sẽ đẩy người dân Trung Quốc tới chỗ bỏ xứ mà đi, tìm tới nơi mà tài sản, cuộc sống, tương lai của họ không bị đe doạ.
Đọc thêm: