Chính sách thuế của Trump: Tự bắn vào chân?

Chính sách lạm dụng công cụ thuế quan của ông Trump trong vài tuần gần đây có nguy cơ gây chiến tranh thương mại toàn cầu và gây thiệt hại nặng nề cho chính nền kinh tế Mỹ. (Hình minh họa: Karl Callwood/Unsplash)

Ông Donald Trump, tổng thống Mỹ, tự nhận là một “tariff-man.” Ông dùng thuế quan (tariff) như một công cụ vạn năng để giải quyết mọi vấn đề của nước Mỹ, từ thâm thủng thương mại, vực dậy các ngành công nghiệp yếu kém, tạo công ăn việc làm cho tới ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp, triệt hạ các đường dây buôn lậu ma túy ở biên giới. Ông còn đe dọa dùng thuế quan để gây sức ép kinh tế nhắm tới việc thâu tóm các vùng lãnh thổ mới.

Tuy vậy, thuế quan là một con dao hai lưỡi; chính sách lạm dụng công cụ thuế quan của ông Trump trong vài tuần gần đây có nguy cơ gây chiến tranh thương mại toàn cầu và gây thiệt hại nặng nề cho chính nền kinh tế Mỹ.

Thuế quan đối ứng: Giá cả sẽ tăng

Trong một hành động chính sách mới nhất, ông Trump đã chỉ thị cho đội cố vấn kinh tế của Tòa Bạch Ốc soạn thảo các kế hoạch đánh thuế quan đối ứng (reciprocal tariff) lên tất cả các nước đang đánh thuế lên hàng nhập cảng từ Mỹ theo kiểu “bánh ít trao đi, bánh quy trao lại.” Ví dụ, hiện xe hơi Âu Châu nhập vào Mỹ chỉ chịu thuế 2.5% trong khi xe hơi Mỹ bán vào Âu Châu phải chịu thuế 10%.

Với thuế quan đối ứng, xe hơi Âu Châu bán vào Mỹ cũng phải chịu thuế 10% cho công bằng. “Về thương mại, tôi quyết định vì mục tiêu công bằng, tôi sẽ đánh thuế quan đối ứng, nghĩa là các nước thu của Mỹ cái gì thì tôi cũng sẽ thu của họ như vậy. Không nhiều hơn, không ít hơn,” ông Trump nói với báo chí tại Phòng Bầu Dục hôm Thứ Năm, 13 Tháng Hai, hãng tin Reuters tường trình.

Chỉ thị mới của ông Trump không đặt thêm mức thuế mới nhưng kích hoạt các cuộc điều tra thuế quan mà các nước đang đánh vào hàng Mỹ và tính biện pháp trả đũa. Ông Howard Lutnick, người được đề cử làm bộ trưởng Thương Mại, cho biết Trung Quốc, Nhật, Nam Hàn và Liên Âu được coi là “mục tiêu” tiềm năng trong chính sách thuế quan đối ứng của ông Trump; chính phủ Mỹ sẽ điều tra từng nước và có biện pháp xử lý thích hợp trước ngày 1 Tháng Tư sắp tới. Các nước có thặng dư thương mại lớn nhất và có biểu thuế nhập cảng cao nhất sẽ được xem xét xử lý trước, một giới chức Tòa Bạch Ốc cho biết.

Chính sách thuế quan đối ứng của ông Trump nghe có vẻ công bằng và hợp lý song các nhà đầu tư ở Wall Street cảnh báo nó có thể làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát dai dẳng của Mỹ, đi ngược lời cam kết làm hạ giá hàng hóa của chính ông Trump và ngăn cản Ngân Hàng Trung Ương (Fed) hạ lãi suất. Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đã nhanh chóng lao dốc sau chỉ thị thuế quan đối ứng mà tổng thống ban ra.

Thuế sắt thép: Lợi bất cập hại

Trước đó, hôm Thứ Hai, 10 Tháng Hai, ông Trump ký sắc lệnh đánh thuế 25% lên toàn bộ thép và nhôm ngoại quốc nhập cảng vào Mỹ, có hiệu lực từ ngày 12 Tháng Ba sắp tới. Ông nói với báo chí rằng đây là “một thương vụ lớn – làm cho nước Mỹ giàu có trở lại,” và “Đây là lúc các ngành công nghiệp lớn quay trở lại nước Mỹ.”

Hồi nhiệm kỳ trước (2017-2020) ông Trump đã ban hành một biện pháp tương tự, nhưng dựa vào kết quả thực tế của cuộc “thương chiến” đó, các chuyên gia nhanh chóng cho rằng, việc đánh thuế sắt thép chẳng những không giúp ông Trump đạt được mục đích vực dậy ngành thép đang điêu đứng mà còn gây ra những thiệt hại to lớn, một chính sách “tự bắn vào chân.”

Ông Trump nói mức thuế mới sẽ thúc đẩy ngành sản xuất thép của Mỹ, tạo ra nhiều việc làm mới. Mỹ có thời là nước làm ra nhiều sắt thép nhất thế giới, hơn 50% sản lượng thép toàn cầu nhưng nay chỉ còn chiếm 5% thị trường và các nhà máy của Mỹ chỉ hoạt động ở mức 74.4% công suất, theo dữ liệu của Viện Sắt Thép Mỹ (American Iron and Steel Institute – AISI).

Hiện các công ty Mỹ phải nhập cảng khoảng 25% lượng sắt thép và 70% lượng nhôm cần thiết. Theo AISI, năm nước cung cấp nhiều thép cho Mỹ nhất là Canada (6.6 triệu tấn, $11.2 tỷ năm 2024), Brazil (4.5 triệu tấn), Mexico (3.2 triệu tấn), Nam Hàn (2.8 triệu tấn) và Việt Nam (1.4 triệu tấn). Canada cũng là nước dẫn đầu trong việc xuất cảng nhôm vào Mỹ với giá trị $9.5 tỷ năm 2024, tiếp theo là UAE ($1.1 tỷ), Mexico $686 triệu, Nam Hàn $643 triệu…

Mức thuế mới chắc chắn sẽ làm gia tăng chi phí của các ngành sản xuất sử dụng nhiều sắt thép như đóng tàu, xe hơi, xây cất, đóng gói thực phẩm… Một báo cáo của ngân hàng MUFG tính ra rằng, việc đánh thuế 25% sẽ làm cho giá thép nhập cảng tăng từ $755/tấn hiện nay lên hơn $900/tấn. Chi phí này tất nhiên sẽ được tính vào giá bán sản phẩm mà cuối cùng người tiêu dùng phải chịu và ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa Mỹ xuất cảng ra thị trường quốc tế. Hãng nước ngọt Coca-Cola dự tính sẽ thay thế lon nhôm bằng chai nhựa để giảm chi phí khi giá nhôm tăng. Nếu sắp tới người Mỹ phải trả nhiều tiền hơn để mua một chiếc xe hơi thì đó có phần do thuế sắt thép.

Một báo cáo của Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế (ITC) ghi nhận việc tăng thuế trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump giúp các nhà máy thép Mỹ bán được nhiều hàng hơn, giá cao hơn và doanh thu tăng thêm được $2.25 tỷ trong năm 2021 nhưng cùng thời gian này các ngành công nghiệp dùng nhiều sắt thép bị mất đi $3.48 tỷ; rõ ràng lợi bất cập hại.

Không cứu được ngành thép

Các nhà máy thép của Mỹ, được chính sách thuế mới của ông Trump bảo hộ, chắc chắn sẽ tăng giá nhưng chưa hẳn đã gia tăng sản lượng hoặc tuyển thêm công nhân. Theo World Steel Association, sản lượng thép của Mỹ năm 2022 còn thấp hơn năm 2017 khi ông Trump đánh thuế 25% lên sắt thép nhập cảng. Vấn đề của ngành sắt thép Mỹ là các nhà máy quá cũ kỹ, công nghệ lạc hậu, làm ra những sản phẩm có phẩm chất không cao. Đầu tư thay đổi công nghệ và thiết bị thì quá tốn kém mà lợi ích không bảo đảm trong một thị trường đang tràn ngập sắt thép giá rẻ của Trung Quốc.

Công ty thép lớn nhất nước Mỹ, US Steel, đã 122 tuổi ở Pennsylvania đã đồng ý bán mình cho tập đoàn Nippon Steel của Nhật với giá $14.9 tỷ, để từ đó đổi mới công nghệ nhưng thương vụ đã bị chính quyền Joe Biden ngăn chặn với lý do an ninh quốc gia. Trong cuộc đón tiếp ông Ishiba Shigeru, thủ tướng Nhật, ở Tòa Bạch Ốc đầu tuần này, Tổng Thống Trump nói ông dự tính cho xúc tiến thương vụ sáp nhập US Steel – Nippon Steel dưới hình thức công ty liên doanh, trong đó phía Nhật chỉ sở hữu dưới 50% số cổ phần, xoa dịu mối lo ngại về an ninh quốc gia.

Chính sách bảo hộ chưa chắc đã buộc các nhà máy thép thuê mướn thêm nhiều lao động như mục đích đề ra trong khi các ngành khác lại thu hẹp sản xuất. Theo Bureau of Labor Statistics, ngành thép hiện sử dụng 85,000 lao động, chỉ một phần nhỏ so với hơn 1 triệu người làm việc trong ngành xe hơi và phụ tùng xe hơi, chưa kể vô số lao động làm việc trong các ngành sử dụng nhiều sắt thép khác. Chính sách thuế mới, nếu có lợi cho công nhân ngành thép thì cũng không đủ bù cho thiệt hại mà công nhân các ngành khác.

Xem ra, chính sách thuế đánh thuế 25% lên thép và nhôm của ông Trump đang bảo hộ một bộ phận của nền kinh tế đang chật vật bằng cách chuyển gánh nặng cho một bộ phận đang có sức cạnh tranh trên thị trường và đó hiển nhiên không phải là một giải pháp tốt để vực dậy một ngành công nghiệp.

Bắn tỉa hay nã đại bác?

Nhìn vào danh sách các nước xuất cảng thép vào Mỹ có thể thấy ngay là mức thuế mới 25% chủ yếu đánh vào các đồng minh chứ không phải đối thủ. Nhôm và thép của Nga không bán vào thị trường Mỹ vì các lệnh cấm vận khắc nghiệt sau khi Moscow xâm lược Ukraine năm 2022. Trung Quốc, bị chính quyền Biden đánh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp 25% lên mặt hàng thép và nhôm, chỉ bán trực tiếp vào Mỹ được 508,000 tấn, chưa bằng một phần mười của Canada.

Lẽ ra chính phủ Mỹ nên thiết kế một chính sách trừng phạt có mục tiêu, nhắm trực tiếp vào đối thủ cạnh tranh hàng đầu là Trung Quốc thì sắc lệnh thuế mới của ông Trump lại đánh vào toàn bộ các mặt hàng nhôm và thép, không phân biệt xuất xứ, không có ngoại lệ, khiến các đồng minh của Mỹ choáng váng và tính cách trả đũa. “Thay vì dùng khẩu súng bắn tỉa, ông Trump đã dùng súng bắn đạn chùm,” báo The Economist nhận xét.

Canada – có khoảng 32,500 lao động làm việc trong các nhà máy thép và nhôm – là nước bị tác động nặng nhất. Ông Marty Warren, chủ tịch nghiệp đoàn toàn quốc Canada, than thở: “Mức thuế của ông Trump là đòn tấn công trực tiếp vào công nhân và các cộng đồng dân cư. Trước đây chúng tôi đã trải qua tình cảnh này và biết những biện pháp thương mại bất cẩn là không có hiệu quả mà chỉ làm tổn thương người lao động, gây bất ổn cho nền kinh tế ở cả hai bên biên giới.”

Chính phủ Brazil chưa có quyết định đối phó với thuế suất mới của Mỹ dù lượng sắt thép bán sang Mỹ chiếm gần một nửa sản lượng thép xuất cảng của Brazil. Các giới chức của nước này chỉ nói rằng mức thuế ông Trump đặt ra là “quá cao và không có căn cứ kỹ thuật nào,” đồng thời khẳng định nếu thực hiện, thuế suất đó sẽ làm hại chính nước Mỹ.

Đồng minh xa lánh

Hồi đầu Tháng Hai, ông Trump đã công bố đánh thuế 25% lên toàn bộ hàng nhập cảng từ Canada và Mexico sau đó ông hoãn thi hành một tháng để buộc hai nước láng giềng này phải ngăn chặn làn sóng người nhập cư bất hợp pháp và dòng chảy ma túy fentanyl vào nước Mỹ. Ông cũng nhiều lần đe dọa biến Canada thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ. Những tuyên bố và chính sách như vậy làm cho người Canada cảm thấy Mỹ là đối tác không đáng tin cậy.

Một làn sóng tẩy chay hàng hóa Mỹ, không đi du lịch Mỹ đang rộ lên khắp Canada và các nhà lãnh đạo nước này đang tính cách hoặc gia nhập Liên Âu (EU) hoặc gia nhập Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để đa dạng hóa thị trường, tìm cơ hội mở rộng xuất cảng khi ông Trump xé bỏ Hiệp Định Thương Mại Tự Do Bắc Mỹ (USMCA) bằng các chính sách thuế tùy tiện.

Thay vì củng cố khối đồng minh để chống lại ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh, chính sách thuế của ông Trump đang làm cho nước Mỹ bị xa lánh, thiệt hại là không thể tính được.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: