Chính sách thuế Mexico và Việt Nam của Trump

(Hình: Facebook)

Hai tuần nữa ông Donald Trump sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ. Và ngay trong ngày đầu tiên ông sẽ đánh thuế 25% lên hàng hóa nhập cảng từ Mexico và Canada, hai nước láng giềng có chung biên giới và cũng là hai bạn hàng lớn nhất của Mỹ. Tại sao ông Trump cương quyết như vậy, và điều đó có ý nghĩa gì với các bạn hàng khác như Việt Nam?

Quyết định của ông Trump đánh thuế lên hàng hóa nhập cảng từ Mexico và Canada được cho là do hai nước này đã không tích cực ngăn chặn làn sóng di dân bất hợp pháp và các loại ma túy vào Mỹ. “Mức Thuế này sẽ có hiệu lực cho đến khi Ma Túy, đặc biệt là Fentanyl, và tất cả Người Nhập Cư Bất Hợp Pháp, chấm dứt cuộc xâm lược Đất Nước chúng ta,” ông Trump viết trên mạng Truth Social hôm 24 Tháng Mười Một, 2024. 

Mexico: Con ngựa thành Troy

Tuy vậy, hành động của ông Trump có thể được thúc đẩy bởi một lý do khác, thuần túy kinh tế: thương mại ngày càng nghiêng mạnh về phía Mexico và bàn tay thao túng của Trung Quốc. Trong quan điểm của ông Trump, Mexico là “con ngựa thành Troy” cho chính sách trục lợi của Bắc Kinh, là “cửa hậu” để Trung Quốc tuồn hàng vào thị trường Mỹ và ông quyết chấm dứt thủ đoạn đó. Mối lo về bàn tay thao túng của Trung Quốc ở Mexico đã có từ lâu, được các chính trị gia cả hai đảng thừa nhận và tìm cách đối phó.

Nhìn và dữ liệu thương mại giữa Mỹ, Mexico và Trung Quốc, người ta thấy Mỹ càng ngày càng bị bất lợi. Mexico là bạn hàng lớn nhất của Mỹ, buôn bán hàng hóa hai chiều trong 10 tháng đầu năm 2024 đạt $776 tỷ; Trung Quốc xếp thứ ba với $532 tỷ, sau Canada với $699.6 tỷ. Nhưng với các bạn hàng này, Mỹ đều bị thâm thủng lớn, mua nhiều hơn bán; cụ thể thâm thủng của Mỹ với Trung Quốc là $270.4 tỷ, với Mexico là $157.2 tỷ.

Ông Trump nhiều lần đánh đồng thâm hụt thương mại (deficit) với trợ cấp (subsidy) nên ông không thể chịu được khoản “trợ cấp” khổng lồ mà Mỹ cung cấp cho các đối tác. Năm 2018, ông phát động cuộc thương chiến với Trung Quốc, đánh thuế 25% lên hàng hóa nhập cảng từ nước này trị giá hơn $360 tỷ với ý đồ buộc các công ty chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, chuyển về Mỹ và các nước thân thiện khác.

Tổng Thống Joe Biden tiếp tục các mức thuế ấy, bổ sung thêm thuế vào các mặt hàng công nghệ cao và xe hơi. Kết quả là thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã giảm từ mức $417 tỷ năm 2018 xuống còn $278 tỷ năm 2023.

Mexico là nước được hưởng lợi từ cuộc thương chiến đó một phần do các nhà xuất cảng Trung Quốc sử dụng Mexico làm “trung gian” để đưa hàng hóa vào Mỹ để tránh thuế.

Bàn tay Trung Quốc ở Mexico

Xu thế đưa hàng vào Mexico, đổi xuất xứ hàng hóa từ “Made in China” thành “Made in Mexico” rồi bán vào Mỹ càng được đẩy mạnh sau khi hiệp định thương mại tự do USMCA bắt đầu có hiệu lực từ 1 Tháng Bảy, 2020, cho phép hàng hóa giữa ba nước Mỹ, Mexico và Canada được lưu chuyển tự do với mức thuế rất thấp. Nhờ vậy đến Tháng Chín, 2023, Mexico lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc trở thành nước xuất cảng lớn nhất vào thị trường Mỹ với $485 tỷ hàng hóa, thặng dư $163 tỷ.

Từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump đến nay, hàng hóa Trung Quốc bán vào Mỹ chỉ tăng 20% nhưng bán vào Mexico thì tăng tới 250%, theo dữ liệu của công ty đầu tư Rhodium Group. Nếu như năm 2002, trong số hàng Mexico bán vào Mỹ chỉ có 5% giá trị là phụ tùng, nguyên liệu nhập từ Trung Quốc thì đến năm 2022 tỷ lệ đó đã là 21%. Vai trò “trung gian” của Mexico ngày càng hiện rõ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc hàng Trung Quốc “núp bóng” Mexico là không nhiều, vì hiệp định USMCA quy định hàng hóa luân chuyển trong khu vực chỉ được miễn thuế khi có ít nhất 75% giá trị được làm ra trong khu vực; các công ty Trung Quốc không chỉ đơn giản nhập hàng vào Mexico rồi dán nhãn “Made in Mexico” là được giảm thuế.

Một làn sóng chuyển dịch vốn đầu tư đã diễn ra khi cùng với các công ty Mỹ, nhà đầu tư Trung Quốc cũng đổ vào Mexico, lập nhà máy sản xuất. Vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mexico đã tăng từ gần $1 tỷ năm 2018 lên $2.5 tỷ năm 2022, theo dữ liệu của RED ALC-China, làm xuất hiện một số khu công nghiệp trên đất Mexico gần biên giới phía Nam của Mỹ mà các nhà máy trong đó phần lớn là từ Trung Quốc.

Nếu như đầu tư của Trung Quốc vào các nước Nam Mỹ như Brazil và Chile chỉ nhắm vào lĩnh vực khai thác khoáng sản và nguyên liệu thì tại Mexico, người Trung Quốc tập trung vào công nghiệp chế tạo, sản xuất hàng hóa để xuất cảng. Theo dữ liệu của OEC World, giá trị hàng hóa mà Mexico nhập từ Trung Quốc tăng bình quân 10.6%/năm, từ $55 tỷ năm 2017 lên $90.9 tỷ năm 2022, chủ yếu là phụ tùng máy văn phòng, thiết bị viễn thông, đồ dùng gia đình và phụ tùng xe hơi. Những phụ tùng này sẽ được lắp ráp trong các nhà máy Trung Quốc tại Mexico, dán nhãn Mexico rồi bán vào Mỹ, góp phần đáng kể vào doanh số xuất cảng của Mexico trong buôn bán với Mỹ.

Liệu quyết định của ông Trump đánh thuế 25% lên hàng hoá Mexico có bịt được cánh “cửa hậu” ở Mexico, có xóa bỏ được vai trò trung gian của nước này trong thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hay không thì phải chờ xem. 

Việt Nam hãy liệu lấy thân

Nếu thay Mexico bằng Việt Nam thì chúng ta cũng thấy một bức tranh tương tự vì Việt Nam là một trong vài nước được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung.

Về địa lý, nếu Mexico có lợi thế nằm cạnh thị trường tiêu thụ khổng lồ của Mỹ thì Việt Nam lại nằm cạnh công xưởng thế giới là Trung Quốc. Và cũng như Mexico, Việt Nam được các công ty Trung Quốc chọn làm “trung gian,” sản xuất hàng hóa để xuất cảng sang Mỹ, tránh các mức thuế trừng phạt của chính phủ Mỹ.

Lúc thương chiến Mỹ-Trung mới bắt đầu, đã có hiện tượng hàng hóa Trung Quốc dán nhãn “Made in Vietnam” để tránh thuế nhưng thủ đoạn “núp bóng” đó nhanh chóng bị người Mỹ phát hiện, như các mặt hàng nhôm, thép, tấm năng lượng mặt trời và hàng nội thất bằng gỗ đều bị đánh thuế nặng. Ông Trump có lần nói rằng, trong việc lợi dụng thị trường Mỹ, Việt Nam còn tệ hại hơn Trung Quốc.

Về sau, các nhà kinh doanh Trung Quốc thay đổi chiến lược, thay vì đưa hàng vào Việt Nam họ đầu tư xây dựng nhà máy, tuyển dụng công nhân Trung Quốc, nhập cảng linh kiện phụ tùng từ Trung Quốc để lắp ráp thành sản phẩm xuất sang Mỹ. Kết quả là vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng liên tục và thặng dư của Việt Nam trong buôn bán với Mỹ cũng tăng tương ứng.

Trước năm 2011, Trung Quốc không có tên trong danh sách 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn ở Việt Nam, nhưng tình hình bắt đầu thay đổi khi quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ bắt đầu căng thẳng. Năm 2020 Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam $2.46 tỷ, tăng dần lên $2.92 tỷ năm 2021, $2.5 tỷ năm 2022, $4.47 tỷ năm 2023 và $3.2 tỷ trong chín tháng đầu năm 2024, theo số liệu của Liên Đoàn Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI), chưa tính những nguồn vốn “đầu tư chui” không qua sự kiểm soát của chính quyền. Hiện Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam cả về số vốn và số dự án, vượt qua cả Nam Hàn, Nhật và Singapore.

Cùng với đà gia tăng đầu tư của Trung Quốc, xuất cảng và thặng dư của Việt Nam trong buôn bán với Mỹ cũng tăng theo. Năm 2019, xuất cảng của Việt Nam sang Mỹ đạt $66.7 tỷ, chủ yếu là các sản phẩm điện thoại và viễn thông do các tập đoàn Nam Hàn như Samsung, LG sản xuất.

Tới năm 2022, xuất cảng của Việt Nam vào Mỹ đã tăng gần gấp đôi, lên $128.4 tỷ, thặng dư $114.6 tỷ, còn trong 10 tháng đầu năm 2024, số xuất cảng đã là $124.8 tỷ và thặng dư $113 tỷ, chỉ xếp sau Mexico với thặng dư $157.2 tỷ.

So với Mexico, lượng hàng Việt Nam xuất vào Mỹ ít hơn 3.7 lần nhưng thặng dư chỉ ít hơn 1.3 lần, nghĩa là với thị trường Mỹ, Việt Nam bán nhiều mà mua ít hàng hơn Mexico. Nếu đã không chấp nhận Mexico là “con ngựa thành Troy,” là “cửa hậu” cho hàng hóa Trung Quốc thao túng thị trường Mỹ, hẳn chính quyền mới của ông Trump sẽ không bỏ qua trường hợp Việt Nam.

Ông Trump đã quyết định đánh thuế nặng lên hàng hóa Mexico ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, Việt Nam nên xem đó là lời cảnh tỉnh mà liệu lấy thân.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: