Chống tham nhũng hay thanh trừng nội bộ?

Ông Tô Lâm với tham vọng chiếm chiếc ghế quyền lực nhất của đảng CSVN. (Hình: Dân Trí)

Qua những vụ thay bậc đổi ngôi ngoạn mục trên thượng tầng chính trị Ba Đình gần đây ai cũng thấy công cuộc “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), đã biến thành một cuộc thanh trừng nội bộ, tranh chức tranh quyền, xa rời mục tiêu chống tham nhũng mà ông ta đặt ra ban đầu.

Nhưng để “giải độc” dư luận, đảng CSVN lên tiếng thanh minh: “Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… không phải là ‘đấu đá nội bộ,’ ‘phe cánh,’ ‘tranh giành quyền lực’ như các đối tượng xấu, thế lực thù địch xuyên tạc” mà là “việc làm bình thường trong công tác cán bộ, được dư luận, cán bộ, đảng viên hoan nghênh, đồng tình cao.”

Thế là thế nào, thanh trừng nội bộ hay chống tham nhũng?

Lời thanh minh (hay tố cáo) được Thường Trực Ban Chỉ Đạo Trung Ương Về Phòng Chống Tham Nhũng Tiêu Cực (gọi tắt là Ban Chỉ Đạo) trong cuộc họp tại Hà Nội ngày 30 Tháng Năm và được truyền thông trong nước đồng loạt đăng tải.

Theo mô hình tổ chức của đảng CSVN, Ban Chỉ Đạo là một tổ chức thuộc chóp bu của trung ương đảng, thành lập theo Quy Định số 32-QĐ/TW ngày 16 Tháng Chín, 2021, nhằm phối hợp và “chỉ đạo” hoạt động của nhiều ban ngành liên quan như Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương, Ban Nội Chính Trung Ương và các cơ quan công lực của chính phủ như Bộ Công An, Thanh Tra Chính Phủ, Quân Đội…

Ban Chỉ Đạo do ông Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban, phó ban là các ông Phan Đình Trạc (trưởng Ban Nội Chính Trung Ương), Tô Lâm (bộ trưởng Bộ Công An, nay là chủ tịch nước), Trần Cẩm Tú (trưởng Ban Kiểm Tra Trung Ương), Nguyễn Khắc Định (phó chủ tịch Quốc Hội), cùng 11 ủy viên là lãnh đạo các ngành tòa án, viện kiểm sát, ban tuyên giáo…

Những vụ án tham nhũng nổi bật nhất hầu hết đều được báo cáo lên Ban Chỉ Đạo và ban này sẽ chỉ thị chính quyền phải làm gì, làm tới mức nào, cá nhân nào phải bị xử lý ở hình thức kỷ luật nào và ai sẽ được tha bổng. Hoạt động đó được gọi chung là “lãnh đạo án” – một thủ đoạn không hề có trong hệ thống tư pháp của các nước dân chủ.

Theo những nguồn tin nội bộ, trong thời gian qua ông Trọng do sức khỏe suy yếu, sống ở bệnh viện Quân Y 108 nhiều hơn ở nhà nên công việc của Ban Chỉ Đạo được trao cho các phó ban, chủ yếu là cho Bộ Trưởng Công An Tô Lâm. Nắm được quyền sinh sát, nhân danh chống tham nhũng, ông Tô Lâm đã tận lực ra đòn triệt hạ các đối thủ đang nhăm nhe chiếc ghế tổng bí thư đảng mà rất có thể ông Trọng sẽ sớm phải từ bỏ. Trên trang VOA, Giáo Sư Abuza Zachary, chuyên nghiên cứu chính trị Việt Nam tại Đại Học Quốc Phòng Mỹ ở thủ đô Washington, nhận xét: “Ông Tô Lâm đã vũ khí hóa chiến dịch chống tham nhũng để vô hiệu hóa các đối thủ chính trị, và ông ấy sẽ không dừng lại.”

Thật vậy, mặc dù đảng CSVN có một Ban Chỉ Đạo với đầy đủ lệ bộ, nhưng thẩm quyền điều tra, truy tố và bắt giam là đặc quyền của Bộ Công An. Bộ Công An có nhiều cơ quan chuyên điều tra, đặc biệt có hai cơ quan có phạm vi quyền hạn rất rộng là Cục Cảnh Sát Điều Tra Tội Phạm Về Tham Nhũng, Kinh Tế, Buôn Lậu (gọi tắt là C03) và Cục An Ninh Điều Tra (tức A09). Ngoài ra, lãnh đạo sở công an của cả 63 tỉnh thành đều do bộ trưởng bổ nhiệm nên Bộ Công An có một mạng lưới tai mắt trùm khắp đất nước.

So với Bộ Công An, năng lực điều tra của các cơ quan công quyền khác như Thanh Tra Chính Phủ, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương… đều không đáng kể. Hoạt động của Bộ Công An không chỉ giới hạn trong lĩnh vực trật tự trị an mà bao trùm lên mọi mặt cuộc sống xã hội, dòm ngó từng người dân – một đặc điểm của chế độ công an trị. Trong môi trường đó, không chỉ Ban Chỉ Đạo, mà cả Bộ Chính Trị, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN đều có thể trở thành “con tin” trong bàn tay thao túng của Bộ Công An như thực tế đã chứng tỏ.

Tất nhiên, với tư cách đảng trưởng và trưởng ban, ông Nguyễn Phú Trọng là người quyết định mọi động tác của Ban Chỉ Đạo nhưng không thể đánh giá thấp vai trò của Bộ Công An và Bộ Trưởng Tô Lâm – người có tham vọng chiếm chiếc ghế quyền lực nhất của đảng CSVN. Ông Tô Lâm sẽ không dừng lại, sẽ ngày càng quyết liệt, ít nhất là đến đại hội đảng năm 2026 hoặc đến khi ông ta chính thức lên thay ông Trọng.

Ông Trọng đang là tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba, một việc chưa có tiền lệ và trái với điều lệ của đảng. Ông khó có thể ngồi tiếp nhiệm kỳ thứ tư từ năm 2026, một phần vì quy định, phần vì tuổi tác và sức khỏe của ông không cho phép.

Trong lần tiếp ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, cuối năm ngoái, ông Trọng đã thật thà bộc lộ rằng ông cảm thấy đã già và mệt mỏi nhưng chưa thể thoái vị. Những người được ông Trọng chọn và nâng đỡ làm người kế vị đã lần lượt bị rớt đài, từ Đinh Thế Huynh, Trần Quốc Vượng trước kia cho đến Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ gần đây – hai người cuối cùng này do ông Tô Lâm triệt hạ từ các vụ điều tra công ty Phúc Sơn và công ty Thuận An. Hai vụ án này mới được Ban Chỉ Đạo đồng ý đưa vào diện Ban Chỉ Đạo theo dõi, chỉ đạo từ ngày 30 Tháng Năm, sau khi đã làm gãy ghế các ông Thưởng và Huệ. Khả năng ông Trọng cho sửa đổi điều lệ đảng để cầm quyền trọn đời như ông Tập Cận Bình là có, nhưng xác suất thành công không nhiều.

Ông Nguyễn Phú Trọng (phải) và ông Tập Cận Bình (Hình: Xinhua/Yao Dawei via Getty Images)

Không bỏ qua vai trò của ông Trưởng Ban Chỉ Đạo Nguyễn Phú Trọng, nhưng ở đây phù thủy đã bị âm binh hại; ông Trọng đã trao quyền tiền trảm hậu tấu cho ông Tô Lâm để rồi phải ngậm quả đắng khi tay chân thuộc hạ bị ông Lâm đánh gục. Bây giờ ông Tô Lâm đã ngồi một ghế trong “tứ trụ,” nghĩa là đã đặt một chân lên chiếc ghế tổng bí thư thì chính ông Trọng phải đề phòng.

***

Khẳng định vai trò của ông Tô Lâm và Bộ Công An để xác tín rằng các vụ hỗn loạn vừa qua ở thượng tầng chính trị của đảng CSVN hoàn toàn là đấu đá, thanh trừng để giành quyền lực, chẳng có mấy tác dụng chống tham nhũng, “góp phần xây dựng đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” như ông Trọng thường tuyên bố. Nhận định cuộc “đốt lò” của ông Trọng và đảng CSVN là cuộc “đấu đá nội bộ,” “phe cánh,” “tranh giành quyền lực” là hoàn toàn có căn cứ dựa trên những dữ kiện và diễn biến thực tế, không phải là hành vi “xuyên tạc” của “các đối tượng xấu, thế lực thù địch” như quan điểm của đảng CSVN.

Nếu thực tâm chống tham nhũng, Ban Chỉ Đạo đã không để lọt lưới những con cá mập mà người dân căm thù, tiêu biểu như ông Lê Thanh Hải (Hai Nhựt), hung thần của thành Hồ. Nếu chống tham nhũng thật sự thì đảng CSVN đã không thay ông Võ Văn Thưởng bằng ông Tô Lâm ở ghế chủ tịch nước bởi vì ai cũng thấy ông Lâm tham nhũng hơn ông Thưởng nhiều lần, tội trạng của ông Lâm trầm trọng hơn rất nhiều so với người tiền nhiệm.

Ngay trước khi ông Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức, báo chí của nước Cộng Hòa Slovakia bên Châu Âu đã công bố cáo thị tầm nã của chính quyền nước này, tầm nã những tên tội phạm quốc tế can tội bắt cóc người ở Đức, đưa về Việt Nam bằng phi cơ mượn của Slovakia. Trong cáo thị, tên của ông Tô Lâm xếp vị trí thứ nhất. Chưa bao giờ có chuyện nguyên thủ quốc gia (danh nghĩa) của một nước lại đứng đầu bản cáo thị tầm nã của một quốc gia khác như vậy.

***

Tại cuộc họp hôm 30 Tháng Năm, Thường Trực Ban Chỉ Đạo thông báo: “Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2,100 vụ/4,211 bị can, truy tố 2,030 vụ/4,042 bị can, xét xử sơ thẩm 1,686 vụ/3,198 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ; trong đó đã khởi tố mới 285 vụ án, 646 bị can về tội tham nhũng.” Bản thông báo không nói rõ, số liệu được thu thập trong thời gian nào nhưng có điều chắc chắn số vụ án và bị can sẽ ngày càng tăng, do tham nhũng đã ăn sâu trong nội tạng của đảng, của chế độ, không bao giờ dứt được. Cái hay của cuộc “đốt lò” là nó làm bộc lộ bản chất của chế độ, cho công chúng thấy rõ bộ mặt tham tàn vô sỉ của những kẻ cầm quyền lúc nào cũng cao giọng rao giảng đạo đức.

Cũng như chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” mà ông Tập Cận Bình thực hiện bên Trung Quốc, bất kỳ chiến dịch chống tham nhũng nào của đảng CSVN cũng đều sẽ thất bại và đều biến tướng thành những vụ thanh trừng nội bộ. Lý do rất đơn giản mà người có suy nghĩ đều thấy: tham nhũng sinh ra từ quyền lực không bị kiểm soát; muốn chống tham nhũng thì phải kiểm soát quyền lực của giới quan chức bằng quyền dân chủ của người dân, bằng tư pháp độc lập, đối lập chính trị và truyền thông tự do. Chỉ có thay đổi chế độ chính trị mới giải quyết hiệu quả nạn tham nhũng, còn không thay đổi thì chỉ như người tự nắm tóc để nhấc mình lên khỏi mặt đất, vô ích và vô nghĩa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: