Chuyện tên Bến Bạch Đằng bị đổi thành ‘Ga tàu thủy’

(ảnh: CMC)

Từ bài viết của tác giả Nguyễn Gia Việt trên mạng Facebook, càng xót xa trước hình ảnh “ga tàu thủy” ở bến Bạch Đằng.

Trong suốt mấy ngày, sự bất bình của người Sài Gòn nói chung – hay nói đúng hơn là của người miền Nam ngày càng dậy lên về một cảm giác mất mát, xa lạ với những điều như đang áp đặt trong đời sống qua nhiều thập niên.

Ga tàu thủy, là sản phẩm của công ty Saigon Waterbus nằm trên bến Bạch Đằng, có từ Tháng Ba năm 2022. Đây vốn là nơi vãn cảnh, qua lại của người Sài Gòn từ suốt nhiều năm, cho đến cho đến một ngày xuất hiện cách gọi tên lạ lùng này.

“Ga tàu thủy” đột nhiên trở nên ngày càng “chướng mắt” hơn với những người miền Nam vốn đang lo ngại làn sóng ngôn từ, phong cách và cả tư duy khác biệt đang dần xuất hiện ở mọi nơi, có khả năng biến một vùng đất có bản sắc hết sức riêng trở nên nhạt nhòa dần.

Bến Bạch Đằng hay đường Tự Do, cầu Công Lý, bùng binh cây liễu Sài Gòn, thương xá Tax… là những nơi đã ăn sâu vào tâm khảm con người sống ở vùng đất này từ hơn nửa thế kỷ. Tất cả những địa danh đó gắn liền với nhiều thế hệ sống ở đây, lẫn những người tìm đến mưu sinh, thay đổi cuộc đời mình. Thậm chí trong di sản văn hóa riêng của thời Việt Nam Cộng Hòa, văn chương, âm nhạc… cũng được nhắc tên một cách đầy thương nhớ.

Vùng đất này có sự tự hào của tầng lớp cư dân của nó, như người Đà Nẵng nói về sông Hàn, như người Hà Nội nói về 36 phố phường của mình.

Nhưng riêng người Sài Gòn thì chứng kiến những đổi thay chóng mặt: như xóa tên, chặt bỏ cây xanh cho dự án… và những lời phản đối của người dân đều chìm trong các quyết sách đanh thép. Thậm chí, thỉnh thoảng người ta còn được nhìn thấy sự mạo danh trong thành ngữ mới, quen thuộc như “được sự đồng ý của đông đảo quần chúng nhân dân”.

Nhưng những thay đổi đến trước, gây ngỡ ngàng trước, là ngôn từ.

Vài năm trước, nhiều người Sài Gòn từng một phen ngỡ ngàng trước những tấm bảng chỉ đường đề “vòng xuyến” thay cho “vòng xoay” hay “bùng binh.”

Một người nói trên báo Tuổi Trẻ: “Tôi sống ở Sài Gòn từ những năm 1960 đến nay, cũng quen gọi bùng binh, nghe vòng xuyến thấy nó kỳ kỳ!”

Nhiều năm trước, trong một lần ra chợ, cô bán hàng trẻ có giọng Nam, khi tính tiền đã nói với tôi bằng đơn vị “nghìn.” Tôi ngạc nhiên hỏi cô quê ở đâu, thì được cho biết là ở Long An. “Sao em không nói ‘ngàn’, đó mới là tiếng miền Nam chứ?,” tôi hỏi. Cô gái bối rối và nói do bị quen miệng thôi.

Miền Nam từ sau năm 1975 tràn ngập trên truyền hình, báo chí những ngôn từ được “thống nhất,” theo ý chí của những người đứng đầu các cơ quan đó, vốn thiếu ý thức về bản sắc địa phương và lòng tự trọng của người sống trên vùng đất đó.

Nhà văn Nguyễn Đình Bổn có nói về lòng tự trọng của những người làm ăn, có quyền chức… ở miền Nam và cũng có thể là người miền Nam gốc, nhưng chỉ thích chạy theo những ngôn từ, trào lưu mới mà không hiểu mình đã đánh mất bản sắc như thế nào

Đúng là cái tệ hại hơn hết là của những người là cư dân lâu đời ở miền Nam mà đánh mất lòng tự trọng riêng về bản chất, là học đòi theo cách “thống nhất” ngôn ngữ, mà coi là tự làm mới mình.

Một trong những tai hại của vấn đề “thống nhất” ngôn ngữ, đè bẹp địa phương tính, có thể tìm thấy ngay trên hệ thống Google.

Khi dùng tính năng voice to text, những tính từ và danh từ riêng của miền Nam hầu như luôn bị nhận dạng sai, do dữ liệu nguồn ban đầu không có. Trong nhiều năm, người miền Nam phải lặng lẽ nói, sửa để tạo nguồn bổ sung trên hệ thống này để giảm bớt sự “kỳ thị” của dữ liệu tin học.

Và sự thống nhất ngôn ngữ cũng dẫn đến những thắc mắc đơn giản như, vì sao tiếng Việt Google chỉ có duy nhất giọng Bắc?

Thật ra, sự khó chịu về “ga tàu thủy” chỉ là một trong những cột mốc xung đột về khác biệt văn hóa lâu nay. Từ giữa những năm 1990, người Việt hải ngoại đã có hẳn một phong trào hạn chế sử dụng những ngôn ngữ mới trong nước, vốn được in vào cả sách giáo khoa chung cả nước. Ngôn ngữ bị choàng vào nó các nhận định chính trị, những xáo trộn của đời sống và văn hóa.

Một lần trong quán cà phê tại Little Saigon, California, Mỹ, tôi và những người bạn đã chứng kiến tất cả ánh mắt lạ lùng trong quán, xoay qua nhìn một chú lớn tuổi – nhìn cách ăn mặc có vẻ như là một cán bộ mới sang định cư và hội nhập – khi chú kêu lên “này em, thanh toán đi!”

Thật sự khác biệt! Nếu không nói là một “cú sốc” nơi vùng đất mà ngôn từ miền Nam được giữ chặt. Bởi lẽ thường, ở đó, người ta vẫn hay nói “cho tính tiền” – và “cho” giống như “please” của dân bản xứ. Không có thống kê nào cụ thể về sự thất lạc, phai nhạt của ngôn từ bản sắc miền Nam trong những năm qua.

Trong đại dịch, khi bí thư Nguyễn Văn Nên nói “xin người dân lượng thứ” thì đã có vô số người miền Nam bùi ngùi, vì ít nhất là qua muôn trùng vây hãm, sống chết, cũng an ủi được một chút khi nghe chữ quen thuộc, ấm áp của vùng đất mình: “lượng thứ,” có thể nói nhiều năm lắm rồi, mới nghe lại được trên hệ thống truyền thông.

Từ năm 2000, truyền hình quốc gia VTV nghiên cứu về việc không hiểu sao giờ thời sự chính, người miền Tây không ai coi. Kết quả của thăm dò cho thấy những cụ ông, cụ bà – khán giả trung thành với truyền hình – thường chuyển kênh, vì “họ nói khó nghe quá, như tiếng ngoài.”

Về sau, VTV tuyển hẳn một nữ phát thanh viên nói giọng Nam, xen kẽ trong các giờ thời sự. Tình hình có vẻ cải thiện được một thời gian nhưng rồi đâu lại vào đó. Vấn đề chính, là những từ ngữ mới, không quen khiến không thu hút được.

Trong làn sóng chỉ trích, người sống ở miền Bắc cũng nhận ra điều quái dị trong tên gọi “ga tàu thủy,” như nhà văn Thái Hạo và xác định là cách “bịa” ra từ ngữ, chứ không phải là vấn đề Bắc – Nam.

Nhưng đáng buồn, “bịa” ra từ ngữ như đang trở thành khuynh hướng ở mọi giai tầng, bất chấp sự ngớ ngẩn của ý nghĩa. Rất nhiều người Việt của cả mọi miền đã cười mỉm khi nghe những câu như “sai phạm nhưng không vụ lợi,” “nâng đỡ không trong sáng.”

Rõ là trên mặt bằng “thống nhất ngôn ngữ,” tiếng Việt của cha ông đang bị thao túng, lạm dụng với tầm hủy hoại, thì thử hỏi, ngôn ngữ bản sắc địa phương nhạt nhòa, có gì là lạ?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: