“Lần đầu tiên trong lịch sử California, chúng tôi có một đường dây nóng trên toàn tiểu bang để giúp những người bị nhắm mục tiêu vì thù hận báo cáo và xác định các lựa chọn cho các bước tiếp theo,” Kevin Kish, giám đốc Sở Dân Quyền California, cho biết tại cuộc họp báo về nạn thù hận ở vùng nông thôn California, do Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức hôm 17 Tháng Giêng vừa qua.
“Đây không chỉ là đường dây nóng nơi mọi người báo với chính phủ về những gì đã xảy ra với họ, mà còn là công cụ kết nối những nạn nhân của sự thù hận với các nguồn lực có năng lực về mặt văn hóa mà họ cần, tại cộng đồng nơi họ sinh sống,” ông Kish nói thêm.
Ở một số vùng nông thôn California đa số là người da trắng, các nhóm dân tộc thiểu số trải qua nạn phân biệt chủng tộc như một sự thật thường ngày trong cuộc sống. Nhiều người nói họ cảm thấy bị xa lánh, nghe được những lời nói thù hận, trẻ em bị bắt nạt ở trường học, người lớn bị phân biệt đối xử ở nơi làm việc, chốn sinh sống,… nhưng không ai muốn báo cáo, vì họ không tin tưởng vào chính quyền địa phương.
Ra mắt vào Tháng Năm, 2023, đường dây nóng chống thù hận và mạng lưới nguồn lực của tiểu bang, CA vs Hate là sáng kiến mới cung cấp phản hồi trực tiếp cho những lo ngại này và sự gia tăng trong những năm gần đây của các tội ác thù hận được báo cáo ở California. Dữ liệu của tiểu bang cho thấy đã tăng gần gấp đôi, từ 1,367 của năm 2021 lên 2,690 vào năm 2022.
Mặc dù tội phạm đã giảm nhẹ xuống còn 1,108 vào năm 2023, năm gần đây nhất có dữ liệu đầy đủ được công bố, nhưng 52.4% phần lớn trong số tất cả các tội ác thù hận được báo cáo nói chung đều có động cơ là chủng tộc, dân tộc và giống nòi; các động cơ khác bao gồm khuynh hướng tình dục (21.9%), tôn giáo (20.5%), bản dạng giới (3.8%), khuyết tật (1.1%) và giới tính (0.3%).
Một nghiên cứu của Bộ Tư Pháp liên bang được tiến hành từ năm 2011 đến năm 2015 cho thấy 54% tội ác thù hận trên toàn quốc không được báo cáo với cảnh sát.
Theo ông Kish, đối mặt với sự thù hận nhiều nhất thường là những cộng đồng ít được đại diện nhất vì họ sợ báo cáo với cơ quan thực thi pháp luật. “Một số báo cáo nhưng không được giải quyết, vì vậy họ thấy có báo cũng như không,” Kish nói. “Nhiều người không biết liệu những gì đã xảy ra với họ có phải là tội phạm hợp pháp mà họ nên báo cáo hay không. Đối với các cộng đồng nhập cư nói riêng, có thể có rào cản ngôn ngữ và nỗi sợ liên quan đến việc liên hệ với chính phủ. Người dân trong các cộng đồng bản địa có thể đang vật lộn với các vấn đề về thẩm quyền giữa chính quyền bộ lạc và địa phương, tiểu bang và liên bang.”
Tại Quận El Dorado, Cộng đồng bản địa nỗ lực sửa chữa lịch sử Gold Rush (Cơn Sốt Vàng) thiên vị và không chính xác.
Kim Stoll, Giám Đốc Tiếp Thị và Truyền Thông của The Shingle Springs Band of Miwok Indians, thảo luận về sự chấp nhận ngày càng tăng của Quận El Dorado đối với các chương trình giáo dục dạy về cách các sự kiện như Cơn Sốt Vàng tác động đến các cộng đồng bản địa sinh sống trong khu vực từ ban đầu. Theo Stoll, đường dây nóng này được thiết kế để khắc phục những rào cản. Mọi người không nhất thiết phải tìm kiếm thông tin này cho đến khi nó xảy ra với họ và khi xảy ra, họ cần truy cập thông tin đó ở bất cứ nơi nào họ ở.
Quận El Dorado nằm ở vùng nông thôn phía đông bắc Sacramento, nơi 74% dân số là người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha, và 2% là người Mỹ bản địa, “Ở đây có một đại dịch thù hận. Họ rất bảo thủ,” Stoll nói. “Ví dụ, chúng tôi đã gắn thẻ trên xe để đậu trong bãi đậu xe, nhưng nhiều thành viên bộ lạc thẳng thừng từ chối. Họ nói: ‘Không, chúng tôi sẽ không làm như vậy. Nếu chúng tôi tự nhận mình là thành viên bộ lạc, sẽ có vấn đề.’ Họ luôn bị cô lập, dù đã ở đây rất lâu.”
Trong năm đầu tiên có đường dây nóng, họ nhận được hơn 1,000 trường hợp báo cáo về hành vi thù hận từ gần 80% các quận của tiểu bang, và khoảng hai phần ba số người báo cáo hành vi thù hận đồng ý được hỗ trợ và giới thiệu nguồn lực. Nhưng những quận không thấy báo cáo, hoặc có rất ít vụ được báo cáo, lại thuộc vùng nông thôn như Del Norte, Sutter và Mariposa.
Hiện nay, với thời của Tổng Thống D. Trump, người nhập cư Hmong phải đối mặt với mối đe dọa bị trục xuất. Gaonou Vang, Giám đốc truyền thông tại Hmong Innovating Politics (HIP) có văn phòng tại ở Sacramento, chia sẻ về các mối đe dọa trục xuất mà cộng đồng người nhập cư Hmong phải đối mặt.
Vang xác nhận sự cô lập tương tự trong cộng đồng người Hmong, ước tính có từ 95,000 đến 107,458 người ở California, và 368,609 người trên toàn quốc. Bà nói: “Cộng đồng chúng tôi không có lòng tin, kể từ thế hệ người tị nạn Hmong đầu tiên từ chiến tranh Việt Nam và chiến tranh bí mật ở Lào vào những năm 60. Nhiều người Hmong là công dân nhập tịch do tình trạng tị nạn trước đây hoặc được sinh ra ở Mỹ, nhưng chúng tôi có số lượng người có thẻ xanh ngày càng tăng trong thập niên qua, và ước tính sơ bộ là 4,500 người trong số những người này có lệnh trục xuất do bị kết án phạm tội, dù là tội nhỏ hay tội lớn… ngay cả sau khi họ đã thụ án và được thả.”
Với các cuộc truy quét của ICE đối với cộng đồng Đông Nam Á ngày càng tăng; các thỏa thuận hồi hương với Campuchia và Việt Nam; và chính quyền Trump sắp tới đã ban hành lệnh cuối cùng để trục xuất người Hmong về Lào lần cuối vào năm 2020.
Vang nói thêm: “Với CA vs Hate, rất nhiều công việc chúng tôi đã làm là chỉ cho thanh thiếu niên cách vượt qua sự ngờ vực đó và báo cáo về sự thù hận đang xảy ra trong cộng đồng.”
Nỗi sợ hãi và thiếu nhận thức về quyền dẫn đến việc báo cáo không đầy đủ về các tội ác thù hận ở Quận Imperial. Marlene Thomas, giám đốc điều hành của Ủy Ban Công Lý Xã Hội Imperial Valley, nói về sự thù hận ở Quận Imperial. Thomas cho biết: “Sự thù hận ở khắp mọi nơi. Điều khiến tình trạng này nổi bật là dân số đã có sự thay đổi lớn. Khi tôi lớn lên, ở đây đa số là người da trắng, và bây giờ 90% là người gốc Tây Ban Nha. Nhưng sự khác biệt là, đã có sự đồng hóa của cộng đồng người gốc Tây Ban Nha lớn tuổi, trong khi những người nhập cư mới lại đang bị phân biệt đối xử bởi chính người dân của họ.”
Thommas cho biết, vào Tháng mười Một, 2023, sáu tháng sau khi ra mắt CA vs Hate, Ủy Ban Công Lý Xã Hội Imperial Valley là tổ chức phi lợi nhuận ở Quận Imperial, một trong hai quận của California giáp với Mexico, tổ chức một hội nghị Stop the Hate, và cảnh sát trưởng có mặt, hướng dẫn quy trình báo cáo mà bạn phải làm. Nhưng chỉ có hai khiếu nại. Tôi biết phải có nhiều hơn thế, nhưng vì sợ hãi, và thiếu hiểu biết, nên không ai dám nói.
“Ủy ban của chúng tôi hiện nay có hơn 7,000 tình nguyện viên,” bà nói. “Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với ACLU và tổ chức các hội thảo về quyền của bạn và những việc cần làm khi bị cảnh sát hoặc biên phòng chặn lại.” Thomas nói thêm. “Nhưng như thế vẫn chưa đủ… Khi bạn phải đối mặt với sự căm ghét, trong thâm tâm, điều quan trọng là phải giữ cho hy vọng luôn cháy sáng.”
CA vs Hate là đường dây nóng báo cáo tội phạm thù hận và sự cố đa ngôn ngữ không khẩn cấp và cũng là cổng thông tin trực tuyến. Có thể báo cáo ẩn danh bằng cách gọi đến số (833) 866-4283 hoặc 833-8-NO-HATE hoặc trực tuyến. Có thể báo cáo các hành vi thù hận bằng 15 ngôn ngữ khác nhau thông qua cổng thông tin trực tuyến và hơn 200 ngôn ngữ khi gọi đến đường dây nóng. Đối với những cá nhân muốn báo cáo tội phạm thù hận cho cơ quan thực thi pháp luật ngay lập tức hoặc đang gặp nguy hiểm sắp xảy ra, vui lòng gọi 911.
Để biết thêm thông tin về CA vs Hate, vui lòng truy cập CAvsHate.org. Thông tin về các dịch vụ bổ sung từ Sở Dân Quyền có tại đây. Các áp phích, tờ rơi và đồ họa đa ngôn ngữ cũng có sẵn trên trang web CA vs Hate.