Mối đe dọa của cúm sắp tới, còn được gọi là cúm gia cầm có nguy hiểm không? Chỉ lây lan trong gia cầm, hay còn gây ra rủi ro gì cho hàng triệu công nhân nhập cư làm việc trong các trang trại?
Tại hội thảo do cơ quan Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức hôm 24 Tháng Năm, các chuyên gia dự đoán sự gia tăng dịch bệnh vào mùa Hè, khi xuất hiện biến thể COVID-19 mới dễ lây lan hơn.
Tham dự hội thảo có các diễn giả: Bác Sĩ Maurice Pitesky, phó giáo sư thuộc Trường Thú Y UC Davis; Bác Sĩ Peter Chin-Hong, giáo sư y khoa và giám đốc chương trình bệnh truyền nhiễm vật chủ bị suy giảm miễn dịch tại đại học University of California, San Francisco; Bác Sĩ Benjamin Neuman, Giáo Sư Sinh học và Nhà virus học trưởng của tổ hợp Nghiên Cứu Y Tế Toàn Cầu, Đại Học Texas A&M.
Mở đầu hội thảo, cô Sunita Suhrabji, đại diện EMS cho biết một biến thể COVID-19 mới, được gọi là FliRT, đang xuất hiện, đe dọa sức khỏe các cộng đồng, ngay cả khi hàng triệu người đã được chích đầy đủ vaccine COVID-19, và đó là mối lo cho cộng đồng dân cư trong mùa Hè gần kề.
Bác Sĩ Maurice Pitesky cho biết hiện tại có một phiên bản H5N1, virus cúm gia cầm, đã xuất hiện trên sáu lục địa. Loại virus này lây lan qua phân của chim nước bị nhiễm bệnh, đồng thời ông lưu ý rằng nhiều trang trại chăn nuôi bò sữa và gia cầm có đầm phá và các vùng nước lớn khác gần đó. Mèo hoang đi lang thang quanh các cơ sở chăn nuôi bò sữa, các thiết bị của trang trại và nhà máy bị nhiễm bệnh, cũng là những nguồn lây lan virus.
Theo ông Pitesky, do tiếp xúc gần gũi với gia cầm bị bệnh, công nhân trong ngành chăn nuôi gia cầm và sữa có nguy cơ bị lây nhiễm đặc biệt qua mắt, mũi, miệng hoặc qua đường hô hấp. Việc mặc bộ đồ Tyvek, găng tay, khẩu trang và các thiết bị bảo hộ cá nhân khác có thể phòng tránh được, nhưng lại gây khó khăn cho các công nhân, dưới cái nóng khủng khiếp của mùa Hè.
Toàn nước Mỹ hiện nuôi khoảng 8 tỷ con gà mỗi năm. Với số lượng lớn như vậy, việc chích ngừa cho gà là một nhiệm vụ nặng nề. Việc ngăn chặn sự lây lan sang các khu vực cụ thể cũng rất khó khăn. “Cúm gia cầm là một nguy cơ đối với tất cả chúng ta ở một mức độ nào đó, có rất nhiều virus xung quanh môi trường. Vì thế cũng có nhiều nghiên cứu mới tập trung virus trong nước thải từ các cơ sở xử lý nước thải của con người,” ông nói.
Bác Sĩ Peter Chin-Hong cho biết, cúm gia cầm hết sức nguy hiểm với con người. Theo ông, cúm gia cầm cũng giống như một bệnh cúm nặng, có tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với cúm thường.
“Cúm gia cầm ban đầu gây tử vong ở người là vì con người chưa quen với loại bệnh truyền nhiễm này, gần giống như những ngày đầu của đại dịch COVID-19 vậy đó, mà chúng ta lại chưa có hệ thống miễn dịch cần thiết để phòng ngừa,” Chin-Hong nói. “mà đại dịch này có thể xảy ra vào một thời điểm nào đó cuối năm nay.”
Ông Hong cũng lưu ý về bệnh cúm Tây Ban Nha năm 1918, làm chết hơn 50 triệu người trên toàn thế giới, là do vi-rút H1N1 có gen có nguồn gốc từ chim gây ra. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng việc phát hiện và điều trị tốt hơn ngày nay có thể làm giảm số ca tử vong ở người. Cho đến nay chỉ có ba trường hợp người bị nhiễm bệnh ở Mỹ được báo cáo. Trong hợp đó, nhiễm trùng có biểu hiện viêm kết mạc, đau mắt đỏ, và vài triệu chứng tương đối nhẹ.
Nhưng cả hai diễn giả Chin-Hong và Pitesky đều tin rằng tình trạng nhiễm cúm gia cầm ở người chưa được báo cáo đầy đủ.
Theo dữ liệu từ Viện Chính Sách Kinh tế, người nhập cư chiếm 56% công nhân trong ngành đóng gói thịt và 28% công nhân trong ngành chăn nuôi gia cầm. Tất cả những người này làm việc trong những khu vực chật hẹp, có ít hoặc không có thiết bị bảo hộ để tránh tiếp xúc với virus. Ông Chin-Hong cho biết, tình trạng nhập cư, cũng như chính sách nghỉ bệnh không được trả lương, có thể khiến người lao động không muốn báo bệnh.
“Ba trường hợp mà chúng tôi biết chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Thật sự chúng tôi không biết có bao nhiêu người bị nhiễm bệnh không có triệu chứng,” ông nói. “Ngoài ra, cũng có nỗi sợ bị trục xuất. Vì vậy, nếu có một số quy định về ân xá nhập cư, tôi nghĩ sẽ giúp ích cho tất cả chúng ta.”
Theo ông, bảo đảm thu nhập cho người bị bệnh và cho các trang trại phải đóng cửa trong thời gian dịch bệnh bùng phát cũng có thể dẫn đến báo cáo tốt hơn. Chính phủ liên bang có hỗ trợ $50,000 mỗi ngày cho các trang trại tạm thời đóng cửa.
Còn về sữa từ các trang trại thì sao? Ông Chin-Hong cho biết con người có thể nhiễm virus do uống sữa hoặc ăn phô-mai chưa tiệt trùng. Ông đề cập đến một nghiên cứu gần đây, trong đó chuột bị bệnh nặng khi uống sữa của bò bị nhiễm H5N1. Pitesky cho biết ông cũng lo ngại về cúm gia cầm từ góc độ an ninh lương thực.
“Gia cầm là loại protein động vật được tiêu thụ số một trên hành tinh, tương đối rẻ và tốt cho sức khỏe. Những gì chúng tôi đang giải quyết hiện nay là một cuộc khủng hoảng hiện hữu đối với ngành chăn nuôi gia cầm trên toàn cầu,” ông nói. “Nếu chúng ta dự định nuôi sống thêm 2 tỷ người trong vài thập niên tới, gia cầm có lẽ là một phần của giải pháp đó. Và nếu không thể giải quyết tốt vấn đề này, tôi e rằng đó sẽ là thách thức thực sự đối với tất cả chúng tôi. An ninh lương thực rất quan trọng cho sự ổn định toàn cầu.”
Bác Sĩ Benjamin Neuman, diễn giả cuối cùng, cho rằng mỗi năm có một biến thể COVID-19 khác nhau, khó lường trước được các biến thể gây hại như thế nào. Và vì thế, để phòng chống dịch bệnh, không gì khác hơn mọi người phải có ý thức thức bảo vệ sức khỏe cho chính mình.
Về cách phòng ngừa các bác sĩ đều cho rằng đeo khẩu trang lúc này không thật sự cần thiết, tuy nhiên nếu ai đang có các triệu chứng cảm cúm mà phải ra ngoài công cộng, cũng nên có ý thức giữ gìn cho người khác bằng cách đeo khẩu trang. “Và tất nhiên, chích ngừa đầy đủ các loại vaccine mới càng sớm càng tốt, là điều quan trọng trọng nhất,” Bác Sĩ Newman nói.