Đã bốn tháng trôi qua kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump đăng dòng trạng thái (status) cuối cùng trên mạng Facebook trước khi bị cấm “vô thời hạn”. Đến nay Ban Giám sát Facebook – một tổ chức bên ngoài được Facebook lập ra và tài trợ để xem xét những lựa chọn chính sách gai góc nhất mà mạng xã hội khổng lồ này phải quyết định – đã có kết luận về trường hợp của ông Trump. Dự kiến vào lúc 9 giờ sáng thứ Tư tới, ngày 05-05-2021, Ban Giám sát này sẽ công bố liệu Facebook được tiếp tục duy trì lệnh cấm ông Trump hoặc sẽ cho phép ông ta quay trở lại mạng Facebook.
Báo The Washington Post cho rằng, quyết định của Facebook về trường hợp ông Trump đang được các chính trị gia khắp thế giới theo dõi, cũng như các nhà nghiên cứu truyền thông xã hội và các công ty công nghệ khác đã có quyết định tương tự, cấm ông Trump tham gia, từ hồi tháng 01-2021.
Facebook là mạng truyền thông đầu tiên “treo tài khoản” của ông Trump “vô thời hạn” ngay sau khi xảy ra vụ bạo loạn tấn công tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ hôm 06-01-2021. CEO Mark Zuckerberg nói rằng, việc treo tài khoản ông Trump là cần thiết để làm giảm rủi ro bạo lực trước lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ của ông Joe Biden.
Quyết định của Facebook khi đó được nhiều người phản đối ông Trump khen ngợi, sau khi họ đã từng phê phán công ty này dễ dãi để ông Trump tránh né các chính sách và quy định thông thường của công ty. Nhưng những người ủng hộ ông cựu tổng thống cho rằng Facebook đã thực hành “kiểm duyệt”, vi phạm tự do ngôn luận và đặt ra một tiền lệ nguy hiểm về cách thức mà các nhà lãnh đạo chính trị phát ngôn trên mạng trực tuyến.
Ban Giám sát Facebook là ai? Có quyền hạn gì?
Ban Giám sát (Oversight Board) là một nhóm chuyên gia do Facebook lập ra năm 2019 để xem xét những khiếu nại mà người sử dụng đưa ra đối với các quyết định quan trọng của công ty. Tuy hoạt động từ ngân sách 130 triệu USD do Facebook tài trợ, Ban này vẫn cho rằng họ là một tổ chức độc lập, là bên thứ ba làm trọng tài phân xử đúng sai giữa Facebook và người sử dụng. Nhiệm vụ của Ban là xem xét các quyết định của công ty xem chúng có “phù hợp với các giá trị đã công bố của công ty” hay không.
Ban Giám sát Facebook hiện có 20 chuyên gia ở khắp thế giới về báo chí, truyền thông xuyên tạc, tự do ngôn luận và cực đoan; Facebook có kế hoạch nâng số chuyên gia này lên gấp đôi, khoảng 40 người. Từ tháng 10-2020, Ban này được ví như “Tối cao Pháp viện của Facebook” dù nó không liên can gì tới chính quyền hoặc pháp luật quốc gia. Người sử dụng, không tán thành quyết định của Facebook đối với tài khoản của mình – chẳng hạn như việc cấm đăng bài một thời gian, xóa bài, cấm tương tác với người khác, đóng tài khoản v.v…- có thể khiếu nại lên Ban Giám sát; công ty Facebook cũng có thể yêu cầu Ban Giám sát xem xét lại các quyết định của họ khi cần thiết. Facebook cam kết tuân thủ các “phán quyết” của Ban Giám sát.
Sau khi có khiếu nại hoặc đề nghị của Facebook, Ban Giám sát sẽ lập các tiểu ban để xem xét. Mỗi tiểu ban có năm “thẩm phán” sẽ “phán quyết” xem khi gỡ bỏ hoặc duy trì một thông tin nào đó, một tài khoản nào đó, Facebook có áp dụng đúng những quy tắc của mình hay không. Danh tính của các “thẩm phán” được giữ bí mật. “Phán quyết” của tiểu ban năm thẩm phán sẽ được đưa ra hội nghị toàn thể Ban Giám sát bàn bạc và bỏ phiếu chuẩn thuận; nếu đa số thành viên Ban Giám sát không đồng ý với phán quyết, vụ việc sẽ được chuyển cho một tiểu ban khác xem xét lại từ đầu.
Cũng giống như một phiên tòa, phán quyết của Ban Giám sát không chỉ bao gồm kết luận “có” hoặc “không” mà sẽ có bản giải thích chi tiết những thông tin mà họ đã xem xét và căn cứ để họ đưa ra kết luận cuối cùng.
Cho tới nay, Ban Giám sát Facebook đã “ra phán quyết” về một số quyết định điều hành của công ty trong các vấn đề truyền thông liên quan tới đe dọa bạo lực, tin giả về Covid-19… trong đó quyết định của Facebook bị bác bỏ và đảo ngược sáu lần, được giữ nguyên hai lần và một trường hợp chưa có phán quyết cuối cùng.
Vì sao Facebook cấm ông Donald Trump?
Facebook nói ông Trump có hai bài đăng (post) vi phạm quy tắc của công ty khi ca ngợi và ủng hộ cuộc bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội. Trong một video đưa lên Facebook và một bài đăng kèm theo, ông Trump lặp lại những tuyên bố không có căn cứ về gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống và khuyến khích những kẻ bạo loạn hãy về nhà một cách hòa bình, ám chỉ rằng hành động của họ xuất phát từ một nỗi phẫn nộ hợp lý.
Facebook cho rằng nội dung đó là bị cấm. Ông Zuckerberg nói ông Trump đang tìm cách “phá hoại cuộc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và hợp pháp cho người kế nhiệm được bầu lên, ông Joe Biden”.
“Phản ứng đối với quyết định của chúng tôi cho thấy sự cân bằng mong manh mà một công ty tư nhân như Facebook phải tuân thủ. Vài người nói lẽ ra Facebook nên cấm Tổng thống Trump từ lâu rồi và vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội bản thân nó là một sản phẩm của truyền thông xã hội; những người khác nói [quyết định của Facebook] là sự thể hiện không chấp nhận được quyền lực của một doanh nghiệp đối với phát ngôn chính trị mà không phải chịu trách nhiệm giải trình”.
Nick Clegg, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế của Facebook
Nhưng quyết định của Facebook đến nay vẫn còn gây tranh cãi; những người ủng hộ ông Trump cho rằng Facebook đã ngăn chặn tự do ngôn luận, ngăn cấm ông cựu tổng thống để làm hài lòng chính phủ Dân Chủ sắp cầm quyền. Trong khi đó những người phản đối ông Trump cho rằng Facebook đã hành động tuy muộn màng nhưng đúng đắn, để ngăn chặn một nguồn phát tán tin giả và kích động thù hận.
Nick Clegg, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế của Facebook than thở: “Phản ứng đối với quyết định của chúng tôi cho thấy sự cân bằng mong manh mà một công ty tư nhân như Facebook phải tuân thủ. Vài người nói lẽ ra Facebook nên cấm Tổng thống Trump từ lâu rồi và vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội bản thân nó là một sản phẩm của truyền thông xã hội; những người khác nói [quyết định của Facebook] là sự thể hiện không chấp nhận được quyền lực của một doanh nghiệp đối với phát ngôn chính trị mà không phải chịu trách nhiệm giải trình”.
Bên cạnh Facebook, một số công ty mạng xã hội khác như YouTube của tập đoàn Alphabet Inc., Twitter Inc. cũng ngừng hoạt động các tài khoản của ông Trump sau vụ bạo loạn.
Mạng Twitter – mà ông Trump thường xuyên sử dụng trong suốt nhiệm kỳ tổng thống và dùng nó như một kênh thông tin chính thức để điều hành công việc của chính phủ, đã thông báo sẽ cấm vĩnh viễn ông cựu tổng thống. Trước khi bị “cấm cửa” ông Trump có đến 88 triệu người theo dõi (followers) trên Twitter. Mạng video YouTube không cấm hẳn tài khoản của ông Trump nhưng ông không được đăng video mới. CEO của YouTube hồi tháng Ba nói rằng họ sẽ phục hồi tài khoản của ông Trump khi thấy việc đó là “an toàn”, “rủi ro bạo lực đã giảm”.
Quyết định cấm mạng xã hội ảnh hưởng gì tới ông Trump?
Từ khi các mạng xã hội lớn “cấm cửa” ông Trump hồi tháng 01 đến nay, ông cựu tổng thống đã mất đi những kênh tương tác trực tiếp với người ủng hộ ông và tình trạng tin giả, thuyết âm mưu cũng giảm đáng kể. Tuy nhiên ông vẫn thường xuyên đưa ra các thông cáo báo chí, gửi thông tin đến ủng hộ viên qua phương tiện thư điện tử và thỉnh thoảng xuất hiện trong các chương trình truyền hình.
Theo trang The Hill, trong một chương trình phỏng vấn trên đài Fox News tháng trước, ông Trump còn thậm chí khen ngợi chiến lược sử dụng “thông cáo báo chí” của văn phòng cựu tổng thống. “Nó tốt hơn là Twitter, thanh lịch hơn Twitter. Bây giờ Twitter quá buồn chán,” ông nói.
Trên Fox News, cố vấn cao cấp của ông Trump là Jason Miller tiết lộ ông cựu tổng thống đang thiết lập một mạng xã hội riêng tuy ai cũng biết đó là một công việc hao tổn nhiều thời gian, tiền bạc và kỹ năng công nghệ. Ngay cả khi ông Trump thiết lập được một mạng xã hội riêng thì việc thu hút hàng tỷ người ghi danh tham gia từ con số không không phải là chuyện có thể làm được trong một thời gian ngắn.
Việc quay lại Facebook có thể là một thắng lợi quan trọng của ông Trump trong việc tái kết nối với hàng triệu người hâm mộ nhằm xúc tiến những quan điểm và chương trình chính trị của ông.
Ban Giám sát sẽ quyết định thế nào?
Ban Giám sát Facebook đã chỉ định một tiểu ban năm chuyên gia, trong đó có ít nhất một chuyên gia từ quốc gia xảy ra vụ việc, xem xét trường hợp tài khoản của ông Trump; họ sẽ xem xét lại các quy tắc cộng đồng của Facebook và tham khảo ý kiến các chuyên gia bên ngoài và xem xét các bình luận của công chúng về vụ việc.
Công ty Facebook chính thức yêu cầu Ban Giám sát xem xét trường hợp tài khoản của ông Trump vào ngày 21-01-2021 và Ban Giám sát có 90 ngày để đưa ra kết luận; nhưng do vụ việc quá phức tạp, ý kiến trong công chúng và trong giới chuyên gia trái ngược nhau sâu sắc nên Ban Giám sát đã yêu cầu kéo dài thời gian xem xét.
Đến nay thời hạn xem xét đã kết thúc, Ban Giám sát sẽ đưa ra “phán quyết” gồm có hai phần. Thứ nhất, Facebook có được tiếp tục “cấm cửa” ông Trump hay không dựa trên các quy tắc của mạng xã hội này; nếu không thì phải phục hồi tài khoản cho ông ấy. “Phán quyết” thứ nhất này có tính ràng buộc (binding) mà công ty Facebook phải tuân thủ. Hai là, Ban Giám sát sẽ đưa ra một số khuyến nghị cho Facebook, chẳng hạn như yêu cầu công ty bổ sung các điều khoản liên quan tới các vấn đề như phát ngôn có tính thù hận, kích động bạo lực, loan truyền tin giả hoặc phổ biến thuyết âm mưu vô căn cứ. Họ cũng có thể khuyến nghị công ty có chính sách đối xử đặc biệt với các nhà lãnh đạo quốc gia chẳng hạn. Facebook không nhất thiết phải tuân thủ (non-binding) các khuyến nghị của Ban Giám sát nhưng trong đa số trường hợp, các khuyến nghị đều được Facebook làm theo.
Nếu ông Trump quay lại Facebook, ông vẫn có thể tiếp tục vi phạm các quy tắc của mạng xã hội và trong tương lai các bài đăng của ông có thể tiếp tục bị xóa. Còn nếu Facebook thực thi khuyến nghị về chính sách ưu đãi đặc biệt cho các nguyên thủ quốc gia, các chính trị gia nổi bật thì quy tắc mới sẽ ảnh hưởng tới các quyết định về bài đăng của ông ta sau này. Mới sáng nay thứ Hai 03-05, ông Trump vẫn còn đưa ra thông cáo báo chí tuyên bố cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 là một vụ lừa đảo; ông gọi đó là “THE BIG LIE!”
Phải đến sáng thứ Tư quyết định cuối cùng về tài khoản Facebook của ông Trump mới được công bố, nhưng theo một số chuyên gia theo dõi vụ việc, rất có khả năng Ban Giám sát Facebook sẽ quyết định phục hồi tài khoản của ông Trump. Các phán quyết trước đây của Ban Giám sát Facebook thường thiên về hướng cổ xúy tự do ngôn luận trong chừng mực các bài đăng chưa chạm đến giới hạn của phát ngôn thù ghét hay kêu gọi bạo lực và kỳ thị.
Đọc thêm: