DEI và thảm họa ở Washington

(Hình minh họa: Richard R. Schünemann/Unsplash)

Chỉ mươi phút sau khi hai chiếc phi cơ đụng nhau ở Washington, DC tối Thứ Tư, 29 Tháng Giêng, ông Donald Trump, tổng thống, đã lên mạng đổ lỗi rằng việc thực thi chương trình DEI trong Cơ Quan Hàng Không Liên Bang (FAA) của các chính quyền tiền nhiệm Barack Obama và Joe Biden là nguyên nhân gây ra tai nạn bi thảm này. DEI là cái gì và tại sao nó có thể là nguyên nhân của một thảm họa?

DEI là viết tắt các từ “Diversity” (đa dạng), “Equity” (công bằng) và “Inclusion” (bao dung), ba giá trị phải thể hiện ở môi trường làm việc, trường học của nước Mỹ.

“Diversity” yêu cầu lực lượng lao động của một công ty, tổ chức phải đa dạng, không phân biệt giới tính, chủng tộc, tuổi tác, văn hóa, tín ngưỡng, quan điểm chính trị…

“Equity” đòi hỏi người lao động phải được đối xử công bằng về lương bổng, quyền lợi và cơ hội thăng tiến.

“Inclusion” tôn trọng sự khác biệt về quan điểm, đức tin trong cùng một tổ chức, bảo đảm mọi người hội nhập trong một môi trường mà tiếng nói của họ được lắng nghe.

Chính sách DEI đã có nền tảng trong Tu Chính Án 14 về quyền bình đẳng và đã được “luật hóa” bằng nhiều đạo luật được Quốc Hội Mỹ chấp thuận, quan trọng nhất là Luật Dân Quyền 1964, nghiêm cấm phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, màu da, tín ngưỡng, giới tính và nguồn gốc xuất thân khi tuyển dụng nhân viên. Về sau, có thêm nhiều đạo luật khác chống kỳ thị dựa trên tuổi tác, tình trạng khuyết tật, giới tính…

Kết hợp lại, những đạo luật đó tạo thành chính sách, hay khuôn khổ DEI, được chính quyền Mỹ qua các đời tổng thống thực hiện, không chỉ trong các cơ quan công quyền mà cả trong các tổ chức tư nhân và doanh nghiệp. DEI phản ảnh bức “chân dung” của xã hội Mỹ đa sắc tộc, đa văn hóa, lập ra từ vô số các thế hệ người nhập cư đến từ khắp các châu lục.

Sau nhiều thập niên, các giá trị DEI đã thấm sâu vào văn hóa Mỹ, chi phối mọi mặt đời sống. Giả sử bạn là ông bà chủ một doanh nghiệp, bạn sẽ vi phạm luật ADEA (Age Discrimination in Employment Act of 1967) nếu từ chối đơn xin việc chỉ vì đương đơn “già” trên 40 tuổi, sẽ vi phạm luật ADA (Americans with Disabilities Act) nếu cơ sở thương mại của bạn không có tiện ích dành cho người khuyết tật ngồi xe lăn, và vi phạm luật EPA (Equal Pay Act of 1963) nếu bạn trả lương thấp cho một nhân viên chỉ nhân viên đó là phụ nữ hay da màu…

Chính sách DEI mang lại nhiều lợi ích, hình thành một lực lượng lao động đa dạng, ngăn chặn tình trạng bất công có tính hệ thống trong xã hội Mỹ. Có thể nói, nhờ DEI, những cộng đồng thiểu số như người da màu, người nhập cư vốn bị kỳ thị nặng nề, đã dần dần tìm được chỗ đứng và vươn lên trên thang giá trị xã hội.

Trước kia, để được đối đãi ngang bằng với một người da trắng cùng trình độ nghề nghiệp, người da màu phải nỗ lực gấp đôi gấp ba, nay thì khoảng cách ấy đã được thu hẹp, ngày càng có nhiều người da màu, người nhập cư đảm đương những trọng trách cao nhất trong guồng máy công quyền, trong quân đội, và trong lĩnh vực tư nhân.

Một nghiên cứu của công ty tư vấn kinh doanh toàn cầu McKinsey & Company ghi nhận các công ty “đa dạng hơn” thường có mức tăng trưởng về tài chính và xã hội vượt qua các công ty “kém đa dạng.”

Tuy vậy cũng như mọi chính sách, DEI có mặt trái, có ít nhất hai tác hại lớn. Một là, lạm dụng DEI tạo ra tình trạng “kỳ thị ngược” (reverse discrimination): ưu đãi các cộng đồng thiểu số mà ngược đãi người da trắng đa số, đề cao phụ nữ khinh rẻ đàn ông. Hai là, tập trung hoặc đề cao quá đáng vào tính đa dạng làm cho tiêu chuẩn tuyển chọn bị hạ thấp và hạn chế tài năng (undermining meritocracy).

Ví dụ, từ khi Tổng Thống Obama cho phép tuyển nữ quân nhân vào các đơn vị chiến đấu của quân đội Mỹ, Bộ Lục Quân phải giảm cường độ các bài huấn luyện và kiểm tra thể lực để chị em có thể theo được; ở nhiều trường đại học Ivy Leagues chính sách ưu tiên cho người da đen và người gốc Hispanic để “đa dạng hóa” trong tuyển sinh đã thu hẹp cơ hội của các sinh viên da trắng và sinh viên gốc Á Châu làm phát sinh nhiều vụ kiện…

DEI lợi hay hại tùy vào từng trường hợp, từng cách thực thi chính sách. Việc nên làm là ngăn chặn sự lạm dụng chính sách DEI, ngăn chặn hiện tượng “kỳ thị ngược” chứ không phải hủy bỏ nó.

***

Tổng Thống Donald Trump không giấu nỗi bất bình khi thấy tình trạng “kỳ thị ngược” lan tỏa trong xã hội Mỹ; ở nhiều địa phương, người Mỹ da trắng đang trở thành thiểu số và vị thế đứng đầu của họ trong guồng máy công quyền đang bị các nhóm dân da màu lấn lướt. Cứ nhìn vào chính quyền Joe Biden vừa mãn nhiệm sẽ thấy, đa số các vị trí quan trọng nhất trong nội các nằm trong tay phụ nữ và người da màu, một bộ trưởng là người da đỏ bản địa, bộ trưởng Quốc Phòng và chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Liên Quân đều là người da đen…

Ông Trump và phong trào MAGA muốn đảo ngược hiện trạng. Câu khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA) có hàm ý “nước Mỹ vĩ đại” là nước Mỹ của những người da trắng gốc Âu Châu, theo Tin Lành truyền giáo, lao động cần cù trong các nhà máy, hầm mỏ, nông trại và không ngừng mở mang bờ cõi mà tổ tiên của người da trắng hiện nay lập ra. Nước Mỹ đó không đề cao chính sách đa dạng, bình đẳng và bao dung khi chính sách đó đụng chạm đến vị thế thống trị của người “da trắng thượng đẳng.”

Ngay trong ngày đầu tiên trở lại Tòa Bạch Ốc, ông Trump đã ký một loạt sắc lệnh hành pháp hủy bỏ chương trình DEI trong chính quyền liên bang, và yêu cầu các công ty lớn cũng làm như vậy. Các viên chức phụ trách chính sách DEI bị sa thải, các chương trình chống kỳ thị/phân biệt đối xử trong tuyển dụng, tuyển sinh vốn được thực thi hàng chục năm nay, bị xem xét cắt ngân sách và hủy bỏ.

Sắc lệnh nói rằng những chương trình DEI là “một sự phí phạm nguồn lực khủng khiếp và một sự kỳ thị đáng xấu hổ.” Chính quyền Trump thậm chí còn cảnh báo viên chức cơ quan liên bang sẽ “chịu hậu quả” nếu không báo cáo các trường hợp bất tuân của đồng nghiệp, biến nhân viên thành “chỉ điểm” những hành vi “che giấu chương trình DEI ở nơi làm việc của họ” – một kiểu tố cáo phổ biến dưới các chính thể độc tài.

***

Trong diễn văn nhậm chức, Tổng Thống Trump nói: “Chúng tôi sẽ tạo ra một xã hội ‘mù màu’ (colorblind) và dựa trên năng lực (merit-based)” – nghĩa là việc tuyển dụng tuyển sinh chỉ thuần túy dựa trên năng lực mà không xem xét đến màu da, chủng tộc của ứng viên theo yêu cầu về tính đa dạng, bình đẳng. Nên để ý, trong xét tuyển, hầu như mọi công ty tổ chức đều quan tâm đầu tiên đến năng lực – tức là khả năng hoàn thành nhiệm vụ của ứng viên, trước khi xem xét những yếu tố DEI vì lẽ đơn giản lợi ích của công ty gắn liền với năng lực của nhân viên.

Ý tưởng tuyển dụng dựa trên năng lực, thuật ngữ chính trị gọi là “meritocracy” mà ông Trump đưa ra không có gì sai, nhưng thực tế không phải vậy. Ông Trump chỉ chọn những người trung thành với ông và quyền lợi của ông, bất kể người đó có năng lực hay không. Việc đề cử ông Pete Hegseth vào chức bộ trưởng Quốc Phòng là một ví dụ. Ngoài tư cách đạo đức có vấn đề, ông Hegseth – một người dẫn chương trình của Fox News – còn không có đủ phẩm chất và tài năng cần thiết để lãnh đạo quân đội Mỹ vốn đang đối mặt với vô số thách thức sinh tử trong một thế giới đầy biến động.

Ông Hegseth thậm chí còn không trả lời được câu hỏi của một thượng nghị sĩ về Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) dù ASEAN là một đối tác tối quan trọng của Mỹ trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông. “Phẩm chất” nổi bật của ông Hegseth là trung thành, sẵn sàng thực thi mọi chỉ thị của ông Trump vô điều kiện mà vụ “truy sát” Đại Tướng Mark Milley – cựu chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Liên Quân – một “kẻ thù” của ông Trump, hiện nay là một ví dụ. Ông Trump đã hủy bỏ chương trình DEI và thay vào đó là “tiêu chuẩn” trung thành, nói theo ngôn ngữ Cộng Sản là “hồng hơn chuyên!”

***

Trở lại với tai nạn phi cơ kinh hoàng ở thủ đô Washington. Tại cuộc họp báo hôm Thứ Năm, 30 Tháng Giêng, ông Trump đã tố cáo mà không có bằng chứng rằng chính sách DEI trong cơ quan kiểm soát không lưu thuộc FAA là một phần nguyên nhân dẫn tới thảm họa.

Nhưng theo nhiều nguồn tin, lúc tai nạn xảy ra, đài kiểm soát không lưu ở phi trường quốc gia Reagan National Airport đang bị thiếu hụt nhân viên trầm trọng; giám đốc FAA bị sa thải ngay trong ngày ông nhậm chức, việc tuyển dụng nhân viên điều khiển không lưu bị “đóng băng” ngày hôm sau và hôm sau nữa 22 Tháng Giêng, Ủy Ban Cố Vấn An Toàn Hàng Không (Aviation Safety Advisory Committee) bị giải tán.

Trước lúc tai nạn, ngày 28 Tháng Giêng, nhân viên FAA – cũng như mọi viên chức liên bang – nhận được thư điện tử yêu cầu họ tình nguyện thôi việc để được hưởng tám tháng lương. Những biến cố dồn dập như vậy có thể ảnh hưởng tai hại đến tâm lý và tinh thần làm việc của nhân viên điều khiển không lưu ở phi trường Reagan. Và có thể đây mới là một phần các yếu tố dẫn tới thảm họa.

Đổ thừa cho chính sách DEI là một cách né tránh trách nhiệm một tai nạn thảm khốc ngay trong thẩm quyền của mình vừa không đúng vừa không lương thiện!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: