Trong những ngày gần đây sau khi những vụ hạ bệ dần dần ổn định, Tô Lâm lên ngôi chủ tịch nước cũng như nắm trong tay trọn vẹn hệ thống công an khắp nước, đặc biệt là gây dựng được hệ thống công an trị từ cấp thấp nhất với danh nghĩa là ổn định chính trị. Râm ran đây đó vài hồ sơ đang được tiếp tục mở ra khi thời gian đã qua rất lâu nhiều năm về trước. Trong số này có hồ sơ Ciputra, cho dù nằm trong ngăn kéo gần 20 năm không ai đụng tới nhất là ông Trọng, người được tiếng đốt lò không có vùng cấm, vẫn im lặng tuyệt đối.
Giới quan sát chính trị Việt Nam còn nhớ trong hai thập niên trước hàng trăm vụ ép giá đất của dân hay của nhà nước rồi sau đó nâng giá lên hàng trăm lần sau khi một doanh nghiệp nào đó thắng được hợp đồng là cách mà các quan đầu tỉnh hay thành phố kiếm chác phổ biến nhất. Việc làm này vừa tránh được cặp mắt pháp luật vừa dễ kiếm tiền tươi thóc thật chỉ sau vài tháng ép và nâng giá, Ciputra là một dự án như thế trong lúc Nguyễn Phú Trọng đang là bí thư Thành Ủy Hà Nội.
Ông Trọng chỉ đạo người dưới quyền là Hoàng Văn Nghiên ký ban hành quyết định áp giá đất thấp hơn 10 lần giá thị trường lúc ấy với 620 ngàn đồng mỗi m2 trong khi Thủ Tướng Phan Văn Khải ban hành một nghị định giá đền bù cao hơn gấp nhiều lần. Người dân bị giải tỏa và đền bù với cái giả ấy không tài nào mua được một mảnh đất khác trong nội ô Hà Nội và kết quả là hàng ngàn gia đình đã sống trong cảnh màn trời chiếu đất và đồng thời cơ quan tiếp dân của Hà Nội ngày nào cũng nhận đơn khiếu kiện ngập cả bàn giấy.
Trớ trêu là chỉ sau đó hai tuần cũng chính ông Trọng chỉ đạo nâng giá lên tới 12 triệu mỗi m2 khi nhà đầu tư Ciputra đã nhận miếng đất từ tay UBND thành phố Hà Nội. Từ 62 ngàn nâng lên 12 triệu số tiền chênh lệch phải nói là khủng khiếp cỡ nào và vì vậy người dân Hà Nội nào để ý đến dự án Ciputra đều ngao ngán cho một kẻ miệng rêu rao chống tham nhũng nhưng lại là kẻ đầu tàu cho một vụ án lớn như vậy.
Mặc dù một tay chống trời, ông Trọng cũng không thể qua mặt hết mọi quan lại nhà nước, những người hoặc do tâm trong sáng hoặc bức xúc trước cảnh đầu đường xó chợ của người dân mà lên tiếng đánh động dư luận. Hai người chức sắc trong guồng máy là Thứ Trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn và Thứ Trưởng Đặng Hùng Võ đều lên tiếng trước công luận đòi làm sáng tỏ vụ việc. Nhưng ông Trọng tỏ ra cao tay hơn nên mọi ý kiến phản biện đều bị dập tắt và kết quả ngay lập tức là những người phản biện đều cùng nhau về hưu không một tiếng vang để lại.
Dự án Ciputra không những ăn chênh lệch giá mà số tiền trốn thuế của nó cũng rất lớn hơn 3,000 tỷ đồng. Đã vậy cái dự án kéo dài này cho tới nay vẫn nằm lì ra đó không một tiến độ thi công nào được thực hiện, Ciputra giống như một thứ hàng dởm vì giá thành cao mà chất lượng không có gì khiến không nhà đầu tư nào dám “xắn tay áo” vào nó.
Ciputra Hanoi Mall giống như những thây ma khác của các tập đoàn kinh tế nhà nước, nó đắp chiếu nằm ngủ bất kể thiên hạ mong ngóng một giải pháp cho cả hai bên nhà đầu tư và chủ đất chưa được đền bù. Nó vẫn nằm đó nhìn Nguyễn Phú Trọng hằng ngày chẻ củi đốt lò nhưng không lý gì tới cái mà ông ta sinh ra gần 20 năm về trước.
Trước giờ chưa ai dám mó tay vào Ciputra nhưng lần này thì ông Tô Lâm không hề sợ hãi.
Có mang Ciputra ra để mổ xẻ thì với giá trị quá nhỏ của nó sẽ không làm cho người dân để tâm vào, nhưng đối với ông Trọng, nó là con dao chí mạng đâm vào niềm tự hào của ông ta khi cả nước đều được tuyên truyền rằng ông ta là người hiếm hoi trong sạch nhất của đảng CSVN, là ngọn cờ đầu chống tham nhũng là giải pháp duy nhất khiến cho đảng còn vững vàng cho tới ngày nay.
Dĩ nhiên ông Lâm không dại mà đẩy ông Trọng vào bước đường cùng. Ciputra chỉ là cái cớ dí vào mặt tổng bí thư, để ông ta dịu gọng lại khi bươi móc những quân cờ của tân chủ tịch nước còn trong bóng tối.
Vài ngày qua khi ông Trọng vắng mặt trong Hội Nghị Đảng Ủy Công An Trung Ương, người dân đánh hơi được điều bất thường đang xảy ra trong nội bộ của hai nhân vật cao nhất nước này. Ông Trọng có được mời mà không tới do sức khỏe yếu hay không được mời, mặc dù trên danh vị ông vẫn là Ủy Viên Ban Thường Vụ Đảng Ủy Công An Trung Ương thì không mấy ai nắm rõ, ngoại trừ hai người là ông và ông Lâm.
Có điều thú vị là sau hội nghị này thì Tổng Trọng ra văn bản yêu cầu mọi đơn vị phải theo dõi cặn kẽ nhân viên của mình không phát tán tin đồn thuộc loại tin nội bộ để làm vững mạnh đảng trước tình trạng rò rỉ thông tin. Qua thông tư này người ta chú ý ngay lập tức đến nguồn tin Ciputra đang phát tán trên mạng xã hội khiến cho bản thân ông Trọng rất lo lắng.
Đới với ông Lâm, nước cờ rò rỉ thông tin này là bình thường nhưng với ông Trọng, đây là đòn hiểm khó tránh né. Mặc dù được tiếng là trong sạch nhưng với Ciputra thì mọi tiếng thơm có cớ cắp nón ra đi như bao quan tham khác trong cuộc đời chống tham nhũng của tổng bí thư.
Dù tin hay không tin, Ciputra là vết nhơ khó rửa cho người đốt lò, mặc dù có làm gì đi nữa thì tiếng xấu đã vận vào vai trò của ông Nguyễn Phú Trọng bởi một định luật bất thành văn đã sống rất dai trong hệ thống quan quyền của cộng sản: Không có dự án nào được ký mà ra khỏi tầm mắt của tổng bí thư cũng như không đồng tiền nào ẩn dưới gầm bàn mà ông không biết.