Đồng đô la Mỹ – Tay chơi ‘độc cô cầu bại’

(Hình minh họa: Celyn Kang’s profile Celyn Kang/Unsplash)

Trong một bài báo, tờ Foreign Policy viết “China Is Quietly Trying to Dethrone the Dollar.” Trong thực tế, chiến dịch lật đổ đồng đô la Mỹ (viết tắt USD) được tiến hành rất ồn ào và công khai. Cái gọi là “de-dollarization” đã được thực hiện từ ít nhất 10 năm qua. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn thất bại hoặc kết quả đạt được rất khiêm tốn.

Tại sao không thể khai tử USD?

Việc Bộ Tài Chính Hoa Kỳ đóng băng nguồn dự trữ bằng USD của một quốc gia có chủ quyền (trong trường hợp này là Nga, do xâm lược Ukraine) là một sự kiện địa chấn, dẫn đến nguy cơ các nước có lợi ích địa chính trị với Mỹ phải nghĩ đến việc rời bỏ sử dụng USD trong thương mại hoặc đầu tư.

Trên thực tế, một số chính phủ bên ngoài Tây phương đang tìm cách giảm mức độ gắn kết USD. Nga hiện thanh toán 1/4 thương mại quốc tế bằng nhân dân tệ (NDT); và thương mại song phương với Trung Quốc gần như được thanh toán hoàn toàn bằng đơn vị tiền tệ của hai nước.

Tháng Ba, 2023, Trung Quốc lần đầu tiên thanh toán việc mua khí đốt với Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) bằng tiền của họ thay vì USD. Tháng Mười Một, 2023, Trung Quốc và Saudi Arabia ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ, với mong muốn mở rộng việc sử dụng đồng tiền của hai quốc gia, thay vì USD.

Có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại đối với USD. Dù dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương tăng đều đặn trong hơn 20 năm qua, nhưng tỷ lệ nắm giữ bằng USD đã đạt mức thấp nhất vào quý 4, 2022. Cụ thể, tỷ trọng USD trong dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương thế giới đã giảm từ hơn 70% vào đầu những năm 2000 xuống còn dưới 60% hiện nay. Điều này phản ảnh một số diễn biến kinh tế cũng như địa chính trị.

Chẳng hạn, tỷ trọng của kinh tế Mỹ trong sản lượng thế giới đang giảm, trong khi các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt Trung Quốc, tiếp tục phát triển nhanh hơn Mỹ. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại chính của hơn 120 quốc gia, với kim ngạch xuất cảng lên tới hơn $3,600 tỷ. Trong 20 năm qua, tỷ trọng Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi – từ 8.9% lên 18.5%; trong khi tỷ trọng Mỹ giảm từ 20.1% xuống 15.5% tính theo sức mua tương đương – dẫn lại từ The Conversation ngày 12 Tháng Giêng.

Năm 2023, các nền kinh tế BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã qua mặt G7 (Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Ý, Nhật và Đức) – xét theo tỷ lệ GDP thế giới tính theo sức mua tương đương. Trong khi đó, khối BRICS lại đang được mở rộng (thêm Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất) và họ cam kết xây dựng những giao dịch không dựa vào USD.

Muốn chết cũng không thể! Tại sao?

Nền kinh tế Mỹ không còn khổng lồ như trước. Nợ công rất lớn và tiếp tục tăng, trong khi việc hoạch định chính sách ở Washington ngày càng thất thường và khó đoán. Những mối đe dọa dai dẳng về việc vỡ nợ đã làm giảm nhận thức rằng trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ là an toàn. Tệ hơn, các yếu tố nền tảng tạo nên sức mạnh USD – pháp quyền, sự độc lập của Ngân Hàng Trung Ương (Fed), cơ chế kiểm soát cân bằng quyền lực (check and balance) – đã bị các chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy làm xói mòn.

Do vậy, không có gì ngạc nhiên nếu USD mất dần sức mạnh. Tuy nhiên, như phân tích của tác giả Eswar Prasad trên Foreign Affairs (ấn bản July/August 2024), trên thực tế, điều ngược lại đang xảy ra. Các xu hướng được cho là làm suy yếu USD, phần nhiều trong số đó là do chính sách của Mỹ, lại đang củng cố sự thống trị toàn cầu của USD. USD vẫn đứng đầu thế giới, một phần nhờ quy mô và sự năng động của nền kinh tế Mỹ so với các nền kinh tế lớn khác.

Quan trọng hơn, mặc dù các thể chế Mỹ đang bị lung lay, nhưng thể chế ở những nơi khác cũng chẳng tốt hơn. Khắp nơi, đâu cũng thấy sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa độc tài. Ngoài ra, những bất ổn kinh tế và địa chính trị trên thế giới lại khiến các nhà đầu tư quay trở về với USD, vốn luôn là loại tiền tệ đáng tin cậy. Hơn nữa, thị trường tài chính của Hoa Kỳ lớn hơn nhiều so với các quốc gia khác, khiến việc mua và bán tài sản bằng USD luôn trở nên dễ dàng.

Ngay cả khi USD mất đi một số vị thế, khoảng cách giữa nó với bất kỳ đối thủ giả định nào vẫn chỉ tăng lên và không có dấu hiệu dừng. Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành cường quốc kinh tế lớn nhưng giá trị đồng tiền của họ vẫn chưa tăng ở bên ngoài phạm vi đất nước họ. Ít nhất một nửa tổng thương mại quốc tế hiện được tính bằng USD, nhiều hơn bất kỳ tiền tệ nào; và thậm chí lớn hơn nhiều so với tỷ trọng thương mại thế giới của Mỹ (khoảng 11%).

Thật khó có thể “quăng cục lơ” với USD khi nó vẫn đứng vị trí đầu bảng của cái gọi là “tiền hóa đơn” (invoicing currency) lẫn “tiền thanh toán” (payment currency). Có nghĩa, nó là thứ tiền được ghi trong hàng tỷ tỷ hóa đơn giao dịch thương mại toàn cầu hàng ngày. Khoảng một nửa khoản chi trả thương mại quốc tế được thanh toán bằng USD. Khi một công ty Trung Quốc nhập quặng sắt từ Brazil hoặc một công ty Brazil mua chất bán dẫn từ Trung Quốc, những giao dịch này hầu như luôn được lập hóa đơn và thanh toán bằng USD (thay vì bằng đồng reais của Brazil hoặc NDT của Trung Quốc).

USD tất nhiên là đồng tiền dự trữ chính của toàn cầu. Có 59% dự trữ ngoại hối tại các ngân hàng trung ương trên thế giới được giữ bằng tài sản định giá bằng USD, hoặc tài sản có mệnh giá và giá cả được ghi bằng USD. Đồng bạc xanh của Mỹ cũng là nguồn chi trả chính trên thị trường nợ toàn cầu. Khi các công ty hoặc chính phủ ở các nước đang phát triển huy động tiền – có nghĩa mượn nợ, họ gần như luôn bị buộc phải vay bằng ngoại tệ mà “ngoại tệ” ở đây là USD (điều này thường là do các nhà đầu tư nước ngoài thiếu niềm tin vào giá trị đồng nội tệ của các quốc gia đó và muốn được hoàn trả bằng USD cho chắc ăn).

Ngay cả một số công ty và ngân hàng Châu Âu cũng thích huy động vốn bằng USD. Hai phần ba chứng khoán do các công ty thế giới phát hành bên ngoài quốc gia của họ đều có mệnh giá bằng USD. Cần nhắc lại, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, ngay cả Ngân Hàng Trung Ương Anh và Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu cũng vay USD từ Fed.

(Hình minh họa: Ibrahim Boran/Unsplash)

USD – độc cô cầu bại

Trung Quốc và Nga từ nhiều năm qua luôn nỗ lực làm suy yếu USD. Tuy nhiên, chỉ nước Mỹ mới có thể gây ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền của họ. Với một số nhà phân tích, USD ngày càng trở thành một tài sản mang lại nhiều rủi ro. Hoa Kỳ vẫn là nền kinh tế năng động và có sức bật hồi phục đáng nể, tuy nhiên, đến cuối năm 2024, tổng nợ công liên bang có khả năng vượt quá $35,000 tỷ, tức khoảng 125% GDP. Trong khi đó, Quốc Hội Hoa Kỳ gần như không có ý định giảm chi tiêu hoặc tăng thuế. Chính phủ Mỹ dĩ nhiên không bao giờ từ bỏ nghĩa vụ nợ của họ; tuy nhiên mối đe dọa về các vụ vỡ nợ, ngay cả trong thời gian ngắn, cùng với mức độ nợ ngày càng tăng và lớn, đã khiến các cơ quan đánh giá như S&P và Fitch hạ xếp hạng trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ.

Bất luận thế nào, những dự đoán về sự sụp đổ USD đã phóng đại rất nhiều điểm yếu của đồng đô la. Trong nhiều năm, giới phân tích nhiều lần gióng tiếng chuông inh ỏi cảnh báo cái chết của đơn vị tiền tệ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chẳng có đồng tiền nào, từ đồng yen của Nhật đến NDT của Trung Quốc, có thể thay thế USD. Thậm chí đồng euro cũng không đánh gục nổi đồng bạc xanh Mỹ.

Khi ra đời năm 1999, euro là tín hiệu cho thấy ngày tàn của USD dường như gần kề. Đến năm 2009, tỷ trọng euro trong dự trữ ngoại hối toàn cầu bắt đầu tăng lên 28%, từ mức 18% vào năm 2000, trong khi tỷ trọng USD giảm một lượng tương ứng. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro năm 2009 đã bộc lộ những điểm yếu về kinh tế lẫn chính trị của liên minh tiền tệ Châu Âu. Từ đó, tỷ trọng dự trữ ngoại hối toàn cầu của euro dần bị xói mòn; bây giờ, giảm còn dưới 20%.

Đồng NDT của Trung Quốc cũng có số phận tương tự. Năm 2010, Bắc Kinh tích cực thúc đẩy việc “quốc tế hóa” đồng tiền của họ. Đến năm 2015, khoảng 3% giao dịch toàn cầu đã được thực hiện bằng NDT – tăng từ mức 0% chỉ năm năm trước đó. Dù vậy, tỷ trọng dự trữ ngoại hối toàn cầu được nắm giữ bằng NDT vẫn èo uột và giậm chân tại chỗ, tức khoảng dưới 3%.

Một trong những chiêu mà Trung Quốc thực hiện trong việc lật đổ ngai vàng của USD là kêu gọi thay USD bằng SDR (Special Drawing Rights). SDR không là đơn vị tiền tệ mà chỉ là đơn vị kế toán (accounting unit), được lập từ năm 1969 mà Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) dùng để tính toán hoạt động giao dịch (các khoản vay mượn) giữa các thành viên. Từ năm 1999 đến 2015, giá trị SDR được gắn với giá trị của bốn loại tiền tệ chính: USD, euro, bảng Anh và yen Nhật, với mỗi loại tiền tệ có trọng số cụ thể. Trọng số các loại tiền tệ trong “rổ” SDR dựa trên công thức tính GDP của một quốc gia, tỷ trọng thương mại thế giới và tỷ trọng dự trữ ngoại hối toàn cầu được nắm giữ bằng loại tiền đó. Tổng trọng số là 100.

Để nhấn mạnh sức mạnh kinh tế đang lên của Trung Quốc, IMF bổ sung NDT vào rổ SDR vào năm 2016. IMF điều chỉnh trọng số năm năm một lần để phản ảnh những thay đổi của các biến số trong công thức. Bản điều chỉnh mới nhất, có hiệu lực năm 2022, đã nâng tỷ trọng NDT lên. Tuy nhiên, một lần nữa, USD vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ SDR. Trên thực tế, trọng lượng của đồng đô la đã tăng gần 2 điểm phần trăm trong khi ba loại tiền tệ còn lại (euro, bảng Anh và yen) bị mất điểm. Rổ SDR hiện tại là: USD 43.38%, euro 29.31%, NDT 12.28%, yen 7.59 và bảng Anh 7.44%.

Như cây bút Friedrich Wu (giáo sư Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam thuộc đại học kỹ thuật Nanyang Technological University, Singapore) viết trên BusinessWeek, sự hùng mạnh của Trung Quốc không đồng nghĩa với một nền kinh tế giàu có mang lại thịnh vượng trọn vẹn cho toàn xã hội. Trung Quốc hiện vẫn thua xa nhiều nền kinh tế khác ở nhiều phương diện, kể cả tỉ lệ bình quân thu nhập đầu người.

Về lâu dài, tình thế và cán cân có thể thay đổi theo hướng tích cực cho Trung Quốc. Tuy nhiên, thời điểm trước mắt, ít ra cũng nhiều thập niên nữa, USD vẫn là sự chọn lựa không chỉ với mậu dịch giao thương nhiều nước thế giới mà với cả Trung Quốc. Để duy trì phát triển, Trung Quốc vẫn cần người tiêu dùng Mỹ mở hầu bao cho hàng hóa của họ. Và chừng nào còn làm ăn với Mỹ và phụ thuộc thị trường Mỹ, Trung Quốc cũng như thế giới nói chung còn buộc phải đếm tiền bằng USD. Muốn hay không, đồng đô la Mỹ vẫn là tay chơi “độc cô cầu bại.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: