Sống ở hải ngoại, ai trong chúng ta cũng đã từng một hay nhiều lần mơ được hồi hương. Chuyến hồi hương ấy dù sớm hay muộn cũng được nâng niu trong tiềm thức như một điều kiện khi mọi sự ở chốn ngụ cư mới đã hoàn tất. Hoàn tất theo nghĩa đen: Sức khỏe tuy yếu nhưng vẫn còn, một số tiền đủ để sống trong lúc về già, một mái ấm nơi quê hương, và nếu bạn bè thân tộc còn sống thì quá đầy cho một giấc mơ, giấc mơ hồi hương.
Cái giấc mơ ấy tôi tin chắc vẫn còn đọng lại trong lòng nhiều người và nó chính là động lực để hăng say làm việc. Tuy nhiên, gần như hầu hết, càng về lâu về dài giấc mơ ấy có hiện tượng nhạt dần, không phải vì ý chí của chúng ta tiêu tán theo thời gian mà điều kiện để làm giấc mơ đẹp đẽ ấy sống trong tâm hồn ngày một mất đi. Chúng không còn làm cho giấc mơ tròn trịa hay hấp dẫn nữa, thay vào đó là hình ảnh của một sự thật lộ dần ra, ám ảnh và buộc chúng ta phải hỏi lại chính mình: Có còn nhắm tới quê hương mà mơ ước nữa không, bởi, nơi ấy đã biến dạng, đã trở thành xa lạ với ý muốn trở về dù trở về chỉ để sống và nói theo cách nào đó, vui sống những tháng ngày còn lại sau nhiều chục năm làm việc cật lực ở xứ người.
Cái xứ người ấy dung dưỡng bảo bọc chúng ta nhiều chục năm nhưng vẫn không phải là quê hương, nơi tràn ngập hình ảnh, âm thanh, trí nhớ cũng như bạn bè, người thân từ trong nhà ra tới ngoài ngõ.
Thật ra, giấc mơ nào cũng hình thành từ ao ước. Chúng ta cũng vậy, ao ước được trở về là ao ước lớn nhất mà không có gì đánh đổi được. Giấc mơ hồi hương dù sao cũng là giấc mơ chung của người xa xứ. Nó hiện hữu trong từng con người như một loại căn cước chứng nhận cuộc đời tỵ nạn. Nó chứng nhận cho từng người một trong chúng ta sự mất mát đến ê chề mà không tài nào níu giữ. Nó làm cho chúng ta vừa thấp thỏm làm việc để có tiền mà trở về, nó cũng không buông tha cả những người không thành đạt bởi họ vẫn có cảm giác rằng quê hương không khi nào nhắm mắt trước con cái khi quay về. Nỗi cay đắng được giấu kín trong đêm tối khi ước mơ hồi hương lấn chiếm giấc ngủ và ẩn hiện trong nhiều năm trời cho tới khi kết thúc.
Và trong những ngày dịch bệnh tràn ngập Sài Gòn nhiều người trong chúng ta quay lưng lại với giấc mơ ấy sau nhiều chục năm kề cận. Những hình ảnh bạc ác mà chính quyền đối xử với mọi người đã làm cho chúng ta tỉnh giấc. Giấc mơ hồi hương.
Câu chuyện cảm động của một gia đình gồm bà mẹ và ba đứa con từ Nghệ An đùm túm nhau vào Sài Gòn làm thuê nhưng trong cơn dịch, mọi cánh cửa đều đóng kín, bốn mẹ con không thể kiếm ra việc làm để sống nên cuối cùng phải đành lòng dùng chiếc xe đạp duy nhất chở đồ đạc và cùng nhau về lại quê nhà. Câu chuyện hồi hương của bốn mẹ con được báo chí loan tải nhưng không thấy một sự giúp đỡ nào từ chính quyền. Khi bốn mẹ con tới Trảng Bom, Đồng Nai thì bị phát giác và ngay công an cũng không biết xử lý thế nào trong trường hợp này, chỉ đành nhìn theo bốn mẹ con tiếp tục lê lết trên con đường thiên lý sau khi kêu gọi người dân quyên góp cho họ 1 triệu bạc.
Để về tới Nghệ An với hơn 1,500 cây số còn lại họ phải sống ra sao khi cả nước rơi vào tâm dịch và không ai có thể giúp họ bởi công an, lực lượng dân phòng đang xoi mói từng con người khi ra đường. Con đường ngàn dặm ấy họ sẽ sống ra sao khi trong túi không còn tiền và sức lực cũng rơi rụng hết dọc đường?
Quyết định hồi hương của bà mẹ chắc chắn là khác với giấc mơ hồi hương của chúng ta. Khác vì chúng ta có tiền, có passport, có lương hưu và có sẵn nhiều người chờ đợi đề quây quần, xum họp. Nhưng một sự thật mà chúng ta không thể không thừa nhận, chúng ta rất giống với bà mẹ nghèo nàn ấy vì chúng ta chắc chắn sẽ được đối xử như bà mẹ và ba đứa con của bà ấy khi một biến cố tương tự dịch Covid-19 xảy ra.
Giống như người đàn bà bất hạnh ấy chúng ta không được chính phủ chăm sóc khi gặp hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh. Vaccine không vì chúng ta hồi hương mà ưu tiên bởi nó phải được ưu tiên cho hơn 4 triệu đảng viên cùng với 4 triệu người nữa ăn theo chích trước.
Giống như người đàn bà bất hạnh ấy chúng ta sẽ không được bảo vệ bởi hệ thống chính quyền khi một biến cố xảy ra cho chúng ta, chẳng hạn như khi bị dương tính, chúng ta sẽ không có nhà thương để vào hay oxy để thở bất kể trong ví của chúng ta có bao nhiêu tiền chăng nữa.
Giống như người đàn bà bất hạnh ấy, chúng ta không thể biện minh với công an rằng chúng ta hồi hương nên phải được ưu tiên ra khỏi nhà mua thực phẩm mà không cần xin phép như khi chúng ta ở nước ngoài.
Bốn mẹ con bà ấy hồi hương vì không còn cách nào khác trong khi chúng ta hồi hương vì tự nguyện buông bỏ những phương tiện tốt đẹp phục vụ cho chúng ta để trở về chịu sự trừng phạt vì tình cảm và giấc mơ mà chúng ta ấp ủ nhiều năm.
Hai giấc mơ khác nhau nhưng kết quả lại rất giống nhau. Bốn mẹ con của người ấy sẽ tiếp tục đói nghèo và đau khổ vì sống trong một xã hội sứt mẻ. Những người hồi hương chúng ta thấm thía nỗi ân hận có rất nhiều tiền nhưng không mua được thứ mà chúng ta cần thiết nhất.
Nếu còn đang mơ, giấc mơ hồi hương, hãy tỉnh thức đồng bào của tôi ơi…