Một vụ hỏa hoạn khiến cả nước chấn động vì gây ra cái chết thương tâm của 56 người và 37 người bị thương trong lúc có đến 17 người không còn nhận diện được.
Vụ cháy xảy ra tại chung cư mini 9 tầng, tại số 37, ngách 29/70 Khương Hạ (Q.Thanh Xuân). Theo UBND Q.Thanh Xuân, lực lượng chức năng đã cứu được hơn 70 người, đưa đi cấp cứu 54 người, ngay hôm sau vụ hỏa hoạn chủ chung cư này là ông Nghiêm Quang Minh hiện trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội đã bị bắt và tạm giam khởi tố về tội xây dựng trái phép.
Theo giấy tờ mà ông Minh đưa ra thì giấy phép xây dựng được cấp là 6 tầng nhưng ông Minh xây đến 9 tầng. Giấy phép cấp cho theo diện nhà ở đơn lẻ nên vấn đề phòng cháy chữa cháy không yêu cầu như một chung cư gồm nhiều gia đình chung sống. Lỗ hổng to lớn này là nguyên nhân gây ra cái chết cho 56 con người trong đó có nhiều người cùng chung một gia đình bị chết cháy toàn bộ, tạo ra chấn động lương tâm không những của người dân trong khu vực mà còn trên khắp nước, đánh động những căn hộ chung cư trong cái tên gọi mini mà thực chất là những chung cư như tất cả mọi thể loại chung cư khác trên khắp nước.
Người Việt từng chứng kiến những vụ chữa cháy của các đơn vị phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên cả nước. Với phương tiện chính là xe cứu hỏa nhưng cách vận hành không khác gì những chiếc xe có chở nước nhưng máy bơm thường không bao giờ hoạt động hiệu quả.
Những chiếc xe gọi là cứu hỏa nhưng khi chạy tới hiện trường thì nước không có, phải chờ tìm nguồn nước tại khu phố nơi có những cột nước không hoạt động. Nhân viên cứu hỏa lại cho thấy không được huấn luyện mà chỉ là những nhân viên rất bình thường, họ đến vùng bị cháy trong tư thế vừa thờ ơ chen lẫn sợ sệt, làm lấy có và chưa khi nào có thói quen cứu hỏa thật sự của người chuyên nghiệp.
Hai nữa, nhiều vụ cháy do chập điện cũng được người dân ghi hình lại nhìn mà thấy thương cho người trách nhiệm chữa cháy. Điện chập lại làm sao dùng nước mà cứu được, trong khi trên nguyên tắc cứu điện phải dùng foam, vì nước không thể đủ để dập tắt một vụ hỏa hoạn do điện gây ra.
Trong vụ cháy tại chung cư mini Khương Hạ, ông bảo vệ chung cư là Ngô Phó Điền cho báo chí biết khi lửa bắt đầu trên bảng điện tại tầng chứa xe của chung cư thì chỉ bằng một bàn tay, khi phát hiện ông dùng bình cứu hỏa xịt vào ngọn lửa nhưng không dập tắt được và sau đó lửa lan nhanh lên các tầng trên.
Đây là cách mà người dân trị lửa khi thấy một đám cháy thường do điện gây ra, nhất là khi pin điện thoại phát nổ hay cháy. Thật ra muốn cứu lửa trong các vụ hỏa hoạn này thì phải dùng thật nhiều nước mới mong dập tắt được ngọn lửa, còn các loại bình xịt cứu hỏa thông thường khó mà dập tắt vì các loại pin lithium-ion tự giải phóng được oxy để duy trì sự cháy.
Việc bắt giữ chủ chung cư sau khi hỏa hoạn chết người xảy ra là cần thiết nhưng chưa đủ, nếu vụ án chỉ chấm dứt tại đó. Câu hỏi đặt ra cho các cơ quan trách nhiệm trước sự việc rất phổ biến này là trách nhiệm của thanh tra xây dựng, phương án PCCC của cơ quan chức năng và luật lệ hiện đang áp dụng trên khắp cả nước.
Khi bắt đầu đổ những xe cát đầu tiên chuẩn bị xây dựng một căn nhà thì hầu như bạn sẽ gặp ngay những toán người rảo bước trước cái đống cát, gạch vụn, hay xi măng ấy. Chỉ cần nhát cuốc đầu tiên vừa hạ xuống là bạn nhận ngay sự chiếu cố của toán người của cơ quan quản lý xây dựng tới hỏi giấy phép cùng các việc linh tinh khác.
Những câu hỏi đưa ra cốt để moi tiền vì họ biết chắc không ai dám xây dựng một căn nhà, hay sửa sang một căn phòng mà không có phép. Nhưng bạn yên tâm, nếu chung chi đủ bạn sẽ không gặp bất cứ rắc rối nào, còn không thì… cứ đợi đấy!
Vì bạn xây nhà để ở nên việc PCCC sẽ không là vấn đề, miễn là bạn tự khéo léo trong căn nhà của bạn. Ở một cấp độ khác khi bạn xin phép nhà ở bạn có thể chia phòng nhỏ ra rồi cho thuê, như chung cư mini, thì bạn không cần theo tiêu chuẩn PCCC của một chung cư, có nghĩa không cần có lối thoát hiểm, có phương tiện chữa cháy tại chung cư và nhất là phải có nơi cho xe cứu hỏa vào được.
Cái lỗ hổng này đã xuất hiện rất nhiều năm qua nhưng chính quyền các cấp không hề lo sợ một vụ cháy như hôm nay. Cứ chung chi thoải mái là xong và việc cấp phép xây dựng không hề vi phạm bất cứ một điều khoản nào. Từ những quy định lỏng lẻo như vậy mọi khâu thanh tra, cấp phép đều thoát hiểm một cách ngoạn mục, chỉ có anh chủ nhà, tức là nhân dân, là phải đưa tay vào còng vì cái tội tham lam.
Nếu ông chủ nhà bị bắt khi căn nhà sụp đổ thì còn có lý, vì anh ta cố tình cất thêm 3 tầng không phép, còn bắt giam anh ta vì hỏa hoạn thì e rằng không hợp lý, vì bản thân anh ta đã tuân thủ xin phép và được nhà nước cấp phép mà không hề vi phạm điều lệ PCCC. Không khác gì bà bán dao bị truy tố vì tên giết người dùng con dao bà bán cho hắn ta làm hung khí thủ ác.
Có lẽ nhận thấy lỗ hổng quá lớn này mà Bộ Xây dựng lập tức cùng Bộ Công an bàn thảo biện pháp khắc phục sau vụ hỏa hoạn. Cái người dân cần thấy nhất là quy hoạch nhà ở từ đầu phải có phương tiện PCCC chứ không phải là luật lệ càng đặt ra càng phiền hà người dân.
Hãy dùng tiền của dân mà mua sắm phương tiện đàng hoàng, nước phải có đủ, nhân viên phải chuyên nghiệp, máy móc phải hoạt động hiệu quả và nhất là dừng lại ngay những chung cư mini xây lên cùng với lưỡi dao hỏa hoạn treo trên đầu người thuê chúng.
Ở các nước tiên tiến một căn nhà chỉ được cấp phép khi có gắn hệ thống báo động (alarm) trong nhà, chiếc máy nhỏ bé này từng cứu biết bao sinh mạng khi có khói trong nhà là nó tự động réo to lên cho mọi người chạy trốn.
Cái thứ hai, những chiếc cột nước nằm dọc đường luôn được sơn màu vàng cho dễ thấy và không chiếc xe nào được đậu ngay phần đất dành riêng cho nó, vì vậy khi có hỏa hoạn, xe cứu hỏa tới đâu là cột nước sẵn sàng tới đó. Thứ ba, ở mọi khu dân cư đông đúc hay các khu thương mại đông người khu vực dành riêng cho xe cứu hỏa luôn là ưu tiên một, vì vậy sẽ không hề có sự chen lấn nào ngăn cản người lính cứu hỏa tác nghiệp.
Tiếc thay cách quy hoạch nghiêm khắc này Việt Nam có thể làm theo dễ dàng nhưng bao năm qua vẫn trì trệ và vẫn liên tục “tự hào” vì những điều vô bổ.