Tin tức dồn dập trong tuần qua dễ khiến người ta lo lắng về một sự lặp lại của lịch sử: Ukraine sẽ đi vào vết xe đổ của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đúng 50 năm về trước, sau khi chính phủ Mỹ của Tổng Thống Donald Trump tỏ ý muốn dàn xếp với Nga một thỏa thuận kết thúc cuộc chiến tranh đẫm máu.
Thỏa thuận đó không có vai trò của Ukraine, thậm chí không mời đại diện Ukraine dự cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao giữa Mỹ và Nga đang diễn ra tại Saudi Arabia bàn giải pháp hòa bình cho chính Ukraine.
Nỗi lo đó có căn cứ, nhưng hãy còn quá sớm để khẳng định Ukraine là một VNCH thứ hai vì thực tế tình hình hai nước có nhiều chỗ khác nhau và thế giới hiện đã thay đổi nhiều so với nửa thế kỷ trước.
Diễn biến mới nhất là các nước Liên Âu đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp tại thủ đô Paris, Pháp, đầu tuần này để bàn việc hỗ trợ Ukraine và củng cố phòng thủ ở Âu Châu sau khi chính phủ Mỹ tỏ ý muốn giảm vai trò ở Âu Châu để xoay trục sang Á Châu đối phó với Trung Quốc và giải quyết những vấn đề đối nội.
Mỹ “quay xe” khỏi Âu Châu và hướng tới Nga?
Chỉ một tuần trước đó, giới lãnh đạo Âu Châu bất ngờ với thông báo của ông Pete Hegseth, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, rằng Hoa Kỳ không còn “tập trung chủ yếu” vào an ninh của Âu Châu và Âu Châu phải đi đầu trong sứ mệnh bảo vệ Ukraine. Để đảm nhiệm sứ mệnh đó các thành viên Âu Châu của tổ chức NATO phải tăng chi phí quốc phòng lên 5% GDP, theo ông Hegseth.
Âu Châu càng bất ngờ hơn khi một ngày sau đó, Tổng Thống Trump có cuộc điện đàm 90 phút với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, mời ông Putin tham gia đàm phán về vấn đề Ukraine mà không trao đổi ý kiến trước với lãnh đạo EU, NATO hoặc Kiev.
Ông Trump bỏ qua hai nguyên tắc đã được đồng thuận là không ai được quyết định tương lai của Ukraine mà không có sự tham gia của người Ukraine và Tây phương phải đoàn kết thống nhất đối phó với ông Putin. Tướng Keith Kellogg, đặc phái viên của ông Trump về Ukraine, thậm chí còn đi xa hơn khi tuyên bố Âu Châu sẽ không có chỗ trong bàn đàm phán về hòa bình ở Ukraine, nơi Nga và Ukraine thương lượng với nhau qua trung gian của Mỹ.
Báo The Economist (Anh), gọi những động thái bất ngờ này là “Cuộc tấn công Âu Châu của Donald Trump” (Donald Trump’s assault on Europe). Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Âu Châu được ông Emmanuel Macron, tổng thống Pháp, triệu tập vội vàng ở Paris hôm Thứ Hai, 17 Tháng Hai, là nhằm bàn cách ứng phó với cuộc tấn công đó.
Suốt ba năm qua, cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine – cần gọi đúng tên là xâm lược – đã gây đau thương khủng khiếp cho cả hai phía, và cần được chấm dứt càng sớm càng tốt. Người Ukraine là những người khao khát hòa bình nhiều nhất để xây dựng lại đất nước đổ nát trong ngàn ngày chiến tranh hủy diệt. Chính vì thế, Ukraine đã tỏ dấu hiệu nhượng bộ: Mặc dù đề cao yêu cầu toàn vẹn lãnh thổ, quyết không từ bỏ chủ quyền những vùng bị Nga tạm chiếm, nhưng Ukraine đặt ưu tiên cao hơn vào việc bảo đảm an ninh cho phần đất nước còn lại, ngăn chặn một cuộc xâm lược tương tự của Nga trong tương lai. Nói cách khác, Ukraine sẵn sàng đổi đất lấy hòa bình, ưu tiên cho việc gia nhập NATO hơn là chiến đấu giành lại các vùng đất đã mất.
Tuy vậy, chính quyền ông Trump đã lần đầu tiên tuyên bố công khai rằng sẽ không thực tế khi Ukraine mong đợi quay trở lại đường biên giới năm 2014 (trước khi Nga xâm chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea) hoặc gia nhập liên minh NATO như là điều kiện cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.
Truyền thông quốc tế đăng tải nhiều thông tin cho thấy, sau cuộc điện đàm với ông Putin, lập trường của Mỹ dường như đã tiệm cận với lập trường của Moscow, theo đó thế giới phải công nhận Nga có chủ quyền trên những vùng lãnh thổ của Ukraine mà họ chiếm được (khoảng 20% diện tích của Ukraine gồm bán đảo Crimea và một phần bốn tỉnh vùng Donbass), Ukraine phải giải giới và trung lập vĩnh viễn, không được tham gia vào liên minh quân sự NATO.
Cũng đáng lo ngại là thông tin chính phủ Mỹ sắp khôi phục hoàn toàn quan hệ với Nga, bãi bỏ các biện pháp cấm vận kinh tế-tài chính, trao đổi các chuyến viếng thăm cấp nhà nước của hai nguyên thủ quốc gia và thúc ép các đồng minh phục hồi tư cách của Nga trong khối các nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7).
Giới quan sát từ lâu đã cho rằng ông Trump là người thân Nga chống Ukraine, nhưng người ta vẫn bất ngờ khi thấy Mỹ đi xa đến như vậy, nhanh đến như vậy trong việc làm hòa với kẻ xâm lược Putin. Hành động của chính quyền Mỹ được ví với chính sách của ông Neville Chamberlain, thủ tướng Anh, nhân nhượng ông Adolf Hitler năm 1938 sau khi phát xít Đức chiếm một phần lãnh thổ Tiệp Khắc, giống Yalta 1945 chia đôi Âu Châu thành vùng ảnh hưởng của Liên Xô và của Tây phương.
Hành động “đi đêm” với Nga để bàn giải pháp hòa bình cho Ukraine cũng gợi lại chính sách thỏa thuận với Taliban để rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan năm 2020 hoặc những cuộc thương thảo bí mật giữa ông Henry Kissinger, ngoại trưởng Mỹ, và ông Lê Đức Thọ, cố vấn đặc biệt cho Trưởng Đoàn Ngoại Giao Xuân Thủy tại đàm phán Paris, bên lề Hội Nghị Paris về chiến tranh Việt Nam đầu thập niên 1970 thế kỷ trước.
Nhưng Ukraine còn có EU chống lưng
Nhưng khác với VNCH và chính phủ Afghanistan, Ukraine ngày nay không đơn độc và không chỉ dựa vào viện trợ Mỹ để kháng chiến. Tham vọng phục hồi đế chế Nga của ông Putin không chỉ dẫn tới cuộc xâm lược Ukraine mà còn đe dọa an ninh của chính Âu Châu. Vì vậy, bên cạnh Hoa Kỳ và Anh – hai nước có nghĩa vụ bảo đảm an ninh cho Ukraine đổi lấy việc Kiev giải trừ vũ khí nguyên tử theo Thỏa Thuận Budapest năm 1995 – Ukraine còn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Liên Âu (EU).
Theo báo cáo mới của Viện Kinh Tế Thế Giới (IfW) tại Hội Nghị An Ninh Munich cuối tuần trước, Ukraine đã nhận được tổng cộng 267 tỷ euro viện trợ từ các nước đối tác kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, hơn một nửa trong số đó là vũ khí. Trong các đối tác, EU là nhà tài trợ lớn nhất với tổng giá trị 132 tỷ euro, Hoa Kỳ xếp thứ hai với 114 tỷ euro. Nếu chẳng may ông Trump đơn phương quyết định ngừng mọi khoản viện trợ cho Ukraine thì Kiev vẫn còn những đồng minh mạnh mẽ ở Âu Châu để tiếp tục chiến đấu tuy sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với hiện nay.
Ông Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine, hiện có mặt tại Saudi Arabia nhưng không tham dự cuộc họp Nga-Mỹ, cảnh báo sẽ không có hiệp định hòa bình nào cho Ukraine nếu không có sự tham gia của chính phủ Ukraine. “Tôi không muốn Ukraine sẽ là một Afghanistan thứ hai,” ông Zelensky nói và ám chỉ sự kiện Mỹ đàm phán tay đôi với lực lượng Hồi Giáo Taliban sau lưng chính quyền Kabul trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump. Ông Zelensky cũng hướng tới EU như chỗ dựa cuối cùng để bảo vệ phần đất nước còn lại và mưu tìm hòa bình.
Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập EU từ Tháng Hai, 2022, và đang trong tiến trình cải tổ chính trị-kinh tế và xã hội để đáp ứng các tiêu chuẩn của một quốc gia thành viên EU. Trong trường hợp đơn xin gia nhập NATO của Kiev bị bác bỏ như tuyên bố của chính phủ Mỹ, Ukraine sẽ nỗ lực gia tăng gấp đôi quân số của lực lượng quân đội, đề nghị thành lập “Quân Đội Âu Châ” (Army of Europe) và yêu cầu EU bố trí quân đội tại Ukraine.
Trong ý tưởng của ông Zelensky, quân đội Âu Châu sẽ bao gồm quân đội các nước thành viên EU mà đội quân thiện chiến của Ukraine là nòng cốt, sẽ có thẩm quyền ban hành các quyết định chiến lược và chiến thuật mà không bị ảnh hưởng hoặc kiểm soát của Mỹ.
Ý tưởng về một quân đội Âu Châu chưa được các nước EU hưởng ứng nhưng một số quốc gia như Anh và Thụy Điển đã tỏ ý sẵn sàng bố trí quân đội trên lãnh thổ Ukraine sau khi một hiệp ước đình chiến với Nga được ký kết. Tại Hội Nghị Paris, các nước EU cũng cam kết đẩy nhanh tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% GDP – một mục tiêu mà NATO đặt ra từ lâu nhưng vẫn còn 10 quốc gia thành viên chưa đáp ứng được vì lo ngại thâm hụt ngân sách. Hội Nghị Paris đã xoa dịu nỗi lo này khi thủ tướng Đức – nền kinh tế hàng đầu của châu lục – đề nghị rằng chi tiêu quốc phòng sẽ không được tính vào ngưỡng thâm hụt ngân sách 3% GDP mà các thành viên EU đang cố gắng tuân thủ.
Mỹ vẫn “nước đôi”
Cuối cùng cũng nên để ý rằng, cho đến nay, những tín hiệu phát ra từ Washington tỏ ra không thống nhất, cho thấy ông Trump và bộ sậu an ninh quốc gia của ông vẫn chưa có một kế hoạch rõ ràng và nhất quán về cuộc chiến Ukraine.
Giữa lúc EU lo ngại về chuyện Ukraine sẽ bị Mỹ bỏ rơi như trường hợp VNCH hoặc Afghanistan, ông Marco Rubio, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, khẳng định trên đài CBS rằng, Tổng Thống Trump chỉ muốn “chấm dứt cuộc xung đột này theo cách bền vững và bảo vệ được chủ quyền của Ukraine.”
Sau khi Tướng Keith Kellogg nói EU không có chỗ trong bàn đàm phán hòa bình, Ngoại Trưởng Rubio lại khẳng định Ukraine cùng EU sẽ tham gia vào cuộc đàm phán khi nó thực sự bắt đầu. “Ukraine phải tham gia [đàm phán] vì họ là bên bị xâm lược và Âu Châu cũng sẽ phải tham gia vì họ đang có lệnh trừng phạt ông Putin và Nga,” ông Rubio cho biết.
Sau tuyên bố thượng dẫn, Tướng Kellogg đã không còn xuất hiện tại Hội Nghị Nga-Mỹ tại Saudi Arabia, thay vào đó là ông Steve Witkoff, đặc phái viên về Trung Đông, người chia sẻ quan điểm của Ngoại Trưởng Rubio và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Mike Waltz.
Ukraine sẽ không từ bỏ yêu cầu bảo đảm an ninh như một điều kiện để ký hiệp ước đình chiến; EU chắc chắn sẽ ủng hộ Ukraine đến cùng vì an ninh của chính Âu Châu, còn Mỹ thì vẫn chưa chắc chắn. Xem ra Ukraine vẫn còn hy vọng đứng vững và chắc sẽ không trở thành một VNCH của thế kỷ 21.