Khủng hoảng nội chính, Bắc Kinh và Hà Nội sống trong sợ hãi

Ông Nguyễn Phú Trọng được ông Tập Cận Bình trao tặng Huân chương Hữu Nghị của Trung Quốc tại Đại lễ đường ở Bắc Kinh ngày 31 Tháng Mười 2022 (Hình: Zhai Jianlan/Xinhua via Getty Images)

Trung Quốc ngày càng siết chặt xã hội bằng chính sách gieo rắc sợ hãi, khi toàn bộ hệ thống chính trị và bộ máy tuyên truyền Trung Quốc tạo ra hình ảnh đất nước họ đang trở thành nạn nhân của muôn vàn thế lực; và kẻ thù hãm hại Trung Quốc đang có mặt mọi nơi, “ngay bên cạnh bạn”…

Bắc Kinh đang gieo rắc tuyên truyền rằng các thế lực đánh phá Trung Quốc có mặt mọi nơi. “Chúng” được cài cắm trong các công ty đa quốc gia, thâm nhập mạng xã hội, lảng vảng trong khuôn viên đại học… Một cách gián tiếp khuyến khích sự trở lại của “văn hóa” đấu tố một thời, Bắc Kinh muốn mọi công dân phải cảnh giác trước “chúng”, phải tìm ra “chúng” và đương nhiên phải tiêu diệt “chúng.” Các trường đại học đã yêu cầu giảng viên phải tham gia các khóa học về bảo vệ bí mật nhà nước, ngay cả trong những khoa như… thú y. Một trường mẫu giáo ở thành phố Thiên Tân phía Đông thậm chí tổ chức một cuộc họp để dạy nhân viên cách “hiểu và sử dụng” luật chống gián điệp.

Bộ Công An đã mở tài khoản mạng xã hội, như một phần trong những gì mà các phương tiện truyền thông chính thức mô tả là nỗ lực tăng cường sự tham gia của công chúng. Bài đăng đầu tiên của Bộ Công An kêu gọi “huy động toàn xã hội” chống lại hoạt động gián điệp và rằng “sự tham gia của quần chúng nên được “bình thường hóa.”

Cảm giác khẩn cấp với những mối lo về an ninh quốc gia ngày càng được đẩy mạnh khi Bắc Kinh đối mặt với những thách thức lớn nhất và nghiêm trọng nhất kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền hơn một thập niên trước. Những thay đổi nhân sự không giải thích được ở các cấp quyền lực cao nhất, trong đó có ghế ngoại trưởng và hai tướng lĩnh cấp cao bị cách chức đột ngột vào Tháng Bảy 2023, cho thấy Tập Cận Bình bắt đầu lo sợ những mối đe dọa đối với quyền kiểm soát của mình.

Tháng Bảy 2023, Trung Quốc đã sửa đổi luật chống gián điệp để mở rộng phạm vi hoạt động vốn đã rộng khắp. Họ treo giải thưởng hàng chục ngàn đô la cho những ai tố cáo gián điệp. Tháng Tám 2023, nhà chức trách thông báo thộp cổ được ít nhất “bốn điệp viên,” trong đó có “hai kẻ được CIA tuyển.” Nhà chức trách cũng cho biết hồi đầu năm nay rằng họ đã kết án chung thân một công dân Mỹ vì tội làm gián điệp, đồng thời bắt giữ một biên tập viên cấp cao của một tờ báo Trung Quốc khi ông này đang ăn tối với một nhà ngoại giao Nhật.

Trần Kiêm (Chen Jian), giáo sư lịch sử Trung Quốc hiện đại tại Đại Học New York, nhận định rằng những diễn biến này đã phản ánh những thách thức và khủng hoảng sâu sắc về tính hợp pháp mà chế độ Bắc Kinh đang đối mặt.

Sự gieo rắc nỗi sợ hãi bóng ma gián điệp đang phủ rộng khắp nơi. Trên các chuyến tàu cao tốc, một đoạn video nhắc đi nhắc lại cảnh báo rằng hành khách nên cẩn thận khi chụp ảnh đăng lên mạng xã hội, đề phòng trường hợp “kẻ địch” thu thập được thông tin nhạy cảm.

Tại các văn phòng chính phủ, nơi người dân nộp thủ tục giấy tờ thông thường, người ta các áp phích nhắc nhở toàn dân cần đồng lòng “xây dựng tuyến phòng thủ nhân dân.” Một chính quyền địa phương ở tỉnh Vân Nam đăng tải một video ghi lại một nhóm đàn ông và phụ nữ trong trang phục truyền thống của cộng đồng thiểu số Di (彝,Yi) nhảy múa và ca hát hưởng ứng luật an ninh quốc gia. “Ai không trình báo sẽ bị truy tố. Bao che tội phạm sẽ phải vào tù”, những người biểu diễn vừa hát vừa nhảy múa thành vòng tròn…

Cơ quan Bảo Vệ Bí Mật Nhà Nước Quốc Gia (Quốc Gia Bảo Mật Cục) đang quản lý một ứng dụng hướng dẫn trực tuyến về việc giữ bí mật mà nhiều trường đại học và công ty hiện yêu cầu nhân viên của họ phải nghiêm túc học theo. Bài học đầu tiên mở đầu bằng câu nói của Mao Trạch Đông về tầm quan trọng của bí mật; sau đó cảnh báo rằng iPhone và thiết bị Android là sản phẩm nước ngoài và có thể dễ bị thao túng. Khoa giáo dục thể thao tại một trường đại học ở tỉnh Sơn Đông đã yêu cầu giảng viên tham gia khóa học trực tuyến; trường cao đẳng thú y ở thành phố Quảng Châu cũng tương tự.

Một khách sạn ở thành phố ven biển Yên Đài (Sơn Đông) trước đây thường quảng cáo các chuyến đi biển và chương trình khuyến mãi ăn tối trên trang xã hội của họ, nhưng vào Tháng Mười 2022, họ tung lên một bản tin đồ họa (infographic) cho thấy một số nhóm mà theo Bộ Công An là có nguy cơ “đồng phạm” với thế lực thù địch nước ngoài, đó là những người từng đi du học và “giới trẻ sử dụng internet.”

Giới trẻ Trung Quốc là đối tượng được đặc biệt quan tâm, đặc biệt sau các cuộc biểu tình vào năm 2022 khi họ phản đối những hạn chế khắc nghiệt về chính sách zero-COVID. Chính quyền đổ lỗi cho sự bất mãn dẫn đến việc giới trẻ xuống đường là do những kẻ xúi giục từ bên ngoài. Và như vậy, giải pháp phải là nâng cao ý thức cảnh giác. Phải mở rộng giáo dục an ninh quốc gia, Tập Cận Bình huấn thị. Nhiều đại học đã thành lập các đội sinh viên có nhiệm vụ báo cáo những người sử dụng các trang web nước ngoài. Sinh viên đại học ở Bắc Kinh đã bị cảnh sát hoặc quản trị viên thẩm vấn vì trao đổi tin nhắn với phóng viên New York Times. Một số học giả đã ngừng gặp gỡ người nước ngoài…

Tương tự đàn anh Trung Quốc, chính quyền CSVN cũng đang nhấn còi báo động ầm ĩ về “chiến dịch mới của các thế lực thù địch.” Trên tờ Quân Đội Nhân Dân ngày 3 Tháng Sáu 2024, tác giả Phạm Thanh Giang (đại tá, Học Viện Chính Trị Việt Nam) “chém” rất quyết liệt.

“… Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang ra sức hậu thuẫn, kích động các đối tượng trong nước lợi dụng phản biện xã hội để tập hợp lực lượng chống đối chính trị, thúc đẩy sự đối kháng trong xã hội, tạo các lực lượng đối lập. Họ nhân danh phản biện để phản bác, chống đối các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam…

Những hoạt động này của các thế lực thù địch khá đa dạng, song tập trung ở một số thủ đoạn:

(1) Lợi dụng internet, mạng xã hội, lấy danh nghĩa phản biện xã hội để đưa ra những bài nói, bài viết, các video clip nêu những ý kiến sai lệch về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quyết sách cụ thể ở các bộ, ngành, địa phương;

(2) thông qua hình thức gửi “thư ngỏ”, “kiến nghị” gửi các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức và lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước với dụng ý không lành mạnh;

(3) lợi dụng các diễn đàn quốc tế, các cơ quan báo chí nước ngoài để nêu quan điểm bằng bài nói, bài viết, trả lời phỏng vấn với nội dung xuyên tạc, thổi phồng, bôi đen những hạn chế trong nước, nhất là tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy nhà nước, hòng làm cho thế giới hiểu sai về đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam…”

*****

Những lập luận này không có gì mới. Họ vẫn nhai đi nhai lại như vậy hàng chục năm qua. Có điều, tỷ lệ “nhai” đang được đẩy mạnh, thường xuyên hơn. Và tương tự Trung Quốc, sự sợ hãi đang bao trùm hệ thống chính trị Hà Nội, dù chính họ là nơi gieo rắc sợ hãi xã hội, cho thấy bản thân họ nhận thức được rằng thể chế họ tưởng vững như bàn thạch nhưng luôn trong tình trạng chao đảo bất kỳ lúc nào. Càng hò hét “cảnh báo,” họ càng lộ ra sự hoảng sợ.

Chẳng thể chế dân chủ nào suốt ngày lo lắng trước khả năng bị người dân lật đổ. Tháng Năm 2023, trong buổi nói chuyện với Ủy Ban An Ninh Quốc Gia, Tập Cận Bình nói: “Chúng ta phải chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất và căng thẳng nhất.” Ông kêu gọi giới chức chính quyền “tăng cường giám sát theo thời gian thực” và “chuẩn bị cho cuộc chiến thực.” Những phát biểu tương tự cũng có thể dễ dàng được nghe từ Ba Đình.

Trên thế giới, không nguyên thủ quốc gia dân chủ nào lại phải nơm nớp “chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất và căng thẳng nhất,” trừ phi họ ý thức rõ rằng sức mạnh chính trị của họ dù vững như thế nào cũng không bao giờ mạnh bằng sức mạnh người dân.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: