Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ giảm phát khi lạm phát Tháng Tám chỉ đạt 0.6%, thấp hơn dự báo và kéo dài chuỗi 16 tháng tăng trưởng giá èo uột.
Điều này trái ngược với xu hướng lạm phát cao trên toàn cầu, làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc và tác động lan tỏa đến các thị trường đang phát triển, trong đó có Việt Nam và ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế Việt Nam.
Người tiêu dùng Trung Quốc thắt chặt hầu bao
Theo Bloomberg và Reuters, người tiêu dùng Trung Quốc đang trì hoãn chi tiêu với kỳ vọng giá cả sẽ tiếp tục giảm, bất chấp những nỗ lực kích thích của chính phủ như chương trình đổi cũ lấy mới. Tâm lý e ngại này khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục nằm dưới mức mục tiêu 3% mà Bắc Kinh đề ra và góp phần tạo nên xu hướng giảm phát đang hiện hữu.
Trong khi đó, dữ liệu chính thức công bố cho thấy xu hướng giảm phát này càng rõ nét khi quan sát chỉ số giá sản xuất (PPI – đo lường giá hàng hóa tại cổng nhà máy). Dữ liệu chính thức cho thấy PPI của Trung Quốc đã giảm 1.8% so với cùng kỳ năm ngoái trong Tháng Tám 2024, đánh dấu tháng giảm thứ 23 liên tiếp và là tháng giảm thứ 16 liên tiếp kể từ Tháng Giêng 2024, khi PPI giảm 2.5%. Xu hướng giảm kéo dài của PPI tạo áp lực giảm giá lên các doanh nghiệp, đồng thời củng cố tâm lý chờ đợi giá giảm của người tiêu dùng, hình thành “vòng xoáy giảm phát” và kéo nền kinh tế đi xuống.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến người tiêu dùng Trung Quốc thắt chặt hầu bao? Các chuyên gia nhận định rằng tâm lý thận trọng sau đại dịch COVID-19 khiến người dân có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn và hạn chế chi tiêu, đặc biệt là đối với các mặt hàng không thiết yếu. Kết quả khảo sát cho thấy 76% người tiêu dùng đã cắt giảm chi tiêu ở ít nhất một hạng mục trong 6 tháng qua.
Bên cạnh đó, gánh nặng nợ nần, phần lớn hình thành từ việc giá nhà đất bị đẩy lên cao trong giai đoạn bong bóng bất động sản, cũng khiến người tiêu dùng Trung Quốc phải dành phần lớn thu nhập để trả nợ, thay vì mua sắm.
Theo Numbeo, một website chuyên thống kê về chỉ số mức sống tại các thành phố và quốc gia trên thế giới thông qua các cuộc khảo sát, tính đến Tháng Chín 2024, tỷ lệ giá nhà trung bình trên thu nhập trung bình tại Trung Quốc vẫn ở mức cao 28.48 lần, thậm chí có nơi như Hạ Môn lên tới 54.6 lần, thuộc hàng cao nhất thế giới. Điều này cho thấy giá nhà vẫn là một gánh nặng lớn, buộc người dân phải vay nợ nhiều để sở hữu nhà ở.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP đã tăng lên mức kỷ lục 63.5% vào cuối quý 2 năm 2023, trong đó khoản vay mua nhà chiếm tới 70%. Khi bong bóng bất động sản vỡ và suy thoái kinh tế ập đến, áp lực trả nợ càng gia tăng, đặc biệt là trong bối cảnh hệ thống “điểm tín nhiệm xã hội” của Trung Quốc có thể gây khó khăn cho cuộc sống của những người không trả nợ đúng hạn.
Nguy cơ giảm phát bao trùm Trung Quốc, đe dọa kinh tế Việt Nam
Thị trường lao động ảm đạm, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp cao ở giới trẻ, đạt 14.7% trong tháng 4/2024 đối với nhóm tuổi 16-24, cũng góp phần làm giảm sức mua. Việc thiếu việc làm và thu nhập ổn định khiến nhiều người trẻ tuổi phải thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua sắm, từ đó góp phần vào tình trạng giảm phát đang hiện hữu.
Chuyên gia kinh tế Michelle Lam cảnh báo: “Áp lực giảm phát ở Trung Quốc đang ăn sâu hơn,” đồng thời bà dự đoán về ‘một vòng luẩn quẩn,’ trong đó giá cả giảm kéo theo lương giảm và ngược lại.”
Ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt với bài toán nan giải: bơm thêm $1,4 nghìn tỷ để chống giảm phát. Tuy nhiên, giải pháp này đồng nghĩa với việc nợ công của Trung Quốc sẽ tiếp tục phình to. Không ai biết chính xác Trung Quốc đang nợ bao nhiêu do số liệu chính thức không đáng tin cậy. Dù vậy, nhiều người ước tính con số này có thể lên tới 360% GDP.
Mức nợ “khủng” này gấp ba lần so với Mỹ, quốc gia vốn đã nổi tiếng với khoản nợ khổng lồ. Cuộc chiến thương mại leo thang với phương Tây khiến hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề. Chưa dừng lại ở đó, dân số đông đảo của Trung Quốc đang giảm nhanh do tỷ lệ sinh thấp, báo hiệu một tương lai với lực lượng lao động ít ỏi, sức mua giảm sút và tăng trưởng kinh tế èo uột.
Những yếu tố này báo hiệu một tương lai khó khăn cho ngành sản xuất và xuất khẩu Trung Quốc, khiến giới chức nước này ngày càng lo lắng. Goldman Sachs cảnh báo các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang ngày càng “đau đầu” trước viễn cảnh giảm phát, và ngay cả cựu thống đốc ngân hàng trung ương cũng đã lên tiếng thừa nhận vấn đề này.
Nguy cơ ‘xuất khẩu’ giảm phát ra thế giới, hệ lụy tới kinh tế Việt Nam
Tình trạng sản xuất dư thừa và giảm phát tại Trung Quốc đang tạo ra làn sóng hàng hóa giá rẻ tràn ra thị trường quốc tế, đặt ra mối đe dọa không nhỏ đối với nền sản xuất và kinh tế Việt Nam.
Mặc dù xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ 8.7% trong Tháng Tám 2024, nhưng các doanh nghiệp nước này đã phải giảm giá bán để duy trì sức cạnh tranh trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu kém. Xu hướng này được thể hiện qua việc khối lượng xuất khẩu tăng nhanh hơn giá trị, cũng như thặng dư thương mại khổng lồ $91.02 tỷ mà Trung Quốc đạt được trong Tháng Tám 2024.
Financial Times lo ngại rằng Trung Quốc có thể “xuất khẩu” giảm phát bằng cách bán phá giá hàng hóa, gây áp lực giảm giá lên các nền kinh tế khác, đặc biệt là những thị trường mới nổi và phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam.
Việc hàng hóa Trung Quốc giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh gay gắt đối với các doanh nghiệp nội địa, khiến họ gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm và duy trì lợi nhuận.
Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ trong bảy tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập siêu $47 tỷ từ Trung Quốc, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trong giai đoạn này đạt $79.6 tỷ, tăng 35.6% so với cùng kỳ, cho thấy mức độ phụ thuộc lớn vào thị trường này và nguy cơ nhập siêu gia tăng khi hàng hóa Trung Quốc ồ ạt đổ bộ.
Đặc biệt, những ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động, công nghệ chưa cao sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, có thể dẫn đến thu hẹp sản xuất, giảm lợi nhuận, thậm chí là phá sản. Cạnh tranh gay gắt này cũng có thể làm giảm động lực đầu tư và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam do lợi nhuận bị thu hẹp và khó cạnh tranh về giá.
Phải chăng CSVN đang tự bắn vào chân mình? Thay vì tập trung vào việc xây dựng một nền sản xuất nội địa vững mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất lao động, CSVN lại dường như đã vội vàng “đi tắt đón đầu” bằng việc thúc đẩy “cơn sốt” bất động sản, bỏ ngỏ cánh cửa cho hàng hóa Trung Quốc tràn vào.
Chính sách quản lý yếu kém, thiếu tầm nhìn chiến lược trong việc bảo hộ và thúc đẩy nền sản xuất trong nước chẳng khác nào “chơi dao đao hai lưỡi,” có thể khiến CSVN phải trả giá đắt trong dài hạn. Việc mở cửa thị trường một cách thiếu chuẩn bị, thiếu các biện pháp phòng vệ thương mại hiệu quả, chẳng khác nào “ném con cá nhỏ vào bể cá mập,” khiến nền kinh tế Việt Nam dễ dàng bị “nuốt chửng” trước sức ép cạnh tranh từ bên ngoài, đặc biệt là từ một đối thủ lão luyện và đầy kinh nghiệm như Trung Quốc.
Bài học về việc Trung Quốc đã từng “tiêu diệt” nhiều đối thủ ở các thị trường mới nổi trong lĩnh vực sản xuất vẫn còn đó, vậy mà CSVN dường như đang “làm ngơ” và tự đẩy mình vào thế khó. Và người lãnh hậu quả cuối cùng là các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam phải gồng mình cạnh tranh với sự chèn ép của các đối thủ từ “người anh em 16 chữ vàng” Trung Quốc.