Xu thế nóng lên toàn cầu sắp vượt ra ngoài tầm kiểm soát một cách nguy hiểm, Ủy ban về khí hậu của Liên Hiệp Quốc nhận định trong một báo cáo mang tính bước ngoặt công bố hôm Thứ Hai ngày 9 tháng Tám, cảnh báo thế giới chắc chắn phải đối mặt với những vụ biến đổi khí hậu nặng nề hơn nữa trong nhiều thập niên, nếu không phải là nhiều thế kỷ, sắp tới.
Báo động đỏ
Báo cáo của các nhà khoa học của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change – IPCC) nói con người phải chịu trách nhiệm “không thể chối cãi”. Hành động nhanh để cắt giảm sự phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính có thể hạn chế một số tác động, nhưng những tác động khác bây giờ đã hiển hiện: Những đợt nắng nóng chết người, những trận cuồng phong khủng khiếp và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác đã và đang xảy ra sẽ càng ngày càng trầm trọng hơn.
Hôm nay Thứ Hai 9 Tháng Tám, đám cháy Dixie ở Bắc California đã thiêu rụi hơn 500,000 mẫu rừng, trong khi ở Venice, Ý, du khách phải lội bì bõm trên Quảng trường St. Mark nổi tiếng.
Dựa trên hơn 14,000 công trình nghiên cứu khoa học, báo cáo của IPCC đưa ra bức tranh toàn cảnh và chi tiết nhất về việc biến đổi khí hậu đang làm thay đổi thế giới tự nhiên như thế nào – và những gì có thể còn ở phía trước.
Báo cáo cho biết trừ khi nhân loại hành động ngay lập tức, nhanh chóng và trên quy mô lớn để giảm lượng khí thải, nhiệt độ trung bình toàn cầu có khả năng đạt hoặc vượt qua mức tăng 1.5 độ C (2.7 độ F) trong 20 năm tới.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres mô tả bản báo cáo này là “báo động đỏ cho nhân loại”. “Báo cáo này gióng lên hồi chuông báo tử cho việc đốt than đá và nhiên liệu hóa thạch trước khi chúng hủy diệt hành tinh của chúng ta,” ông Guterres tuyên bố.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg kêu gọi công chúng và giới truyền thông gây “áp lực lớn” lên các chính phủ để buộc họ hành động.
Cho đến nay, các cam kết về cắt giảm khí thải được đưa ra vẫn chưa đủ để bắt đầu làm giảm mức độ khí nhà kính tích tụ trong khí quyển – chủ yếu là khí carbon dioxide (CO2) phát ra từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than đá và dầu mỏ.
Lời cảnh tỉnh
Trong ba tháng nữa, hội nghị quốc tế về khí hậu COP26 của Liên Hiệp Quốc sẽ diễn ra ở Glasgow, Scotland. Hội nghị sẽ cố gắng vận động các quốc gia trên thế giới có hành động khí hậu quyết liệt hơn và đầu tư nhiều tiền bạc hơn cho các hành động đó.
Bây giờ, các chính phủ và các nhà vận động cũng đã phản ứng với lời báo động từ báo cáo của Liên Hiệp Quốc.
Thủ tướng Boris Johnson của Vương quốc Anh – nước chủ trì tổ chức hội nghị – cho biết ông hy vọng bản báo cáo sẽ là “lời cảnh tỉnh cho thế giới cần phải hành động ngay bây giờ, trước khi chúng ta gặp nhau ở Glasgow”.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đăng tweet hôm Thứ Hai: “Chúng ta không thể chờ đợi trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Các dấu hiệu là không thể nhầm lẫn. Khoa học là không thể phủ nhận. Và cái giá của việc không hành động đang tiếp tục tăng lên.”
Báo cáo cho biết lượng khí thải “rõ ràng do hoạt động của con người gây ra” đã đẩy nhiệt độ trung bình toàn cầu lên cao hơn 1.1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp – và có thể sẽ tăng thêm 0.5 độ C nữa nếu không làm giảm tác động của ô nhiễm trong bầu khí quyển. Điều đó có nghĩa là, ngay cả khi xã hội từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, nhiệt độ vẫn sẽ bị đẩy lên do không khí mất đi các chất ô nhiễm hiện đang phản xạ một phần sức nóng của mặt trời.
Mức tăng 1.5 độ C thường được coi là mức cao nhất mà nhân loại có thể đối phó mà không phải chịu đựng những biến động kinh tế và xã hội trên diện rộng.
Mức nóng lên 1.1 độ C đã được cho là đủ để gây ra thời tiết thảm khốc. Năm nay, các đợt nắng nóng đã giết chết hàng trăm người ở Tây Bắc Thái Bình Dương và phá vỡ các kỷ lục trên khắp thế giới. Cháy rừng do nắng nóng và hạn hán đang thiêu rụi một số thị trấn miền Tây Hoa Kỳ, các khu rừng ở Siberia phát ra lượng khí thải carbon dioxide cao kỷ lục và nhiều người Hy Lạp phải lên phà rời bỏ nhà cửa.
Mức nóng lên hơn nữa có nghĩa là ở một số nơi, con người có thể chết chỉ vì đi ra ngoài.
Không thể đảo ngược
Một số thay đổi đã “hiển hiện”. Lớp băng trên đất liền ở Greenland “hầu như chắc chắn” sẽ tiếp tục tan chảy, làm nước biển dâng lên, sẽ tiếp tục dâng cao trong nhiều thế kỷ tới khi các đại dương ấm lên và mở rộng. “Giờ đây chúng ta cam kết [xử lý] một số khía cạnh của biến đổi khí hậu, một số khía cạnh trong số đó là không thể đảo ngược trong hàng trăm hoặc hàng ngàn năm tới,” Tamsin Edwards, nhà khoa học khí hậu tại King’s College London, đồng tác giả của báo cáo IPCC, cho biết. “Nhưng chúng ta càng hạn chế sự nóng lên, chúng ta càng có thể tránh hoặc làm chậm những sự biến đổi đó.”
Báo cáo cho biết, thế giới đang không còn nhiều thời gian dù chỉ để làm chậm sự biến đổi khí hậu.
Nếu chúng ta giảm được lượng khí thải trong thập niên tới, nhiệt độ trung bình của trái đất vẫn có thể tăng 1.5 độ C vào năm 2040 và có thể tăng 1.6 độ C vào năm 2060 trước khi ổn định. Còn thay vào đó, nếu thế giới tiếp tục đi theo quỹ đạo hiện tại thì mức tăng có thể là 2.0 độ C vào năm 2060 và 2.7 độ C vào cuối thế kỷ này.
Trái Đất chưa bao giờ nóng như vậy kể từ Kỷ Pliocene (thời kỳ cuối của kỷ thứ ba trong lịch sử trái đất khi nhiều động vật có vú hiện đại xuất hiện) khoảng ba triệu năm trước – khi những ông tổ đầu tiên của loài người ra đời, và mực nước các đại dương cao hơn 25 mét (82 feet) so với ngày nay.
Trái Đất có thể trở nên tồi tệ hơn, nếu sự ấm lên toàn cầu kích hoạt các vòng phản hồi phát ra nhiều khí thải carbon làm không khí nóng lên – chẳng hạn như sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực hoặc sự phân rã của các khu rừng toàn cầu.
Theo các kịch bản phát thải cao này, vào hai thập niên cuối của thế kỷ 21, Trái Đất có thể bị hun nóng ở nhiệt độ cao hơn 4.4 độ C so với mức nhiệt độ trung bình trước thời công nghiệp.
(theo Reuters)
Đọc thêm: