Những hoạt động ngoại giao tấp nập trên thế giới trong vài ngày qua cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đang ở vào tình thế bị cô lập khủng khiếp, trái với hình ảnh tả xung hữu đột trên trường quốc tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Sự “đối lập” về hoàn cảnh và tư thế của hai ông Putin – Zelensky cũng báo hiệu một thất bại thảm hại đang đến gần với người Nga. Liệu trong bước đường cùng, nhà lãnh đạo đầy tham vọng và hoang tưởng của Nga có hành động liều lĩnh làm những chuyện xằng bậy và nguy hiểm hay không?
Zelensky chói sáng, Putin chìm nghỉm
Sau thời gian dài “bám trụ” ở Kyiv bất chấp bom rơi đạn nổ để chỉ huy cuộc kháng chiến của quân dân Ukraine, Tổng thống V. Zelensky trong hai tuần qua đã thực hiện một chương trình ngoại giao con thoi hết sức hiệu quả. Ông đi sang Tây Âu, tiếp kiến Đức Giáo hoàng Francis, gặp các nhà lãnh đạo Ý, Đức, Pháp và Anh – những quốc gia quan trọng nhất của Liên Âu. Ông sang Saudi Arabia dự hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab, tiếp xúc với lãnh đạo các nước giàu dầu mỏ ở Trung Đông. Rồi ông bất ngờ xuất hiện tại Hiroshima Nhật Bản tham dự hội nghị thượng đỉnh nhóm bảy nước công nghiệp pháp triển nhất thế giới (G7)…
Những chuyến đi cấp tập đó của ông Zelensky nhắm hai mục tiêu chính: Một là, vận động sự ủng hộ của quốc tế, đặc biệt là viện trợ quân sự cho Ukraine khi nước này chuẩn bị cuộc tổng phản công quy mô lớn để quét sạch quân xâm lược, và hai là, vận động sự hậu thuẫn của thế giới cho kế hoạch hòa bình của Ukraine mà trọng tâm là quân đội Nga phải rút khỏi các vùng đất chiếm đóng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, những kẻ gây tội ác chiến tranh phải bị trừng trị.
Xem ra, ông Zelensky đã thu được thắng lợi lớn cho cả hai mục tiêu đó. “Chúng tôi rất ấn tượng với những gì các bạn đã làm cho đến nay,” Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với ông Zelensky tại hội nghị G7. Và cùng với “ấn tượng” tốt đẹp đó là những cam kết vững chắc về hậu thuẫn, viện trợ tối đa cho Ukraine của Mỹ và nhiều nước G7, EU. Không chỉ được viện trợ mạnh mẽ về đạn dược, xe tăng, hệ thống phòng không, pháo tầm xa, ông Zelensky còn được hứa cung cấp chiến đấu cơ F-16 tân tiến của NATO, loại vũ khí có khả năng đem lại lợi thế quyết định cho Ukraine trên chiến trường, bất chấp Nga phản đối mạnh mẽ và dọa có biện pháp trả đũa.
Trong khi đó, ông Vladimir Putin bị “giam lỏng”, ở Moscow không thể đi đâu được vì lệnh truy nã của Tòa Hình sự quốc tế treo lơ lửng trên đầu ông. Ngay cả hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) sắp diễn ra ở Nam Phi vào tháng Tám sắp tới, Putin cũng không thể dự vì chính quyền Nam Phi đã nói rõ rằng họ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc bắt giữ ông ta ngay khi Putin đặt chân tới đất nước họ, theo lệnh của Tòa Hình sự quốc tế mà Nam Phi là nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định Rome. Chính quyền Nam Phi khuyên ông Putin chỉ nên tham dự qua điện thoại để họ khỏi phải khó xử. Thật là nhục nhã chưa từng thấy cho nguyên thủ một nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc!
Đòn phản thùng của Tập
Nhưng đau đớn hơn cho ông ta là ông bạn nối khố Tập Cận Bình lại lợi dụng tình cảnh thảm thương của Putin để bắt chẹt Nga, bất chấp hai bên đã thề sống thề chết một tình hữu nghị “không giới hạn”. Theo thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, từ ngày 1 tháng Sáu tới, cảng Vladivostok ở miền Viễn Đông Nga sẽ trở thành cảng trung chuyển của Trung Quốc (Chinese Transit Port). Vladivostok là hải cảng trên bờ Thái Bình Dương duy nhất của Nga không bị đóng băng trong mùa đông, là cửa ngõ giao thương của Nga với Đông Á và Bắc Mỹ, chuyển tải khoảng 1 triệu container mỗi năm. Hải cảng này cũng là nơi đóng đại bản doanh Hạm đội Thái Bình Dương khét tiếng của Nga.
Cảng Vladivostok, Trung Quốc gọi là Hải Sâm Uy (Haishenwai), vốn là một vùng đất của xứ Mãn Châu xưa gần gũi các thành phố Cát Lâm (Jilin) và Hắc Long Giang (Heilongjiang) đông bắc Trung Quốc, được nhà Thanh nhượng cho đế quốc Nga năm 1860, nhưng giới sĩ phu Trung Quốc vẫn ngấm ngầm tìm cách đòi lại thông qua cái gọi là “chủ quyền lịch sử”. Giờ đây sau 163 năm, Tập Cận Bình đưa được cảng Vladivostok tham gia vào hệ thống thương mại của Trung Quốc. Tập gọi đây là sự phản ánh “sự tin tưởng lẫn nhau chiến lược cấp cao giữa Trung Quốc và Nga” nhưng giới quan sát cho rằng, Putin bị buộc phải để cho Trung Quốc khai thác cảng Vladivostok đổi lấy việc Tập ủng hộ và viện trợ cho Putin khi cuộc chiến tranh Ukraine đẩy Nga vào tình thế quẫn bách cả về quân sự lẫn kinh tế.
Không chỉ bắt chẹt Nga để lấy lại Vladivostok – Hải Sâm Uy, Tập còn trâng tráo mời lãnh đạo năm quốc gia vùng Trung Á (Kazakhstan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan và Kyrgyzstan) đến thành phố Tây An (Xian) của Trung Quốc để họp thượng đỉnh trong hai ngày thứ Năm thứ Sáu tuần trước (18 & 19 tháng Năm 2023) mà không đếm xỉa gì tới Putin.
Nên để ý cả năm nước vừa kể – nằm trên trục thương mại Á Âu cổ xưa gọi là Con Đường Tơ Lụa, bắt đầu từ Tây An ở Trung Quốc – đều là các thành viên của Liên bang Xô viết cũ và sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, khu vực Trung Á của họ được coi là nằm trong quỹ đạo của Nga. Đại dự án Nhất Lộ Nhất Đới của Tập năm 2013 có ý đồ cạnh tranh ảnh hưởng với Nga tại khu vực này nhưng chưa thật thành công. Bây giờ, Tập mời các nhà lãnh đạo Trung Á đến Trung Quốc bàn bạc và ký kết các thỏa thuận về an ninh, kinh tế mà không đoái hoài tới Nga, lại còn bàn nhau hợp tác chống lại sự can thiệp từ bên ngoài thì quả là một đòn đau thấu xương mà Putin khó mà nuốt trôi được. Thế mới biết, cái gọi là tình bạn, tình hữu nghị giữa các nhà độc tài chuyên chế có nghĩa như thế nào.
Chiến tranh có màu nội chiến
Trên chiến trường Ukraine, quân Nga vẫn bế tắc sau 15 tháng chiến tranh với hàng trăm ngàn binh sĩ thương vong và vô số xe tăng, thiết giáp, phi cơ và pháo bị loại khỏi vòng chiến. Phía Nga hôm qua nói đã chiếm được thành phố Bakhmut của Ukraine – trận chiến dai dẳng nhất, khốc liệt nhất và tiêu hao nhất trong cuộc chiến tranh; nhưng Kyiv tuyên bố trận chiến vẫn tiếp diễn, còn các chuyên gia quân sự đánh giá Bakhmut – đã hoàn toàn bị san phẳng – không có ý nghĩa chiến lược nào, thậm chí là một cái bẫy mà Ukraine thu hút vào đó những đơn vị tinh nhuệ nhất của Nga nhằm rảnh tay thực hiện cuộc tổng phản công ở những khu vực khác.
Chẳng những quân Nga ở Ukraine không tiến lên được mà trên các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, kể cả bán đảo Crimea mà Nga thâu tóm từ năm 2014, đã xảy ra nhiều vụ tấn công phá hoại các căn cứ hậu cần của quân Nga. Đặc biệt, các chiến binh người Nga chiến đấu trong hàng ngũ Ukraine, mà họ tự gọi là Quân đoàn Tình nguyện người Nga (Russian Volunteer Corps – RVC) đã bắt đầu xâm nhập vào lãnh thổ Nga ở các tỉnh Belgorod, Bryansk và Kursk, tổ chức những cuộc tấn công chống lại đội quân xâm lược của Nga, “đấu tranh cho tự do của nước Nga”. Thành lập tháng Tám năm ngoái, quân đoàn RVC được cho là đứng sau những vụ tấn công bên trong lãnh thổ Nga, đôi khi mang tính chất khủng bố, chống lại những kẻ thân cận với Putin – những vụ tấn công mà Nga thường đổ lỗi cho tình báo Ukraine. Hôm thứ Hai 22 tháng Năm, quân đoàn RVC và một lực lượng khác có tên Lữ đoàn Tự do Nga (Freedom of Russia Legion – RFL) tuyên bố họ đã “giải phóng” các thị trấn Kozinka và Gora-Podol trong tỉnh Belgorod! Cuộc chiến của Putin chống Ukraine lại có thêm màu sắc của một cuộc nội chiến!
Putin sẽ làm gì?
Xem ra, hiện Putin đã rơi vào một tình thế khó có thể tồi tệ hơn. Ông ta có thể làm gì để thoát ra khỏi thế bí? Tục ngữ có câu “Chó cùng dứt dậu” – con chó bị đuổi tới đường cùng có thể sẽ phá hàng rào để thoát thân. Liệu Putin có sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử để thoát hiểm?
Từ đầu cuộc chiến xâm lược Ukraine, Vladimir Putin và những tay chân thân tín của ông ta như cựu tổng thống Dmitry Medvedev, bộ trưởng ngoại giao Sergei Lavrov thường xuyên đem vũ khí hạt nhân ra đe dọa để ngăn Mỹ và NATO viện trợ vũ khí cho Ukraine. Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, nhưng đem chúng ra sử dụng không phải là chuyện đơn giản.
Khi Mỹ dự định viện trợ cho Ukraine loại pháo phóng loạt tầm xa HIMARS, Nga dọa vũ khí nguyên tử. Khi NATO bàn việc cung cấp cho Kyiv các mẫu chiến xa mạnh nhất thế giới như Leopard II của Đức, Moscow dọa vũ khí nguyên tử. Khi các nước Đông và Bắc Âu – thành viên của Liên Xô cũ – quyết định chuyển cho Ukraine những loại chiến đấu cơ Mig và Su mà họ có từ thời Liên xô – loại chiến đấu cơ quen thuộc của các phi công Ukraine – Nga lại dọa vũ khí nguyên tử. Và bây giờ thì ông Biden bật đèn xanh cho Ukraine tiếp nhận chiến đấu cơ F-16 của quân đội NATO và cho phép huấn luyện phi công Ukraine lái F-16 thì Nga lại dọa vũ khí nguyên tử.
Lời đe dọa đó có khả năng biến thành sự thật không? Hôm thứ Hai 22 tháng Năm, báo Sự Thật Ukraine (Ukrainska Pravda) dẫn nguồn tin của Andrii Yusov, thành viên ban giám đốc tình báo chính của Ukraine (Main Intelligence Directorate of Ukraine) cho biết quân Nga đã bắt đầu chuyển vũ khí hạt nhân ra khỏi kho chứa ở tỉnh Belgorod của Nga giáp biên giới Ukraine, kho chứa vũ khí hạt nhân có tên Belgorod-22. Quân Nga cũng bắt đầu di tản dân chúng ra xa các khu vực chứa vũ khí hạt nhân của đơn vị 25264 – thuộc Lực lượng Hỏa tiễn Chiến lược của Liên bang Nga – trong quận Grayvoronsky tỉnh Belgorod.
Trước đây, khi bị Ukraine đánh bật khỏi khu vực Kharkiv và Kherson, Putin đã ra lệnh cho các đơn vị vũ khí hạt nhân của ông ta chuẩn bị sẵn sàng, nhưng tình báo Mỹ phát hiện không có sự chuyển động nào của các lượng vũ khí nguyên tử Nga. Theo giới phân tích, sẽ khó có chuyện một cường quốc hạt nhân sử dụng vũ khí nguyên tử chống lại đối phương chỉ sử dụng vũ khí quy ước thông thường.
Và không chỉ Nga có vũ khí nguyên tử. NATO có đến ba cường quốc nguyên tử là Mỹ, Anh và Pháp. Kho vũ khí nguyên tử của NATO có thể không nhiều bằng Nga nhưng tinh vi hơn, với các phương thức tấn công ảo diệu hơn, từ mặt đất, từ trên không và cả từ dưới biển. NATO đã cam kết nếu Putin sử dụng vũ khí hạt nhân thì chiến tranh sẽ không chỉ gói gọn trong lãnh thổ Ukraine mà đòn trả đũa của phương Tây sẽ hết sức khủng khiếp. Trung Quốc, trong kế hoạch 12 điểm “đóng băng” cuộc chiến ở Ukraine cũng đề ra một nguyên tắc là không bên nào được sử dụng vũ khí hạt nhân, hàm ý nhắc nhở Nga vì Ukraine đã bàn giao toàn bộ kho vũ khí hạt nhân cho Nga sau ngày Liên xô tan rã đổi lấy cam kết của Nga bảo đảm an ninh cho Ukraine – cam kết mà Putin đã xé bỏ.
Putin chắc hẳn không coi thường quyết tâm của NATO và sẽ không dại dột hành động theo kiểu “đồng quy ư tận” – tất cả cùng chết – và đẩy thế giới tới chỗ diệt vong.
Đọc thêm: