Mạng xã hội, ông Trump và tự do ngôn luận

Sự kiện các nền tảng truyền thông xã hội lớn như Twitter, Facebook, đồng loạt ngăn chặn các tài khoản (account) cá nhân của Tổng Thống Donald Trump và các đồng minh thân tín của ông sau vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc Hội Mỹ đã gây một chấn động lớn trong dư luận, không chỉ ở Mỹ mà cả ở Việt Nam và nhiều nước khác. Khi đưa ra quyết định “vô tiền khoáng hậu” như vậy, các công ty truyền thông xã hội lập luận rằng Tổng Thống Trump và các đồng minh đã sử dụng nền tảng truyền thông của họ để “kích động bạo lực.”

Ở Việt Nam, một số luật sư, trong đó có những người đã từng học tập ở Mỹ như Lê Công Định, lập tức lên án hành động đó là “vi phạm tự do ngôn luận.” Trên Facebook cá nhân, Luật Sư Định viết:“Việc Twitter khóa vĩnh viễn tài khoản của ông Donald Trump, và lời kêu gọi ngăn cản ông trên mạng xã hội của bà Michelle Obama, khiến tôi phải suy nghĩ lại những Giá Trị Mỹ (American Values) mình biết bấy lâu. Đó là điều đáng tiếc! Ai thích thú trước sự việc đó thật tình không biết nên dùng từ gì để diễn tả về họ!” Sau khi có nhiều lời phản đối từ những người theo dõi ông, ông Định giải thích thêm:“Trừ phi có một quyết định tư pháp tuyên Trump kích động bạo lực qua các stt [status] của mình trên Twitter, còn không thì tôi không xem ông ấy đã kích động bạo lực. Và do đó hành động của Twitter, dù họ có quyền, không xứng đáng với các giá trị Mỹ mà tôi biết.” Ý kiến của ông Định được rất đông các “nhà đấu tranh dân chủ” ở trong nước tán thành và quảng bá dù bằng những cách diễn đạt khác.

Ở Châu Âu, một số chính trị gia dân chủ cũng lên tiếng phản đối hành động của các nền tảng truyền thông xã hội Mỹ. Trên báo The Financial Times của Anh, Thủ Tướng Đức Angela Merkel phê phán mạnh mẽ quyết định của Twitter cấm cửa Tổng Thống Trump, gọi đó là sự vi phạm“có vấn đề” “quyền căn bản về tự do ngôn luận!” Bà Merkel còn cho rằng chính phủ Hoa Kỳ nên đi theo sự dẫn dắt của Đức, ban hành những đạo luật hạn chế hành vi kích động trên mạng thay vì để cho các nền tảng như Twitter hoặc Facebook quyết định những luật lệ riêng của họ! Trong lúc dư luận bên ngoài ồn ào lên án cái gọi là “bức tử quyền tự do ngôn luận” thì ngay tại Mỹ, báo chí truyền thông và các nhà luật học lại tán thành quyết định của các công ty truyền thông xã hội, thậm chí còn cho rằng hành động này là quá muộn, nếu Twitter “cấm” ông Trump sớm hơn thì có thể đã tránh được vụ bạo loạn đáng tiếc trên Đồi Capitol hôm Thứ Tư, 6 Tháng Giêng.

Thế là thế nào? Để có một cái nhìn thấu đáo, có lẽ cần xem lại luật pháp Mỹ có quy định gì về tự do ngôn luận và tự do của công dân nói chung. Hiến Pháp Mỹ – văn bản luật tối cao và thiêng liêng nhất mà tất cả các quan chức dân cử đều phải tuyên thệ bảo vệ – quy định: “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền bất khả xâm phạm, đó là quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc.” Để nhấn mạnh, các nhà lập quốc đề ra thêm Tu Chính Án Thứ Nhất (The First Amendment), làm rõ quan niệm về tự do: “Quốc Hội sẽ không làm luật liên quan tới việc thành lập tôn giáo, hoặc cấm đoán sự thực hành tôn giáo; hoặc hạn chế tự do ngôn luận, tự do báo chí hoặc quyền của người dân được tụ tập một cách hòa bình hoặc quyền kiến nghị chính phủ giải quyết những nỗi bất bình của họ.”

Như vậy, căn bản luật pháp của Mỹ là điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, hạn chế các tổ chức công quyền như Quốc Hội, chính phủ ban hành những luật lệ hạn chế tự do của công dân. “Sự bảo đảm về quyền tự do ngôn luận của Tu Chính Án Thứ Nhất cùng với tất cả các quyền hiến định khác là nhằm bảo vệ chúng ta trước chính phủ. Nếu chính phủ can thiệp vào quyền tự do ngôn luận của bạn thì bạn có thể dùng Tu Chính Án Thứ Nhất để khởi kiện nhằm phản đối điều đó,” Giáo Sư Nadine Strossen, ngành Luật Hiến pháp tại Đại Học Luật Khoa New York, lãnh đạo American Civil Liberties Union trong nhiều năm, giải thích. “Còn ở đây, Facebook, Twitter hay các mạng truyền thông xã hội khác không phải là chính phủ. Họ là các tổ chức tư nhân và do đó họ không chịu ràng buộc Tu Chính Án Thứ Nhất để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của bạn,” bà Strossen nói thêm trên trang mạng Talk On Law. Nói cụ thể, hành động của Twitter và Facebook không trái với quyền tự do ngôn luận được quy định trong luật pháp. Vậy thì các tổ chức tư nhân như Twitter có nhất thiết phải được tòa án cho phép mới được “ra tay” ngăn chặn những thông tin mà họ cho là kích động trên nền tảng truyền thông của họ hay không?

***

Mỹ là một xã hội pháp quyền, có cả một “rừng luật” điều chỉnh giao dịch của công dân. Nhưng một hệ thống luật pháp, dù hoàn chỉnh đến đâu cũng không thể bao quát được mọi hành vi lớn nhỏ của người dân cho nên bên cạnh “luật,” xã hội nào cũng có rất nhiều “lệ,” tức là những quy định, quy ước, quy tắc có khi không được viết thành văn bản, không được tranh tụng trước tòa nhưng mọi người đều phải tuân thủ. Ở Mỹ cũng vậy, ngoài luật còn có vô số lệ ở tất cả các tổ chức, từ các đảng chính trị tới các hội nghề nghiệp, công ty xí nghiệp, thậm chí ở các câu lạc bộ, các trò thể thao.

Các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter đều có “điều lệ” riêng của họ về chống phát ngôn thù hận, chống kích động bạo lực và bảo vệ quyền riêng tư. Muốn mở tài khoản trên các mạng này để giao tiếp, mọi người đều phải chấp nhận (accept) điều lệ của họ, được gọi dài dòng là “quy tắc cộng đồng;” nếu không chấp nhận thì đi chỗ khác chơi. Chấp nhận hay không là thỏa thuận riêng, tự nguyện, giữa người dùng và công ty cung ứng mạng xã hội, chẳng liên can gì tới Tu Chính Án Thứ Nhất hay luật pháp về tự do ngôn luận nên tòa án các cấp không nhất thiết phải can thiệp.

Căn cứ “quy tắc cộng đồng,” các mạng Facebook và Twitter đã ngăn chặn, hủy bỏ, hoặc khóa (block) hàng ngàn tài khoản người dùng mà không gây ồn ào trong dư luận, cho đến khi họ hủy bỏ tài khoản của Tổng Thống Trump. Chưa cần có phán quyết của tòa án, chỉ riêng việc vi phạm “quy tắc cộng đồng” dù đã được cảnh báo nhiều lần của ông là đã đủ để các mạng xã hội “rút thẻ đỏ” đuổi ông ra khỏi sân chơi của họ. Tất nhiên, ông Trump hay bất kỳ người nào khác, vẫn có quyền tự do gia nhập một sân chơi khác, thậm chí lập ra một mạng xã hội của riêng mình, ra một tờ báo, một kênh truyền hình nếu muốn, nhưng đó là chuyện khác, quyền tự do ngôn luận của ông không hề bị hạn chế chừng nào ông không lạm dụng nó để gây hại cho quyền sống của người khác.

Nhìn ở góc độ khác, hành động cấm cản này thể hiện một yếu tố tích cực: mọi người đều bình đẳng, không tuân thủ luật chơi thì bị đuổi ra khỏi sân, thường dân đã vậy mà ông tổng thống cũng vậy, không ai được ưu tiên hơn ai cả. Cũng đáng chú ý rằng, trường hợp ông Trump bị cấm dùng mạng xã hội gây tranh cãi khắp thế giới trong khi các chính quyền độc tài ở Trung Quốc, Nga, Việt Nam và nhiều nước khác hằng ngày hằng giờ đều tìm cách bịt miệng những người bất đồng chính kiến, không chỉ bằng việc xóa tài khoản của họ trên mạng xã hội mà bằng bắt bớ, giam cầm, tra tấn và những án tù khắc nghiệt thì không mấy ai lên tiếng phản đối. Vụ ồn ào hiện nay có phần do người ta vẫn tin vào nền dân chủ của Mỹ và lo lắng cho sức khỏe của nền dân chủ đó khiến họ lên tiếng dù hiểu biết của họ về tự do có thể còn khiếm khuyết.

Các phát ngôn của ông Trump trên mạng xã hội có “kích động bạo lực” hay không? Quả là cho đến nay, chưa có tòa án nào ra phán quyết rằng những phát ngôn của tổng thống Mỹ có nội dung “kích động bạo lực,” dẫn tới cuộc bạo loạn ở tòa nhà Quốc Hội hôm 6 Tháng Giêng. Diễn biến mới nhất là vào sáng nay Thứ Ba, 12 Tháng Giêng, trong phát biểu với truyền thông, ông Trump đã không nhận trách nhiệm gì về cuộc bạo loạn, ông nói rằng các phát biểu của ông trước đó với giới ủng hộ là “hoàn toàn thích đáng” và ông “không muốn có bạo động.” Tuy vậy, Hạ Viện đã có nghị quyết luận tội ông với tội danh “xúi giục nổi loạn” và sẽ khởi sự thảo luận về vấn đề này hôm Thứ Tư, một tuần trước khi nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc. Hàng loạt bài đăng của ông Trump trên Twitter, Facebook, hàng loạt phát biểu của ông trên các đài truyền hình sẽ được đem ra mổ xẻ, phân tích và nếu Quốc Hội chứng minh được tổng thống “xúi giục nổi loạn” thì việc xử lý ông sẽ thuộc về pháp luật, có thể ông sẽ bị Quốc Hội phế truất, thậm chí bị truy tố hình sự, chứ không chỉ đơn giản là “cấm cửa” trên các mạng xã hội.

***

Tại sao chính phủ Mỹ không “đi theo sự dẫn dắt của Đức,” ban hành những đạo luật hạn chế sự kích động trên mạng như lời khuyên của bà Merkel? Đức và các nước EU có luật lệ khá cứng rắn cấm các mạng xã hội đăng tải những thông tin kích động bạo lực, phân biệt chủng tộc và thù ghét, nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng, có khi tiền phạt lên đến $50 triệu! Ở đây có sự sai biệt trong quan niệm về truyền thông giữa Mỹ và Châu Âu. Người Châu Âu đồng nhất các mạng xã hội với truyền thông truyền thống như báo chí, đài phát thanh và truyền hình; giống như một tờ báo, các nền tảng như Facebook, Twitter phải có trách nhiệm “kiểm duyệt” nội dung thông tin mà người dùng đăng lên; phải xóa các thông tin mà chính phủ cho rằng “vi phạm” trong vòng 24 giờ. Nói chung, có sự phân biệt rõ giữa quyền biểu đạt của người dân và việc truyền bá thông tin của báo chí, nội dung biểu đạt phải được xem xét trước khi truyền bá ra công chúng.

Ở Mỹ cũng vậy, nội dung đăng báo phải phù hợp với đường lối của từng tờ báo và đương nhiên không được cổ xúy bạo lực, kỳ thị chủng tộc hoặc vu khống, xuyên tạc. Nhà báo, hoặc người đọc, không thể kiện tòa báo vì không đăng bài viết của mình vì đó là quyền của họ, nhưng có thể kiện nếu tờ báo đăng tin bài “vu khống, mạ lỵ” gây hại cho lợi ích vật chất và tinh thần của mình.

Tuy nhiên, sự ra đời của mạng Internet, và sự bùng nổ của các mạng xã hội đã mang lại những thay đổi lớn trong quan niệm về tự do ngôn luận và báo chí. Các mạng xã hội như Facebook, Twitter cho rằng, họ không phải là báo chí mà chỉ là “nền tảng” trên đó người dùng được tự do phát biểu ý kiến và chịu trách nhiệm về phát biểu của mình; mạng xã hội chỉ là môi trường tương tác giữa người dùng mà không chịu trách nhiệm về nội dung tương tác đó. Họ lập luận, có như vậy người dùng mạng xã hội mới được tự do phát biểu và trình bày ý kiến theo thời gian thực “real-time,” một thứ tự do ngôn luận đích thực, không bị hoạt động kiểm duyệt của những nhà quản lý câu thúc.

Quan niệm này đã được pháp chế hóa thành Điều 230 của Đạo luật về khuôn phép trong giao tiếp (Communications Decency Act, CDA), theo đó các công ty truyền thông xã hội được miễn hầu hết trách nhiệm pháp lý đối với nội dung được đăng trên nền tảng của họ. Nói cách khác, nếu trên Facebook có một thông tin sai sự thật gây thiệt hại cho bạn hoặc công ty của bạn thì bạn chỉ có thể kiện người đăng tin đó chứ không thể kiện Facebook. Điểm này khác hẳn với việc một tờ báo đăng tin sai và có hại cho bạn. Chính từ điểm này mà quan niệm về truyền thông và tự do ngôn luận của Mỹ bắt đầu tách rời và đi xa khỏi quan niệm truyền thống của Châu Âu. Người Mỹ đa số vẫn cho rằng sự ra đời của truyền thông xã hội là một cuộc cách mạng, thúc đẩy thực thi quyền tự do ngôn luận đích thực, quyền phát ngôn và tiếp nhận thông tin không bị gò bó theo quan điểm của các nhà quản lý báo chí; do đó không dễ gì buộc nước Mỹ phải lội ngược dòng để ban hành những luật lệ kiểm soát mạng xã hội như đề nghị của Thủ Tướng Đức Merkel.

***

Thế nhưng tấm huân chương nào cũng có mặt trái. Truyền thông xã hội tạo môi trường thuận lợi để mọi người đều được mở miệng, ai cũng có thể mở tài khoản Facebook, Twitter, Instagram, lập trang YouTube để kết nối bạn bè, chia sẻ ý tưởng, thậm chí chỉ để bán hàng. Nhưng chính môi trường tự do và khoáng đạt này lại dễ bị kẻ xấu lạm dụng để phát tán tin giả, tin xuyên tạc với tác động hết sức nhanh chóng và rộng rãi. Sự buông lỏng các công ty truyền thông xã hội đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn trên mạng, đẩy người dân vào một mê hồn trận những thông tin thực, giả, nửa thực nửa giả mà ngay cả những người sành sõi nhất nhiều lúc cũng bị lẫn lộn.

Lấy trường hợp ông Trump làm ví dụ. Ông Trump mở tài khoản trên Twitter ngày 4 Tháng Năm, 2009, và trong 12 năm qua đã đăng khoảng 56,571 bản tin, thu hút khoảng 88 triệu người theo dõi. Lúc đầu trang Twitter của ông cũng bình thường như hàng triệu người dùng khác, nhưng từ khi ra tranh cử tổng thống năm 2015, ông Trump bắt đầu dùng nó làm diễn đàn tranh cử, trình bày nghị trình, quảng bá hình ảnh của ông, chỉ trích và lăng mạ các đối thủ. Đến khi ông lên làm tổng thống Mỹ thứ 45, Twitter trở thành công cụ điều hành đất nước, là phương tiện kết nối trực tiếp từ ông tới người dân Mỹ và thế giới không qua trung gian của bất kỳ cơ quan chính phủ nào; thậm chí ông còn dùng danh khoản Twitter cá nhân để loan báo cách chức các quan chức hàng đầu ngay trước khi Nội Các được thông báo chính thức.

Có thể nói trong các nhà lãnh đạo chính trị thế giới, Tổng Thống Trump là người tận dụng được tối đa lợi thế của truyền thông xã hội để phục vụ cho công việc. Báo New York Times số ra ngày 2 Tháng Mười Một, 2019, cho biết họ đã khảo sát cách Trump dùng Twitter từ khi nhậm chức, cho thấy Trump dùng Twitter để kêu gọi hành động cho vấn đề nhập cư 1,159 lần; 512 lần về vấn đề hàng rào thuế; hơn 100 lần ca ngợi các nhà độc tài; khoảng 200 lần xỉa xói và phàn nàn các quốc gia đồng minh… Từ giữa năm 2020, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đi vào giai đoạn nước rút, ông Trump bắt đầu lạm dụng một cách có hệ thống các mạng xã hội, đặc biệt là Twitter, để đưa thông tin sai sự thật tới hàng chục triệu ủng hộ viên của ông, chẳng hạn như cáo buộc việc bỏ phiếu qua thư bưu điện là “tạo điều kiện gian lận” dù các cơ quan chuyên môn đã khẳng định điều đó là không thể.

Nhiều cáo buộc vô căn cứ của ông gây nghi ngờ về tính trung thực của cuộc bầu cử đã bị nhiều tầng lớp dân chúng phản đối, buộc ông Jack Dorsey – CEO của Twitter – quyết định cho ẩn những tweet sai sự thật hoặc mưu toan kích động bạo lực, dán nhãn giải thích rằng tweet đó đã vi phạm chính sách sử dụng của Twitter. Đây là lần đầu tiên Twitter áp dụng hình thức cảnh cáo này đối với một “nhân vật công chúng,” lại là một tổng thống Hoa Kỳ, người có quyền lực số một thế giới. Việc dán nhãn cảnh cáo của Twitter xảy ra liên tục với các tweet mà ông Trump tung ra những ngày sau bầu cử, tố cáo cuộc bầu cử là gian lận dù không đưa ra được bằng chứng nào và đều bị các cơ quan hữu quan phản bác. Giọt nước tràn ly xảy ra khi ông Trump sử dụng mạng xã hội để kêu gọi người ủng hộ ông tập hợp về thủ đô Washington, chiến đấu để giành lại cho ông “chiến thắng bị đánh cắp,” dẫn đến vụ nổi loạn bi thảm hôm Thứ Tư, 6 Tháng Giêng tuần trước. Sau nhiều lần cảnh báo không thành công, Twitter quyết định đình chỉ hẳn danh khoản của ông Trump, còn Facebook treo tạm danh khoản của ông đến sau ngày 20 Tháng Giêng vì lo ngại ông Trump sẽ tiếp tục sử dụng nền tảng của họ để kích động bạo lực, gây bất ổn cho nước Mỹ trong giai đoạn chuyển giao quyền lực của chính phủ.

Quyết định của các mạng xã hội là không sai về mặt luật pháp và đạo đức. Nhưng trường hợp này làm nổi bật một thực tế: các công ty truyền thông xã hội đang dần dần trở thành những đế chế quyền lực mà nếu không được kiểm soát sẽ có thể bị lạm dụng để gây hại cho xã hội. Lãnh đạo các mạng Facebook, Twitter, YouTube đã nhiều lần bị triệu tập ra trước Quốc Hội Mỹ điều trần, và một đạo luật điều chỉnh hoạt động truyền thông xã hội đang được các nhà lập pháp chuẩn bị. Mạng xã hội chỉ là “nền tảng” hay tổ chức truyền thông, có được “kiểm duyệt” nội dung thông tin của người dùng hay không, có phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của thông tin đăng tải trên mạng hay không… là những câu hỏi mà các nhà làm luật sẽ cân nhắc và có thể một đạo luật mới sẽ được ban hành trong một tương lai không xa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: