Mỹ và Trung Quốc nhìn từ Paris 2024, nói về ‘nhân cách quốc gia’

Đội tuyển Hoa Kỳ (giữa) ăn mừng khi những người giành huy chương bạc của Đội tuyển Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (trái) và những người giành huy chương đồng của Đội tuyển Úc (phải) vỗ tay trên bục trao huy chương bơi lội sau trận chung kết tiếp sức hỗn hợp 4x100m hỗn hợp vào ngày thứ tám của Thế vận hội Olympic Paris 2024 tại Nhà thi đấu Paris La Defense vào ngày 03 Tháng Tám năm 2024 tại Nanterre, Pháp. (Hình: Al Bello/Getty Images)

Khác biệt gì giữa Mỹ và Trung Quốc tại Thế Vận Hội Paris 2024? Vận động viên Mỹ có thể nói chuyện về lượng tử, vật lý thiên văn hoặc chính sách công… trong khi vận động viên Trung Quốc gần như chẳng có gì để kể ngoài chuyện khổ luyện. Vận động viên Mỹ có thể là nhà toán học tương lai trong khi tương lai vận động viên Trung Quốc có thể đối diện một sự thờ ơ ngược đãi…

Như nhiều mùa Olympic trước, Mỹ mang đến Thế Vận Hội Paris 2024 đoàn vận động viên gồm nhiều sinh viên đại học. Họ đến cuộc thi tài với tinh thần thể thao đúng nghĩa của lịch sử Thế Vận Hội hiện đại. Khoảng 2/3 vận động viên Olympics Hoa Kỳ là sinh viên, thuộc các trường nằm trong khuôn khổ NCAA (The National Collegiate Athletic Association – Hiệp Hội Thể Thao Đại Học Quốc Gia). Điều này một lần nữa khẳng định rằng nền tảng đào tạo mà hoạt động thể thao đại học mang lại cho nước Mỹ có giá trị như thế nào.

Ba trường NCAA có nhiều vận động viên nhất trong Đội Tuyển Hoa Kỳ tại Paris 2024 là Stanford (38 vận động viên), UCLA (17) và USC (16). Năm liên đoàn thể thao sinh viên có thành viên tham gia Team USA 2024 là Big Ten Conference (116 vận động viên), Atlantic Coast Conference (98), Southeastern Conference (85), The Ivy League (47) và Big 12 Conference (28). Về các môn thể thao Olympic, năm môn hàng đầu có sự tham dự của vận động viên NCAA là điền kinh (113 vận động viên), bơi lội (44), bóng nước (26), bóng chuyền (24) và chèo thuyền (24).

Giáo dục Mỹ luôn nhấn mạnh việc bồi đắp sức khỏe quan trọng không kém xây dựng kiến thức. Với nhiều trường, sinh hoạt thể thao và tham gia thế vận hội đã trở thành truyền thống lâu đời. Giáo dục đại học Mỹ luôn tự hào về điều đó. Từ Thế Vận Hội Hè 1904 đến Thế Vận Hội Paris 2024, Đại Học Southern California (USC) đã đóng góp tổng cộng 512 vận động viên (nhiều hơn bất kỳ đại học nào ở Mỹ); giành tổng cộng 326 huy chương (153 huy chương vàng) trong đó có ít nhất một huy chương vàng tại mỗi Thế Vận Hội Mùa Hè kể từ 1912! Nếu USC thi đấu với vị trí như một quốc gia thì họ xếp hạng 16 thế giới!

Lịch sử thể thao USC có một gương mặt huyền thoại. Tại Olympics Berlin 1936, sinh viên Louis Zamperini đã gây sửng sốt, trước sự chứng kiến của Hitler, khi chạy vòng cuối cuộc thi marathon chỉ với 56 giây. Sau Thế Vận Hội, Zamperini vào học USC. Thế Chiến Thứ Hai xảy ra, Zamperini gia nhập quân đội. Trong phi vụ năm 1943, Zamperini cùng phi đội trên chiếc B-24 rơi xuống Thái Bình Dương. Sống sót sau 47 ngày trên biển, Zamperini được cứu và trở thành tù binh trong một trại tù Nhật suốt hai năm rưỡi. Sau chiến tranh, cựu sinh viên USC Zamperini trở thành nhà diễn thuyết lừng danh. Câu chuyện Zamperini đã được kể lại trong quyển “Unbroken” của Laura Hillenbrand, được đạo diễn Angelina Jolie xuất sắc dựng lên màn bạc, và được USC ghi vào biên niên sử của trường.

Đội tuyển Hoa Kỳ ăn mừng chiến thắng giành huy chương vàng sau trận Chung kết đồng đội nữ thể dục nghệ thuật vào ngày thứ tư của Thế vận hội Olympic Paris 2024 tại Bercy Arena hôm 30 Tháng Bảy năm 2024 tại Paris, Pháp. (Hình: Tom Weller/VOIGT/GettyImages)

Đứng cạnh một vận động viên Mỹ đầy sức bật tuổi trẻ với phong thái điển hình trí thức, vận động viên Trung Quốc trông khô khan và gượng gạo. Nói không quá, có thể nhìn thấy tương lai một quốc gia từ hình ảnh này. Vận động viên Mỹ đến Thế Vận Hội với tinh thần thể thao. Vận động viên Trung Quốc đến Olympics với ý chí quyết thắng và danh dự quốc gia. Ý chí đó được trui rèn từ những lò đào tạo chuyên nghiệp, nơi “đúc” nên một nền thể thao với tinh thần phi thể thao, nhắm đến việc “sản xuất” hàng loạt “người máy thể thao” từ khi mới lên 5 tuổi. Nhiệm vụ họ là sẽ phải đem lại vinh quang quốc gia, bất chấp sự lấp lánh đó trả giá bằng tương lai cuộc đời họ. Có quá nhiều ví dụ cho thấy sự thờ ơ ngược đãi đối với vận động viên hết thời.

Khổ luyện trong thể thao là chuyện bình thường nhưng với Trung Quốc, các vận động viên Thế Vận Hội được đầu tư từ rất nhỏ, với công thức đào tạo khắc nghiệt từ những lò được thiết kế với mô hình không khác gì “nhà máy” sản xuất hàng loạt. Không chỉ khổ luyện, vận động viên luôn được gieo vào đầu tư tưởng ái quốc. Hầu hết đều được tuyển từ các trường tiểu học và được đưa đến “nhà máy” trước khi 9 tuổi, bất chấp chúng có yêu thích thể thao hay không. Không như Mỹ, nơi thể thao đơn giản là sự rèn luyện sức khỏe và tinh thần đồng đội, thể thao Trung Quốc là tinh thần dân tộc, nhằm xóa bỏ hình ảnh “thằng bệnh tật ốm yếu” (Đông Á bệnh phu) từng được thực dân miêu tả hồi cuối nhà Thanh.

Một trong những phần trong “chiến lược huy chương vàng” là săn lùng tài năng, không chỉ tại thành phố mà cả vùng quê, chẳng hạn trường hợp bé gái Từ Gia Mẫn (Xu Jiamin) 12 tuổi như được kể vào thời gian Trung Quốc chuẩn bị tổ chức Thế Vận Hội 2008. Xuất thân từ một gia đình nông dân tại Quảng Ðông, với thân hình cục mịch, Từ Gia Mẫn đã được nhắm đến như một vận động viên cử tạ triển vọng. Năm 2003, Từ Gia Mẫn được chuyển đến lò đào tạo chuyên nghiệp và được huấn luyện sáu giờ/ngày (sáu ngày/tuần). Từ Gia Mẫn chỉ được về thăm bố mẹ một lần trong năm…

Bởi việc đặt nặng biến con người thành cỗ máy hơn là xây dựng nhân cách, chẳng có gì ngạc nhiên khi nghe những vụ ồn ào về thái độ khiếm nhã của vận động viên Trung Quốc. Họ lao vào thi đấu và họ cay cú điên tiết nếu thất bại. Trước sự thất bại của (một) vận động viên Mỹ, dư luận và báo chí không bao giờ rủa xả mắng chửi. Với Trung Quốc, thất bại của (một) vận động viên là nỗi nhục quốc gia và người ta không bao giờ chấp nhận điều đó. Kẻ thất bại bị “làm thịt” và bị “ăn tươi nuốt sống” trên mạng.

Mới đây, tại Paris 2024, vận động viên thể dục dụng cụ Tô Vĩ Đức (Su Weide) đã bị dân mạng Trung Quốc chửi sấp mặt khi thất bại (hai lần ngã xà cao khiến Trung Quốc mất vị trí đầu bảng vào tay đội Nhật trong trận chung kết ngày 29 Tháng Bảy, 2024). Khi chiến thắng, vận động viên là niềm tự hào quốc gia, được báo chí tung hô như người hùng. Khi thất bại, họ là nỗi nhục quốc thể. Tất cả vận động viên thua cuộc đều phải xin lỗi “người hâm mộ” và xin lỗi “đất nước.”

Dân Trung Quốc không chỉ chửi mắng vận động viên thua cuộc của họ. Vận động viên nước nào chiến thắng “người” của họ cũng sẽ bị nguyền rủa. Tại Tokyo 2020, sau khi chiến thắng Trung Quốc trong trận chung kết đôi nam nữ, đội bóng bàn Nhật đã bị dân Trung Quốc rủa không tiếc lời. Họ dọa giết đội Nhật, nhắn rằng “bọn mày xuống địa ngục đi.” Một vận động viên cầu lông Đài Loan cũng bị mắng vì dành tặng huy chương vàng cho “đất nước tôi, Đài Loan” (chứ không phải cho “đất nước Trung Quốc”)…

Giữa Mỹ và Trung Quốc, có quá nhiều sự khác biệt lẫn chênh lệch, giữa hai nền thể thao và giáo dục. Sự thịnh vượng kinh tế vẫn không mang lại “nhân cách quốc gia” cho Trung Quốc. Trên đấu trường Thế Vận Hội, sức mạnh thể thao chỉ là một phần. Nó còn cho thấy tương lai và sức mạnh thật sự của một quốc gia.


Tổng cộng có 594 vận động viên Mỹ đến Thế Vận Hội Paris 2024, trong đó có 315 nữ và 279 nam. Họ thuộc 46 tiểu bang. California có nhiều vận động viên nhất (120), kế đến là Florida (42), Texas (41), Illinois (27) và Pennsylvania (27). Mười thành phố đứng đầu danh sách vận động viên gồm San Diego (11); Houston (10); Los Angeles (9); Atlanta, Chicago và Miami (mỗi thành phố 6); và Charlotte, Las Vegas, Long Beach và San Jose (mỗi thành phố 5).

Trong số vận động viên nổi bật từng chinh chiến đấu trường Thế Vận Hội, có:

-Vận động viên bơi lội Katie Ledecky (Bethesda, Maryland) dẫn đầu với bảng thành tích 10 huy chương Olympic (bảy vàng và ba bạc).

-Vận động viên thể dục dụng cụ Simone Biles (Spring, Texas) và vận động viên bơi lội Caeleb Dressel (Micanopy, Florida) tham gia Paris 2024 với thành tích trước đó gồm bảy huy chương mỗi người.

-Vận động viên bơi lội Ryan Murphy (Jacksonville, Florida) với bề dày thành tích sáu huy chương.

-Vận động viên bóng rổ Diana Taurasi (Glendale, California); vận động viên bơi lội Lilly King (Evansville, Indiana); và vận động viên bơi lội Simone Manuel (Sugar Land, Texas) mỗi người có năm huy chương.

Team USA 2024 có ba vận động viên năm lần tham dự Thế Vận Hội: Cầu thủ bóng rổ Diana Taurasi (Glendale, California); Vận động viên cưỡi ngựa Steffen Peters (San Diego, California); Vận động viên cưỡi ngựa McLain Ward (Brewster, New York).

Năm 2022, toàn nước Mỹ có 40,786 trung tâm thể dục thể thao; với nhân sự 649,964 người và bảng lương hàng năm $12 tỷ.

Có khoảng 158,000 vận động viên, huấn luyện viên và trọng tài tại Mỹ trong gần 117 triệu lực lượng lao động năm 2022. (Nguồn: United States Census Bureau (census.gov))


Tại Thế Vận Hội 2024, Trung Quốc có 405 vận động viên. Từ Thế Vận Hội 1996 đến 2020, Trung Quốc giành tổng cộng 226 vàng, 157 bạc và 137 đồng. Thành tích tốt nhất của Trung Quốc cho đến nay là vào năm 2008, khi Trung Quốc đăng cai Thế Vận Hội. Năm đó, Trung Quốc giành được 48 huy chương vàng. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn thua Mỹ trên đấu trường Thế Vận Hội nói chung. Tại Rio 2016, Mỹ giành được tổng cộng 121 huy chương (nói chung) so với 70 của Trung Quốc. Ngay cả khi Trung Quốc đăng cai năm 2008, Mỹ vẫn có nhiều huy chương hơn (112 so với 100). Tại Thế Vận Hội Tokyo 2020, Trung Quốc giành 38 vàng, so với 39 của Mỹ (tuy nhiên, xét về tổng số, Trung Quốc chỉ giành được 89 so với 113 của Mỹ). (Nguồn: The Guardian)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: