Phàm ở đời, không phải điều gì được nhắc đến nhiều hay lan tỏa rộng rãi đều đúng đắn. “Ngoại giao cây tre” được cho là tư tưởng ông Nguyễn Phú Trọng, cũng là một trường hợp như vậy. Nhưng có thật là của ông Trọng nghĩ ra không?
‘Ngoại giao cây tre’ – Thuật ngữ chính trị ăn cắp từ Thái Lan
Người Cộng Sản có tư duy rất kỳ lạ. Trong môi trường tuyên truyền chỉ có một chiều ấy, họ sẵn sàng thủ tiêu những tiếng nói đối lập. Và bởi vì chẳng mấy khi được nghe thấy tiếng nói đối lập, họ tưởng cái gì họ nói cũng đúng, cũng là chân lý, được cả thiên hạ chấp nhận. Bởi thế, họ thường có những phát ngôn ngô nghê kiểu như ‘phát minh vĩ đại thứ 3 của loài người là làm chủ tập thể’ của ông Lê Duẩn (tồi tệ hơn cũng có, như “Cờ lờ mờ vờ” của ông Nguyễn Xuân Phúc), hay như gần đây là phát biểu của một ông giáo sư trên quan điểm cá nhân, nhưng lại thậm xưng đại diện cho cả một đất nước: “Nước chúng tôi có cần tủ lạnh đâu!”
Nếu không phải những phát biểu ngô nghê mà chỉ là những tư duy thông thường, thì nếu người phát biểu ở tầm quan chức cấp cao, giới bồi bút sẵn sàng bốc những thứ như vậy lên ở tầm tư tưởng, một “dấu ấn,” đặc biệt khi tư duy đó được gắn với cụm từ nào đó được cho là mới.
Thuật ngữ “ngoại giao cây tre” của ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã được “nặn ra” trong môi trường ấy.
Thuật ngữ liên quan đến ngoại giao cây tre đã bắt đầu xuất hiện từ phát ngôn của ông Trọng tại hội nghị Ngoại Giao lần thứ 29 vào ngày 22 Tháng Tám 2016. Cụm từ này được cho là đúc kết quan trọng từ các “trường phái ngoại giao” của Việt Nam trong hơn 70 năm qua. Kể từ đó, báo giới trong nước luôn đẩy mạnh tuyên truyền về điều này, như “Dấu ấn ‘ngoại giao cây tre’ của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nâng tầm vị thế Việt Nam,” hay ”Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, người nâng tầm ‘ngoại giao cây tre’ Việt Nam”…
Nhiều nguồn truyền thông ngoài nước cũng theo luồng ngoại giao để khẳng định rằng ngoại giao cây tre (Bamboo diplomacy) là của ông Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng liệu điều đó có hoàn toàn đúng như vậy?
Trong cuốn sách có tên Routledge Handbook of Diplomacy and Statecraft (tạm dịch: Sổ tay Routledge về Ngoại Giao và Quản Lý Nhà Nước), được xuất bản tại Luân Đôn lần đầu vào năm 2012 (ấn bản điện tử được ra đời vào năm 2015), bởi tác giả Pavin Chachavalpongpun, tại chương “Thai Land – The enigma of bamboo diplomacy” (tạm dịch: Thái Lan – Điều bí ẩn về ngoại giao cây tre) đã viết:
“Mặc dù là một quốc gia có quy mô trung bình với hệ thống chính trị không ổn định, Thái Lan từ lâu đã được công nhận vì thực hành ngoại giao khôn ngoan, giúp duy trì thành công nền độc lập của mình qua những giai đoạn khó khăn trong lịch sử đất nước. Các nhà lãnh đạo Thái Lan đã chứng minh rằng nghệ thuật ngoại giao là được xây dựng cẩn thận không chỉ để bảo vệ đất nước của họ khỏi mọi mối đe dọa mà còn để nâng cao vị thế của Thái Lan trên toàn cầu với tư cách là một trong những cường quốc chiếm ưu thế ở lục địa Đông Nam Á.”
Nhìn lại, có ít nhất hai sự kiện quốc tế lớn đã thử thách nghệ thuật ngoại giao của Thái Lan: thời kỳ thuộc địa và Thế Chiến Thứ Hai. Những giai đoạn lịch sử này cho phép các nhà lãnh đạo Thái Lan mài giũa kỹ năng ngoại giao của mình khi đối phó với thế giới bên ngoài. Siam (tên cũ của Thái Lan) là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á chưa bao giờ chính thức bị các cường quốc nước ngoài đô hộ. Theo đa số các nhà sử học Thái Lan, nước này đã có thể thoát khỏi chủ nghĩa thực dân nhờ vào khả năng phục hồi và linh hoạt của chính sách ngoại giao Thái Lan, được củng cố bởi hai yếu tố: vị trí địa lý của nó như một quốc gia đệm giữa Anh và Pháp và tầm nhìn xa trông rộng và sự khéo léo của Vua Chulalongkorn (1868–1910).”
“Nhà vua dường như đã cố gắng tạo ra sự cân bằng quyền lực giữa hai quốc gia Âu châu bằng cách làm mờ ranh giới lòng trung thành để làm cho vương quốc phần nào độc lập. Chính sách ngoại giao khôn ngoan không kém đã được thực hiện liên tục trong Chiến tranh thế giới thứ hai, khi Thái Lan thành công trong việc đứng về phía cả hai phe Trục và Đồng minh. Trong khi Chính phủ Phibun Songkhram (1936–44) thành lập liên minh với Nhật Bản và tuyên chiến với Hoa Kỳ, đại sứ Thái Lan tại Washington, Seni Pramoj, lại ủng hộ phong trào ‘Người Thái tự do’ thân Đồng minh. Khi chiến tranh kết thúc, phong trào Thái Lan Tự do tuyên bố đại diện cho lập trường thực sự của Thái Lan thời chiến, một lập luận được người Mỹ chấp nhận rộng rãi. Điều này phản ánh một kỳ tích hiếm có về tính linh hoạt của chính sách đối ngoại. Qua nhiều thế kỷ, các nhà lãnh đạo Thái Lan đã tự hào về sự tinh thông của “ngoại giao cây tre.” (hết trích)
Như vậy, có thể thấy rõ, các nhà lãnh đạo Thái Lan đã sử dụng nhuần nhuyễn ngoại giao cây tre nhiều thế kỷ nay. Việc ông Nguyễn Phú Trọng cư vơ về minh, coi đó là sáng tạo của mình có là một sự trùng hợp tình cờ, nhầm lẫn vô tình, hay cố ý?
Cho dù nếu cố Tổng Trọng thời còn tại vị có tình cờ trùng hợp, “mượn” thuật ngữ chính trị của Thái Lan đi chăng nữa, lẽ nào giới học thuật và báo chí trong nước lại có thể nhiều năm làm ngơ, coi như không biết? Để đến tận sau khi qua đời, vẫn cố gắng tuyên truyền ông Nguyễn Phú Trọng là người đã “đặt tên và nâng tầm ‘ngoại giao cây tre’ Việt Nam.”(?) Sau nhiều năm như vậy vẫn cố tình “cầm nhầm”, đây rõ ràng là hành vi trơ tráo và nằm trong chiến lược tuyên truyền của CSVN.
Bỏ tiền mua “ngoại giao cây tre” cho ‘nhà tư tưởng’ Nguyễn Phú Trọng?
Còn nhớ, hơn chục năm trước đây, khi đó tại Việt Nam, phong trào tìm hiểu về những ngọn cờ lan rộng trong người dân. Một số người có kiến thức trong lĩnh vực IT đã tìm ra tại trang web http://worldstatesmen.org/China.html mô tả lá cờ của chính quyền nhân dân tỉnh Phúc Kiến giai đoạn 1923 – 1934 có thiết kế rất giống với lá cờ của tổ chức “mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam” (tức Việt Cộng) năm xưa.
Lá cờ sao vàng xanh đỏ của chính quyền nhân dân Phúc Kiến (Fuzhou, hay Fujian), ảnh: GVEhacker
Truy vết lịch sử chỉnh sửa của trang web trên, khi dùng công cụ Wayback Machine để quay về thời điểm tháng Mười năm 2002, thì thấy rõ rằng lá cờ đỏ sao vàng cánh mập – lá cờ được chọn làm quốc kỳ dưới thời VNDCCH của ông Hồ Chí Minh một thời – lại chính là lá cờ của Phúc Kiến năm xưa!
Lá cờ đỏ sao vàng của Phúc Kiến (Trung Quốc) hiển thị tại Wayback Machine
Không biết có can thiệp bằng tiền bạc từ nhà cầm quyền CSVN hay không, nhưng dấu vết can thiệp chỉnh sửa hình ảnh lá cờ Phúc Kiến là có thật. Có thể sự can thiệp này mục đích để xóa đi sự nghi vấn của người dân Việt Nam trong thời gian đó, rằng lá cờ đỏ sao vàng cánh mập năm xưa có phải đã được ông Hồ Chí Minh ôm về từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc hay không? Sự nghi ngại này càng được củng cố, khi cũng trong thời gian đó, tờ Quân Đội Nhân Dân đăng bài “Ba lần Bác cười trước lúc đi xa” để lộ ra chi tiết trước khi ông Hồ chết, ông đã muốn nghe một câu hát Trung Quốc, và đã cười mãn nguyện sau khi được đáp ứng!
Phàm nhào nặn bất cứ một hình tượng nào từ những điều giả dối, nếu những điều giả dối ấy bị phát hiện và được lan tỏa, thì hình tượng sẽ sụp đổ. CSVN đang lộ rõ ý đồ đẩy mạnh tuyên truyền biến ông Trọng thành một nhà tư tưởng mới, một “cha già dân tộc” thế hệ mới.
Không biết liệu CSVN có bỏ tiền để mua đứt đi cuốn sách trên, để từ đó “ngoại giao cây tre” và nhiều điều giả dối khác sẽ thuộc về ông Nguyễn Phú Trọng?