Nguyễn Phú Trọng và giấc mộng không thành

Kayla Ng

Kể từ khi nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam (CSVN) xác định với đồng đảng Trung Quốc là “hai quốc gia cùng chung vận mệnh,””núi liền núi, sông liền sông,” từ đó đến nay, đảng CSVN luôn cử những đợt công tác sang Trung Quốc để học tập. Một trong những điều mà đảng CSVN học tập từ khi ông Tập lên cầm quyền đến nay, đó là tư tưởng Tập Cận Bình.

Cụm từ “Tư Tưởng Tập Cận Bình” (Xi’ism) về tham vọng “xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” trở nên phổ biến, và đó cũng là giấc mộng của ông Nguyễn Phú Trọng muốn xây dựng hình ảnh bản thân cũng là một nhà lãnh đạo quốc gia có riêng cho minh một hệ tư tưởng.

Có điều là, ông đã chết khi giấc mộng chưa thành.

Giấc mộng xây dựng hình ảnh “Nhà Tư Tưởng Nguyễn Phú Trọng”

Theo ước lượng, cho đến khi qua đời, ông Trọng cho xuất bản đến 35 cuốn sách với nhiều chủ đề khác nhau, như “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam,” “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc,” “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh (…),”“Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (…)”… Gần đây nhất, ngày 16 Tháng Bảy, ông còn cho ra mắt cuốn sách mới của ông về Quốc Hội Việt Nam “Trong tiến trình đổi mới (…).

Tôi chưa có điều kiện để xem hết các sách do ông ấy viết, tuy nhiên trong thời gian bị giam giữ tại Trại giam Nam Hà, tôi có xem qua những bài báo giới thiệu về các cuốn sách do ông ấy viết, thấy rằng bản chất các cuốn sách đó chủ yếu là tổng hợp những bài phát biểu, thư, điện, trả lời phỏng vấn, bài đăng báo… của ông ấy mà thôi.

Tuy rằng đã ra nhiều sách như vậy nhưng cho đến nay tôi thấy chưa ai công nhận ông Trọng là người có hệ tư tưởng riêng. Cụm từ “Tư Tưởng Nguyễn Phú Trọng” ít thấy ai nhắc đến.

Trong tầm quan sát của mình, tôi cũng chưa thấy có người dân nào mà lại bỏ tiền mua những ấn phẩm đó. Thay vào đó, những ấn phẩm này chủ yếu được phân phối theo một hình thức chỉ tiêu, như cách mà tờ báo Nhân Dân trước giờ vẫn phân phối: Mặc dù có rất ít độc giả, nhưng báo vẫn cứ in đều đặn mỗi ngày 200,000 bản gửi đến các cơ quan công quyền các cấp, và hầu như chẳng mấy ai đọc.

Một yếu tố không thể thiếu để có thể trở thành một nhà tư tưởng, đó là cần có những tư tưởng mới, tuy nhiên tư tưởng của ông Trọng không có điều gì mới, chỉ là nhắc lại, rập khuôn, đóng khung trong mô hình xã hội chủ nghĩa mà đảng của ông đã và đang theo đuổi. Hô hào chống tham nhũng, ông Trọng chẳng phải người đầu tiên. Đóng góp cho nền kinh tế đất nước, ông Trọng cũng không làm được gì nổi bật. Điểm được cho là mới trong nhận thức của ông Trọng, từng được nhà nước Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền, là “phát minh” ra cụm từ “ngoại giao cây tre” cũng nhanh chóng bị cộng đồng mạng bóc mẽ là ăn cắp từ đường lối ngoại giao “Bamboo diplomacy” của Thái Lan.

Chẳng những đi ăn cắp, sự biến thể “ngoại giao cây tre” phiên bản Việt Nam này còn bị đánh giá là một biến thể dị hợm. Nhà văn Phạm Viết Đào từng nhận xét trên tờ BBC: Ngoại giao như thế thì khác gì “lấy thúng úp voi,” đem “cái giả” của mình để đưa đánh tráo “cái thật” của thiên hạ.

Như vậy có thể thấy ý định rõ ràng ông Trọng có ý muốn học tập theo ông Tập. Tuy nhiên kết quả thu được thì có lẽ không được như ông ấy mong muốn.

Chết nhục nhã, danh dự cũng không thể mang theo

Lúc còn tại vị, ông Trọng khá tâm đắc và trích dẫn lại nhiều lần câu nói trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời – sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho nhân dân!,” khẳng định: “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!” Tuy nhiên, thực tế chứng minh, những gì ông làm luôn đi ngược lại với những gì ông nói.

Ông Trọng ti tiện, vì tư tưởng của ông thực ra không hề vì nhân dân như ông uốn mép, tư tưởng của ông ta là tư tưởng trọng đảng hơn là trọng nước, trọng dân. Kỹ sư Hoàng Bùi phân tích:

Nguyễn Phú Trọng từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như chủ tịch Quốc Hội, bí thư Hà Nội, và trưởng ban Cải Cách Tư Pháp. Điều đó có nghĩa là ông thừa hiểu hệ thống luật pháp vận hành như thế nào, và phải đủ độ chín chắn để hiểu rõ cấu trúc nhà nước theo quy định hiến pháp. Tuy nhiên, phát biểu đáng nhớ về luật pháp của ông ta trên cương vị tổng bí thư lại là câu: “Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau cương lĩnh của Đảng.”

Câu phát biểu này không phải vô ý, mà nó cho thấy rõ tư tưởng trọng đảng hơn trọng dân của ông ta. Tư tưởng này còn thể hiện qua nhiều phát ngôn khác của ông ta như:

-“Đề phòng thế lực muốn xóa bỏ điều 4 Hiến pháp.”

-“Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không?”

-“Những kẻ đòi đa nguyên đa đảng, từ bỏ XHCN, tam quyền phân lập đều là bọn bất hảo.”

Tất cả những gì ông Trọng quan tâm không phải là quyền lợi hay lợi ích của nhân dân, mà chỉ là đại hội đảng, là điều lệ đảng, bầu bán trong đảng để chắc chắn rằng ông sẽ giữ được quyền lực và làm những gì ông muốn. Khi thảm họa môi trường biển Formosa xảy ra, ông Trọng phát biểu: “Sự cố cá chết (…) gây khó khăn cho công tác bầu cử!” Khi đại dịch xảy ra với hàng chục ngàn người chết, ông hoàn toàn biến mất và chỉ xuất hiện khi tổ chức đại hội đảng và sắp xếp nhân sự.”

Ông Trọng đớn hèn – ông Hoàng Bùi phân tích tiếp: Nguyễn Phú Trọng từng hai lần rơi nước mắt trên truyền thông. Lần thứ nhất là trong ấm ức và tức tưởi vì không thể kỷ luật được kẻ thù của mình, thậm chí không dám nhắc tới tên kẻ thù. Đơn giản vì ông ta đặt quyền lợi của đảng lên trên, không dám nhắc tên, không dám kỷ luật không phải vì dân vì nước, mà vì bản thân và đảng của ông.

Lần thứ hai là khi gặp Tập Cận Bình, vì ông cảm thấy tuổi già và sự bất lực của bản thân sau rất nhiều nỗ lực cải tổ để cứu đảng. Giọt nước mắt này cũng không phải vì nước, vì dân, mà khóc cho sự bất tài và bảo thủ của bản thân.

Những giọt nước mắt này chưa một lần vì nước vì dân, chưa một lần rơi khi thấy đồng bào đau khổ, thấy hàng chục người chết trong xe lạnh, hàng nghìn người chết trong đại dịch. Ông ta chỉ khóc trong sự hèn nhát và ích kỉ vì bản thân.

Ông Trọng bị nhiều người khinh bỉ – kỹ sư Hoàng Bùi nhận định: Nguyễn Phú Trọng là người chịu trách nhiệm trực tiếp và cao nhất trong vụ án kinh hoàng giết hại cụ Kình tại Đồng Tâm. Một vụ án vô tiền khoáng hậu khi lực lượng của ông ta xông vào nhà giết người, sau đó mổ bụng moi gan với danh nghĩa pháp y, giết cả con trai ông Kình và tống cả gia đình vào tù với nhiều án tử hình. Một tội ác kinh tởm giữa ban ngày ở thời đại này.

Dưới thời của ông, số người bất đồng chính kiến bị tù tăng cao nhất chưa từng thấy. Ông ta thậm chí còn bắt cóc cả người từ nước ngoài, bỏ tù mẹ đơn thân đang nuôi con nhỏ, đánh đập gãy chân phụ nữ. Tất cả những tội ác đó xảy ra dưới thời ông làm tổng bí thư và ông không thể chối bỏ trách nhiệm đã chỉ đạo những việc đó, hoặc làm ngơ cho những việc đó xảy ra vì ông biết điều đó có lợi cho sự tồn vong của đảng.

Chẳng những vậy, kết thúc thời đại Nguyễn Phú Trọng, sau gần 20 năm giơ cao “ngọn cờ đức trị,” ông ta không những không thể làm trong sạch bộ máy nhà nước, mà ngược lại còn tạo ra một thời đại công an trị toàn diện. Sự tự do của người dân bị siết chặt cùng với sự gia tăng quyền lực của cơ quan an ninh. Người dân giờ đây ngày càng bị siết chặt tự do hơn từ đi lại, giao dịch điện tử, phát ngôn, và bị giám sát chặt chẽ cả trên mạng lẫn ngoài đời.

Sự nghiệp chính trị của Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc khi ông nằm xuống. Không cần đợi tới lịch sử hay đời sau, hay bạch hóa hồ sơ để phán xét ông. Nguyễn Phú Trọng chỉ là một kẻ bảo thủ, ích kỷ và hạn chế trong tư tưởng lẫn kiến thức được lịch sử đặt ở vị trí quyền lực quá lâu. Chính sự nhiệt tình xây dựng đảng cộng với sự bảo thủ của ông đã tạo nên bức tranh chính trị, kinh tế và xã hội vô cùng u tối cho Việt Nam vào thời điểm này.

Chưa kể, trước khi bị thông báo là đã chết, chút danh dự tàn là hình ảnh liêm khiết do ông hoài công xây dựng cũng không thể mang theo, khi vụ tham nhũng dự án Ciputra và nghi vấn nhận tượng vàng Formosa bị khui ra, khiến cho biểu tượng chống tham nhũng của ông cũng bị đổ bể.

Một người ti tiện, đớn hèn, tham quyền cố vị, tham nhũng, vô liêm sỉ như vậy, làm gì có danh dự để mà mang theo khi chết đi?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: