Nhân bầu cử, nhìn lại chính trị Miến Điện

bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đảng NLD. Hình: Wikipedia.

HIẾU CHÂN

Cử tri Miến Điện – còn gọi là Myanmar – đã đi bỏ phiếu bầu quốc hội trong ngày hôm qua Chủ nhật 8/11 và kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy đảng NLD cầm quyền giành được đa số ghế đại biểu. 

Đảng NLD thắng lớn?

Sáng nay 9/11, theo người phát ngôn của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy, NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo thì đảng này đã chiếm được đa số ghế trong quốc hội, đủ điều kiện để lập chính phủ mới dù công việc kiểm phiếu vẫn chưa kết thúc.

Quốc hội Miến Điện có hai viện, gồm 664 ghế đại biểu; trong đó quân đội Miến Điện – gọi là Tatmadaw – được bổ nhiệm không qua bầu cử một phần tư số đại biểu, gồm 56 thượng nghị sĩ và 110 dân biểu; các đảng phái chính trị tranh nhau ba phần tư số ghế đại biểu còn lại, đảng nào chiếm được quá nửa tổng số ghế, tức hơn 322 ghế, sẽ được đứng ra lập chính phủ mới; nếu không đảng nào giành được nhiều hơn 322 ghế thì một số đảng phải hợp tác với nhau lập chính phủ liên hiệp và cử ra tổng thống mới.

Khi được hỏi đảng NLD giành được bao nhiêu ghế trong cuộc bầu cử hôm qua, phát ngôn viên đảng này, ông Myo Nyunt, không đưa ra con số cụ thể nhưng khẳng định: “Theo dữ liệu của chúng tôi, chúng tôi đã vượt qua con số đó [322 ghế]. Chúng tôi dự báo sẽ giành được nhiều ghế đại biểu hơn cuộc bầu cử 2015”. Tuy nhiên, các quan chức bầu cử của Miến Điện cho biết việc kiểm phiếu vẫn đang diễn ra và chưa có công bố chính thức về kết quả bầu cử.

Myanmar
Thành phần quốc hội Miến Điện trước ngày bầu cử. Ảnh Asia Nikkei Review

Ba cuộc bầu cử và con đường dân chủ hóa

Đây là lần thứ ba Miến Điện tổ chức bầu cử quốc hội sau khi thông qua hiến pháp năm 2008, chuyển từ chế độ quân quản sang chính quyền dân sự. Cuộc bầu cử đầu tiên năm 2010 đã bị đảng NLD của bà Suu Kyi và các chính đảng khác tẩy chay, hậu quả là đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang (Union Solidarity and Development Party, USDP) – cánh chính trị của quân đội – chiếm đa số ghế đại biểu. Đảng USDP lập chính phủ dân sự đầu tiên của Miến Điện năm 2011, do ông Thein Sein, một cựu tướng lĩnh quân đội có tư tưởng cải cách, làm tổng thống. Ông ra lệnh trả tự do cho bà Suu Kyi chỉ vài tuần sau ngày bầu cử.

Sự đồng cảm và hợp tác giữa ông Thein Sein và bà Suu Kyi đã giúp Miến Điện thay đổi lớn về chính trị và xã hội, tất cả tù nhân chính trị được trả tự do, đảng phái đối lập được hoạt động công khai; Miến Điện được các nước dân chủ xóa nợ, gia tăng viện trợ, đầu tư và trao đổi thương mại. Hàng hóa xuất khẩu của Miến Điện vào Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản bắt đầu được ưu đãi miễn thuế nhập khẩu.

Trong cuộc bầu cử thứ hai diễn ra năm 2015 đảng NLD giành thắng lợi áp đảo với 377 ghế đại biểu ở cả hai viện quốc hội; đảng USDP chỉ còn 51 ghế, cộng với 166 ghế của quân đội vẫn không đủ đa số nên chấp nhận vị thế đối lập. Lẽ ra với tư cách chủ tịch đảng LDP, bà Aung San Suu Kyi phải được thay ông Thein Sein làm tổng thống nhưng hiến pháp Miến Điện – do quân đội soạn thảo và thông qua năm 2008, không cho phép điều đó với lý do bà Suu Kyi có chồng là người nước ngoài và các con bà có quốc tịch Anh; bà Suu Kyi chỉ được giữ chức Cố vấn Nhà nước cho một tổng thống là người của đảng NLD dù quyền hành thực tế gần như nằm trong tay bà Suu Kyi.

Vẫn chưa ra khỏi đường hầm

Trong năm năm cầm quyền, đảng NLD đã làm được một số việc, nhất là bắt đầu hòa giải dân tộc giữa người Miến Điện đa số (Burmese) và các sắc tộc thiểu số ở vùng biên địa. Các sắc tộc thiểu số chiếm khoảng 30% dân số Miến Điện, nhiều nhóm sắc tộc có quân đội riêng, lãnh thổ riêng và chiến đấu chống chính quyền trung ương Miến Điện để đòi quyền tự chủ rộng rãi hơn trong một đất nước theo thể chế liên bang. 

Chính phủ của bà Suu Kyi cam kết hòa bình và hòa giải nhưng không thực hiện được trọn vẹn, xung đột giữa các bộ tộc và với quân đội Miến Điện vẫn tiếp diễn tuy quy mô không lớn như trước. Từ năm 2018, cánh chính trị của các sắc tộc ở các bang đã dần dần kết hợp với nhau và thách thức chính quyền trung ương qua bầu cử; có đến 90 đảng chính trị tham gia cuộc bầu cử hôm qua, đa phần là các đảng nhỏ của các sắc tộc thiểu số. Kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử cho thấy một số đảng nhỏ giành được phần thắng ở các bang Kayah, Mon and Shan nơi người dân bất mãn với chính quyền trung ương.

Nhưng trong năm năm cầm quyền, đảng NLD đã để xảy ra vụ quân đội Miến Điện thảm sát người thiểu số Rohingya theo Hồi Giáo ở bang Rakhine phía bắc, làm cho 730.000 người sắc tộc Rohingya phải từ bỏ quê hương đi lánh nạn ở nước láng giềng Bangladesh. Vì vụ thảm sát này, chính phủ Miến Điện và bà Suu Kyi phải đối mặt với lời buộc tội của Tòa án Hình sự quốc tế vì đối xử tàn tệ với người thiểu số Rohingya. Nhiều nước phương Tây đe dọa rút lại quy chế ưu đãi về viện trợ, đầu tư và thương mại dành cho Miến Điện nếu tình hình nhân quyền ở nước này không được cải thiện.

Kinh tế Miến Điện cũng không cất cánh như mong đợi của người dân và giới đầu tư quốc tế. Dệt may và du lịch – hai ngành làm ra nhiều ngoại tệ nhất của Miến Điện – gặp phải sức cạnh tranh mạnh của các nước khác trong vùng và đại dịch coronavirus làm cho tê liệt. Các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng đầy tham vọng bị thiếu vốn thực hiện, làm cho Miến Điện phụ thuộc nặng nề vào nguồn vốn của Trung Quốc và khiến cho người dân chán nản.

Quan tâm của Hoa Kỳ 

Trước khi cuộc bầu cử diễn ra hôm qua, giới phân tích chính trị nhận định đảng NLD vẫn sẽ thắng, vẫn chiếm đa số trong quốc hội nhưng sẽ không thắng áp đảo như cuộc bầu cử trước, một phần do người dân thất vọng với tình hình đất nước, một phần do sự cạnh tranh của các chính đảng thuộc các sắc tộc thiểu số. Nhưng điều đó đã không xảy ra, vì “đa số người dân vẫn tiếp tục thừa nhận và ủng hộ bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đảng NLD, là nhà lãnh đạo của họ,” theo đánh giá của nhà phân tích chính trị Yan Myo Thein về kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử được hãng Reuters trích dẫn.

Liên minh châu Âu, Anh Quốc và Hoa Kỳ khen ngợi cuộc bầu cử ở Miến Điện nhưng bày tỏ lo ngại về tình trạng nhiều khu vực không tổ chức cho người dân bỏ phiếu vì “lý do an ninh”. Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo nói cuộc bầu cử đánh dấu một bước quan trọng trong tiến trình chuyển sang dân chủ của Miến Điện dù Washington không tán thành việc dành cho quân đội quyền bổ nhiệm không qua bầu cử một tỷ lệ lớn số đại biểu quốc hội và tước đoạt quyền bỏ phiếu của một số cộng đồng sắc tộc, trong đó có người Rohingya. Ông Pompeo cho biết Washington sẽ tiếp tục theo dõi tiến trình bầu cử ở Miến Điện và yêu cầu việc kiểm phiếu phải được “minh bạch và đáng tin cậy”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: