Pro-life và Pro-choice dưới những góc nhìn khác nhau

Minh họa (Vimec)

Việc Tối cao Pháp Viện Hoa Kỳ đảo ngược án lệ nổi tiếng Roe v. Wade năm 1973, trong đó công nhận quyền phá thai hợp pháp của phụ nữ và hợp pháp hóa quyền này trên toàn quốc, một lần nữa cho thấy xã hội Mỹ bị chia rẽ sâu sắc.

Tôi từng viết khá nhiều lần rằng, không quốc gia nào hoàn hảo, là số một. Nước Mỹ có một nền dân chủ lớn nhất chứ không phải là một nền dân chủ tuyệt vời và hoàn hảo. Về nhiều mặt, nước Mỹ thậm chí bảo thủ hơn một số quốc gia Tây Âu, Bắc Âu. Vấn đề phá thai và quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ ngày 24 Tháng Sáu, một lần nữa, cho thấy điều đó.

Ngay trong án lệ 1973 của Mỹ cũng không có nghĩa là việc phá thai được hoàn toàn tự do (như những người phản đối thường lên án một cách không chính xác), mà chia thai kỳ ra thành ba giai đoạn, mỗi giai đoạn ba tháng. Trong ba tháng đầu tiên, thai phụ được toàn quyền quyết định giữ hay bỏ thai. Trong ba tháng tiếp theo, họ chỉ được phép phá trong một số trường hợp liên quan sức khỏe người mẹ, hoặc tình trạng sức khỏe thai nhi, và phải có ý kiến bác sĩ. Giai đoạn cuối cùng càng khó khăn hơn (trong việc muốn phá), trừ vài ngoại lệ chẳng hạn bảo vệ sinh mạng và sức khỏe người mẹ.

Một điều cần suy nghĩ: Khi nào thì Con Người nên được xem là một sinh mệnh, từ lúc trứng gặp tinh trùng; từ lúc đậu thai; hay từ khi là một thai nhi hoàn thiện có đầy đủ tim, phổi, các bộ phận…; hoặc trễ hơn nữa – lúc đã có những phản ứng của cơ thể và não bộ?

Phe ủng hộ và phe chống phá thai đụng độ trong cuộc biểu tình tại Washington DC ngày 25 Tháng Sáu 2022 (ảnh: Astrid Riecken For The Washington Post via Getty Images)

Người ủng hộ phá thai (được cho phép trong một số trường hợp nhất định) thường nói nhiều đến những trường hợp thai bị giữ lại ngoài ý muốn người mẹ, ví dụ có mang khi còn nhỏ tuổi, không đủ kiến thức và điều kiện để làm mẹ; bị cưỡng hiếp; loạn luân; sức khỏe người mẹ kém; thai nhi bị dị tật hay gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe từ trong bụng mẹ v.v…

Với những người chống phá thai bằng mọi giá, thì một câu hỏi khác: Khi nhân danh Chúa, nhân danh Thượng Đế để bảo vệ sự sống bằng mọi giá, để đưa một đứa trẻ vào đời, họ có bao giờ tự đặt ngược lại vấn đề rằng, có phải tất cả đứa trẻ đều muốn được sinh ra? Nếu sinh ra với thân thể dị tật nặng nề chỉ nằm một chỗ, sống đời thực vật; trí óc không phát triển; hoặc mắc một chứng bệnh hành hạ cả đời thì một cuộc sống như vậy có đáng được mong muốn?

Nước Mỹ lại nhốn nháo chia rẽ trước quyết định của Tối Cao Pháp Viện (ảnh: Yasin Ozturk/Anadolu Agency via Getty Images)

Trong trường hợp được sinh ra ngoài ý muốn người mẹ và gia đình, khiến đứa trẻ lớn lên trong căm ghét, thiếu thốn yêu thương, không được chăm nom và giáo dục đầy đủ… thì liệu đứa trẻ có thể trở thành người lành mạnh về đầu óc, không trở thành kẻ hằn thù, chống đối xã hội? Trong trường hợp người mẹ thiếu trách nhiệm và không đủ điều kiện chăm sóc, giáo dục… thì liệu đứa trẻ có thể thành đạt; hay ngược lại, xã hội lại có thêm một tội phạm tiềm tàng? Với những người mẹ vì một sai lầm hoặc không may mắn (chẳng hạn bị cưỡng hiếp), thay vì có thể làm lại cuộc đời một cách nhẹ nhàng thì họ phải đối diện với cái sai lầm hoặc không may mắn đó cả cuộc đời…

Có khá nhiều sách và phim nói về chủ đề này. Cách đây mấy ngày, tôi có xem một phim của Ireland sản xuất năm 2019, có tên Rose Plays Julie do Christine Molloy và Joe Lawlor đạo diễn.

Phim kể về Rose, sinh viên một đại học ở Dublin, được nhận làm con nuôi từ lúc lọt lòng. Khi mẹ nuôi qua đời, Rose bắt đầu tìm hiểu cha mẹ ruột và phát hiện mẹ mình là một nữ diễn viên tên Ellen sống ở London. Khi liên lạc, bà Ellen có vẻ không muốn gặp. Cuối cùng Rose cũng gặp được Ellen và nghe câu chuyện của mẹ: Bà bị cưỡng hiếp! Bà Ellen từng nghĩ đến chuyện phá thai nhưng cuối cùng chọn sinh nhưng không giữ nuôi. Dù việc bị cưỡng hiếp xảy ra từ lâu nhưng Ellen vẫn cảm thấy rất khó khăn để nhắc lại. Rose yêu cầu Ellen cho biết tên người cha. Ông ta là Peter Doyle, một nhà khảo cổ học nổi tiếng.

Theo dõi sinh hoạt của Peter, Rose nhận thấy ông ta sống như thể không có gì xảy ra. Điều đó khiến cô tức giận. Cô quyết định tiếp cận trực tiếp. Với vỏ bọc một nữ diễn viên tên Julie – tên được đặt khi bà Ellen mới sinh cô, Rose nói với Peter rằng mình đang nghiên cứu cho vai diễn một nhà khảo cổ và muốn tham gia một cuộc khai quật do Peter dẫn đầu, giống như câu chuyện trước đây của bà Ellen.

Peter bị cuốn hút bởi “diễn viên” Julie đến mức suýt chút nữa thì đã cưỡng hiếp thành công Julie! Cuối cùng Peter bị bà Ellen giết, bằng cách dùng kim tiêm tẩm loại thuốc chuyên dùng giết động vật. Trong phim, Ellen phải chạy trốn quá khứ trong khi Rose may mắn được một gia đình tử tế nuôi nấng yêu thương. Nhưng có bao nhiêu người khác có số phận bi kịch hơn Rose? Rose Plays Julie không là bộ phim nổi tiếng nhưng từng được tờ The Guardian liệt kê là một trong những phim hay nhất ở Vương quốc Anh vào mùa thu năm 2021…

Trở lại với phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Vấn đề ở đây là những người bảo thủ và những đảng viên đảng Cộng hòa phản đối gay gắt chuyện phá thai nhưng lại thả lỏng việc kiểm soát súng, bất chấp bao nhiêu vụ xả súng vô tội vạ. Sự chia rẽ trong xã hội Mỹ đẩy nhiều người theo hai hướng: Chống đến cùng, hoặc ủng hộ phá thai bằng mọi giá. Cả hai đều cực đoan.

Những người ủng hộ luật cấm phá thai (ảnh: Yasin Ozturk/Anadolu Agency via Getty Images)
Những người chống luật cấm phá thai (ảnh: Yasin Ozturk/Anadolu Agency via Getty Images)
Bên chống, bên ủng hộ – bên nào cũng muốn tiếng nói của mình được lắng nghe (ảnh: Yasin Ozturk/Anadolu Agency via Getty Images)

Nạo phá thai ở Việt Nam dưới chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo được pháp luật cho phép. Luật quy định: Không được phép loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính, hoặc đã quá tuần tuổi quy định, tức 22 tuần tuổi. Ngoài ra không có hạn chế gì. Trên thực tế, ở Việt Nam, chuyện phá thai cực kỳ dễ dàng, đơn giản. Tại các bệnh viện hoặc thậm chí trạm xá, người ta có thể bắt gặp những đứa trẻ 14, 15 tuổi mặc đồng phục học sinh ôm cặp kè kè đi vào phòng phá thai. Có khi vài tháng sau, cô bé đó trở lại với một cái bầu khác!

Từ nhiều năm nay, Việt Nam thường lọt vào top 10, thậm chí top 5 những quốc gia nạo phá thai nhiều nhất thế giới. Nạo phá thai ở tuổi vị thành niên chiếm tới 70% các ca ở Việt Nam, một phần vì chuyện phá thai quá dễ dàng, một phần vì học sinh không được giáo dục giới tính đàng hoàng ở trường lớp, còn trong gia đình thì cha mẹ cũng ít khi giáo dục những vấn đề này với con cái.

Mặc dù trong luật cấm phá thai trên 22 tuần tuổi, nhưng ở Việt Nam vẫn có thể tìm được những chỗ nạo phá thai lậu khi thai đã lớn, hoặc tại các bệnh viện trong trường hợp phải bảo vệ sức khỏe và sự an toàn sinh mạng của người mẹ. Khi thai đã quá lớn thì không thể phá mà bác sĩ, nữ hộ sinh sẽ dùng thuốc giục để ép cơ thể người phụ nữ sinh sớm trước thời hạn. Không thiếu những trường hợp khi sinh sớm như vậy đứa bé vẫn còn sống và người ta để mặc không chăm sóc, không cho ăn uống để nó chết!

Tỉ lệ nạo phá thai ở Việt Nam (báo PN)

Tôi lại nhớ một chi tiết đầy ám ảnh trong truyện ngắn Tướng về hưu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, kể về nhân vật cô con dâu làm ở bệnh viện phụ sản chuyên về phá thai. Cô này mang thai nhi bị phá về cho lợn ăn! Trong Dumplings, một bộ phim kinh dị do Trần Quả (Fruit Chan) làm đạo diễn, Hong Kong sản xuất năm 2004, cũng kể về một phụ nữ từng làm bác sĩ phụ khoa ở Trung Quốc sau đó sang Hong Kong sống bằng nghề làm bánh bao với nhân là bào thai được nhập từ một phòng khám phá thai ở Thâm Quyến. Bà ta còn quảng cáo bánh bao của mình có tác dụng làm trẻ hóa, tăng ham muốn tình dục.

Trong một xã hội mà việc phá thai quá đơn giản thì đạo đức cũng có thể dễ dàng xuống cấp. Tuy nhiên, nếu nhân danh Chúa để phản đối phá thai với bất kỳ giá nào, lập luận rằng chỉ có Chúa mới có quyền quyết định sự sống và cái chết, rằng con người không có quyền can thiệp vào quá trình tự nhiên, thì có lẽ khi có bệnh cũng không nên chạy chữa, không cần xài vaccine, không nên lắp tay giả chân giả hoặc thay tim… vì tất cả đều là hành vi can thiệp vào “bàn tay của Chúa”. Vấn đề ở đây là làm thế nào để quyết định của Tòa án hoặc chính sách của chính phủ đặt trên sự cân nhắc ở nhiều góc độ, để không đẩy xã hội đi đến sự cực đoan chia rẽ nghiêm trọng đến mức trở thành một cuộc chiến.

_____

Tối Cao Pháp Viện bị bao phủ bởi ‘Uterus’ và ‘Abortion Rights’

Hollywood và các công ty phản ứng khi luật phá thai liên bang bị huỷ

Florida, chiến trường chính giữa phe chống và ủng hộ phá thai

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: