Quan hệ Việt-Mỹ: Khúc “đoạn trường” kết thúc có hậu?

Ngoại trưởng Antony Blinken trong chuyến công du Hà Nội vào Tháng Tư 2023 (ảnh: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ)

Tám năm trước, trên cương vị Phó Tổng thống Hoa Kỳ, ông Joe Biden đã tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến công du Hoa Kỳ của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam. Tại buổi gặp gỡ, ông Joe Biden đã “lảy” một câu Kiều “rất đắt”, mang nhiều ý nghĩa thâm thúy mà những nhà bình luận chính trị sẽ còn tốn nhiều giấy mực để bình về mối quan hệ Việt Mỹ sau đó.

“Trời còn để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ, tan mây giữa trời”.

Việc các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ thường trích dẫn “Truyện Kiều” đã có từ thời Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton. Năm năm sau khi “bình thường hóa quan hệ”, trong chuyến thăm Hà Nội, Tổng thống Bill Clinton đã mượn ý thơ của Tố Như để nói về sự chuyển biến tích cực giữa hai nước từng là cựu thù như một quá trình thay đổi tất yếu của Tự Nhiên:

“Sen tàn Cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn Đông đà sang Xuân”

Chẳng phải lối ẩn dụ ý nhị này là một diễn ngôn đã được “Việt Nam hóa” từ phương châm ngoại giao đầy thực dụng “Không có bạn vĩnh viễn, không có thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn” của Lord Palmerston?

Tất nhiên, ông Biden, cũng như Clinton rồi sau này là Obama, không phải nhà nghiên cứu văn chương Việt Nam mà họ phải nhờ đến những phụ tá Tòa Bạch Ốc, trong đó có bà Elizabeth Phú – người từng là “thuyền nhân” sau này trở thành Giám đốc phụ trách Vụ Đông Nam Á và châu Đại Dương của chính phủ Hoa Kỳ, kiêm cố vấn cấp cao cho Tổng thống Obama. Từ lời nhắn nhủ “Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi” mà Tổng thống Obama mượn lời Tố Như năm 2016 đến kết quả hôm nay là rất nhiều nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều cá nhân trong đó có những người cùng huyết thống, dù có lúc từng đứng ở hai bên chiến tuyến và tư tưởng đối nghịch.

Hoa Kỳ đã có 50 năm để nhìn lại mối quan hệ với một quốc gia đã trải qua tất cả sắc thái, cung bậc, khi vừa từng là cựu thù (với cộng sản Bắc Việt), vừa từng đồng minh (với Việt Nam Cộng Hòa); rồi là đối tác thương mại và sẽ còn nhiều vai trò quan trọng trên bàn cờ địa chính trị, kinh tế trong khu vực Đông Nam Á. Sau những tổn thương xã hội sâu sắc từ việc tham gia vào một trong những cuộc chiến tàn khốc nhất lịch sử cận đại cách đây hơn nửa thế kỷ, xuất phát từ hệ giá trị nhị phân, giới chức Hoa Kỳ hiển nhiên đã rút ra được nhiều kinh nghiệm và có nhiều bài học đáng giá khi bang giao với những quốc gia có hệ chính trị, văn hóa khác biệt như Việt Nam.

Nếu cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Việt-Mỹ diễn ra tại Hà Nội ngày 10 Tháng Chín tới đây được xác quyết bởi những văn bản ký kết nâng cấp quan hệ ngoại giao hai nước lên mức cao nhất, mức “chiến lược, toàn diện” thì đây là sự kiện mang đầy ý nghĩa lịch sử. Đúng 50 năm kể từ khi người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi cuộc chiến Việt Nam sau Hiệp định Paris 1973, những cựu thù trở thành đối tác đều có những mong đợi tốt đẹp hơn về mối quan hệ này. Hoa Kỳ từ lâu đã là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu hơn $100 tỷ. Hoa Kỳ cũng là quốc gia viện trợ nhân đạo, giáo dục, kinh tế, an ninh năng lượng, quân sự nhiều nhất cho Việt Nam. Trên thực tế, mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước vượt xa mức “đối tác toàn diện” – mức ngoại giao thấp nhất của Hà Nội.

50 năm là quãng thời gian quá lâu để tiến tới quan hệ “chiến lược, toàn diện” và cũng là thời gian chứng kiến nhiều lần chế độ cộng sản Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội mà Mỹ đưa ra. Vấn đề là lần này Việt Nam có thực tâm trong chính sách đối ngoại của mình hay không. Nội hàm của cụm từ “đối tác chiến lược, toàn diện” theo thang mức xếp hạng ngoại giao của Việt Nam sẽ được mở rộng tới mức nào về thực chất, khi mà Việt Nam vẫn kiên định các chính sách quốc phòng “bốn không” và ràng buộc chặt chẽ về chính trị, an ninh, kinh tế với Trung Quốc?

Hà Nội luôn tuyệt đối tránh làm mất lòng Bắc Kinh trong khi cố đa dạng hóa quan hệ ngoại giao, kinh tế, đồng thời tìm kiếm nguồn cung mới về vũ khí và kỹ thuật quân sự ngoài những thị trường nhập khẩu truyền thống là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ. Hà Nội coi đây là sách lược “ngoại giao cây tre” của họ. Tuy nhiên, dù đã ngả rạp trước những cơn gió Bắc, Hà Nội không thể làm vừa lòng những ông chủ Trung Nam Hải vừa tham lam và ngạo ngược. Sự nhượng bộ của Hà Nội trong rất nhiều tranh chấp tài nguyên, biển đảo với người láng giềng “4 Tốt, 16 chữ vàng” khiến cho công luận trong nước phẫn nộ và giới bất đồng chính kiến không phải vô cớ khi qui kết chế độ “hèn với giặc, ác với dân”.

Trong suốt chiều dài lịch sử quan hệ Việt Nam-Trung Hoa, có một nghịch lý đáng buồn. Trong khi luôn tôn vinh những người anh hùng, các vị vua bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ trước sự xâm lược của các triều đại Trung Quốc, những nhà lãnh đạo Việt Nam trong quá khứ lẫn hiện tại gần như luôn xem Trung Hoa như một hình mẫu để học tập, bày tỏ sự thần phục, triều cống và cầu xin sự bảo trợ mỗi khi gặp biến loạn trong nước hoặc bị các thế lực Tây Phương đe dọa. Mặc dù giành được độc lập trong hàng trăm năm và có những triều đại được coi là cường thịnh như Lý, Trần và đặc biệt giai đoạn Nguyễn triều với sự mở rộng cương vực của đế quốc Việt Nam, tư tưởng nhược tiểu và phụ thuộc này vẫn đeo bám trong quan hệ hai nước.

Hôm nay, cái bóng Trung Hoa vẫn phủ kín Ba Đình và “di sản” quan hệ hai đảng cộng sản anh em trong quá khứ trở thành gông ách nặng nề. Cộng sản Việt Nam đã chấp nhận để người anh Trung Quốc “giữ hộ” Hoàng Sa từ năm 1973. Hà Nội im lặng khi hải quân Trung Quốc thực hiện cuộc thảm sát Gạc Ma năm 1988 và lần lượt xâm chiếm các đảo ở Trường Sa, tùy ý xây dựng những căn cứ quân sự to lớn, cũng như nhượng bộ quá mức trong các hiệp định phân chia đường biên giới trên bộ và vịnh Bắc Bộ…

Tuy nhiên, thế giới đang thay đổi. Những người cộng sản Việt Nam giờ đây cần phải thực dụng hơn lớp lãnh đạo cũ. Họ đang chứng kiến một nước Nga trên bờ vực tan rã và suy yếu nghiêm trọng, bất luận kết quả cuộc chiến Ukraine như thế nào và kéo dài bao lâu. Trong khi đó, người khổng lồ Trung Quốc đang xiêu đổ bởi loạt chính sách kinh tế lẫn đối ngoại sai lầm. Chiến lược xoay trục về Châu Á của Hoa Kỳ cũng như sự thay đổi nhận thức của giới lãnh đạo Tây Phương về một “Trung Quốc trỗi dậy hòa bình” đang đem tới cho Hà Nội cơ hội bằng vàng. Đây là thời điểm tốt nhất hoặc không bao giờ để Việt Nam tự gỡ bỏ cái gông Trung Quốc đè nặng suốt bao năm qua. Liệu những kẻ lãnh đạo chóp bu Việt Nam có đủ sáng suốt để nhận rõ “được, mất” trong nước cờ này?

Lịch sử không có chữ “giá như”, bi kịch quá khứ tuy không thể thay đổi được nhưng tương lai thì có thể.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: