“Quiet quitting” (chán làm việc, hay thầm lặng bỏ việc) là thuật ngữ miêu tả hiện tượng nhân viên chỉ làm vừa đủ bổn phận công việc của mình một cách thờ ơ, đối phó, làm cho xong, rồi về. Đó là nhóm người đang nhận khoản lương thấp, nhưng chưa nghỉ việc, hoặc đang tìm việc khác có thu nhập đỡ hơn.
Cơn lốc “Quiet quitting” lần đầu tiên nổi lên vào Tháng Bảy 2022, khi Zaid Khan, một kỹ sư ở độ tuổi 20, đăng trên TikTok về việc anh đang nói chuyện qua một đoạn phim về cảnh đô thị: Chờ tàu điện ngầm, nhìn lên những chiếc lá trên con đường rợp bóng cây. Khan nói: “Gần đây tôi đã biết về thuật ngữ này, nghĩa là bạn không bỏ việc hoàn toàn nhưng bạn đang từ bỏ ý tưởng vượt lên trên tất cả. Bạn vẫn đang thực hiện nhiệm vụ của mình, nhưng bạn không còn tuân theo tâm lý văn hóa hối hả rằng công việc phải là cuộc sống của bạn. Thực tế là không phải vậy. Và giá trị con người của bạn không được xác định bởi sức lao động của bạn.”
Hashtag #quietquitting nhanh chóng bắt lửa, với hàng loạt TikTokers khác đưa ra những giải thích và phản hồi của riêng họ.
“Quiet quitting” nay đã lan rộng ra nhiều quốc gia khác, thậm chí, toàn thế giới. Viện Gallup thực hiện cuộc khảo sát ở hơn 122,000 người lao động từ 15 tuổi trở lên tại hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ để xây dựng báo cáo thực trạng môi trường làm việc toàn cầu năm 2023. Kết quả, 59% trong số này đang trong trạng thái “Quiet quitting”, gây thiệt hại hơn $8,800 tỷ cho các nền kinh tế.
Dựa trên 12 câu trả lời của người tham gia khảo sát, Gallup chia họ làm ba nhóm: Gắn bó, không gắn bó và chủ động không gắn bó. Hai nhóm sau được xem là “Quiet quitting”. Khảo sát của Gallup còn chỉ ra mức độ căng thẳng của nhân viên cao kỷ lục trong năm 2021, với 44% người được hỏi nói họ trải qua tình trạng này hầu như suốt cả ngày làm việc.
Mức độ căng thẳng có liên quan nhiều đến mức độ gắn bó và tham gia các hoạt động tại nơi làm việc, hơn là với địa điểm làm việc.
Dù thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, hơn một nửa người cho biết họ đã tìm kiếm công việc mới. Một phân tích khác của Gallup chỉ ra, với nhân viên gắn bó với công việc, nếu được nơi nào tăng lương trung bình 31%, là sẽ nhảy việc, nhưng với một người không gắn bó, cần tăng 22% thôi là được. Khi được hỏi họ muốn thay đổi điều gì, nhóm đang trong trạng thái “Quiet quitting” nói tới một trong ba điều: Văn hóa, tiền lương và đời sống.
Khi Gen Z chán làm việc
Gần một nửa Gen Z nói họ cảm thấy lo lắng trong hầu hết thời gian, họ cảm không ổn chút nào, vì lạm phát tiếp tục ảnh hưởng đến thu nhập của họ. Nhiều người lo sợ không đạt được các mục tiêu tài chính, cá nhân trong tương lai, bao gồm lập gia đình hay mua nhà. Những điều này nằm trong bản báo cáo khác của hãng nghiên cứu Deloitte, về lực lượng lao động trẻ.
Trước đây, nhân viên trẻ không có kinh nghiệm như các đồng nghiệp lớn tuổi nhưng có lợi thế nhiệt tình. Không bị gia đình hay con cái ràng buộc, họ sẵn sàng lao vào công việc một cách hết lòng, không thấy buồn chán hay bất mãn. Họ tràn đầy ước mơ và hy vọng. Đại dịch COVID-19 đã khiến những lao động trẻ tuổi, hăng hái bỗng trở nên lạnh nhạt và chán ghét công việc.
Kết quả khảo sát của Viện Gallup từ năm 2019 đến 2022, tỷ lệ người dưới 35 tuổi cảm thấy gắn bó với công việc giảm từ 37% xuống 33%, thấp nhất kể từ năm 2011. Cùng với đó, tỷ lệ những người mất hứng thú làm việc tăng từ 12% lên 17%. Khi đó, Gallup ước tính kinh tế toàn cầu tổn thất khoảng hơn $7,000 tỷ mỗi năm. Tình hình này càng thêm trầm trọng.
Thật ra, “Quiet quitting” hoàn toàn không có lợi với lớp người lao động trẻ tuổi vì họ không đơn giản là im lặng nghỉ việc và tìm chỗ mới. Môi trường làm việc ngày nay khiến nhân viên trẻ vỡ mộng. Những người trong độ tuổi 20, 30 cảm thấy thiếu sự quan tâm, thiếu người động viên, thiếu cơ hội học hỏi và phát triển, thiếu bạn bè tốt tại công sở hay niềm tin được lắng nghe.
Caitlin Duffy, Giám đốc nghiên cứu của hãng điều tra thị trường Gartner nhận xét, nếu nhân viên không còn mặn mà, họ sẽ làm việc cho có mà thôi. Ấy mới là điều nguy hiểm.
Theo nhà khoa học Jim Harter thuộc Viện Gallup, có một số lý do có thể giải thích cho hiện tượng Gen Z chán làm việc. Thứ nhất là sự chuyển dịch sang xu hướng làm việc từ xa hoặc kết hợp, là điều mà Gen Z không thích. Nghiên cứu của WFH Research cho thấy, chỉ 24% những người trong độ tuổi 20 muốn làm việc ở nhà toàn thời gian, so với 41% trong độ tuổi 50 và đầu 60.
Khi mới ra trường, người trẻ thường chỉ dựa vào công việc để sống, họ muốn và cần được hướng dẫn từ người quản lý hoặc đồng nghiệp. Khi làm việc từ xa những cơ hội học hỏi khi đối thoại trực tiếp với đồng nghiệp khó thực hiện, chỉ được thay thế bằng tin nhắn. Cách giao tiếp với nhau qua màn hình khiến các nhân viên mới khó nắm bắt và tiếp thu kỹ năng mới hoặc kinh nghiệm của đồng nghiệp lâu năm.
Khi làm việc từ xa, người mới gia nhập sẽ cảm thấy áp lực, đặc biệt với những ai vừa tốt nghiệp, chưa có trải nghiệm trong môi trường chuyên nghiệp. Do không có mặt tại văn phòng, họ không thể quan sát được những người khác đang làm như thế nào. Họ không biết đến các tiêu chuẩn tại nơi làm việc, cách thực hiện hay tiến hành công việc, dẫn đến bất an. Thời gian để tìm hiểu xem làm công việc như thế nào thậm chí còn lâu hơn thời gian làm việc.
Năng suất suy giảm, mệt mỏi gia tăng
Chính COVID-19 làm đảo lộn cuộc sống của tất cả mọi người. Sự cô lập do dịch bệnh gây tổn hại đến người trẻ. Tháng Sáu 2021, khảo sát của McKinsey chỉ ra Gen Z có xu hướng trầm cảm hay lo âu nhiều hơn 1.5 lần so với người khác.
Ai cũng nhận ra vấn đề này, và các doanh nghiệp đưa ra giải pháp: Yêu cầu mọi người quay lại văn phòng. Meta, công ty mẹ Facebook, cho rằng nhân viên sẽ tìm thấy nhiều cơ hội hơn khi làm việc trực tiếp, nhưng đây lại là cách làm cho mọi thứ tồi tệ hơn.
Vấn đề nằm ở chỗ người trẻ cảm thấy môi trường làm việc không còn thú vị, không hấp dẫn, thiếu linh hoạt và không làm cho họ có hứng thú. Họ như mất đi nhiều năng lượng tích cực. Gallup cũng đồng tình khi ghi nhận tỷ lệ gắn bó giảm mạnh nhất trong số các nhân viên bị bắt đến văn phòng dù công việc hoàn toàn có thể làm từ xa.
Yêu cầu quay lại văn phòng khiến hiệu suất làm việc sụt giảm và mệt mỏi tăng lên. Chưa kể, nạn kẹt xe càng khiến mọi người căng thẳng, khó chịu, và họ mang những cảm xúc bực dọc này vào văn phòng.
Giải pháp nào?
Các chuyên gia cho rằng, nếu muốn mọi thứ trở lại như xưa, văn phòng phải là nơi đáng để tới, phải được sắp xếp lại không gian để mọi người có thể giao lưu, học hỏi lẫn nhau, thậm chí có thể “tám” trong giờ nghỉ cũng không sao, và nhất là nhất là giờ làm việc linh hoạt hơn, để tránh giờ kẹt xe, miễn là hoàn thành công việc.
Ngoài ra, nhân viên cần được quan tâm hơn, cuối tuần không bị réo gọi, có ngày nghỉ phép, nhân viên và quản lý có thể trao đổi với nhau bất cứ lúc nào, không nhất thiết ở văn phòng hay ở đâu. Điều quan trọng không kém, là người quản lý phải biết lắng nghe, thấu hiểu và giải quyết ngay mọi khúc mắc mà nhân viên của mình đang gặp phải. Và điều không kém quan trọng là “lương lậu” đừng quá thấp, để mọi người không phải lo “cơm áo gạo tiền”. “Có thực mới vực được đạo” mà!