Sức mạnh mềm: Một mô hình xã hội cần nghiền ngẫm

Thành phố Köln với ngôi nhà thờ nổi tiếng. (Hình: Nguyễn Thế Tuyền)

NGUYỄN THẾ TUYỀN (Viết từ Berlin)

Khi một người, một nhóm người, thậm chí một đất nước bị coi là kẻ thù thì người ta tìm cách loại bỏ hoặc hạn chế tối đa nguy cơ do phía “kẻ thù” gây ra. Một trong những cách đơn giản nhất là triệt hạ để đối thủ không thể ngóc đầu lên được. Bài học đắt giá nhất cho nhân loại đã có trong những năm đầu của thế kỷ thứ hai mươi.

Đứng lên từ chiến tranh

Đại chiến thế giới lần thứ nhất thực chất là cuộc chiến tranh giành thuộc địa giữa các cường quốc. Vào giữa thế kỷ 19, khi Anh và Pháp đã là những con sư tử của lục địa này thì Đức vẫn còn rất lạc hậu. Nước Đức hồi đó gồm 39 khu tự trị, mỗi nơi có luật pháp riêng, tiền tệ riêng, hệ đo lường riêng. Vì quá nhỏ lẻ nên Đức không thể phát triển mà chỉ ì ạch theo sau, chịu nhục nhã, bị hai thế lực kia bắt nạt. Vương quốc Phổ mạnh nhất nước Đức lúc bấy giờ nhận ra điểm yếu mấu chốt này, nên đã thực hiện cải tổ toàn diện. Sau một thời gian, họ mạnh lên rõ rệt, dám thách thức Pháp. Chỉ trong vòng 10 năm từ 1860-1871, họ ba lần chiến thắng quân Đan Mạch, Áo và Pháp để thành lập đế chế Liên bang Đức tháng Giêng 1871.

Sau ngày thống nhất, nước Đức phát triển như vũ bão, phát minh ra động cơ đốt trong, thuốc màu Aninin, động cơ điện, xe tăng, tàu ngầm, máy bay. Lúc đó Đức mới vỗ ngực cho rằng, ta mới xứng đáng là bá chủ Châu Âu.

Vì sinh sau đẻ muộn nên Đức hầu như không có thuộc địa béo bở. Quá chủ quan về sức mạnh, Đức bắt Anh và Pháp phải nhả một phần thuộc địa. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã nổ ra mà Đức là kẻ châm ngòi. Sau khi bại trận, đồng minh (Anh, Pháp, Mỹ) đổ hết tội cho Đức, phải đền bù tất cả những mất mát do chiến tranh gây ra. Đức không được mời dự hội nghị Versaille 1919 để bàn về việc này. Theo hiệp định, năm nào Đức cũng phải cống nộp một nửa tổng thu nhập quốc dân cho các nước đồng minh, dự kiến kéo dài đến tận năm 2000. Cảm thấy quá bất công, nhưng Đức vẫn phải ký vào hiệp định để tránh bị chiếm đóng.

27-5-1919: Thủ tướng Anh, Lloyd George (1863 – 1945), Thủ tướng Ý, Vittorio Orlando (1860 – 1952), Tổng thống Pháp Georges Clemenceau (1841 – 1929) và Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson (1856 – 1924) tại Hotel Crillon, Paris, trước khi diễn ra Hôi nghị Versailles Peace Conference. Hình: Gettyimages.

Đồng minh nghĩ rằng, nước Đức sẽ chết và không thể còn sức gây chiến nữa. Họ đã sai lầm tai hại. Hitler lên nắm quyền 1933 đã khơi dậy bất công này và được hầu hết người dân Đức ủng hộ, họ muốn xét lại hiệp định Versaille. Nước Đức trở thành phát xít và gây đại chiến II, giết chết gần 60 triệu người, biến châu Âu thành một đống tro tàn.

Sức mạnh mềm là gì?

Những người tham dự Hội nghị Potsdam hiểu sâu sắc vấn đề này nên chỉ tìm cách tiêu diệt mầm mống phát xít và dân chủ hóa đất nước Đức, chứ không bắt đền bù quá đáng như lần trước. Đó là bài học về sức mạnh mềm để bớt một yếu tố mạo hiểm cho tương lai.

Thế giới văn minh không giương khẩu hiệu “Nợ máu phải trả bằng máu”, không dùng thù hận để giải quyết hận thù. Đấu tranh bất bạo động bắt đầu từ đây. Đó là bài học về sức mạnh mềm.

Sau vụ khủng bố 11-9-2001 tại Mỹ, Châu Âu phải chịu hàng loạt các vụ khủng bố khác do người Hồi giáo gây ra. Khi viếng thăm các nạn nhân, người dân chỉ mang hoa và nến đến với những câu hỏi: Tại sao lại như thế này? Họ không kích động, không đòi chính phủ ngừng tiếp nhận dân tị nạn là người Hồi giáo, vẫn giúp ổn định chỗ ăn chỗ ở, vẫn tự nguyện dạy tiếng miễn phí. Đó là sức mạnh mềm.

Ngày 11-9-2001 ở New York City. (Hình: Fabina Sbina/ Hugh Zareasky/Getty Images)

Pháp luật ở đây đòi hỏi tất cả mọi xung đột phải do tòa án phán quyết, cấm không được tự xử. Người dân chỉ có nghĩa vụ báo cho công an.

Còn ở ta, người bắt trộm chó có thể bị dân làng đánh chết. Nếu tài xế gây tai nạn có thiệt hại về người là phải chạy trốn ngay, nếu không tính mạng không an toàn. Việc tự xử là hậu quả khi người ta mất lòng tin vào luật pháp và những người thi hành luật pháp. Biết bao nhiêu án mạng vì thế đã xảy ra.

Con người là sản phẩm của tạo hóa nên không thể giống nhau. Có người đẹp, có người xấu, có người thông minh, người dốt, có người khỏe mạnh, người tàn tật khiếm khuyết.

Xã hội văn minh dồn tình thương cho người thiệt thòi để họ đỡ mặc cảm. Những người tàn tật có thẻ đi lại phương tiện công cộng không mất tiền, xã hội còn trả lương cho người đến chăm sóc. Ở nơi công cộng có chỗ đậu xe ô tô rộng rãi riêng cho người tàn tật, không ai được phép đậu xe vào đó. Học sinh bị bệnh phải nằm thời gian dài trong bệnh viện sẽ được nhà trường cử thầy cô giáo đến giảng bài. Đó là sức mạnh mềm.

Ở các nước văn minh, hầu như người ta không nghe thấy những câu chê bai, đại loại như: “Con kia mập thù lù!” hay “Thằng nhãi con mặt dơi mõm chuột” như đại tá nhà báo Nguyễn Văn Minh chê Hoàng Chí Phong của Hong Kong, được đăng trên báo Nhân Dân. Tác giả phê phán là mới tí tuổi đầu không chịu học hành tu dưỡng mà muốn làm nổi vì kích động của nước ngoài. Những phát biểu như thế người ta chỉ làm hại mình và thể hiện sự hời hợt không nhân bản. Thời đại “chống nạnh chửi mất gà” đã qua rồi!

Hoàng Chí Phong của Hong Kong. (Hình: Cát Linh)

Chúng ta vẫn hay dạy thế hệ trẻ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.” Rất nhiều người bây giờ lúc nào cũng có điện thoại thông minh bên mình, nhưng không mấy ai thể hiện sự biết ơn người đã sản xuất ra nó. Họ chỉ nghĩ: Tao có tiền thì tao mua tao dùng, chả dính dáng gì đến thằng nào! Họ cho là ai có tiền thì được hưởng ai không có tiền phải chịu thôi, thắc mắc gì!

Tôi gặp một cụ cán bộ cấp tỉnh về hưu sang Đức thăm con. Sau một lúc chuyện trò, tôi hỏi cụ về tình hình bão lụt ở huyện Hậu Lộc. Cụ bảo đúng như thế đấy, nhưng nhà tôi ở thành phố không ảnh hưởng gì. Tôi không hỏi tiếp nữa vì biết rằng nhiều người chỉ nghĩ đến mình và gia đình mình. Hoàn cảnh của những người xung quanh họ không quan tâm. Đó là sự lạnh giá xã hội.

Trước kia, dùng những ngôn từ thóa mạ người khác với hy vọng họ mất mặt, đó là một cách trị đối thủ. Ngày nay thế giới đã thay đổi nên xúc phạm như thế không còn tác dụng mà có khi còn ngược lại. Bạn có sức mạnh mềm (chân thành, lịch thiệp, nhân bản, trách nhiệm và lương tâm), bạn sẽ được nhiều người giúp và hợp tác. Không có những đặc điểm trên, bạn đang đi trên con đường dẫn đến cô lập mà chính bạn không biết.

Chinh phục lòng người

Ngày 18-10-2015 là ngày bầu Thị trưởng thành phố Köln, một thành phố lớn và rất quan trọng ở vùng Ruhr CHLB Đức. Một ngày trước đó, ứng cử viên tự do (không thuộc đảng nào) Henriette Reker 59 tuổi đến Trung tâm thành phố thăm quầy vận động tranh cử của của các đảng, mang hoa hồng tặng những người đến nghe tranh cử. Lúc đó có một người đàn ông 44 tuổi hỏi bà có được phép nhận một bông hồng không, bà tươi cười lấy một bông cho anh ta. Đột nhiên hắn rút con dao dài 30 cm đâm vào cổ bà làm gần đứt hẳn khí quản, rồi đâm bị thương thêm bốn người nữa. Nguyên nhân dẫn đến việc ám sát trên là vì bà Reker có chính sách nhân đạo giúp người tị nạn Syria chạy sang Đức. Bà được đưa ngay vào phòng cấp cứu đặc biệt trong tình trạng hôn mê.

Bà Henriette Reker, thị trưởng thành phố.

Ngay ngày hôm đó đối thủ ứng cử của bà là một người của đảng SPD xin rút lui, kêu gọi nhân dân thành phố bầu cho bà, vì không thể để chủ nghĩa khủng bố chiến thắng. Ông đã dũng cảm từ bỏ mục đích đã ấp ủ từ nhiều năm, hy sinh vì lương tâm mách bảo. Chiều ngày hôm đó đại diện tất cả các đảng của bang Nordrhein – Westfalen và rất đông công dân thành phố Köln đã tập trung trước tòa thị chính, thể hiện đoàn kết với bà. Bà trúng cử chức Thị trưởng thành phố Köln trong tình trạng tính mạng đang nguy kịch. Bốn tuần sau, bà được ra viện và nhậm chức trước sự hoan hô vang dậy của dân chúng. Đó là sức mạnh mềm chinh phục biết bao nhiêu người.

Rất nhiều chuyên gia đánh giá, hiện tại nước Đức là nước có sức mạnh mềm nhất nhì thế giới. Họ giúp đỡ nhiều nước khác không hề kể công, nhưng cũng được nhiều nước tin tưởng hợp tác. Một mô hình xã hội hấp dẫn cần nghiền ngẫm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: