Tại sao Nguyễn Phú Trọng được đặc cách chờ lịch sử phán xét?

Kayla Ng

Cuối cùng thì ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam cũng được… chết đúng quy trình.

Ở cái tuổi tám mươi của ông, ốm đau bệnh tật rồi qua đời là lẽ thuận tự nhiên, nhưng vì ông là lãnh đạo tối cao của một chế độ độc tài đảng trị, nên không có cơ may được hưởng cái lẽ tự nhiên ấy. Sau khi sắp xếp để “xác sống” Nguyễn Phú Trọng trao quyền cho mình xong, ông Tô Lâm mới cho Bộ Chính Trị đảng CSVN ra thông báo về tình hình sức khỏe của ông Trọng. Chỉ một ngày sau khi Bộ Chính Trị ra thông báo, ông Trọng được loan tin qua đời và tin tức ngay lập tức phủ dày các mặt báo.

Ông Nguyễn Phú Trọng là người có “bề dày công tác” nhất so với các lãnh đạo cộng sản khác, với hơn một phần tư thế kỷ nắm giữ các chức vụ quan trọng. Là ủy viên Bộ Chính Trị từ năm 1997 và làm bí thư Thành Ủy Hà Nội từ cuối 2000, kinh qua các vị trí chủ tịch Quốc Hội, tổng bí thư ĐCSVN và từng giữ cả chức Chủ tịch nước từ năm 2018 đến năm 2021.

Thông tin ông qua đời mang lại nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau cho đảng viên và cho dân chúng. Khi ông Trọng còn chưa chết, người ta đã bàn tán nhiều về “công” và “tội” về “sự nghiệp” và “di sản” của ông. Chủ đề này sẽ còn tốn nhiều giấy mực của các nhà phân tích, bình luận chính trị và giới truyền thông.

Là một người bình dân, tôi quan tâm đến luồng ý kiến cho rằng, “mọi công-tội của ông Nguyễn Phú Trọng, hãy để lịch sử phán xét.” Bài viết này, là để lạm bàn đôi điều về ý kiến trên.

Trước tiên là với Đảng

Thành tựu quan trọng nhất của ông Trọng là chiến dịch chống tham nhũng, còn được gọi là “đốt lò” bắt đầu từ năm 2016 khiến hơn 130,000 đảng viên bị kỷ luật, trong đó có 40 ủy viên Trung Ương Đảng và 50 tướng lĩnh trong lực lượng quân đội, công an. Đặc biệt, có bảy ủy viên Bộ Chính Trị, bao gồm nguyên Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ Tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ, và nguyên Thường trực Ban Bí Thư Trương Thị Mai, đều bị phế truất.

Thực chất, cái gọi là công cuộc chống tham nhũng của ông Trọng chỉ là trò mị dân và là phương tiện để thanh trừng các đối thủ chính trị trong cuộc chơi quyền lực. Ông Trọng đã chủ trương thay thế những lãnh đạo, quan chức ác ôn vốn đã vơ vét no đầy bằng những tên quan chức ác ôn hơn, tham lam hơn và sắt máu hơn với nhân dân, đồng bào. Với tư cách là người đứng đầu đảng Cộng sản, nhiệm vụ chính của ông Trọng là duy trì sự tồn tại và vai trò cầm quyền độc tôn của đảng. Nhưng thực tế đã cho thấy, ông chỉ củng cố quyền lực cá nhân và đã để lại một di sản rệu rã cho đảng của ông. Cái mà người dân thấy lại là một bộ máy tham nhũng với những quan chức cao nhất tay “nhúng chàm”, ăn trên những xác người mà điển hình là các đại án Việt Á, Chuyến bay giải cứu, đại án Vạn Thịnh Phát…

Con đường chính trị của ông Trọng cũng thúc đẩy sự đấu đá nội bộ, thanh trừng đối thủ, tranh giành quyền lực trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Đảng cộng sản dưới con mắt công luận trong và ngoài nước, được liên tưởng đến như một tổ chức bạo lực với những vụ giết chóc đầy bí hiểm, chưa kể những chính sách tàn ác dành cho dân chúng.

Sau là với dân

Việc “đốt lò” của ông Trọng đã trao quyền lực gần như tuyệt đối cho công an, giúp hoàn thành nốt việc công an hoá bộ máy nhà nước. Điều phi lý là các ủy viên Bộ Chính Trị và nhiều quan chức cao cấp đều được hạ cánh an toàn sau những vụ tham nhũng, những sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng cho quốc gia. Trong khi đó, nhiều người dân vô tội đã bị khủng bố, bị bắt giữ, thậm chí bị án tù chỉ vì lên án tệ nạn tham nhũng. Câu khẩu hiệu “mọi người bình đẳng trước pháp luật”, hay diệt tham nhũng “không có vùng cấm” chỉ là trò mị dân của ông Trọng.

Từ thảm họa môi trường Formosa, đại dịch COVID-19 khiến hàng trăm ngàn người chết oan, các điều luật phản dân chủ, những vụ đàn áp tàn bạo nhằm vào giới bất đồng chính kiến, không thể không nhắc đến vai trò của ông Trọng.

Ông Trọng đạt được quyền lực tối cao nhờ vào chiến thắng trong các cuộc thanh trừng đối thủ chính trị. Nhưng không loại trừ yếu tố có sự hẫu thuẫn của Tàu cộng. Những thỏa thuận, ký kết giữa ông và đảng cộng sản Trung Hoa mang lại hậu quả khôn lường cho quốc gia, dân tộc.

Thể chế “công an trị” đã được ông Trọng hoàn thiện. Nếu Tô Lâm “nhất thể hóa” hai chức danh chủ tịch nước và tổng bí thư đảng,Việt Nam sẽ có một Putin hoặc Tập Cận Bình mới với trang lịch sử đen tối hơn, được viết bằng nhiều máu và nước mắt hơn. Việc ra mắt lực lượng an ninh trật tự cơ sở, luật Căn Cước Công Dân mới và sinh trắc học giao dịch ngân hàng là ba ví dụ dễ thấy nhất để làm minh chứng cho nhận định trên.

Tại sao riêng ông Trọng lại được chờ lịch sử phán xét?

Có không ít người ca ngợi ông Trọng là người “cộng sản lý tưởng.” Điều này đúng. Vì lý tưởng của người cộng sản hoàn toàn đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Ông Trọng cũng như những người tiền nhiệm, có thể cả người kế nhiệm, đều đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích của quốc gia dân tộc. Sự xung đột, đối nghịch giữa “lợi ích đảng cộng sản” với “lợi ích quốc gia” đã được chứng minh trên thực tế nhiều chục năm qua, không phải đề tài mà bài viết này nhắm đến.

Không biết loại “lý tưởng” mà những người bênh vực ông Trọng nói đến, có bao gồm việc ông khoan dung cho đàn em, nộp lại bằng khen hay một khoản tiền nhỏ trong khối tài sản khổng lồ đã vơ vét được, đứng trước vành móng ngựa sụt sùi khóc lóc xin lỗi bác Trọng để được giảm án? Bất kể tội ác của chúng gây ra cho đất nước, cho nhân dân lớn đến cỡ nào? Hoặc cái thứ “lý tưởng” đặt những người dân có ý kiến khác biệt thành “thế lực thù địch, phản động” để rồi triệt mọi đường sống, hoặc bắt hết, nhốt hết vào tù.

Phán xét một nhân vật (đã qua đời hay trong quá khứ) không thể dựa vào cảm tính, mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, các yếu tố như tính chất phức tạp, đa chiều của lịch sử, các quan điểm và giá trị xã hội phải được xem xét đến. Nhưng điều quan trọng nhất là ở nhận thức của công chúng đương thời, căn cứ trên những diễn biến thực tế xảy ra. Các chính sách, chủ trương và hành động của ông Trọng trong suốt thời gian ông nắm quyền đã đủ để chứng minh ông có tội với nhân dân, đất nước và ông chỉ có công với gia đình, dòng tộc và đảng của ông mà thôi.

Nạn nhân của ông Trọng và đảng của ông không chỉ là những người tù lương tâm, những người bất đồng chính kiến hay những dân oan Đồng Tâm, Lộc Hưng, Thủ Thiêm, Văn Giang, Dương Nội …bị giết chết, bị cướp nhà cướp đất. Nạn nhân của ông không chỉ là những công nhân thất nghiệp, hay làm việc mỗi ngày 10 đến 12 tiếng trong các khu chế xuất hay xưởng lao động mà vẫn nghèo khổ. Không chỉ là những lao động xuất khẩu, những người vượt biên chết trong thùng đông lạnh, hay những bà mẹ, ông bố không thể nuôi con ăn học đã quẫn chí tự sát lấy tiền phúng điếu để lại cho con. Là hàng triệu người dân Việt Nam lẽ ra đã phải được sống trong một đất nước tự do, dân chủ nếu đảng cộng sản không khư khư giữ lấy quyền lực độc tôn.

Tội lớn nhất của ông Trọng và đồng chí của ông, là biến Việt Nam từ một dân tộc anh hùng trở thành đớn hèn và quy phục trước bất công và cái ác.

Không cần chờ đến lịch sử, chính nhân dân Việt Nam đã có được quyền phán xét ông ngay lập tức.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: