Tân vương, tân chính sách, một dân tộc bất hạnh!

Tân Chủ Tịch Nước Tô Lâm. (Hình: Kayla Ng)

Chỉ mươi ngày sau khi ông Tô Lâm, đại tướng, bộ trưởng Công An Việt Nam, ngồi lên ghế chủ tịch nước, người dân đã chứng kiến những vụ bắt bớ và đàn áp rộng khắp, báo hiệu một chiến dịch “khủng bố trắng,” hay xa hơn là một thời kỳ đen trong tiền đồ của đất nước.

Mặc dù báo chí trong nước chưa loan tin nhưng nhiều nguồn tin khả tín từ trong nước xác nhận nhà báo nổi tiếng Trương Huy San, tức Huy Đức, hoặc Osin Huy Đức, đã bị bắt khẩn cấp hôm 1 Tháng Sáu. Hôm sau, 2 Tháng Sáu, công an tiếp tục bắt Luật Sư Trần Đình Triển, trưởng văn phòng luật sư Vì Dân, cựu phó chủ nhiệm Đoàn Luật Sư Hà Nội.

Trong khi đó, sự kiện được công chúng quan tâm nhiều nhất là cuộc hành trình tu tập của nhà sư chân đất đầu trần Thích Minh Tuệ đã bất ngờ kết thúc giữa khuya ngày 3 Tháng Sáu khi sư cùng các vị đồng tu bị công an xông vào chỗ nghỉ ở Thừa Thiên Huế, bắt người, trói tay tống lên xe thùng chở đi trong đêm tối.

Những vụ bắt bớ mới, chắc là đã được bộ máy công an trị ủ mưu – hay nói theo ngôn ngữ của họ là đã được “lập phương án” – từ lâu, và bây giờ mới đến thời điểm thuận lợi để họ ra tay. Thời điểm đó là khi ngành công an đã hoàn thành được vụ “đảo chính cung đình,” đưa người lãnh đạo của họ lên vị trí chỉ huy tối hậu trong một thể chế công an trị.

Ngay sau khi ông Huy Đức bị bắt khẩn cấp, nhiều bạn bè và người theo dõi bài viết của ông trên mạng đều cho rằng, ông bị bắt là do loạt bài được cho là phê phán Bộ Trưởng Công An Tô Lâm và thủ đoạn tranh giành quyền lực của ông này, từ bài “Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội đang giải thích Hiến Pháp” đăng ngày 19 Tháng Năm và đặc biệt là bài “Những suy nghĩ không rời rạc,” đăng ngày 28 Tháng Năm. Hiện trang Facebook của ông đã bị khóa nhưng các bài trên vẫn còn đọc được trên các trang mạng xã hội.

Có người đồn rằng ông Huy Đức là cây bút thân tín của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, giúp ông Trọng đốt lò, chống tham nhũng, nay ông Trọng thất thế nên nên bị phe ông Tô Lâm triệt hạ. Cũng có người nói ông Huy Đức nằm trong phe của ông Trương Tấn Sang, cựu chủ tịch nước, và bị phe ông Tô Lâm triệt hạ cùng với nhóm Nghệ An-Hà Tĩnh. Họ dẫn chứng Luật Sư Trần Đình Triển, bị bắt gần như cùng lúc với ông Huy Đức, cũng là người Nghệ An cho nên các vụ bắt người này nằm trong một chiến dịch do ông Tô Lâm và phe Hưng Yên khởi xướng để “diệt cỏ” sau khi hạ bệ được thủ lĩnh Vương Đình Huệ, cựu chủ tịch Quốc Hội.

Những tin đồn này chưa có bằng chứng xác thực nên ít có sức thuyết phục; theo tôi, không phải bây giờ mà chính sự nghiệp viết lách, phản biện, phê phán của nhà báo Huy Đức suốt mấy chục năm đã là một cái gai nhức nhối mà nhà cầm quyền cộng sản từ lâu đã muốn nhổ bỏ. Các bài báo của ông Huy Đức mới đây, tuy gây chấn động lớn, cũng chỉ là những giọt nước làm tràn ly; nhà cầm quyền không thể chịu đựng ông được nữa; quyết định bắt ông im tiếng đã có từ lâu và chỉ chờ thời điểm thuận tiện để thực hiện.

Nhà báo Huy Đức. (Hình: Facebook Truong Huy San)

Huy Đức là tác giả của bộ sách quan trọng “Bên Thắng Cuộc” gồm hai tập, “Giải Phóng” và “Quyền Bính,” được nhật báo Người Việt xuất bản vào cuối năm 2012 đầu năm 2013. Trong lời giới thiệu sách, tác giả viết: “Cuốn sách của tôi đơn giản chỉ bắt đầu kể những gì đã xảy ra ở Sài Gòn, Việt Nam sau ngày 30-4: cải tạo; đánh tư sản; đổi tiền… Cuốn sách của tôi cũng nói về hai cuộc chiến tranh cuối thập niên 1970, một với Khmer Đỏ và một với người Trung Quốc. Cuốn sách của tôi cũng nói về làn sóng vượt biên sau năm 1975, nói về sự ‘đồng khởi’ của nông dân, của các tiểu chủ, tiểu thương để giành lấy cái quyền được tự lo lấy cơm ăn áo mặc.”

Tuy tác giả tự nhận “đơn giản” nhưng tác phẩm của ông không hề đơn giản, nó trình bày một khối lượng đồ sộ những thông tin dữ kiện về một giai đoạn đau thương của nước Việt từ khi miền Nam bị cộng sản thôn tính.

Bộ sách, có người khen người chê, nhưng ai cũng phải thừa nhận đây là một tài liệu không thể bỏ qua khi tìm hiểu về lịch sử hiện đại Việt Nam. Báo chí trong nước, theo cây gậy chỉ huy của Ban Tuyên Giáo Trung Ương đảng CSVN, đã tung ra hàng loạt bài phê phán bộ sách của Huy Đức, lên án tác giả bôi nhọ chế độ cộng sản, “nhào nặn chứng cứ để phục vụ cho ý đồ riêng.” Nhưng theo thiển ý của chúng tôi, đến nay chưa có bộ sách nào về giai đoạn lịch sử này có giá trị tham khảo tốt hơn bộ sách của Huy Đức.

Dù đã bị thu hồi thẻ nhà báo vào Tháng Tám, 2009, ông Huy Đức vẫn tiếp tục viết báo và là cây bút phản biện xã hội nổi bật nhất trong khoảng 15 năm qua. Trong khi 10,000 “nhà báo có thẻ” làm việc trong gần 1,000 cơ quan báo chí do đảng và chính phủ Việt Nam kiểm soát gần như ngoảnh mặt quay lưng với những vấn đề nóng bỏng của xã hội, cần mẫn làm cái loa tuyên truyền của thế lực cầm quyền thì ông Huy Đức một mình lội ngược dòng, dũng cảm vạch trần những sai lầm cốt tử của chế độ với mong muốn thúc đẩy một cuộc cải cách chính trị để đất nước có cơ may thoát ra khỏi vũng lầy đảng trị, tiếp cận với văn minh.

Từ vạch trần và lên án tệ nạn tham nhũng trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo cao cấp nhất của đảng và chính phủ, đến việc phân tích những chính sách sai lầm, tai hại, ông Huy Đức tiến dần tới cổ xúy cho tư tưởng pháp quyền, đề nghị cải cách thể chế chính trị. Lối viết mạnh bạo, không ngại đụng chạm và tư duy sắc sảo của ông Huy Đức qua hàng loạt bài viết của ông đã nhiều phen làm cho giới lãnh đạo đảng tức giận, muốn triệt hạ mà vụ buộc thôi việc, thu hồi thẻ nhà báo, thậm chí đóng cửa báo Sài Gòn Tiếp Thị nơi ông cộng tác… là những dấu hiệu cho thấy đảng rất không hài lòng với ngòi bút của ông. Nhiều người quen biết ông đều lo ngại, ông Huy Đức sẽ bị nhà cầm quyền bắt giam và kết án nặng nề nhưng lạ là ông vẫn hoạt động bình thường, cho đến ngày 1 Tháng Sáu vừa qua.

***

Luật Sư Trần Đình Triển tuy không nằm trong đội ngũ những luật sư nhân quyền hay bất đồng chính kiến, thậm chí ông thường ca ngợi đảng và chính phủ tới mức sống sượng, nhưng ông cũng là một người chống tham nhũng không nhân nhượng. Ông không hành nghề báo chí, không viết nhiều như ông Huy Đức nên ít người biết, nhưng trong một bài đăng trên Facebook hôm 28 Tháng Năm, ông Triển nhận định: “Quan tham là lũ lưu manh côn đồ trong đảng.”

Sau khi nêu câu hỏi: “Tham nhũng là ai?,” ông Triển tự trả lời một cách tức tối: “Là kẻ có chức có quyền, là đảng viên, là cán bộ công chức. Là những kẻ có quyền uy mà nhà nước trao cho; kiến thức chuyên môn thì dốt nát – nhưng thủ đoạn chính trị thì thâm sâu; bẻm mép và dối trá; hủ hóa và đĩ bợm; lươn lẹo và mưu mô; hở ra là đớp không từ một thứ gì của nhà nước và của dân. Mua quan bán chức, bè phái, cha truyền con nối… hình thành một đội ngũ có tính giai cấp lưu manh và thượng lưu mới tàn bạo, độc ác, bất nhân bất nghĩa nhất chưa từng có trong các hình thái xã hội của lịch sử loài người. Mang danh đảng chống lại đảng; mang danh nhà nước chống lại nhà nước, mang danh vì dân nhưng bóc lột và chống lại nhân dân;… Mang danh đầy tớ của dân, nhưng xử sự với dân không khác gì côn đồ; ăn trên ngồi trốc, hống hách và trịch thượng. Mỗi tên quan tham là một tên lưu manh côn đồ giả danh lương thiện!”

Hiện Facebook của ông Triển không còn vào xem được, nhưng đoạn trích ở trên đủ cho thấy ông Triển đã liều lĩnh đụng vào chỗ nhạy cảm của đảng tại một thời điểm nhạy cảm về chính trị, dù nội dung bài của ông không có gì mới, dân chúng vẫn thường nói ra rả trong khắp các quán nước vỉa hè.

***

Cái mới là ở chỗ, bắt nhà báo Huy Đức và Luật Sư Trần Đình Triển cùng một lúc, đảng CSVN muốn gửi một thông điệp tới giới “trí thức” Việt Nam rằng, guồng máy công an trị dưới quyền Chủ Tịch Nước Tô Lâm sẽ không dung thứ cho mọi hành vi chống đối hay bất đồng quan điểm dù chỉ xuất hiện trên mạng xã hội.

Xưa nay, nhà báo và luật sư vẫn được coi là tiếng nói của những người không được lên tiếng trong xã hội, là thành phần luôn được nhà cầm quyền giám sát chặt vì lo ngại ảnh hưởng của họ đối với công chúng. Trong số vài trăm tù nhân lương tâm đang bị giam cầm trong các nhà tù từ Nam chí Bắc, phần lớn là người viết báo, viết blog hoặc luật sư nhân quyền. Nhiều nhà báo và luật sư có lương tri đã phải đào thoát ra nước ngoài vì không chịu đựng nổi không khí khủng bố ở trong nước.

Trước đây, công an thường chỉ nhắm mục tiêu vào những người cầm bút hoặc là có tổ chức như các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn ở Hội Nhà Báo Độc Lập; hoặc có uy tín với quốc tế như bà Phạm Đoan Trang. Họ cũng chỉ nhắm vào các luật sư có thành tích bảo vệ người nghèo, người yếu thế hoặc người có quan điểm đối lập như các ông Võ An Đôn, Đặng Đình Mạnh.

Nhưng bây giờ sự “khoanh vùng đối tượng” đó dường như đang được mở rộng: bất cứ ai có suy nghĩ độc lập và bày tỏ suy nghĩ ấy trên mạng đều có thể bị bắt, bị tù đày, kể cả những người không thuộc tổ chức nào hoặc đã “rửa tay gác kiếm,” chỉ chí thú làm ăn sau một thời gian hoạt động xã hội không có hiệu quả.

Tình trạng bắt bớ tràn lan đang đẩy xã hội tới chỗ liệt kháng; ai cũng có thể bị bắt, không phải do hành vi phạm tội mà do công an muốn bắt, vậy thôi. Thuật ngữ chính trị gọi đây là “khủng bố trắng” (white terror), có đặc điểm là các vụ bắt giữ, hành quyết tràn lan, tấn công bạo lực nhắm vào bất kỳ ai bị coi là kẻ thù của nhà nước, cả xã hội sống trong sợ hãi và nghi ngờ.

“Tân vương, tân chính sách” – ông Tô Lâm mới lên làm chủ tịch nước mấy ngày mà cái tân chính sách đầy bạo lực của ông đã báo hiệu một thời kỳ đen tối của đất nước. Quả là một dân tộc bất hạnh!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: