Thế giới hướng về Morocco sau trận động đất lịch sử

Hình ảnh những toà nhà đổ nát thành gạch vụn sau trận động đất lịch sử ở MARRAKESH, MOROCCO. Ảnh: Hamza Motaki/Anadolu Agency via Getty Images

“Cảm ơn bạn đã có lời hỏi thăm. Gia đình chúng tôi an toàn. Đêm qua là một đêm kinh hoàng. Quá nhiều người chết.”

Tin nhắn của Hicham, một hướng dẫn viên du lịch ở Marrakesh, Morocco vào sáng sớm Thứ Bảy, 9 Tháng Chín, sau khi tôi hỏi thăm anh về trận động đất 6,8 độ richter vừa xảy ra ngay trên thành phố nơi anh sinh sống.

Hầu như ai đam mê du lịch khám phá đều biết đến vẻ đẹp cổ kính và hoang sơ của đất nước Bắc Phi, Morocco – một trong những địa điểm nổi tiếng nhất thế giới. Người viết từng có chuyến du hành Morocco, khám phá miền Nam hoang dã, đầy sắc màu, và đặc biệt là tâm tánh thiện lành của người bản xứ.

Sau 11 giờ đêm thứ Sáu, ngày 8 Tháng Chín, thế giới bàng hoàng khi biết tin Morocco xảy ra cơn địa chấn, để lại sự tàn phá chết chóc ở dãy núi High Atlas và các đường phố lịch sử của thành phố du lịch Marrakesh. Đây là trận động đất khổng lồ và nặng nề nhất Morocco từng trải qua trong 120 năm, kể từ năm 1900. Hơn 2.000 người thiệt mạng, và khoảng hai ngàn người khác bị thương.

Người dân và đội cứu hộ vẫn đang cứu người bị nạn. Ảnh: Abu Adem Muhammed/Anadolu Agency via Getty Images

High Atlas là dãy núi cao nhất Bắc Phi, trải dài hơn 2.000 km đến ba quốc gia khác nhau: Morocco, Algeria, và Tunisia. Người dân sinh sống dọc theo chân núi gọi đây là ‘Idraren Draren’ (Núi của núi). High Atlas được tạo thành từ nhiều đỉnh núi khác nhau, đan xen bởi các lưu vực, cao nguyên và hẻm núi, là một trong các thắng cảnh thế giới.

Địa hình ở dãy núi High Atlas rất gồ ghề và hiểm trở, đặc biệt các ngôi nhà đầy màu sắc được xây dựng phần lớn bằng gạch đá thô sơ. Phần lớn người thiệt mạng từ tâm chấn thuộc các ngôi làng nhỏ nằm ẩn mình trong dãy núi này.

Một phần nhỏ thuộc dãy núi High Atlas. Có thể nhìn thấy những ngôi nhà gạch đan xen giữa triền đồi núi. Khu vực này cách nơi xảy ra động đất khoảng một giờ chạy xe. Ảnh: BB

Do Morocco hiếm khi xảy ra động đất, nên các công trình kiến trúc không được xây dựng để chống chọi với thảm họa thiên nhiên này. Bill McGuire, giáo sư danh dự tại Đại học College London trả lời AP: “Tôi dự đoán số người chết cuối cùng sẽ tăng lên hàng nghìn người… Giống như bất kỳ trận động đất lớn nào, các dư chấn có thể xảy ra sẽ dẫn đến thương vong tăng và cản trở việc tìm kiếm cứu nạn.

Thành phố lớn nhất bị ảnh hưởng là Marrakesh, nơi có Medina cổ kính từ thế kỷ thứ 9, được công nhận là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận và thu hút hàng triệu khách du lịch hàng năm. Vô số người dân phải rời bỏ nhà cửa trong nỗi kinh hoàng.

Một nhân chứng cho AP biết bát đĩa và đồ treo tường bắt đầu đổ như mưa, và mọi người bị ngã nhào xuống đất. Trận động đất đã giật sập những bức tường làm từ đá và gạch, bao phủ toàn bộ cộng đồng bằng đống đổ nát.

Trạm dừng chân ở lưng chừng dãy núi Atlas. Tấm biển báo cho biết nơi này đang ở độ cao 2.260m so với mặt nước biển. Ảnh: BB

Vào sáng Thứ Bảy, chính quyền Morocco đã cảnh báo về những dư chấn tiềm ẩn. Rachida Bouanani, một giáo viên ở Marrakesh cho biết: “Mọi người đều hoảng sợ. Chính quyền địa phương đã yêu cầu người dân sơ tán khỏi nhà. Hàng xóm của tôi đã lấy tiền và vàng của họ ra và xin nhau tha thứ, họ nói lời tạm biệt.”

Trong cuộc trò chuyện với bạn bè và các thành viên trong gia đình ở thành phố Ouarzazate, Brahim El Guabli, Trợ lý Giáo sư tại Đại học Williams, cho biết họ kể lại một trận động đất lớn đến mức giống như một con bò tót hung hãn trên mái nhà, hay những dư chấn sau một quả bom. Ông nói: “Không ai ở đó từng chứng kiến cường độ lớn như vậy trong ký ức. Những khu vực này sẽ không bao giờ trở lại như cũ, ít nhất là đối với những người trong chúng tôi biết về chúng.

Khoa học về động đất đã được cải thiện trong những thập niên gần đây và sự hiểu biết sâu sắc về các đường đứt gãy cũng như các vị trí có thể xảy ra động đất phần nào giúp ích cho công tác chuẩn bị. Nhưng các nhà khoa học vẫn không thể dự đoán chính xác khi nào động đất sẽ xảy ra.

Lịch sử phong phú của Morocco

Lịch sử của quốc gia Bắc Phi, Morocco, rất phong phú và đa dạng, được hình thành bởi các nền văn minh khác nhau trong hàng ngàn năm.

Vào thế kỷ thứ 7, quân đội Ả Rập bắt đầu truyền bá đạo Hồi khắp Bắc Phi. Lúc đó, Morocco chịu sự cai trị của người Hồi giáo và chứng kiến sự nổi dậy của nhiều triều đại khác nhau. Các triều đại này đã thành lập các thành phố thịnh vượng, thúc đẩy thương mại, và để lại dấu ấn văn hóa và kiến trúc Maroc.

Vào thế kỷ 15, các cường quốc châu Âu, bao gồm Bồ Đào Nha (Portugal) và Tây Ban Nha (Spain), bắt đầu thiết lập các trạm mậu dịch dọc theo bờ biển Morocco. Giữa các nhà lãnh đạo Morocco và các cường quốc châu Âu đã xảy ra xung đột trong việc tranh giành quyền kiểm soát các cảng chiến lược.

Vào thế kỷ 16, triều đại Saadian nắm quyền, thống nhất phần lớn Morocco, chọn Marrakesh làm thủ đô, và mang lại sự ổn định cho khu vực. Tuy nhiên, quyền cai trị của triều đại Saadian suy yếu vào đầu thế kỷ 17 dẫn tới sự phân hóa chính trị. Vào giữa thế kỷ 17, triều đại Alaouite nổi lên và vẫn nắm quyền cho đến ngày nay.

Cuối thế kỷ 19, các cường quốc châu Âu đã tăng cường nỗ lực xâm chiếm châu Phi và Maroc trở thành mục tiêu. Vào năm 1912, Pháp và Tây Ban Nha đã áp đặt chế độ bảo hộ chung đối với Maroc tạo ra những thay đổi chính trị và xã hội quan trọng dưới sự cai trị của thực dân.

Cho đến 2 Tháng Ba, năm 1956, Maroc giành lại chủ quyền và Sultan Mohammed trở thành Quốc vương Mohammed V. Ngay sau đó, Morocco đã tiến hành cải cách chính trị và xã hội, bao gồm việc soạn thảo hiến pháp mới.

Con trai của Vua Mohammed V, Hassan II, lên ngôi năm 1961. Triều đại của ông được đánh dấu bằng sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế, nhưng cũng có đàn áp chính trị. Vào cuối thế kỷ 20, Morocco phải đối mặt với những thách thức như xung đột Tây Sahara và bất ổn xã hội.

Vị vua đương thời của Morocco là Mohammed VI, con trai cả của vua Hassan II (lên ngôi vào năm 1999) khởi xướng nhiều cải cách nhằm hiện đại hóa đất nước và cải thiện nhân quyền. Ngày nay, Morocco là một quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến, với di sản văn hóa đa dạng, pha trộn ảnh hưởng văn hóa của Ả Rập, Berber, và châu Âu.

Chính phủ Morocco đang xử lý thảm họa động đất ra sao?

Tuyên bố đầu tiên từ Cung điện Hoàng gia Morocco gần 20 giờ sau trận động đất cho biết, vua Mohammed VI đã chủ trì một cuộc họp khẩn cấp với các quan chức nội các và quân đội. Ông tuyên bố cho biết lực lượng tiếp viện sẽ được triển khai để tăng cường các đội tìm kiếm và cứu hộ xung quanh tâm chấn và một quỹ sẽ được mở để quyên góp từ công chúng nhằm hỗ trợ nỗ lực này.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin, việc di chuyển bằng đường bộ đến các khu vực bị ảnh hưởng động đất đã trở nên vô cùng khó khăn sau trận động đất, dẫn đến công tác cứu hộ cũng gặp trở ngại.

Đến tối Thứ Bảy (giờ địa phương), cả vua Mohammed VI, lẫn Thủ Tướng Aziz Akhannouch, đều chưa có bài phát biểu trước quốc dân. Trên khắp thế giới, các đồng minh cho biết họ có đội cứu hộ sẵn sàng triển khai, nhưng cần sự cho phép của vua Mohammed VI. Theo hiến pháp, vua là người quyền lực nhất trong các vấn đề quốc gia. Bất kỳ viện trợ quốc tế nào cũng sẽ phải có sự đồng ý của nhà vua. Mặc dù Nhật Bản, Israel, và Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị hỗ trợ, và Pháp thậm chí còn cam kết chi $2 triệu cho các nỗ lực cứu trợ, nhưng vẫn chưa rõ liệu nhà vua có chấp nhận khoản viện trợ đó hay không.

Tháp Eiffel tắt đèn để tưởng niệm các nạn nhân của trận động đất ở Morocco. Ảnh: by Mohamad Alsayed/Anadolu Agency via Getty Images

Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Antony Blinken, cho biết trong một tuyên bố: “Hoa Kỳ sẵn sàng cung cấp bất kỳ hỗ trợ cần thiết nào để trợ giúp Morocco ứng phó với thảm hoạ. Sự ủng hộ và đoàn kết kiên định của chúng tôi luôn dành cho những người bạn Morocco vào thời điểm bi thảm này.”

Morocco được đánh giá có nền chính trị tương đối ổn định so với các nước láng giềng như Libya và Tunisia, nhưng quốc gia này vẫn đang phải đối mặt với các khó khăn kinh tế nghiêm trọng – bao gồm ngành nông nghiệp phải hứng chịu hạn hán kéo dài và ngành du lịch vẫn đang phục hồi sau đại dịch Covid-19, chưa kể đến tình trạng lạm phát tê liệt.

Cả thế giới san sẻ nỗi đau to lớn mà người dân Maroc đang phải đối mặt. Hy vọng với tinh thần lạc quan và bản chất thiện tâm, người dân Morocco, với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, sẽ sớm vượt qua được đại thảm họa thiên nhiên này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: