Thương chiến và hậu quả

Thuế quan của ông Trump có thể làm cho cánh cửa vào thị trường Mỹ đóng lại đối với hàng hóa Âu Châu và khối này sẽ phải tìm thị trường thay thế. (Hình minh họa: CHUTTERSNAP/Unsplash)

Cuộc thương chiến lần thứ hai mà ông Donald Trump, tổng thống Mỹ, phát động “trục trặc” ngay từ đầu nhưng hậu quả đối với nước Mỹ còn kéo dài và không chỉ do hàng hóa tăng giá.

Thông tin mới nhất là Trung Quốc đã tung ra các đòn trả đũa quyết định của ông Trump áp thuế quan (tariff) thêm 10% lên hàng hóa Trung Quốc kể từ khuya Thứ Ba, 4 Tháng Hai. Đòn trả đũa bao gồm biện pháp phi thuế như tiến hành điều tra hành vi độc quyền của Google, đưa các công ty Illumina (công nghệ sinh học) và PVH (thời trang) vào “danh sách các thực thể không đáng tin cậy” nhằm hạn chế hoạt động và ngăn cấm giao dịch của các công ty này ở Hoa Lục.

Trung Quốc siết chặt việc xuất cảng sang Mỹ các kim loại đất hiếm như molybdenum và tungsten dùng trong sản phẩm công nghệ cao và vũ khí. Từ ngày 10 Tháng Hai, Trung Quốc cũng áp thuế quan 15% lên than đá, khí thiên nhiên hóa lỏng của Mỹ, 10% lên dầu thô, máy móc nông nghiệp, xe pickup truck và xe hơi có dung tích xy-lanh lớn…

Xem ra, đòn trả đũa của Bắc Kinh chỉ có ý nghĩa tượng trưng mà không có tác động lớn về thương mại. Google chẳng hạn đã ngừng hoạt động ở Hoa Lục từ năm 2010; Trung Quốc đang sản xuất nhiều xe hơi hơn nhu cầu thị trường của họ nên không cần mua xe hơi từ Mỹ nữa. Thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi cho ông Trump là: hãy thận trọng, đừng tiếp tục tính chuyện chiến tranh thuế quan vì Bắc Kinh có đủ vũ khí để chơi lại và kẻ thiệt hại chính là nước Mỹ.

Cùng bị ông Trump đe dọa áp thuế nhưng Mexico và Canada đã nhanh chóng “thỏa hiệp” dẫn tới việc ông Trump tạm dừng thuế quan 25% lên hàng hóa hai nước này thêm 30 ngày nữa. Thủ Tướng Justin Trudeau của Canada và Tổng Thống Claudia Sheinbaum của Mexico một mặt chuẩn bị biện pháp áp thuế trả đũa, một mặt vuốt ve tự ái của ông Trump bằng cam kết tăng cường an ninh ở biên giới với Mỹ – chuyện hai nước này đã và đang làm từ trước khi ông Trump nhậm chức.

Là hai nền kinh tế nhỏ, phụ thuộc nặng nề vào thị trường Mỹ, hai nước này không có lựa chọn nào tốt hơn là nhân nhượng yêu cầu của Mỹ. Những người ủng hộ ông Trump đã hoan hỉ tuyên bố đây là chiến thắng lớn của nhà lãnh đạo Mỹ, buộc hai kẻ hàng xóm xấu tính – chuyên dùng ma túy fentanyl và người nhập cư bất hợp pháp để phá hoại nước Mỹ (!), dù thực tế không phải như vậy.

Nhưng Trung Quốc thì khác. Thay vì nhân nhượng đe dọa thuế quan của ông Trump, Bắc Kinh kêu gọi Mỹ “đàm phán, nhượng bộ và thỏa hiệp.” Trong cuộc thương chiến thứ nhất trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Bắc Kinh đã có những biện pháp hóa giải, chẳng hạn như giảm tỷ giá đồng tiền so với đô la Mỹ để hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ hơn, hứa mua thêm $200 tỷ hàng Mỹ để giảm chênh lệch thương mại nhưng rồi không thực hiện, và “mượn đường” các nước khác để đưa hàng vào Mỹ.

Hậu quả là thương chiến của ông Trump – được Tổng Thống Joe Biden tiếp tục sau này – đã không làm sứt mẻ được sức mạnh xuất cảng của Trung Quốc. Năm 2024 vừa qua, Trung Quốc thu được $1,000 tỷ thặng dư thương mại, cao nhất từ trước đến nay; thặng dư của Trung Quốc với Mỹ giảm xuống chút ít nhưng thặng dư của các quốc gia mà Trung Quốc “mượn đường” như Việt Nam, Mexico lại tăng tương ứng.

Lần thương chiến này Trung Quốc mạnh hơn nhiều so với lần trước; Trung Quốc vẫn cần Mỹ hơn Mỹ cần Trung Quốc nhưng Bắc Kinh không còn phụ thuộc nhiều vào Mỹ, kể cả trong lĩnh vực công nghệ cao như xe hơi điện, chip bán dẫn.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 120 quốc gia trên thế giới và có các hiệp định thương mại trải dài trên khắp các châu lục. So với Mỹ, mạng lưới thương mại của Trung Quốc rộng lớn hơn nhiều; chỗ nào Mỹ bỏ trống thì Trung Quốc lập tức điền vào, chẳng hạn như khi ông Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi nhậm chức tổng thống đầu năm 2017, Trung Quốc lập tức đẻ ra cái gọi là Hiệp Định Hợp Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực (RCEP) theo đó hàng hóa Trung Quốc được ưu đãi thuế khi xuất sang thị trường 14 nước Á Châu-Thái Bình Dương.

Lần thương chiến này, Trung Quốc còn có lợi thế lớn là có “tay trong” bên cạnh ông Trump. Ông Elon Musk, người có cơ sở làm ăn lớn ở Thượng Hải, lại có sức chi phối mọi ý tưởng của ông Trump, sẽ đủ sức hóa giải những ngón đòn mà những nhân vật diều hâu trong chính quyền Mỹ muốn đưa ra đấu với Bắc Kinh.

Trung Quốc không thể không trả đũa, nhưng Bắc Kinh cố ý không phản ứng mạnh để khỏi làm “mất mặt” ông Trump, kẻ vốn coi trọng sĩ diện hảo. Sách lược của Trung Quốc có thể là để cho Mỹ tự “thấm đòn,” để cho người tiêu dùng, doanh nhân và nhà đầu tư chịu đựng nỗi đau đớn mà thuế nhập cảng gây ra.

Báo The Wall Street Journal, một cơ quan truyền thông bảo thủ, thiên về đảng Cộng Hòa, ủng hộ ông Trump, đã phải đăng bài cảnh báo một “cuộc thương chiến ngu ngốc nhất trong lịch sử” vì nó xói mòn tầm ảnh hưởng và sự phồn thịnh lâu dài của chính nước Mỹ. Thị trường chứng khoán Mỹ đã ngay lập tức bị mất điểm, và xu thế đi xuống này sẽ còn kéo dài nếu chính sách thuế không thay đổi; người tiêu dùng Mỹ khắp nơi đã chuẩn bị cho viễn cảnh hàng hóa tăng giá vì thuế.

Chính phủ của ông Trump không thể không để ý tới phản ứng đó dù ông đã cố trấn an rằng, đây là cái giá đáng trả cho một “thời đại hoàng kim của nước Mỹ!”

Sau Canada, Mexico và Trung Quốc, mũi dùi thuế quan của ông Trump tiếp tục nhắm đến Liên Âu (EU). Gần đây ông Trump thường nhắc lại rằng ông sắp áp thuế trừng phạt lên 27 thành viên EU vì “EU lạm dụng nước Mỹ nhiều năm rồi, và họ không thể tiếp tục làm như vậy,” ông Trump nói hôm Thứ Hai, 3 Tháng Hai.

Mexico, EU, Trung Quốc và Việt Nam là bốn nền kinh tế có thặng dư thương mại nhiều nhất trong giao thương với Mỹ; ông Trump vẫn quan niệm sai lầm rằng thặng dư thương mại (trade surplus) là trợ cấp (subsidize) và ông quyết dùng thuế quan để cắt đứt khoản trợ cấp đó. Việc ông quyết áp thuế lên hàng hóa EU không gây ngạc nhiên, người ta chỉ chờ đợi xem lúc nào ông sẽ ban hành quyết định và mức thuế sẽ là bao nhiêu phần trăm.

Điểm chung ở đây là ông Trump muốn thể hiện sức mạnh vô đối của mình trên vũ đài thế giới, thưởng phạt tùy ý. Ông không chỉ trừng phạt đối thủ Trung Quốc mà không nương tay với các đồng minh thân cận nhất cả về kinh tế và an ninh. Hành vi dọa nạt vô nguyên tắc đó đang mang lại lợi ích lớn cho Bắc Kinh và gây hại khủng khiếp cho nước Mỹ không chỉ do hàng hóa tăng giá.

Ở Bắc Mỹ chẳng hạn, kinh tế ba nước láng giềng Mỹ, Canada và Mexico đã hội nhập với nhau rất mật thiết nhờ Hiệp Định Thương Mại Tự Do Bắc Mỹ (NAFTA) nhiều chục năm qua. Trong nhiệm kỳ đầu ông Trump đã sửa hiệp định NAFTA thành USMCA (Mỹ-Mexico-Canada) nhưng nội dung gần như không thay đổi. Hiệp định có cơ chế xem xét lại và cập nhật vào năm 2026.

Lẽ ra, nếu không hài lòng với việc thực thi hiệp định, Mỹ nên đàm phán với hai ông bạn láng giềng để điều chỉnh thay vì đơn phương “xé bỏ” USMCA và áp thuế nhập cảng mang tính chất trừng phạt. Một viễn cảnh u ám có thể là, do bất mãn với chính sách thuế của ông Trump, Canada và Mexico sẽ chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc và mở rộng quan hệ kinh tế với cường quốc phương Đông đang được coi là một đối tác thương mại ổn định và hấp dẫn hơn.

Ở Âu Châu, EU có nền kinh tế lớn ngang ngửa Trung Quốc nhưng đang gặp nhiều thách thức, thậm chí suy thoái như kinh tế Đức. Thời Tổng Thống Joe Biden, cả Mỹ và Trung Quốc đều nỗ lực lôi kéo EU về phía mình nhưng chính sách của Trump dường như đang gây khó cho quan hệ Mỹ-EU. Thuế quan của ông Trump có thể làm cho cánh cửa vào thị trường Mỹ đóng lại đối với hàng hóa Âu Châu và khối này sẽ phải tìm thị trường thay thế. “Chúng tôi sẽ luôn bảo vệ lợi ích của chính mình, bất cứ khi nào và bất cứ cách nào cần thiết,” bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy Ban Âu Châu, nói hôm 4 Tháng Hai.

Quyết định áp thuế trừng phạt lên EU, Mexico, Canada – cùng với việc rút lui khỏi các tổ chức toàn cầu như Hiệp Định Paris về biến đổi khí hậu, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), đóng cửa Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID)… – gây ấn tượng rằng Mỹ không hề tôn trọng những cam kết của chính mình; từ đó hủy hoại lòng tin mà các đồng minh và đối tác khắp thế giới đã đặt vào nước Mỹ. Đây mới chính là tác động tai hại nhất mà cuộc chiến thuế quan hiện nay gây ra.

Các quốc gia đã có hiệp ước với Mỹ về kinh tế hoặc an ninh sẽ nhìn vào EU, Canada và Mexico rồi tự hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump có chuyện không hài lòng với họ? Các quốc gia sẽ có thêm nhiều lý do vững chắc hơn để giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ, cả về kinh tế lẫn chính trị.

Ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, và các đồng sự của ông ta không giấu giếm ý tưởng khai thác cơ hội nước Mỹ gây chia rẽ trong các đồng minh để thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc. Ông Trump mị dân với khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA) nhưng chính những chính sách thiếu khôn ngoan đã phá hỏng những mục đích đặt ra, mang lại thiệt hại lớn hơn là lợi ích cho nước Mỹ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: