Tiết lộ lý do quan chức cấp cao Bộ Lao Động bị bắt

Ông Nguyễn Văn Bình – cục trưởng Cục Pháp Chế Bộ Lao Động. (Hình: Molisa.gov.vn)

Một quan chức cấp cao của Bộ Lao Động được cho là người ủng hộ sự độc lập của các công đoàn, vừa bị bắt giữ.

Theo một tuyên bố trên trang web của Bộ Công An của mình, công an Hà Nội cho biết đã bắt giữ Nguyễn Văn Bình, cục trưởng Cục Pháp Chế Bộ Lao Động. Tuyên bố cho biết cuộc điều tra đang tiếp tục nhưng không nêu chi tiết về những hành vi sai trái bị cáo buộc. Tuy nhiên, cái gọi là “cố tình tiết lộ bí mật nhà nước” khiến người thắc mắc.

Các cuộc gọi kiểm tra tình hình của báo chí nước ngoài vào số riêng của ông Bình, và thậm chí các lời hỏi thăm về tình trạng của ông qua số điện thoại của Bộ, cũng không được trả lời. Các thông tin về của ông Bình – người phụ trách vụ pháp chế – đột nhiên không còn tìm thấy trên trang web của Bộ.

Giới thạo tin cho biết, ông Nguyễn Văn Bình đã táo bạo đưa ra đề xuất sửa đổi luật lao động của Việt Nam, bao gồm đẩy mạnh cho phép quyền tổ chức và thương lượng tập thể của người lao động, những chi tiết ít ỏi này được ghi lại trên hồ sơ của ông trên trang web của Tổ Chức Hợp Tác Và Phát Triển Kinh Tế. Ông có nhiều nỗ lực, không mệt mỏi tìm cách tác động  để Việt Nam thông qua Công Ước 87 của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế Liên Hợp Quốc, trong đó kêu gọi bảo đảm cho người lao động thành lập các công đoàn độc lập.

Nhóm Project 88 bằng nguồn tin riêng, cũng xác nhận việc ông Bình đã bị công an CSVN dòm ngó từ nhiều tháng trước, và cuối cùng bắt giữ vì lo ngại có thể ông Bình đi quá xa trong cuộc vận động,

Một nguồn tin không được kiểm chứng, mà Sài Gòn Nhỏ nhận từ Hà Nội, nói ông Bình còn bí mật trao cho Liên Minh Châu Âu và Hoa Kỳ những bản ghi âm, cho biết quan chức nào trong bộ máy CSVN đang chống lại việc đi đến các thỏa ước đã ký kết với quốc tế. Trong đó, có những quan chức coi việc thực hiện Công Ước 87 là chuẩn bị cho lật đổ chế độ.

Công Ước 87 bao gồm: Quyền của mọi người lao động (NLĐ) được tự do thành lập và gia nhập Công Đoàn (CĐ) theo sự lựa chọn của chính mình mà không phải xin phép trước; quyền tự chủ, tự quản của tổ chức CĐ trong việc quyết định những vấn đề nội bộ của mình như ban hành điều lệ và các quy định quản lý nội bộ khác, bầu người đại diện, xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác; quyền tự do của các tổ chức CĐ trong việc thành lập và gia nhập các tổ chức của NLĐ ở cấp cao hơn, theo ngành nghề, vùng miền, cả trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Các tổ chức của NLĐ ở cấp cao hơn này cũng có các quyền và được bảo vệ như đối với tổ chức CĐ tại cơ sở; các tổ chức của NLĐ nêu trên không thể bị giải thể hoặc đình chỉ hoạt động bởi các cơ quan hành chính của Chính Phủ.

Công ước số 87 được thành lập năm 1948 về tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức, là một trong 10 công ước cơ bản của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) theo Tuyên Bố năm 1998 về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Tính đến thời điểm Tháng Mười 2022, đã có 157 trên tổng số 187 quốc gia thành viên của ILO phê chuẩn Công Ước này. Việt Nam khi ký tham gia hiệp định EVFTA với Châu Âu, cũng xác nhận sẽ ký công ước này, nhưng đang chựng lại.

Việc bắt giữ ông Bình xảy ra khi Việt Nam đang tìm cách tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng Mỹ. Việt Nam, một trong 12 nền kinh tế được Mỹ xếp vào loại phi thị trường cùng với Trung Quốc và Nga, đang tìm cách thay đổi tình trạng của mình để giúp các nhà xuất khẩu Việt Nam bù đắp cho sự suy giảm nhu cầu toàn cầu. Tuy nhiên nhiều chuyên gia của Mỹ đang lo ngại Việt Nam cứ muốn trước, được trước mà không bảo đảm các cam kết của mình.

Vụ bắt giữ ông Bình cũng xảy ra trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng đang lan rộng trên toàn quốc, cùng với việc từ chức của các quan chức chính phủ cấp cao. Hà Nội trước đây bị Mỹ và Liên Hợp Quốc chỉ trích về việc bỏ tù các nhà hoạt động môi trường, cũng vì chụp mũ tội trốn thuế.

Việt Nam nhiều lần phủ nhận việc bỏ tù người vì hoạt động, mà gán cho họ cái tội vi phạm pháp luật. Khi được hỏi về vụ bắt giữ ông Bình trong cuộc họp báo ở Hà Nội, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đề cập đến các báo cáo truyền thông địa phương, về việc ông Bình bị bắt giữ, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết gì về vi phạm của ông.

Ông Bình “mắc tội” thúc đẩy cải cách lao động và một số hoạt động độc lập của công đoàn, theo một bài đăng ngày 8 Tháng Năm trên trang web của Tổ Chức Theo Dõi Nhân quyền. Các công đoàn lao động Việt Nam được giám sát chặt chẽ  bởi Mặt Trận Tổ Quốc, một tổ chức do đảng CS lãnh đạo, và Hà Nội thật tâm không muốn giao quyền cho đám đông và các cá nhân không thể kiểm soát được, vốn dẫn đến nguy cơ lung lay chế độ cầm quyền.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: