Tô Lâm ‘chiêu hiền đãi sĩ,’ đừng tin những gì cộng sản nói!

(Hình minh họa: Hunters Race/Unsplash)

Những ngày cuối Tháng Chạp năm Giáp Thìn trong lúc toàn dân đang vật vã lo toan cho cái Tết Ất Tỵ sắp đến, dự báo sẽ rất ảm đạm, thì những người lãnh đạo cao nhất Việt Nam cho dọn ra một mâm “bánh vẽ” nhìn rất hấp dẫn mà không ăn được!

Số là, trong cao trào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” mà ông Tô Lâm hô hào từ khi ngồi vào ghế tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), ngày 22 Tháng Mười Hai vừa qua, Bộ Chính Trị của đảng đã ban hành Nghị Quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (gọi tắt là NQ 57). Ông Tô Lâm được Thông Tấn Xã Việt Nam dẫn lời nói rằng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo NQ 57 “là con đường sống còn” của Việt Nam, là “quốc sách,” là “chìa khóa để đưa đất nước phát triển hùng cường.”

Để thực thi NQ 57, đảng CSVN lập ra một Ban Chỉ Đạo Trung Ương về phát triển khoa học-công nghệ do ông Tô Lâm làm trưởng ban chỉ đạo, ông Phạm Minh Chính, thủ tướng, cùng một số nhân vật chóp bu khác làm phó ban.

Hôm Thứ Hai, 13 Tháng Giêng, ban này đã tổ chức một hội nghị toàn quốc về khoa học công nghệ, nghe nói quy tụ tới 1 triệu người tham gia tại 15,000 điểm truyền hình trong cả nước. Hai ngày sau, Ban Chỉ Đạo tiếp tục tổ chức một Diễn Đàn Quốc Gia Về Phát Triển Doanh Nghiệp Công Nghệ Số Việt Nam năm 2024. Ở các sự kiện này ông Lâm và ông Chính đã có những bài pháp biểu chỉ đạo nghe rất hùng hồn nhưng hết sức sáo rỗng và… sai về căn bản.

Nội dung NQ 57 cùng các bài chỉ đạo của ông Lâm, ông Chính được báo chí trong nước tường trình đầy đủ trên các mạng điện tử, độc giả quan tâm có thể mở xem nếu không ngại nhức đầu, ói mửa. Các ông này nói rất nhiều chuyện, chúng tôi chỉ xin hầu độc giả một trong những chuyện đó: chuyện người Việt ở nước ngoài.

Tại hội nghị hôm 13 Tháng Giêng, theo tường thuật của báo VNExpress:“Tổng Bí Thư Tô Lâm yêu cầu tập trung đầu tư trọng điểm để phát triển các tổ chức nghiên cứu, có kế hoạch cụ thể xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân tài khoa học công nghệ, triển khai giải pháp đột phá để thu hút tập đoàn công nghệ hàng đầu, nhân tài khoa học công nghệ ở nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc.”

Cũng theo báo này, ông Tô Lâm đã gợi ý nhà nước thí điểm chọn một số viện hoặc trường để mời các chuyên gia ở nước ngoài làm lãnh đạo, nhất là trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, là những người hiểu rõ văn hóa Việt Nam, trưởng thành ở các nước phát triển, am hiểu chuyên môn, có sự kết nối quốc tế sâu rộng.

Nói theo ông Tô Lâm, tại hội nghị ông Chính hứa hẹn, chính phủ Việt Nam sẽ xây dựng các chính sách, cơ chế đặc biệt về nhập tịch, sở hữu nhà, đất, cấp visa, giấy phép lao động, thu nhập… nhằm thu hút và giữ chân các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, cũng như các chuyên gia nước ngoài về làm việc tại Việt Nam.

Thả mồi bắt cá lớn?

Tất nhiên để phát triển công nghệ trước hết cần phải có đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia và thợ lành nghề. Nhưng chế độ công an trị ở Việt Nam hiện nay không phải là đất sống của khoa học. Ngay cả người dân bình thường cũng đang tìm trăm phương ngàn kế để bỏ chạy; những học sinh giỏi nhất đều chọn du học rồi ở lại nước ngoài. Trong hoàn cảnh đó, đặt mục tiêu “thu hút và giữ chân các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài” về làm việc là một ảo tưởng tội nghiệp.

Những học sinh giỏi đều chọn du học rồi ở lại nước ngoài. (Hình minh họa: Cole Keister/Unsplash)

Luật bất thành văn của đảng CSVN quy định mọi chức vụ quản lý, từ phó phòng trở lên, đều phải là đảng viên, trong túi không có chiếc thẻ đỏ của đảng thì dù là thiên tài cũng chỉ có thể là anh nhân viên quèn. Bây giờ ông Tô Lâm “nhượng bộ,” lựa ra một số viện, trường để mời người nước ngoài làm lãnh đạo, nhất là người Việt Nam ở nước ngoài hiểu rõ văn hóa Việt Nam. Ông coi đó như một “miếng mồi” để câu con cá lớn cho mục đích phát triển khoa học công nghệ của ông ta.

Tiếc là, người làm khoa học thực thụ không mấy ai mơ màng tới chiếc ghế hiệu trưởng, viện trưởng, nhất là khi họ phải làm lãnh đạo trong một môi trường khinh thường tri thức, tôn sùng tiền tài và quyền lực; chưa kể tai họa sát thân có thể giáng xuống họ và gia đình họ bất cứ lúc nào từ một chế độ toàn trị, tham nhũng và luật rừng. Những thứ mà người trong nước coi trọng như sở hữu nhà đất, thu nhập càng không đủ sức hấp dẫn họ, và hình như không mấy người sẵn sàng từ bỏ tư cách công dân Mỹ, EU để nhập tịch Việt Nam, làm “thần dân” một chế độ mà họ hoặc cha anh họ đã liều chết bỏ ra đi mấy chục năm về trước.

Cái quan trọng nhất với nhà khoa học, và trí thức nói chung, là môi trường tự do: tự do suy nghĩ, tự do tranh luận, tự do biểu đạt ý tưởng của mình. Chỉ có trong môi trường tự do thì người ta mới sáng tạo, mới phát minh được, còn chăm chăm đi theo lối mòn ai đó vạch sẵn thì chỉ có thể là “bầy cừu” như nhận xét của Giáo Sư Ngô Bảo Châu – nhà toán học nổi tiếng sinh ra ở Việt Nam, học tập ở Pháp và làm việc tại Đại Học Chicago, Mỹ.

Dù Việt Nam, theo quan sát của nhiều chuyên gia, đã không còn là một quốc gia Cộng Sản theo ý nghĩa nguyên thủy của hệ tư tưởng này, nhưng tổ chức xã hội của nó vẫn là thể chế công an trị theo học thuyết của Lênin, tập trung quyền lực dựa trên đàn áp và dối trá. Thể chế đó không chấp nhận đa nguyên về chính trị và tư tưởng, tước đoạt tự do, bỏ tù mọi ý kiến khác, thì làm sao có thể dung nạp các nhà khoa học và trí thức tôn sùng sự thật và tự do hơn cả mạng sống của mình?

Đảng CSVN từ lâu đã có thủ đoạn kích động lòng ái quốc của người Việt xa xứ để phục vụ cho mục đích của họ. Ông Hồ Chí Minh đã lôi kéo được những tài năng lớn như triết gia Trần Đức Thảo, Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường, Kỹ Sư Trần Đại Nghĩa… nhưng số phận của những người này dưới chế độ miền Bắc bi thảm như thế nào thì ai cũng biết. Gần đây, các vụ án vua chả giò Trịnh Vĩnh Bình, nhà giáo Phạm Minh Hoàng càng cho thấy bản chất lật lọng của người Cộng Sản là không thay đổi.

Ngay đến một cơ sở đào tạo-khoa học quốc tế như Đại Học Fulbright Việt Nam – thành quả sự hợp tác giữa hai chính phủ Việt-Mỹ mà thành viên sáng lập kiêm chủ tịch hội đồng quản trị Thomas J. Vallely vừa được Tổng Thống Joe Biden tặng Huân Chương Công Dân hai tuần trước đây – vẫn bị guồng máy tuyên truyền của đảng CSVN lôi lên truyền hình bôi xấu là “cái ổ đào tạo cách mạng màu, chống phá chế độ.”

Tự do mới là “quốc sách”

Để phát triển, Việt Nam không thể không tập trung vào khoa học và công nghệ. Nhưng khoa học-công nghệ không phải là “quốc sách,” là “‘cây gậy thần’ đem lại thịnh vượng bền vững,” như lời ông Tô Lâm được báo chí nhà nước xưng tụng.

“Quốc sách” của Việt Nam phải là thay đổi thể chế chính trị để người dân có quyền làm chủ đất nước thật sự. Chỉ trong môi trường dân chủ thì khoa học công nghệ mới phát triển được. Câu hỏi mà ông Tô Lâm phải trả lời không phải là làm thế nào để phát triển khoa học công nghệ, mà là làm thế nào để đoàn kết toàn dân trong và ngoài nước, huy động mọi tiềm lực tài chính, công nghệ và trí tuệ của mọi người Việt để xây dựng đất nước và giữ vững độc lập tự do trước âm mưu xâm lược của kẻ thù phương Bắc. Câu trả lời tưởng chừng không khó tìm ra.

Một khi Việt Nam được tự do và dân chủ với một chính quyền thật sự đại diện cho quyền lợi quốc gia thì chẳng cần ông hô hào “chiêu hiền đãi sĩ” bằng những thứ “mồi nhử” rẻ tiền kể trên chúng tôi tin sẽ có hàng ngàn người Việt ái quốc ở mọi phương trời sẵn sàng xếp lại quá khứ, chung tay xây dựng đất nước phồn vinh và thịnh vượng.

Còn nếu ông Tô Lâm và đảng của ông vẫn tiếp tục độc tôn quyền lực, vẫn coi đất nước là tài sản riêng của đảng mình để bóc lột thì mãi mãi Việt Nam vẫn nằm trong vũng lầy của thế giới cho dù ông có dành bao nhiêu phần trăm GDP cho khoa học-công nghệ. Những dòng tiền mồ hôi nước mắt ấy chỉ chảy vào túi tham vô đáy của đám quan chức đảng viên mà thôi.

“Tự huyễn hoặc”

Tại Diễn Đàn Quốc Gia Về Phát Triển Doanh Nghiệp Công Nghệ Số ngày 15 Tháng Giêng, ông Tô Lâm đã tự hỏi có phải ông và đảng của ông “ngộ nhận,” “tự huyễn hoặc” khi tin vào những kết quả ấn tượng trong lĩnh vực công nghệ.

Ông nói: “Tôi được báo cáo là Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất cảng điện thoại di động thông minh; đứng thứ năm thế giới về xuất cảng linh kiện máy tính; đứng thứ sáu thế giới về xuất cảng thiết bị máy tính; đứng thứ bảy thế giới về gia công nhu liệu, đứng thứ tám thế giới về thiết bị linh kiện điện tử.”

Nhưng ông thừa nhận Việt Nam vẫn đang làm thuê cho nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước không có vai trò gì trong sản xuất công nghiệp – công nghệ. Một ví dụ, toàn bộ giá trị điện thoại và linh kiện Việt Nam xuất cảng được là do các công ty FDI (vốn đầu tư nước ngoài) làm ra nhưng họ phải nhập cảng 89% giá trị đó, “các doanh nghiệp trong nước chủ yếu cung cấp dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp, xử lý rác thải…” Có gì để tự hào?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: