Trà Chagee và hiện tượng yêu nước xếp hàng

(Chagee)

Câu chuyện trà Chagee, một thương hiệu trà sữa tên tuổi của Trung Quốc, đến Việt Nam chuẩn bị khai trương, nhưng rồi bị tố là trên app mua hàng và web hiển thị bản đồ mang hình đường lưỡi bò, đã nhanh chóng dấy lên một phong trào phản ứng, nhiều người trẻ tuổi Việt Nam gọi nhau, nói là phải cùng thể hiện lòng yêu nước.

Chagee đến Sài Gòn, chọn ngay con đường đắt đỏ nhất để mở cửa hiệu, sánh vai cùng các thương hiệu hàng đầu tại trung tâm thành phố. Theo tiết lộ, tiền thuê mặt bằng của Chagee đến 330 USD/m2, được đánh giá đắt là vào hàng top thứ 14 của thế giới. Và chính vì tầm vóc đó, nên khi có “ai đó” phát hiện rằng app và web Chagee có hình đường lưỡi bò, việc phản ứng bỗng bùng nổ đến bất ngờ. Trên các trang phản ứng, có hàng ngàn bình luận và like, kêu gọi tẩy chay Chagee. Khẩu hiệu quen thuộc là “Trà sữa thì chỗ nào cũng có, nhưng tổ quốc chỉ có một” bùng lên. Sự việc ồn ào đến mức, ngày 20 Tháng Ba, Sở Văn Hóa Thông Tin TP.HCM họp và nói sẽ “xử lý sai phạm”. Nhưng nói cho cùng, theo luật, thì Chagee sẽ chỉ bị phạt tiền, gỡ bỏ hình ảnh liên quan, việc buôn bán vẫn không có gì thay đổi.

Nhưng không hiểu sao, trong vô số các công ty Trung Quốc đang làm ăn tại Việt Nam, Chagee trở thành vật tế thần? Theo dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tính đến Tháng Ba 2024, Trung Quốc có 4.418 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 27,6 tỷ USD, ước tính có hơn 4000 công ty hoạt động – mà nguyên tắc công ty hoạt động đa quốc gia Trung Quốc nếu có bản đồ hiển thị hệ thống, bắt buộc phải có đường lưỡi bò trên bản đồ theo quy định của Bắc Kinh.

Vì sao Chagee lại là mục tiêu được nhắm vào lúc này? Câu trả lời ắt không phải dễ, nếu không phải từ những người Việt trong cuộc, đang quản lý việc ra mắt thương hiệu Chagee tại Việt Nam như ông Nguyễn Anh Duy (đại diện pháp lý) và bà Võ Thị Thiên Nga điều hành cơ sở Chagee ở Sài Gòn. “Mọi chuyện rất phức tạp. Cuộc cạnh tranh làm ăn này không dễ giải thích bằng một, hai câu”, một nhà quản lý thương hiệu ở Sài Gòn, giấu tên nói.

Nhưng hãy tạm coi đó là giả thuyết của người quan sát. Tuy nhiên cái đáng nói, là xu hướng rầm rộ hô hào “yêu nước” đang là một hiện trạng đáng lo ngại. Bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xếp hàng yêu nước theo chuyên đề, đang dự báo những hỗn loạn tương lai của Việt Nam, cũng như bộc lộ cho thấy giới trẻ đang ngày càng nông cạn và hèn nhát dưới ngọn cờ “yêu nước” được phất lên theo cơ hội.

Gọi là nông cạn và hèn nhát. Vì đám đông chọn núp sau các danh khoản, hô hào chửi bới – nhưng hoàn toàn xếp hàng trật tự đúng chủ trương. Hết sức ngay ngắn phản đối. Chỉ trong một vài ngày, người ta nhìn thấy nhiều trang Fanpage được lập nên để tẩy chay trà sữa Chagee, đầy những khẩu hiệu quyết liệt đến buồn cười: “Trà sữa ở đâu cũng có nhưng tổ quốc chỉ có một”. Khẩu hiệu này đang là xu hướng, dễ bắt gặp và trở thành loại mẫu câu có thể lắp ráp tùy tiện như “ca sĩ ở đâu cũng có…” (nói về trường hợp nói New Jeans) – những khẩu hiệu ấu trĩ đến mức đem tổ quốc ra để đánh đồng với mọi thứ. Không biết mai này, nếu có loại chó Trung Quốc tên Tam Sa nhập vào Việt Nam chẳng hạn, liệu có khẩu hiệu được tung ra “Chó ở đâu cũng có, nhưng tổ quốc chỉ có một” không?.

Phong trào yêu nước xếp hàng, tương tự như đối với vụ trà sữa Chagee, thoạt đầu nghe như giới trẻ Việt Nam thật sự phẫn nộ từ trong đáy lòng khi thấy Trung Quốc vẽ đường lưỡi bò phủ lên đảo và biển của tổ quốc. Nhưng quan sát kỹ, rõ là không hoàn toàn vậy.

Không hề có ai, nhân sự kiện này, nhắc chuyện Bắc Kinh đang giam giữ ngư dân Việt Nam đánh bắt gần đảo Hoàng Sa, mà Hà Nội đã lên tiếng phản đối từ Tháng Mười 2024. Đến khi người Phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt lên tiếng trong một cuộc họp báo, thì Trung Quốc đã giam giữ những ngư dân Việt Nam đã hơn sáu tháng, con số được nói là hàng chục người – hiện vẫn chưa có tin tức gì về trao trả. So với đường lưỡi bò vẽ trên app và web của nhiều công ty Trung Quốc bị phát hiện, chuyện Bắc Kinh đánh đập, cướp tài sản, phá hủy thuyền cá, bắt giam ngư dân Việt Nam ở gần đảo Hoàng Sa còn thực tế hơn, tàn bạo và thách thức cả một quốc gia, gấp nhiều lần chuyện thương hiệu trà sữa.

Trên một bài đăng Facebook, những người tuổi trẻ yêu nước xếp hàng vỗ tay nói Chagee đã gỡ các thiết kế chuẩn bị khai trương, thay vào đó, ai đã cắm ở cửa ra vào một lá cờ Việt Nam. Trong sự hào hùng, nhiều danh khoản vui mừng bình luận “không biết ai đã làm, nhưng phải vậy mới được”, “không thể coi thường Việt Nam…”. Thế nhưng không rõ lá cờ đó có phải từ một người phản đối Chagee đến treo lên, hay là chính cửa hàng này cho treo lên như một giải pháp giải nhiệt đơn giản để qua chuyện.

Ngư dân Quảng Ngãi bị Trung Cộng đánh, cướp gần Hoàng Sa vào Tháng 10-2024 (Dân Việt)

Trong chuyện Trung Quốc giam giữ ngư dân ở Hoàng Sa, đột ngột thành chuyện quốc tế, và có lời phản đối của Bộ ngoại giao Việt Nam, là do trước đó 4 ngư dân ở Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc rượt đuổi. Các nhân viên tàu hải cảnh của Trung Quốc đã gậy sắt đánh thủy thủ đoàn, khiến 4 người trong số họ bị thương nặng, có người gãy tay, chân, có người bất tỉnh. Khi tàu trôi dạt trên biển, được cứu kéo về thì mọi người mới biết. Nhưng từ đó đến nay, chưa có nhóm tuổi trẻ yêu nước xếp hàng nào tìm về thăm, chia sẻ câu chuyện đáng giận này, thậm chí cắm cờ trên cửa nhà những ngư dân thoát chết đó, như tụ hào cắm cờ trước cửa hàng trà Chagee.

Chắc chắn sẽ có lời phản bác: yêu nước, nhưng chuyện nào ra chuyện ấy. Thì quả là vậy, mới gọi là yêu nước xếp hàng, mọi thứ ngay ngắn theo chỉ thị, hò reo trong khu vực cho phép.

Vì bởi yêu nước xếp hàng theo chỉ thị, nên sẽ không ai trong đám đông hừng hực vì tổ quốc ấy tìm xem hãng máy bay COMAC, hay hơn 4000 công ty của Trung Quốc được chính phủ chính thức ký kết cho đem vào Việt Nam hoạt động, có bản đồ đường lưỡi bò không.

Yêu nước của đám đông tuổi trẻ Việt Nam tuy ồn ào nhưng rất trật tự, họ yêu nước thẳng hàng, và được phép. Và nếu những ngư dân ở Quảng Ngãi có là biểu tượng của lòng yêu nước bị xếp hàng, sẽ chẳng có ai tự mình bước ra khỏi hàng để cất lời phản đối, nếu như chưa thấy cờ hiệu được phất lên. Từ bao giờ mà lòng yêu nước đầy tôn nghiêm và cao quý lại trở thành chuyện đóng-mở có điều kiện, như thói quen của bầy cừu ra vào cửa trại?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo