Trong hàng loạt sắc lệnh hành pháp mà Tổng Thống Donald Trump ký ban hành trong ngày đầu tiên nhậm chức, sắc lệnh về chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh đối với trẻ em sinh ra tại Hoa Kỳ có cha mẹ không cư trú hợp pháp tại quốc gia này đang gây ra cuộc tranh cãi gay gắt.
Ngay sau đó đã có 22 tiểu bang và một số tổ chức quyền dân sự phát đơn kiện để ngăn chặn sắc lệnh. Tại sao như vậy?
Quyền công dân theo nơi sinh và Tu Chính Án 14
Quyền công dân theo nơi sinh (birthright citizenship) là một luật có từ lâu của nước Mỹ, được quy định tại Tu Chính Án thứ 14 (14th Amendment) của Hiến Pháp, theo đó mọi người sinh ra trên lãnh thổ nước Mỹ đương nhiên là công dân Mỹ.
Có hiệu lực từ năm 1868, Tu Chính Án số 14 viết: “Mọi người sinh ra hoặc nhập tịch Hoa Kỳ, do đó chịu quyền tài phán [của Hoa Kỳ], đều là công dân của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ và của tiểu bang nơi họ cư trú.” Lời lẽ cô đọng của Tu Chính Án 14 không đề cập tới tư cách cư trú của cha mẹ đứa trẻ, do đó từ trước đến nay, bất kỳ trẻ em nào sinh ra trên đất Mỹ đều tự động trở thành công dân Mỹ ngoại trừ con cái của các nhà đại diện ngoại giao nước ngoài.
Ông Trump đưa ra một cách giải thích khác về Tu Chính Án 14. Ông cho rằng người ngoại quốc “không chịu sự quản lý của các khu vực pháp lý của Hoa Kỳ” do đó con cái họ không được tự động trở thành công dân Mỹ. Theo sắc lệnh của ông Trump, dự kiến có hiệu lực sau 30 ngày nữa, quyền công dân Mỹ sẽ không tự động được cấp cho một đứa trẻ mà cha mẹ chúng không có quyền cư trú hợp pháp tại Mỹ vào thời điểm sinh con. Ông ra lệnh cho các cơ quan liên bang không cấp sổ thông hành (passport) hoặc giấy tờ quốc tịch cho các trẻ em như vậy sinh ra tại Mỹ sau ngày 20 Tháng Hai, 2025.
Không chỉ con cái của những gia đình di dân không giấy tờ bị từ chối quyền công dân theo nơi sinh mà cả con cái những gia đình sinh sống tạm thời ở Mỹ theo thị thực (visa) làm việc hoặc du học cũng không được hưởng quy chế quyền công dân theo nơi sinh. Nói cách khác, sắc lệnh của ông Trump gắn quyền công dân của trẻ em với tư cách cư trú của cha hoặc mẹ chúng, một đứa bé sinh ra ở Mỹ chỉ có thể trở thành công dân Mỹ nếu có cha mẹ, hoặc cha hoặc mẹ là công dân hoặc thường trú nhân của Mỹ.
Một trường hợp thú vị là nếu như sắc lệnh này được áp dụng mấy chục năm về trước thì cựu Phó Tổng Thống Kamala Harris có thể sẽ không trở thành ứng cử viên tổng thống vì bà được sinh ra khi thân mẫu của bà đang là một du học sinh Ấn Độ tại California!
Quyền công dân – theo nơi sinh hay theo huyết thống?
Sắc lệnh này đã đưa nước Mỹ từ nhóm quốc gia cấp quyền công dân theo nơi sinh mà không giới hạn (unrestricted birthright citizenship), thuật ngữ pháp lý gọi là jus soli, sang nhóm nước cấp quyền công dân theo nơi sinh nhưng có giới hạn (restricted birthright citizenship) gọi là jus sanguinis.
Theo trang mạng worldpopulationreview, trên thế giới hiện có 33 quốc gia cấp quyền công dân theo nơi sinh không giới hạn (jus soli), hầu hết là các nước và vùng lãnh thổ ở Bắc và Nam Mỹ, trong đó có Mỹ, Canada, Mexico, Brazil, Argentina… Đa số các quốc gia còn lại chỉ cấp cho trẻ em quyền công dân kèm một số điều kiện nhất định (jus sanguinis); ví dụ ở Đức, cha hoặc mẹ đứa trẻ phải là công dân hoặc thường trú nhân từ tám năm trở lên; ở Thái Lan cha hoặc mẹ đứa trẻ phải là thường trú nhân từ năm năm trở lên; ở Úc cha hoặc mẹ phải là công dân hoặc thường trú nhân hoặc đứa trẻ đã sống ở Úc trên 10 năm… Do sự phân biệt này mà “jus soli” còn được hiểu là quyền công dân theo nơi sinh, còn “jus sanguinis” là quyền công dân theo huyết thống.
Một số quốc gia nói tiếng Anh và có hệ thống pháp lý dựa trên Thông Luật (Common Law) của Anh giống Mỹ – như Anh, Ireland, Úc, New Zealand và Ấn Độ – trước kia đều có luật quốc tịch theo nơi sinh nhưng sau đó đều bãi bỏ hoặc chuyển sang cấp quyền công dân theo huyết thống. Xét ra, quyết định của ông Trump chuyển nước Mỹ từ “jus soli” sang “jus sanguinis” đã có tiền lệ ở một số nước khác.
Quyền công dân theo nơi sinh mang lại cho đứa trẻ rất nhiều lợi ích: được hưởng toàn bộ những quyền lợi về học hành, cư trú, chăm sóc y tế như mọi trẻ em người Mỹ khác, không bao giờ bị trục xuất và khi đủ 21 tuổi đứa trẻ ấy có quyền nộp đơn xin bảo lãnh để đưa cha mẹ vào Mỹ làm thường trú nhân hoặc công dân Mỹ sau này.
“Du lịch sinh con” – một cách lạm dụng
Cho đến nay, chính sách quyền công dân theo nơi sinh không có điều kiện ràng buộc của Mỹ đã bị lợi dụng trầm trọng; nhiều bậc cha mẹ – đặc biệt là ở những nước Á Châu như Trung Quốc và Việt Nam – đã tìm nhiều cách cho con cái có quốc tịch Mỹ, “thả neo” để sau này họ chuyển sang Mỹ định cư một cách hợp pháp.
Phong trào “du lịch sinh con,” trong đó các thai phụ xin thị thực vào Mỹ du lịch, sinh con trong một bệnh viện Mỹ rồi bồng con về nước sau khi đã làm passport cho đứa bé, đã nở rộ. Hành động như vậy là hợp pháp nếu thai phụ vào Mỹ bằng một thị thực hợp lệ, chủ yếu là thị thực B1/B2 dành cho du khách. Đứa con, dù được nuôi dạy ở nước ngoài, vẫn là công dân Mỹ, có thể ra vào nước Mỹ bất cứ lúc nào và được hưởng những quyền lợi của một trẻ em Mỹ.
Mấy năm gần đây báo chí đã phanh phui khá nhiều “đường dây” có tổ chức quy củ chuyên đưa thai phụ từ nước ngoài vào Mỹ sinh con, từ hướng dẫn cách xin thị thực, sắp xếp nơi ăn ở, người chăm sóc, nơi sinh đẻ và hoàn tất các thủ tục về quốc tịch cho đứa bé. Một số kẻ môi giới như vậy đã bị bắt và xử tù nhưng phong trào này chưa chấm dứt.
Có nguồn tin cho biết hiện Trung Quốc có cả “sư đoàn” các trẻ em sinh ra tại Mỹ, mang quốc tịch Mỹ nhưng được nuôi dạy trong các cơ sở bí mật của đảng Cộng Sản Trung Quốc, để làm gì thì chỉ có trời biết! Ông Trump và các cố vấn của ông thì gọi những đứa trẻ được sinh ra từ những chuyến du lịch như vậy là “anchor babies” (những đứa trẻ mỏ neo) và ông quyết chấm dứt tình trạng lạm dụng đó.
Nếu được thực thi, sắc lệnh của ông Trump có thể có ảnh hưởng xã hội rộng lớn. Theo dữ liệu của The Migration Policy Institute, năm 2019 nước Mỹ có khoảng 4.7 triệu trẻ em dưới 18 tuổi được sinh ra tại Mỹ – tương đương 7% tổng dân số dưới 18 tuổi của Mỹ – có quyền công dân theo nơi sinh nhưng là con cái các gia đình di dân không giấy tờ. Những trẻ em này sẽ không bị ảnh hưởng do luật không có tính hồi tố nhưng những trẻ em sinh ra sau ngày 20 Tháng Hai, 2025, thì không được may mắn như vậy. Ông Rob Bonta, bộ trưởng Tư Pháp California, nói sắc lệnh của ông Trump có thể làm 20,000 trẻ sơ sinh của tiểu bang bị mất quyền công dân mỗi năm.
Thách thức pháp lý
Đã có nhiều nỗ lực sửa đổi luật về “birthright citizenship,” nhưng không thực hiện được vì “vướng” Tu Chính Án 14. Bãi bỏ hoặc thay đổi một điều khoản Hiến Pháp cần hai phần ba số phiếu thuận của Quốc Hội lưỡng viện và ba phần tư số tiểu bang phê chuẩn; tổng thống không đủ thẩm quyền thay đổi quy định của Hiến Pháp, do vậy sắc lệnh của ông Trump đang đối mặt với thách thức pháp lý to lớn.
Theo tường trình của báo The New York Times, sáng Thứ Ba, 21 Tháng Giêng, bộ trưởng Tư Pháp của 18 tiểu bang và hai thành phố San Francisco, Washington DC, đã nộp đơn kiện lên tòa Liên Bang Khu Vực ở Massachusetts, tuyên bố cả tổng thống và Quốc Hội đều không có quyền sửa đổi quy định của Tu Chính Án 14.
Đứng đơn kiện có cả các tiểu bang xanh và đỏ, gồm New Jersey, Massachusetts, California, New York, Connecticut, Rhode Island, Michigan, Colorado, Delaware, Nevada, Hawaii, Maryland, Maine, Minnesota, New Mexico, Vermont, Wisconsin và North Carolina.
Một đơn kiện thứ hai của bốn tiểu bang cũng đã được nộp lên tòa Liên bang Tây Washington với nội dung tương tự. “Tổng thống có quyền lực lớn, nhưng tổng thống không phải là vua. Ông ta không thể viết lại Hiến Pháp chỉ bằng một chữ ký,” ông Matthew J. Platkin, bộ trưởng Tư Pháp New Jersey, tuyên bố.
Các tổ chức bất vụ lợi như Liên Đoàn Tự Do Dân Sự Hoa Kỳ (ACLU), Hội Luật Gia Nhân Quyền (Lawyers for Civil Rights) cũng nộp đơn kiện đòi hủy bỏ sắc lệnh của tổng thống vì cho rằng nó vi hiến. “Việc từ chối quyền công dân của trẻ em sinh ra tại Hoa Kỳ không chỉ vi hiến mà còn là sự phủ nhận liều lĩnh và tàn nhẫn đối với các giá trị của Hoa Kỳ. Quyền công dân theo nơi sinh là một phần tạo nên quốc gia hùng mạnh và năng động như hiện nay của chúng ta,” ông Anthony Romero, giám đốc điều hành của ACLU, cho biết.
Các cơ quan hành pháp của ông Trump có 30 ngày để nghiên cứu chi tiết cách thực hiện sắc lệnh và chuẩn bị đối phó với các thách thức pháp lý trong khi các tòa án xem xét tính hợp pháp của nó. Lợi thế của ông Trump là ông không bãi bỏ hay sửa đổi Tu Chính Án 14 mà chỉ “diễn giải” nó theo một cách khác; còn cách diễn giải đó có vượt qua được các thách thức và được Tối Cao Pháp Viện chấp nhận hay không thì hãy chờ xem.