Trung Quốc: Các ông trùm internet từ “thần tượng” thành “tội đồ”

Jack Ma Triệu Vy
Mã Vân (Jack Ma) và Triệu Vy (Zhao Wei), một ông trùm kinh doanh công nghệ và một diễn viên gạo cội – thần tượng của giới trẻ Hoa Lục nhưng đều không thoát được sự trừng phạt của đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh chụp tại một sự kiện từ thiện ở Hàng Châu 2015, của VCG/VCG via Getty Images.

Đảng Cộng sản cầm quyền đang thắt chặt kiểm soát chính trị đối với những công ty internet khổng lồ của Trung Quốc. Đây là một mũi tên bắn nhiều đích: Buộc các tập đoàn tư nhân phải đi theo đường lối kinh tế của đảng, thực hiện tham vọng giảm phụ thuộc vào công nghệ của phương Tây, đồng thời khai thác tài sản của họ để cho chiến lược phân phối lại thu nhập xã hội. 

Ngành công nghiệp dựa vào internet của Trung Quốc phát triển rất mạnh trong suốt hai chục năm qua nhờ sự nuôi dưỡng của chính phủ Bắc Kinh. Trung Quốc một mặt để cho các công ty internet hoạt động khá tự do với rất ít quy định về pháp lý, một mặt ngăn chặn các tập đoàn nước ngoài, không cho phép họ hoạt động ở Trung Quốc để các doanh nghiệp internet nội địa không phải cạnh tranh.

Nếu như các tập đoàn Mỹ và phương Tây phải vắt óc sáng tạo ra các công nghệ mới, những mô hình kinh doanh mới và thường xuyên bị chính quyền và khách hàng giám sát thì các công ty Trung Quốc chủ yếu sao chép các ý tưởng có sẵn và thành công ở phương Tây, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế thị trường Trung Quốc và ung dung thu tiền mà không phải lo tranh giành thị phần với các tập đoàn lớn của thế giới. Tập đoàn Alibaba chẳng hạn là một bản sao của Amazon, Weibo là bản sao của Facebook, Baidu sao chép Google, WeChat bắt chước Twitter, Didi Global giống hệt Uber, v.v…

Nhờ kinh tế tăng trưởng, thị trường lớn nhất thế giới, chỉ riêng thành phần trung lưu đã đông hơn toàn bộ dân số Hoa Kỳ, các công ty internet Trung Quốc nhanh chóng trở thành những gã khổng lồ (giants), nắm trong tay khối tài sản to lớn, và nhất là nắm được dữ liệu cá nhân của hàng tỷ người Trung Quốc. Đó cũng là nơi sản sinh ra những tỷ phú như Jack Ma của Alibaba, Pony Ma của Tencent… – những “thần tượng” mới của giới trẻ Hoa Lục. Những ông trùm tư bản mới nổi này – tuy chưa hề thách thức sự độc quyền chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc, thậm chí một số người là đảng viên cộng sản như Jack Ma – nhưng tài sản và ảnh hưởng của họ đã làm cho giới quan chức chóp bu của đảng phải lo ngại. Và rồi ông Tập Cận Bình – hoàng đế mới của xứ Trung Hoa – đã ra tay.

Trấn áp các con gà đẻ trứng vàng

Các cuộc đàn áp các đế chế internet Trung Quốc bắt đầu vào cuối năm 2020, nhân danh chống độc quyền và bảo mật dữ liệu, đã làm lung lay ngành công nghiệp internet. Các nhà đầu tư lo lắng đã đổ xô bán tháo cổ phiếu, làm bốc hơi hơn $1.3 nghìn tỷ tổng giá trị thị trường của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, nhà điều hành trò chơi và truyền thông xã hội Tencent và một số gã khổng lồ công nghệ khác.

Cuộc đàn áp bắt đầu vào Tháng Mười Một 2020 khi Bắc Kinh bất ngờ ra lệnh cho Ant Group, một công ty con của tập đoàn Alibaba phát triển thành tập đoàn tài chính từ dịch vụ thanh toán trực tuyến Alipay, phải hoãn vào phút cuối việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra thị trường chứng khoán ở Hong Kong và Thượng Hải, phải cơ cấu lại công ty và chịu sự giám sát nghiêm ngặt hơn. Đến Tháng Tư 2021, Alibaba bị chính phủ Trung Quốc phạt 18.3 tỷ nhân dân tệ (tương đương $2.8 tỷ) vì hành vi cấm các nhà cung cấp muốn sử dụng nền tảng của mình để giao dịch với các đối thủ cạnh tranh của Alibaba. Đây là đòn trừng phạt tài chính nặng nhất mà một công ty Trung Quốc phải chịu.

Trong thời gian này, các đơn vị của Alibaba, Tencent, trang phát video trực tiếp Kuaishou, nền tảng mạng xã hội Weibo cũng bị phạt vì phát tán các nhãn dán (sticker) hoặc video ngắn có nội dung khiêu dâm. Dịch vụ âm nhạc trực tuyến của Tencent, mô phỏng iTunes của Apple, đã được lệnh chấm dứt hợp đồng độc quyền với các nhà cung cấp.

Bên cạnh việc chống độc quyền, chính phủ Trung Quốc thắt chặt kiểm soát đối với nguồn dữ liệu do các công ty tư nhân thu thập từ khách hàng của họ – đặc biệt là tại Alibaba và Tencent – những công ty có hàng trăm triệu người dùng. Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc coi thông tin về 1.4 tỷ dân Hoa Lục là một công cụ để theo dõi công chúng và nền kinh tế – và nếu nguồn dữ liệu đó nằm trong tay tư nhân sẽ đặt ra một nguy cơ tiềm ẩn về an ninh. 

Bắc Kinh đã từng thành công trong việc khai thác kho dữ liệu cá nhân trong chiến dịch đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số theo Hồi giáo ở khu vực Tân Cương và vì thế đảng Cộng sản quyết định họ phải độc quyền nắm giữ kho dữ liệu khổng lồ về người dân Trung Quốc. Một đạo luật có hiệu lực từ ngày 1 Tháng Mười Một sắp tới đặt ra các tiêu chuẩn bảo mật, cấm các công ty tiết lộ thông tin mà không có sự cho phép của khách hàng và yêu cầu hạn chế số lượng thông tin mà họ thu thập. Không giống như luật bảo vệ dữ liệu ở các nước phương Tây, luật của Trung Quốc không đề cập tới việc hạn chế quyền truy cập của chính phủ hoặc đảng cầm quyền đối với thông tin cá nhân của công dân.

Tencent Holdings,  tập đoàn giải trí kỹ thuật số lớn nhất Trung Quốc, đã bị trừng phạt theo luật chống độc quyền. Ảnh gian trưng bày của Tencent tại hội nghị trí tuệ nhân tạo thế giới (WAIC) ở Thượng Hải hồi Tháng Bảy. Ảnh Long Wei/VCG via Getty Images.

Chiến lược công nghệ mũi nhọn của Trung Quốc

Tuy vậy, sẽ không đúng nếu nghĩ rằng, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ thủ tiêu các tập đoàn công nghệ internet tư nhân – một sản phẩm của chủ nghĩa tư bản theo thị trường tự do – để tái lập nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung thời trước khi Trung Quốc mở cửa và đổi mới. Ông Tập và giới lãnh đạo chóp bu của đảng hiểu rõ, họ không thể chặn đứng vòng quay của lịch sử, không thể tái lập chế độ công hữu phương tiện sản xuất và quyền điều hành tuyệt đối của nhà nước lên nền kinh tế của đất nước; họ chỉ quyết buộc các công ty tư nhân theo đúng kế hoạch kinh tế mà đảng vạch ra, không được “quá lớn để thất bại” (too big to fail) hoặc độc lập với sự lãnh đạo của đảng.

Mà kế hoạch kinh tế của đảng Cộng sản Trung Quốc là gì? Nói vắn tắt, đó là đuổi kịp và vượt qua Hoa Kỳ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới; buộc cả thế giới phải phụ thuộc ngày càng nặng nề vào nguồn cung ứng hàng hóa và sức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc; lấy kinh tế làm nền tảng để mở rộng ảnh hưởng và xác lập vị thế thống trị toàn cầu của Trung Quốc trong mọi lĩnh vực, từ ngoại giao tới quân sự.

Chiến lược “Made in China 2025” với mục tiêu đến năm 2025 Trung Quốc sẽ có các công ty dẫn đầu thế giới trong những lĩnh vực “công nghệ của tương lai” như trí thông minh nhân tạo, người máy (robot), công nghệ y sinh học, điện toán lượng tử (quantum), viễn thông thế hệ mới v.v… Trung Quốc đang thực hiện chiến lược này bằng nhiều cách, từ đầu tư và trợ cấp hào phóng cho các công ty công nghệ quốc doanh, thâu tóm các công ty công nghệ nước ngoài, thu hút nhân tài từ nước ngoài qua chương trình “Ngàn Tài Năng” (Thousand Talents) và qua các chiến dịch gián điệp mạng, ăn cắp tài sản trí tuệ v.v…  

Các công ty internet Trung Quốc và những người sáng lập của họ như Jack Ma của tập đoàn Alibaba và Pony Ma của Tencent Holdings là một số trong những câu chuyện thành công lớn nhất toàn cầu trong hai thập niên qua. Nhưng con đường làm giàu của các tập đoàn này không hoàn toàn tương thích với đường lối kinh tế của đảng, không chú trọng vào các “công nghệ mũi nhọn” mà chỉ tập trung tạo ra ngày càng nhiều tiện ích cho cuộc sống của tầng lớp trung lưu đô thị Trung Quốc như hiện nay.

Sự kiện Hoa Kỳ ngăn chặn các công ty sản xuất chất bán dẫn cung cấp linh kiện cho tập đoàn viễn thông Huawei Technologies cho thấy một trong những điểm yếu của Trung Quốc là không làm chủ được các công nghệ nguồn và phụ thuộc nặng nề vào một số công nghệ của phương Tây. Sự kiện Huawei có thể coi là một “biến cố Sputnik” thúc đẩy tham vọng công nghệ của Trung Quốc lên một bước mới.

Chính vì thế, một khía cạnh của việc đàn áp các công ty internet là để chuyển nguồn vốn và năng lực sáng tạo vào các công nghệ nguồn của Trung Quốc, giảm phụ thuộc và tiến tới độc lập hoàn toàn với công nghệ của Mỹ và phương Tây. Sự kiện Trung Quốc đưa phi thuyền đáp xuống Hỏa Tinh, xây dựng trạm không gian lớn nhất thế giới trên quỹ đạo trái đất, phát triển hỏa tiễn siêu siêu thanh (hypersonic missiles) cho thấy tham vọng đuổi kịp và vượt Mỹ về công nghệ là rất lớn.

Ngay sau khi bị chính phủ Bắc Kinh trấn áp bằng luật chống độc quyền và bảo vệ dữ liệu, các công ty internet đã bắt đầu đổ tiền vào những lĩnh vực bên ngoài các dịch vụ kinh doanh cốt lõi của họ theo chỉ đạo của đảng. Tập đoàn Alibaba chẳng hạn, cho biết họ sẽ đầu tư $28 tỷ để phát triển phần mềm hệ điều hành (OS), chip xử lý và công nghệ mạng đồng thời cam kết dành $1 tỷ để nuôi dưỡng 100,000 chuyên viên điện toán và công ty khởi nghiệp công nghệ trong ba năm tới. Công ty Tencent đã hứa đầu tư $70 tỷ vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

Còn tập đoàn Meituan, một nền tảng thương mại điện tử, giao hàng và dịch vụ – đã huy động $10 tỷ để phát triển xe hơi tự lái và robot. Những kế hoạch đầu tư “ngoài ngành” này có thể không nhắm tới lợi nhuận mà chủ yếu để thể hiện lòng trung thành của giới tư bản công nghệ với đảng và nhà nước Trung Quốc.

Nhà đầu tư tính lại

Cuộc trấn áp của chính quyền và sự chuyển hướng kinh doanh của các công ty internet làm cho giới đầu tư quốc tế phải suy tính lại. Nhiều nhà đầu tư đã chứng kiến tài sản của mình trong các công ty này bị bốc hơi trong vài tháng qua. Giá cổ phiếu của tập đoàn Tencent chẳng hạn, kết thúc giao dịch cuối Tháng Chín 2021 ở mức $57.83, giảm 41% so với mức đỉnh $99.10 hồi giữa Tháng Hai, tổng giá trị $575 tỷ của tập đoàn giảm còn $350 tỷ; số tiền mất đi tương đương với giá trị của tập đoàn Nike Inc. hoặc công ty dược Pfizer Inc.

Ông Masayoshi Son, Giám đốc điều hành tập đoàn Softbank Nhật Bản – một nhà đầu tư toàn cầu nổi tiếng và là nhà đầu tư ngoại quốc đầu tiên đổ tiền vào Alibaba – cho biết vào ngày 11 Tháng Tám rằng Softbank sẽ ngừng các giao dịch mới tại Trung Quốc. Softbank mới đây đã đầu tư $11 tỷ vào dịch vụ gọi xe Didi Global nhưng giá cổ phiếu của công ty này đã giảm hơn 1/3 kể từ khi ra mắt trên thị trường chứng khoán Mỹ vào ngày 30 Tháng Bảy. 

Vụ trấn áp công ty Didi Global cũng là một ví dụ tiêu biểu cho cách hành xử của Bắc Kinh với một doanh nghiệp công nghệ tư nhân. Didi Global là bản sao của Uber tại Trung Quốc, giám đốc điều hành của nó, được đào tạo tại Hoa Kỳ, lại là người thân quen với Jack Ma của Alibaba nên khó tránh được búa liềm của Bắc Kinh. Một ngày sau khi phát hành cổ phần lần đầu ở New York, thu về $4.4 tỷ vốn đầu tư, Didi Global bị chính phủ Bắc Kinh mở cuộc điều tra vì nghi ngờ dữ liệu cá nhân của 377 triệu hành khách sử dụng dịch vụ của Didi sẽ bị chuyển giao cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Ai cũng biết mối nghi ngờ này hoàn toàn không có căn cứ vì hầu hết người mua cổ phần của Didi không tham gia điều hành công ty, không có liên quan gì tới kho dữ liệu đó. Nhưng thông tin công ty bị điều tra đã khiến giá cổ phiếu của Didi giảm 5%. Hai ngày sau, Bắc Kinh ra lệnh cho các hãng điện thoại di động của nước này không cho phép người dùng cài đặt ứng dụng gọi xe của Didi và không cho phép gọi xe từ ứng dụng này nữa. Cổ phiếu của Didi Global giảm thêm 20%, tương đương $22 tỷ. Từ ngày 1 Tháng Bảy đến hôm nay 4 Tháng Mười, cổ phiếu của Didi Global giảm từ $16.4 xuống còn $7.2, giảm tới 56%!

Phân phối lại thu nhập kiểu Mao

Bắc Kinh cũng đang sử dụng cuộc đàn áp các công ty internet để thực hiện một chiến lược gọi là thu hẹp khoảng cách giàu nghèo rất nhạy cảm về mặt chính trị của Trung Quốc. Dưới chiêu bài “sự thịnh vượng chung”, Trung Quốc thúc đẩy các gã khổng lồ công nghệ chia sẻ sự giàu có của họ với nhân viên và người tiêu dùng.

Hồi Tháng Năm, chính quyền ra lệnh cho các công ty Didi, Meituan, các doanh nghiệp giao hàng và gọi xe khác phải giảm tỷ lệ phí thu của lái xe, và cải thiện lợi ích của họ. Giám đốc điều hành của Meituan, ông Vương Hưng (Wang Xing) hứa sẽ quyên góp $2.3 tỷ cho các sáng kiến ​​về môi trường và xã hội của chính phủ; ông Pony Ma của Tencent cam kết làm từ thiện $2 tỷ. Còn tập đoàn Alibaba cam kết chi ra 100 tỷ nhân dân tệ ($15,5 tỷ) cho việc tạo việc làm, phát triển nông thôn và các sáng kiến ​​khác để hỗ trợ chiến dịch “thịnh vượng chung” (common prosperity) của ông Tập.

Các kế hoạch phân phối lại thu nhập không phải bằng chính sách thuế mà bằng vận động đi kèm cưỡng bức chính trị như vậy “gợi nhớ đến các chiến lược vận động quần chúng và chủ nghĩa dân túy” của những năm 1950 và 60 dưới thời lãnh đạo lúc bấy giờ là Mao Trạch Đông, bà Angela Zhang, chuyên gia về luật chống độc quyền của trường Luật thuộc Đại học Hồng Kông, nhận xét với hãng tin AP.

Cuộc trấn áp và siết chặt kiểm soát các công ty internet lớn của Trung Quốc chưa có dấu hiệu dừng lai. Nhà đầu tư càng lo hơn khi đảng này cho biết việc chống độc quyền sẽ là một ưu tiên đến năm 2025. Các doanh nhân, luật sư và nhà kinh tế cho rằng chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình dường như sẽ không chùn tay ngay cả khi tăng trưởng kinh tế bị tác động xấu bởi chính sách đàn áp. Thậm chí, có người nhận định rằng, những đòn đánh vào giới siêu giàu của Trung Quốc, cùng với chiến dịch tuyên truyền rộng rãi về tái lập công bằng xã hội qua khẩu hiệu “sự thịnh vượng chung” mà đảng Cộng sản mới khởi xướng gần đây có thể giúp ích cho ông Tập về mặt chính trị trong việc giành được nhiệm kỳ năm năm thứ ba ở cương vị lãnh đạo đảng. 

Vì vậy, mặc dù nhiều quan chức Trung Quốc thừa nhận chiến dịch trấn áp các công ty internet gây ra một chi phí kinh tế không hề nhỏ nhưng không ai dám lên tiếng nói với Tập Cận Bình rằng, chính sách của ông ta có hại cho Trung Quốc.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: