Trung Quốc siết chặt cổ Việt Nam bằng bẫy nợ như thế nào?

Núi liền núi, sông liền sông và nợ liền nợ! (Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp người đồng cấp Việt Nam Phạm Bình Minh tại Hà Nội ngày 10 Tháng Chín 2021 (ảnh: Jiang Shengxiong/Xinhua/Getty Images)
Thời Sự
Thời Sự
Podcast: Khi Trung Quốc siết cổ Việt Nam
/

Từ một nước nhận viện trợ, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ trở thành nước cho vay và viện trợ lớn nhất thế giới. Việt Nam là một trong nhiều nước vay vốn của Trung Quốc, nhưng ít ai biết được quy mô của món nợ, mục đích vay vốn và cái giá chính trị phải trả cho món vay đó, chỉ biết càng vay mượn nhiều Hà Nội càng lún sâu vào vòng kiềm tỏa của Bắc Kinh.

Dữ liệu về viện trợ và cho vay được Trung Quốc coi là “bí mật quốc gia”, giữ rất kỹ; ngay cả những hợp đồng cho vay giữa Trung Quốc và các nước cũng có những điều khoản bảo mật khiến cho việc phân tích, đánh giá về hoạt động cho vay của Trung Quốc rất khó khăn. Mới đây, Trung tâm AidData của Đại học William & Mary ở Virginia hợp tác với các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard và Đại học Heidelberg ở Đức đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh về hoạt động cho vay của Trung Quốc và tác động của nó đến tình hình thế giới.

Báo cáo của AidData cho thấy, cho đến năm 2008, viện trợ và cho vay của Trung Quốc vẫn kém xa Hoa Kỳ, nhưng từ năm 2009 xu thế đó bị đảo ngược và từ đó Trung Quốc cho vay nhiều hơn hẳn so với Hoa Kỳ; ví dụ năm 2009 Trung Quốc cho nước ngoài vay $70 tỷ, gấp đôi mức $35 tỷ của Hoa Kỳ.

Dữ liệu của AidData ghi nhận trong 18 năm (2000-2017), Trung Quốc đã viện trợ hoặc cho vay thực hiện 13,427 dự án, trị giá $843 tỷ ở 165 quốc gia; đa số các dự án này nằm trong sáng kiến Vành Đai và Con Đường (BRI) – chiến lược trọng tâm của ông Tập Cận Bình.

Nhưng Trung Quốc và phương Tây phân phối tiền vay theo hai cách hết sức khác nhau. Phần lớn (93%) viện trợ và cho vay của phương Tây thực hiện đúng định nghĩa quốc tế về hỗ trợ phát triển chính thức (official development assistance – ODA) nhằm phát triển kinh tế và phúc lợi của nước đi vay, tức là các nước đang phát triển có thu nhập trung bình và thấp (low and middle income countries – LMIC); khoảng 25% tổng số tiền là viện trợ trực tiếp không hoàn lại (direct grant). Trung Quốc rất hiếm khi viện trợ không hoàn lại, chỉ dành 21% cho các khoản vay ODA, phần lớn là cho vay thương mại mà nước vay phải hoàn trả với lãi suất cao, thuật ngữ tài chính gọi là OOF (Official Other Flows). Khi cho nước khác vay, Trung Quốc không chỉ nhằm mở rộng ảnh hưởng chính trị mà còn đặt mục tiêu thu lợi về kinh tế, chiếm những nguồn tài nguyên quý hiếm và thực hiện chiến lược bá chủ trên toàn cầu.

Những quốc gia dính vào bẫy nợ của Trung Quốc, tính theo tỉ đôla – theo khảo sát mới nhất “Global Chinese Official Finance Dataset” của AidData công bố ngày 29 Tháng Chín 2021

Là nước gần gũi Trung Quốc, Việt Nam đã vay bao nhiêu tiền của nước láng giềng? Câu hỏi đó không dễ trả lời. Theo tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu Chuyên gia tài chính của Liên Hiệp Quốc phụ trách các tài khoản quốc gia thì kể từ năm 2011, Bộ Tài chính Việt Nam đã chấm dứt việc công bố nợ với từng nước mà chỉ công bố tổng số nợ nước ngoài. “Bản tin nợ nước ngoài số 7 công bố năm 2011 cho thấy tổng số nợ của chính phủ Việt Nam với Trung Quốc tính đến hết năm 2010 lên đến 552 triệu đô la Mỹ và khoản nợ do chính phủ bảo lãnh là 1,12 tỉ đô la. Như vậy tổng số nợ Trung Quốc tính đến cuối năm 2010 mà chính phủ trách nhiệm là 1,64 tỉ đô la”, ông Việt viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn năm 2018. 

Nhưng theo dữ liệu công bố ngày 29 Tháng Chín vừa qua của Trung tâm AidData, Việt Nam đã vay của Trung Quốc $18.37 tỷ trong thời gian 2000 – 2017, trong số này có $16.35 tỷ là vay thương mại và chỉ có $1.37 tỷ là vốn ODA. Việt Nam xếp thứ tám trong các nước vay nhiều vốn Trung Quốc nhất. Khối nợ này cao hơn nhiều lần so với dữ liệu công bố của chính quyền và chiếm khoảng 5.8% GDP của Việt Nam. 

Những quốc gia dính vào bẫy nợ của Trung Quốc, tính theo tỉ trọng GDP – theo khảo sát mới nhất “Global Chinese Official Finance Dataset” của AidData công bố ngày 29 Tháng Chín 2021

Và đây mới chỉ là số nợ tính tới năm 2017. Từ đó đến nay Việt Nam vẫn tiếp tục vay mượn ngày càng nhiều, nhưng việc vay vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund) và Ngân hàng Phát triển châu Á (Asia Development Bank)… đã không còn thuận lợi như trước do Việt Nam không còn được coi là nước cần ưu đãi về tài chính để xóa đói giảm nghèo. Sự thay đổi này khiến Hà Nội không có lựa chọn nào khác là tìm tới nguồn tiền vay từ Trung Quốc.

Ai là người vay nợ của Trung Quốc? Về đại thể, chính phủ Việt Nam thường vay tiền để bù vào khoản thâm hụt ngân sách do thường xuyên chi nhiều hơn thu; chính phủ cũng đứng ra bảo lãnh để các tập đoàn, công ty quốc doanh của nhà nước vay tiền thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng hoặc nhà máy xí nghiệp theo các kế hoạch kinh tế mà Hà Nội đề ra. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thường được nói tới như là con nợ lớn nhất và hầu hết các dự án xây dựng nhà máy điện của tập đoàn này đều sử dụng vốn vay của Trung Quốc. Các tập đoàn Hóa chất, Thép, Đường Sắt v.v. và hàng chục tập đoàn công ty khác cũng dựa vào nguồn vốn vay của Trung Quốc. Các “quả đấm thép” – nói theo từ ngữ của cựu Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, hầu như đều làm ăn thua lỗ, đốt tiền như đốt vàng mã nhưng vẫn được chính phủ Hà Nội ưu ái vì cho rằng đó là thành phần kinh tế “chủ đạo” của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Về phía người cho vay, chính phủ Trung Quốc không đứng ra trực tiếp cho vay mà thông qua các ngân hàng của nhà nước, chủ yếu là Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu Trung Quốc (China Eximbank), Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (China Development Bank) hoặc các tập đoàn tư nhân như Huawei Technologies. Đa số các món nợ do vậy không hiển thị trong sổ sách kế toán chính thức của chính phủ Bắc Kinh và khi xảy ra tranh tụng thì chính phủ Trung Quốc coi như không dính dáng tới.

Dữ liệu AidData ghi nhận có đến $385 tỷ được cho vay dưới hình thức này và gọi số nợ $385 tỷ này là “nợ ngầm” (hidden debt). Các khoản nợ ngầm ngoài sổ sách chứa nhiều nguy cơ cho các nước vay nợ. AidData cũng cho biết trong số nợ thương mại $16.35 tỷ của Việt Nam có một nửa là hidden debt.

Vay nợ của Trung Quốc không hề rẻ. Lãi suất các khoản mà Trung Quốc cho nước khác vay thường ngang với lãi suất thị trường, khoảng 3%/năm, cộng thêm 0.5% phí quản lý, 0.5% phí cam kết, tổng số khoảng 4.0%. Mức tiền lời này cao hơn rất nhiều lần so với lãi suất 0% của Đan Mạch, 0.2% của Tây Ban Nha, 0.6-1.2% của Nhật Bản, 1.04% của Pháp, 0.75% của Đức, 1.75% của Ấn Độ và 0.9% của các tổ chức tài chính quốc tế, theo dữ liệu của tiến sĩ Việt. 

Trung Quốc buộc các nước vay nợ phải thế chấp (cầm cố) bằng tài nguyên khoáng sản, các cơ sở hạ tầng thiết yếu, đất đai và tài khoản ngoại tệ quốc gia để khi không trả được vốn và lãi, Trung Quốc sẽ chiếm các tài sản thế chấp đó để trừ nợ. Trường hợp của Lào cuối năm ngoái phải bán cho một công ty Trung Quốc mạng lưới điện quốc gia với giá $600 triệu sau khi vay tiền Trung Quốc xây dựng tuyến đường sắt Yumo nối Lào với tỉnh Vân Nam Trung Quốc, hay trường hợp của Sri Lanka phải giao cho Trung Quốc cảng Hambantota sau khi vay tiền để mở rộng hải cảng này là những ví dụ về “bẫy nợ” của Trung Quốc.

Và như vừa nói trên, phần lớn tiền Việt Nam vay của Trung Quốc là tín dụng thương mại, nước đi vay phải chịu nhiều điều kiện ràng buộc rất bất lợi, chẳng hạn như phải sử dụng nhà thầu và công nhân Trung Quốc, phải mua thiết bị và công nghệ Trung Quốc – gồm cả những thiết bị và công nghệ mà Trung Quốc thải ra, như trường hợp các nhà máy nhiệt điện đốt than đang được xây dựng ồ ạt ở các tỉnh ven biển Việt Nam. Việc cho phép hàng chục ngàn người lao động Trung Quốc sang Việt Nam “thực hiện dự án”, phần đông đều không trở về nước mà định cư lấy vợ sinh con ở Việt Nam đã và đang đặt ra những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh quốc gia và gây phẫn nộ trong dân chúng địa phương.

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc thực hiện đầy tai tiếng và gây phẫn nộ trong dân chúng. (Ảnh báo Lao Động)

Các nhà thầu Trung Quốc có nhiều tai tiếng về làm chậm tiến độ, nâng giá dự án lên gấp đôi gấp ba, thiếu minh bạch và chất lượng công trình kém cỏi. Công trình đường sắt Cát Linh – Hà Đông ở Hà Nội bị đội vốn từ $419 triệu lên $866 triệu và sau 13 năm vẫn chưa hoàn thành đoạn đường chỉ dài 13 cây số là một ví dụ tiêu biểu cho các dự án vay vốn Trung Quốc khiến dư luận hết sức bức xúc.

Theo AidData, Việt Nam là nước chậm trễ thứ năm trong việc thực hiện các dự án kinh tế sử dụng vốn của Trung Quốc, bình quân mỗi dự án bị chậm trễ 1,783 ngày (4.9 năm); Việt Nam cũng xếp thứ tư trong 10 quốc gia có các dự án đầy “tai tiếng, tham nhũng”.

Theo tiến sĩ Vũ Quang Việt, từ lâu các cán bộ tài chính Việt Nam đã nhìn thấy thực tế đó và “định hướng trong thời gian tới đối với việc vay nguồn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc cần được xem xét, cân nhắc”. Nhưng chính quyền Việt Nam chẳng những không xem xét cân nhắc mà càng ngày càng lún sâu vào cái bẫy nợ mà Bắc Kinh đã giăng ra. Tại sao lại như vậy?

Giáo sư Zachary Abuza của Đại học National War College ở Washington D.C. nhận xét, Việt Nam hy vọng gắn bó mật thiết hơn với Trung Quốc sẽ giúp hạn chế hành vi đe dọa, bắt nạt và xâm lấn của Bắc Kinh. Có thể như vậy, nhưng có một lý do khác không kém phần quan trọng là các món vay của Trung Quốc không có ràng buộc về cải cách quản trị, về dân chủ, nhân quyền, về tính minh bạch chống tham nhũng như điều kiện vay vốn từ các nước phương Tây. Nói cách khác, Trung Quốc rất biết lấy lòng các nhà lãnh đạo độc tài. Ngoài ra, các doanh nhân Trung Quốc rất giỏi đút lót, đưa hối lộ cho các quan chức cầm quyền để thực hiện ý đồ; còn các quan chức Việt Nam thì chẳng quan tâm tới phẩm chất dự án hay bẫy nợ mà chỉ cần tiền tham nhũng để vinh thân phì gia trước khi “hạ cánh an toàn”.

Trung tâm AidData cảnh báo nguồn vốn và cho vay của Trung Quốc đang lôi kéo các nước nghèo lảng tránh các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế, củng cố các chế độ độc tài, tham nhũng và xói mòn công cuộc dân chủ hóa trên toàn cầu. Ở Việt Nam, món nợ ngày càng lớn với Trung Quốc còn đặt ra nhiều rủi ro chính trị và tác động tới chính sách của Việt Nam trước những hành vi đe dọa, cưỡng bức và xâm lấn của nước láng giềng phương Bắc, nhất là trong vấn đề Biển Đông. Chừng nào Việt Nam còn có đủ tiền trả tiền lời, với lãi suất cao, cho Trung Quốc thì Hà Nội chưa phải lo nghĩ nhiều, nhưng khi kinh tế đình đốn, ngân sách suy sụp như hiện nay thì nguy cơ bị Bắc Kinh “xiết nợ” đã hiển hiện mà Lào và Sri Lanka là những “tấm gương tày liếp”. 

Sợi xích ràng buộc chủ nợ-con nợ cùng với sự tương đồng về thể chế chính trị độc tài đảng trị sẽ khiến Việt Nam khó mà thoát ra khỏi sự khống chế của Trung Quốc, bây giờ và cả trong tương lai.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: