Trung Quốc và bầu cử tổng thống Mỹ

Còn ba tuần nữa người Mỹ sẽ đi bầu tổng thống. Mặc dù đề tài Trung Quốc không thật sự nổi bật trong các cuộc tranh luận của các ứng cử viên tổng thống Donald Trump và Joe Biden, ứng viên phó tổng thống Mike Pence và Kamala Harris, cái bóng của Bắc Kinh vẫn lởn vởn trong đời sống chính trị Mỹ, theo một bình luận của The Washington Post.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã rơi xuống mức thấp nhất từ trước tới nay, và nhiều quan sát viên nhận định, một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang diễn ra giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Trong bối cảnh đó, chỉ còn ba tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các vấn đề như chính sách đối với Trung Quốc của các ứng cử viên, Trung Quốc ủng hộ ai làm ông chủ Tòa Bạch ốc trong bốn năm sắp tới là những đề tài đang được chú ý.

Trung Quốc và Mỹ – cuộc đấu mới

Trong gần bốn năm cầm quyền, tổng thống Donald Trump đã mang lại không ít lợi ích cho Trung Quốc nhưng cũng làm cho Bắc Kinh nhiều phen điên đầu. Việc ông Trump rút Mỹ ra khỏi các hiệp ước quốc tế như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, cùng hàng loạt động tác xa rời các đồng minh truyền thống và đối đầu với các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới… đã tạo môi trường thuận lợi để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu. Tuy nhiên, với cuộc thương chiến đang diễn ra trên mọi lĩnh vực, cùng những đòn , chính phủ Trump đã đặt nền tảng cho một cuộc cạnh tranh cường quốc sẽ tiếp tục kéo dài trong trong nhiều thập niên nữa.

Trong nhiều vấn đề Tòa Bạch ốc đã biến Bắc Kinh thành thủ phạm để đổ lỗi, từ cung cách thương mại không sòng phẳng tới việc che giấu đại dịch Covid-19, từ việc sử dụng các công ty công nghệ làm con ngựa thành Troy để do thám đối phương tới đàn áp các sắc tộc thiểu số ở Tân Cương và đàn áp quyền tự do dân chủ ở Hong Kong. Không chỉ tổng thống Trump hay đội ngũ cố vấn thân cận của ông có quan điểm phản đối Trung Quốc mạnh mẽ mà các chính trị gia ở cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, ở cả hai viện Quốc hội Mỹ đều đồng thuận coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược, là mối đe dọa trầm trọng trước mắt và lâu dài cho lợi ích của Mỹ.

Chính Trung Quốc và lối cai trị độc đoán của chủ tịch Tập Cận Bình đã góp phần làm thay đổi thái độ của chính giới Mỹ. Kể từ khi lên nắm quyền năm 2012, ông Tập đã đảo ngược quá trình cải tổ của Trung Quốc theo hướng gia tăng đàn áp, diệt trừ các đối thủ chính trị, gia tăng giám sát công dân và siết chặt quyền kiểm soát của Bắc Kinh ở các vùng lãnh thổ ngoại vi bất ổn. Đối ngoại, Trung Quốc ngày càng hung hăng và quyết đoán, thường xuyên xâm lấn, quấy nhiễu hoặc đe dọa các nước lân bang, từ Ấn Độ, Đài Loan, Nhật Bản, các nước Biển Đông cho đến tận Úc Châu.

Tất cả những chính sách đó của Trung Quốc đã làm cho giới học giả “diều hâu” nhiều nước đánh giá Trung Quốc là một chế độ chuyên chế khổng lồ của thế kỷ, một đối thủ ý thức hệ đáng gờm của chế độ dân chủ phương Tây.

Ông Trump và Trung Quốc

Trên đường vận động tranh cử, ông Donald Trump nhiều lần nhấn mạnh rằng trong hai ứng cử viên tổng thống, ông là người cứng rắn với Trung Quốc nhất. Ông cho rằng đối thủ, cựu phó tổng thống Joe Biden, là người của một thời đại đã qua, khi các chính trị gia hàng đầu của Mỹ và giới lãnh đạo doanh nghiệp đều nhiệt thành tìm cách gắn bó với Trung Quốc, lôi kéo đất nước đông dân nhất hành tinh này vào cơ cấu kinh tế thế giới. Theo quan điểm của ông Trump và các cố vấn thân cận của ông, chính quan niệm “toàn cầu hóa” sai lệch này đã đẩy nền sản xuất công nghiệp của Mỹ sang Trung Quốc, gây ra bao tai họa kinh tế cho Mỹ.

Trong bốn năm cầm quyền vừa qua, ông Trump tìm cách lập lại sự cân bằng, chủ yếu là giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Ông phát động cuộc thương chiến Mỹ-Trung, trong đó hai bên áp đặt thuế suất bảo hộ lên hàng hóa của nhau. Tuy vậy, dữ liệu kinh tế cho thấy, trong bốn năm qua, thâm hụt thương mại của Mỹ trong buôn bán với Trung Quốc chẳng những không giảm mà vẫn tiếp tục tăng, hiện đã vượt mức 400 tỷ Mỹ kim mỗi năm.

Theo nhà nghiên cứu Ryan Hass của Viện Brookings, trong khi tổng thống Trump chăm chú vào việc cân bằng cán cân thương mại thì chính phủ và Quốc hội Mỹ coi quan hệ Mỹ-Trung như một cuộc cạnh tranh đa phương diện, các cuộc đối đầu gia tăng trên nhiều mặt trận khác. Các trợ thủ của ông Trump, đặc biệt là bộ trưởng ngoại giao Mike Pompeo, bằng nhiều bài phát biểu, đã thúc đẩy nhận thức về một cuộc xung đột ý thức hệ với Trung Quốc, coi Trung Quốc là kẻ thù lớn của thời đại, một “kẻ bá quyền cộng sản” thù địch với các giá trị dân chủ tự do không chỉ của nước Mỹ mà của toàn nhân loại. Chính phủ Trump cũng đã thành công nhất định trong việc vận động một số nước đồng minh châu Âu, Úc và Nhật Bản thay đổi quan điểm và thái độ ứng xử với Trung Quốc, nhất là sau khi xảy ra đại dịch coronavirus xuất phát từ Vũ Hán.

Với thái độ thù địch ngày càng tăng của Washington, sẽ là điều dễ hiểu khi Bắc Kinh muốn ông Trump bị thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới, theo nhận định của các cơ quan tình báo Mỹ trong một tường trình gần đây. “Họ [Trung Quốc] muốn thấy Tổng thống [Trump] bị thất cử… Trung Quốc – cũng như Nga, cũng như Iran – họ sử dụng tấn công mạng (cyberattack), lừa đảo qua mạng (phishing) và những hoạt động kiểu đó nhắm vào cơ sở hạ tầng bầu cử của chúng ta, nhắm vào các trang web và những thứ tương tự,” cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien nói trên đài CBS tháng trước.

Nhưng điều trái khoáy là ở chỗ, hành động quyết liệt của Mỹ chẳng những không làm cho đảng Cộng sản Trung Quốc phải thay đổi đường hướng của họ mà ngược lại càng củng cố vị thế của ông Tập Cận Bình trong dân chúng Trung Hoa và cả trên vũ đài quốc tế. Từ khi Mỹ bắt đầu cuộc thương chiến và chiến dịch lên án Bắc Kinh suốt hai năm qua, giới lãnh đạo Trung Quốc có căn cứ để tố cáo Washington mưu toan ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc, can thiệp vào nội tình Trung Quốc và tôn xưng đảng Cộng sản như là người bảo vệ lợi ích của đất nước Trung Quốc trước sự chèn ép của ngoại bang. Vì lẽ đó, Trung Quốc chưa công khai thể hiện quan điểm về các ứng cử viên tổng thống Mỹ mà đang âm thầm theo dõi sát tình hình, chuẩn bị sẵn sàng để tận dụng cơ hội tốt nhất cho dù ông Trump thắng hay thua trong cuộc bầu cử sắp tới.

Ông Biden và Trung Quốc

Cũng như ông Trump, ứng cử viên Joe Biden cũng thường khoe khoang về mối quan hệ với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng các phụ tá của ông nhấn mạnh rằng, nếu đắc cử, ông Biden sẽ lãnh đạo một chính quyền Mỹ cứng rắn với Bắc Kinh – thậm chí cứng rắn hơn chính phủ hiện nay của ông Trump. Điều đó phản ánh sự thay đổi quan điểm về Trung Quốc trong cả hai đảng chính trị lớn nhất của Mỹ.

 Ông Kurt Campbell, nhà ngoại giao hàng đầu về châu Á trong chính phủ Obama trước đây, nhận xét với báo The Wall Street Journal: “Tôi nghĩ có một sự đồng ý rộng rãi trong đảng Dân Chủ rằng ông Trump đã rất chính xác trong việc chẩn đoán cung cách hành xử mang tính cướp bóc của Trung Quốc.” Nhưng, khác với ông Trump, ông Biden nói ông ta cũng sẽ tập trung vào các vấn đề nhân quyền và giá trị dân chủ là những thứ mà ông Trump ít quan tâm.

Chính vì thế, một số học giả Trung Quốc cảnh báo về các nguy cơ cho Bắc Kinh nếu ông Biden thay thế ông Trump trong bốn năm sắp tới. Chu Hiểu Minh (Zhou Xiaoming), cựu thương thuyết gia Trung Quốc nói với Bloomberg News: “Tôi nghĩ, nếu Biden thắng cử sẽ nguy hiểm hơn cho Trung Quốc, vì ông ta sẽ làm việc với các đồng minh để chống Trung Quốc trong khi ông Trump đã phá vỡ các liên minh”. Ông Chu nói nhiều quan chức ở Bắc Kinh chia sẻ mối lo này của ông.

Trình Tiểu Hà (Cheng Xiaohe), phụ tá giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân Bắc Kinh nói với The New York Times: “Biden sẽ làm cho đường lối cứng rắn của Mỹ trở nên có hiệu quả hơn. Ông ta sẽ áp dụng các chiến thuật tinh vi hơn, có phối hợp tốt hơn để chống lại Trung Quốc”.

Có một giả định ngấm ngầm rằng một chính quyền của Joe Biden sẽ không thất thường như chính quyền Trump và có khả năng củng cố mối quan hệ đồng minh với các cường quốc châu Á để “bao vây” Trung Quốc. Đó là quan điểm phổ biến trong giới nghiên cứu chính sách của Bắc Kinh hiện nay.

Nhưng trong giới ngoại giao ở châu Á, càng ngày người ta càng đánh giá cao quyết tâm rõ ràng của Trump đối với Bắc Kinh và lo ngại nếu phải quay về với thứ chính trị nước đôi lập lờ của thời Obama – Biden trước đây. Quan tâm của các chính trị gia châu Á không phải là ở chỗ ai sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc mà chính sách của Washington đối với Bắc Kinh như thế nào, độ tin cậy và tính chất nhất quán của chính sách đó như thế nào để họ có căn cứ hoạch định chính sách quốc gia của riêng họ. 

*

Thời đại hòa dịu với Bắc Kinh đã qua rồi, cho dù ai chiến thắng trong cuộc đua vào Tòa Bạch ốc. Vấn đề Trung Quốc sẽ không biến mất sau cuộc bầu cử mà sẽ ngày càng nổi lên thành vấn đề trung tâm trong quan hệ đối ngoại của Mỹ và trong ngoại giao quốc tế nói chung.

Xây dựng một chiến lược hợp lý để ứng phó với Trung Quốc – đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Hoa Kỳ – sẽ là trách nhiệm không thể tránh khỏi của chính quyền tổng thống Mỹ tiếp theo, bất kể người thắng là ai, ông Ryan Hass nhận định.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: