Tại phiên rà soát, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung của Bộ Công an nói hiến pháp Việt Nam đã nghiêm cấm tra tấn, truy bức, nhục hình. Còn Ủy ban CRPD có quan sát kết luận gì về quyền người khuyết tật ở Việt Nam?
Ngày 25 Tháng Ba 2025 vừa qua, Ủy ban LHQ về quyền người khuyết tật (Committee on the Rights of Persons with Disabilities, viết tắt CRPD) đã công bố các quan sát kết luận sau phiên rà soát nhà nước Việt Nam.
Ngày 6 Tháng Ba, trước phiên rà soát, phái đoàn của BPSOS đã họp với Ủy ban CRPD để nói về hai nhóm chính bị từ chối sự trợ giúp và dịch vụ cho người khuyết tật: thương phế binh Việt Nam Cộng hòa, và nạn nhân tra tấn bị sang chấn tâm lý và vấn đề tâm thần.
Ngoài ra, BPSOS cũng nói về người Thượng và người H’mông bị khuyết tật, và về nạn nhân buôn người bị đánh đập thành tàn phế. Nhiều người trong các nhóm này cũng không được nhận các dịch vụ và hỗ trợ cho người khuyết tật.
Vậy Ủy ban CRPD nói gì trong quan sát kết luận? Họ có nhắc tới những vấn đề BPSOS đã nêu ra không?

Vấn đề thương phế binh VNCH
Có mặt tại Geneva, Thụy Sỹ để phát biểu ở góc độ nhân chứng là cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển, khi bị bắt năm 2017 đang là tình nguyện viên của Văn phòng Công lý – Hòa bình của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. Ông nói về cách nhà nước Việt Nam phân biệt, kỳ thị thương phế binh VNCH—không những không giúp đỡ họ mà còn cấm cản các chương trình hỗ trợ của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, và tống đi những người đang được che chở tại Vườn rau Lộc Hưng.
Quan sát kết luận của Ủy ban CRPD về Việt Nam nói “Vẫn còn phân biệt đối xử với các nhóm thiểu số như người bản địa khuyết tật, người khuyết tật sau chiến tranh, người khuyết tật về trí tuệ và/hoặc tâm lý xã hội, cũng như người tự kỷ.”
Họ không nhắc cụm từ VNCH, nhưng có nói “Trong 50 năm qua, hàng chục ngàn thương phế binh chỉ nhận được hỗ trợ từ các tổ chức từ thiện của người Việt ở nước ngoài, không phải từ chính phủ.”
Họ không nêu đích danh Dòng Chúa Cứu Thế, nhưng có nói về việc Việt Nam đàn áp “các tổ chức Thiên Chúa giáo hỗ trợ người khuyết tật.”
Vấn đề nạn nhân bị tra tấn
Tại Geneva, ông Nguyễn Bắc Truyển cũng tố cáo việc nhà nước Việt Nam tra tấn trong “tù cải tạo” trước đây, và tra tấn tù nhân lương tâm hiện nay.
Tại phiên rà soát cũng như trong phần bổ sung thông tin ngay sau đó, chính quyền Việt Nam cương quyết khẳng định Việt Nam hoàn toàn không có nhục hình hay tra tấn, đã có điều luật nghiêm cấm, đã có quy định trừng phạt.
Ngay lập tức BPSOS đã chuyển cho Ủy Ban CRPD các thông tin xác thực về nạn tra tấn vẫn hoành hành ở Việt Nam.
Trong quan sát kết luận, Ủy ban CRPD nói Việt Nam vẫn còn nạn tra tấn và ngược đãi trong trại giam, thiếu cơ chế cho người dân khiếu nại, thiếu dữ liệu về vấn đề tra tấn và ngược đãi.
Vấn đề người Thượng và người H’mông khuyết tật
Ủy ban CRPD nhắc nhiều lần tới người bản địa dù nhà nước không công nhận khái niệm này – ở Việt Nam người bản địa là người Thượng, người Chăm, người Khmer Krom, v.v.
Ủy ban CRPD nói tới người bản địa và vấn đề tiếp cận thông tin, tiếp cận dịch vụ y tế; khả năng người khuyết tật, bao gồm người bản địa khuyết tật, được tham vấn và có thể tham gia vào quá trình “phát triển, thực hiện, và giám sát tất cả các luật và chính sách liên quan đến người khuyết tật”; việc cung cấp “ngôn ngữ ký hiệu, chữ nổi, định dạng dễ đọc” bằng ngôn ngữ bản địa; quy trình tố tụng hợp pháp (due process) và biện pháp bảo vệ và hỗ trợ người khuyết tật, đặc biệt phụ nữ và người bản địa, trong trại giam hay nhà tù; cơ chế khiếu nại khi bị tra tấn hoặc ngược đãi; điều kiện sống và khả năng tiếp cận mọi thứ ở vùng sâu vùng xa; vấn đề đào tạo nhân viên y tế biết cách tương tác với người khuyết tật, bao gồm người bản địa; v.v.
Họ cũng nói tới việc nhiều người “gặp khó khăn khi muốn có giấy khai sinh hoặc căn cước công dân”. Đó là vấn đề BPSOS đã nêu ra về cộng đồng người H’mông: bị ép bỏ đạo và đuổi khỏi làng, hàng chục ngàn người di cư vào Nam, hộ khẩu không có, từ đó không có căn cước công dân, vợ chồng cưới nhau không được giấy kết hôn, con cái sinh ra không có giấy khai sinh, muốn đi bệnh viện thì không có bảo hiểm y tế—người thường đã vậy, thế còn người khuyết tật?
Tại buổi rà soát, phái đoàn đại diện nhà nước khẳng định không có việc người dân không có căn cước công dân, và cũng không có kỳ thị người H’mông bị khuyết tật. BPSOS đã gửi ngay 4 hồ sơ điển hình cho Ủy ban CRPD tham khảo.
Các vấn đề khác về người khuyết tật
Ủy ban CRPD nói chính quyền Việt Nam, thay vì nhìn ở góc độ nhân quyền, tiếp cận vấn đề người khuyết tật “dựa trên y khoa và từ thiện”, từ đó “duy trì sự phân biệt một cách hệ thống với người khuyết tật.”
Ngoài những điều đã kể trên, họ nói Việt Nam thiếu minh bạch; cho trẻ em khuyết tật học riêng, hoặc vào các cơ sở chăm sóc, cản trở khả năng hội nhập; thiếu lối đi riêng và khả năng tiếp cận ở các tòa nhà công cộng và phương tiện giao thông công cộng; thiếu phụ đề và ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình, ở thư viện; thiếu biện pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai cho người khuyết tật; không có hoặc có ít người khuyết tật trong ngành giáo dục và pháp lý; thiếu luật lệ và cơ chế để bảo vệ phụ nữ và trẻ em khuyết tật khỏi bị bạo hành; thiếu cơ chế bảo vệ người khuyết tật khỏi bị lạm dụng hoặc bỏ rơi; thiếu biện pháp bảo vệ họ khỏi bị ép dùng thuốc; có hỗ trợ tài chính quá ít cho người khuyết tật; vẫn còn rào cản cho người khuyết tật có bằng lái xe, và kiếm việc làm; không thừa nhận tự kỷ là khuyết tật; không có cơ quan độc lập để đánh giá việc bảo vệ quyền người khuyết tật; không tôn trọng tự do ngôn luận, v.v.
Vấn đề nhà nước Việt Nam gọi BPSOS là khủng bố
Một chi tiết cần nêu ra là, Ủy ban CRPD cho biết, trước phiên họp với phái đoàn BPSOS, họ có nói chuyện với đặc phái thường trực (permanent mission) của Việt Nam tại LHQ, và người đại diện nhà nước Việt Nam đã vu cáo BPSOS là “tổ chức khủng bố”.
Hình thức đàn áp xuyên quốc gia này của chính phủ Việt Nam, nhằm bịt miệng BPSOS, hoàn toàn không hiệu quả—BPSOS đã có tên tuổi, đã làm việc với LHQ và các chính phủ dân chủ phương Tây từ nhiều chục năm nay—TS. Nguyễn Đình Thắng trước đó đã cho Ủy ban CRPD biết ngay khi Bộ Công an đưa ra cáo buộc phi lý này. Ủy ban CRPD đã họp riêng với đoàn đại diện BPSOS để không lẫn lộn với các nhân sự của nhà nước Việt Nam trá hình là đại diện XHDS tham gia cuộc rà soát.
Nhận xét kết luận của Ủy ban nhắc tới việc Việt Nam sử dụng luật chống khủng bố để tấn công một cách phi lý các tổ chức vận động cho quyền người khuyết tật.
Như đã biết trước đây, vì ông Nguyễn Văn Hồi (Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Thứ trưởng Bộ Nội vụ) và ông Nguyễn Vũ Minh, (Phó Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao) đã khẳng định Việt Nam hoàn toàn không phân biệt đối xử, mọi người khuyết tật đều được sự hỗ trợ của nhà nước, chúng tôi sẽ làm phép thử với các thương phế binh VNCH, người Thượng và người H’mông khuyết tật, và những người bị đánh đập hoặc tra tấn thành tàn phế.
Xin hãy liên lạc với BPSOS qua địa chỉ email bpsos@bpsos.org để chúng tôi hướng dẫn làm đơn đòi quyền lợi, và theo dõi tiến trình giải quyết của nhà nước Việt Nam để tiếp tục báo cáo với LHQ.
BPSOS đồng thời cũng đang vận động chính phủ Hoa Kỳ điều tra số tiền 155 triệu USD USAID đã viện trợ cho người khuyết tật ở Việt Nam.