Ván bài tệ của Tô Lâm

Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba và Chủ tịch Tô Lâm gặp nhau hôm 11 Tháng Sáu. (Hình: Trang web Quốc Hội)

Đối với các lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam (CSVN), cách lấy lòng dân nhanh nhất là tỏ thái độ cứng rắn với chính quyền Trung Quốc, kẻ thù trong tâm thức người Việt, bất chấp đó là trình diễn ngoại giao hay có thật. Lịch sử cầm quyền và mị dân từ hai thập niên nay của các tay lãnh đạo Ba Đình đã chứng minh điều đó.

Khởi đầu, người đã làm hàng triệu người Việt nô nức, lầm tưởng và đến nay vẫn còn lại một số nạn nhân, đó là trường hợp của ông Nguyễn Tấn Dũng. Cách mà ông Dũng, khi ở chức thủ tướng, ứng xử với Trung Quốc đã tạo nên một tư thế đặc biệt. Tháng Năm 2014, khi đi Phi Luật Tân và được báo chí nước ngoài phỏng vấn, ông Dũng nói công khai là “Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, rồi liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam. Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói.” Báo chí Việt Nam như mở hội, lòng người Việt như mở cờ.

Thậm chí, sự theo dõi chặt chẽ về thái độ của quan chức Việt với Trung Quốc cũng là cách đánh giá và thiện cảm của dân chúng. Phó Thủ Tướng Phạm Bình Minh với bức ảnh lạnh lùng liếc quan chức Trung Quốc trong một lần tiếp, được dân Việt kháo nhau, chuyền tay nhau như một tín hiệu đáng tin cậy. Chuyện vẫn tiếp diễn, cho đến khi ông phải chọn từ chức, vì sai phạm của cấp dưới vào năm 2023.

Lần này, đang đứng trước những làn sóng chỉ trích “tội phạm quốc tế, kẻ tàn bạo quốc gia,” ông Tô Lâm với vị trí chủ tịch nước chọn thủ pháp dân túy quen thuộc khi tiếp Đại Sứ Hùng Ba của Trung Quốc, hôm 11 Tháng Sáu.

Theo tường thuật của báo chí nhà nước, ông Tô Lâm  khởi đầu không có chút ấn tượng gì khi nói vài điều mang tính xã giao với Bắc Kinh. Ông Lâm nói “tình hữu nghị truyền thống” giữa hai nước láng giềng là tình đồng chí, tình anh em cần được gìn giữ, kế thừa và phát huy.”

Và điều sau đây, không thấy báo nhà nước nói đến, nhưng được tờ SCMP trích dẫn “Việt Nam nói với Trung Quốc phải tôn trọng quyền và lợi ích hàng hải của nhau.” Đây được coi là cách nói ngang hàng và được nhiều tờ báo quốc tế chú ý nhấn mạnh. “Cả hai bên cần thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận cấp cao và nhận thức chung, kiểm soát và giải quyết tốt hơn những bất đồng trên biển, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau,” ông Lâm nói với Đại Sứ Hùng Ba, trực tiếp đề cập đến yêu sách lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông.

Bắc Kinh và Hà Nội từ lâu đã xung đột về tuyên bố chủ quyền của họ đối với Biển Đông. Trong vụ bùng phát tranh cãi ngoại giao mới nhất, hôm thứ Năm, Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết sự quan ngại sâu sắc về sự hiện diện của tàu khảo sát Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Chủ Tịch Tô Lâm nói hai bên cần “tích cực tìm kiếm các giải pháp thỏa đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công Ước Liên Hợp Quốc Về Luật Biển 1982.” Đây là điều thú vị, vì hầu hết các ngôn ngữ mang tính thể hiện chủ quyền lâu nay, các lãnh đạo CSVN vẫn để cho người phát ngôn Bộ Ngoại Giao lên tiếng, phần họ vẫn sử dụng những từ ngữ mềm dẻo, thậm chí là nhún nhường với Bắc Kinh trong các cuộc họp chính thức cấp cao giữa hai bên.

Ông Tô Lâm muốn nói điều gì khi để những ngôn ngữ này lọt ra ngoài, trong cuộc gặp ra mắt ngoại giao ở chức vụ chủ tịch nước với đại sứ Hùng Ba của Trung Quốc?

Rõ ràng ông Lâm đang nhắm đến hai yếu tố. Một, là bắn tiếng với Trung Quốc, rằng mình là một người có thực quyền, mặc dù sự lựa chọn của Trung Quốc trước đây dường như nghiêng về phía Vương Đình Huệ. Hai, là ông muốn tạo một mối thiện cảm giả tưởng đối với dân Việt Nam, trong bối cảnh tình hữu nghị thuộc về ý đảng nhưng chưa bao giờ là lòng dân.

Đừng quên trong cuộc sát phạt để giành quyền bính, người dân Việt Nam được chứng kiến chuyện ông Vương Đình Huệ đi Trung Quốc để chầu Tập Cận Bình, xin một vé ủng hộ cho chiếc ghế tổng bí thư tương lai. Lúc đó, Tháng Tư, ông Huệ cúi mặt nghe chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình răn dạy “Hà Nội cần phải sử dụng sự khôn ngoan chính trị” để giữ mối quan hệ với Bắc Kinh, chứ đừng có dại mà ngã nghiêng theo Mỹ. Huệ không hề dám có một ý kiến nào ngang hàng để đáp trả. Ông chủ tịch Quốc Hội Việt Nam khi đó cung cúc hô to rằng Hà Nội sẽ kiên trì chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ.

“Trung Quốc sẽ nỗ lực thực hiện đúng đắn các nhận thức chung cấp cao, triển khai hiệu quả các biện pháp hợp tác do hai nước đề ra, thúc đẩy hơn nữa hợp tác cùng có lợi giữa các khu vực, kiểm soát và giải quyết tốt hơn những khác biệt liên quan đến biển,” các báo tiếng Việt đưa lời ông Hùng Ba điềm tĩnh trả lời như vậy. Có lẽ ông ta đủ kinh nghiệm để biết câu nói dân gian “chó sủa là chó không cắn.”

Nhưng lần này, có vẻ không có ai lầm với trò “làm dáng” của ông Lâm, như kiểu mọi người từng bị lầm với tuyên bố của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông,” từng làm cả nước mê đắm và bàn tán.

Lâm vẫn là Lâm, kẻ tráo trở và là tay sát thủ hạng một trong lò sát sinh của CSVN lúc này. Và nếu người dân Việt Nam biết thêm rằng sau khi nói những điều cứng rắn với đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam như vậy, Lâm đã cười hề hề và nhắc với phận con dân: Năm sau, kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam, hai bên cần phải nâng quan hệ lên tầm cao mới!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: