‘Vành đai Con đường’ ra sao sau một thập niên?

Biểu tượng của Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ ba tổ chức ở Bắc Kinh trong hai ngày 17 và 18 Tháng Mười, 2023. Ảnh: VCG/VCG via Getty Images

Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng cùng đoàn đại biểu cấp cao vừa đến Bắc Kinh tham dự Diễn đàn hợp tác quốc tế Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative – BRI). Theo nguồn tin của tờ Tuổi Trẻ, đây là lần thứ ba lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự BRI, với mục đích “đóng góp tiếng nói của Việt Nam trong thúc đẩy hòa bình, hợp tác, liên kết kinh tế và kết nối khu vực.” Tuy nhiên, không thấy Hà Nội cho biết cụ thể chính sách, chiến lược để “thúc đẩy hòa bình” tại BRI.

Năm 2013, tham vọng khổng lồ BRI được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố, nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường thế giới. Tuy nhiên, sau một thập niên BRI ra đời, nhiều quốc gia ngày càng hoài nghi về mục đích thực của sáng kiến này, trong bối cảnh mối quan hệ Trung Quốc với Hoa Kỳ ngày càng căng thẳng.

Liên kết Nga thách thức trật tự thế giới

Trong số hơn 130 quốc gia tham dự Diễn đàn Sáng kiến Vành đai và Con đường lần thứ ba kéo dài hai ngày, bắt đầu vào thứ Ba, ngày 17 Tháng Mười, có Thủ tướng Hungary, Viktor Orbán, một trong những lãnh đạo ủng hộ Trung Quốc mạnh mẽ nhất của Liên minh châu Âu (EU). Đáng lưu ý, mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đối mặt với lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế, với cáo buộc liên quan đến vụ bắt cóc hàng nghìn trẻ em Ukraine, Putin vẫn sẽ đến Trung Quốc tham dự diễn đàn BRI.

Thủ tướng Hungary, Viktor Orbán, một trong những lãnh đạo ủng hộ Trung Quốc mạnh mẽ nhất của Liên minh châu Âu (EU) đến phi trường Bắc Kinh ngày 15 Tháng Mười để tham dự diễn đàn BRI lần thứ ba. Ảnh: Ken Ishii – Pool/Getty Images

Alfred Wu, phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: “Ông Tập sẽ mời những người bạn thân nhất của mình… Đó là một thông điệp rõ ràng rằng Trung Quốc đang tìm cách có được các đồng minh của riêng mình, trong khi thách thức trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Mặc dù Nga chưa chính thức đăng ký gia nhập BRI, sự hiện diện của Putin chứng tỏ mối quan hệ chặt chẽ và nồng ấm giữa hai nước, thể hiện trong các hợp tác kinh tế, quân sự, và ngoại giao. Trung Quốc cũng ngày càng trở nên quan trọng với tư cách là điểm đến hàng đầu về hàng xuất khẩu của Moscow.

Trả lời trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước Trung Quốc, Putin ca ngợi sáng kiến BRI: “Đúng vậy, chúng tôi thấy rằng một số bên xem đây là một nỗ lực của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhằm đặt ai đó vào tầm kiểm soát của họ, nhưng chúng tôi lại thấy ngược lại. Chúng tôi chỉ thấy mong muốn hợp tác.”

Đội quân danh dự Trung Quốc chuẩn bị đón Tổng thống Nga Vladimir Putin đến tham dự Diễn đàn BRI lần thứ ba tại Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh vào ngày 17 Tháng Mười năm 2023 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Parker Song – Pool/Getty Images

Alexander Gabuev, giám đốc think-tank Carnegie Russia, cho biết, đối với Trung Quốc, “Nga là hàng xóm an toàn, thân thiện, là nguồn nguyên liệu thô giá rẻ, là sự hỗ trợ cho các sáng kiến của Trung Quốc trên toàn cầu và đó cũng là một nguồn về công nghệ quân sự, một số mà Trung Quốc không có.”

Chuyên gia Gabuev cũng nhấn mạnh: “Đối với Nga, Trung Quốc là huyết mạch, huyết mạch kinh tế trong cuộc xâm lược tàn bạo chống lại Ukraine. Bởi vì Trung Quốc là “thị trường chính cho hàng hóa của Nga, là quốc gia cung cấp tiền tệ, và hệ thống thanh toán để giải quyết thương mại của Nga với thế giới bên ngoài…”.

Vài tuần trước khi Nga xâm lược Ukraine vào Tháng Hai năm ngoái, Putin đã gặp Tập Cận Bình ở Bắc Kinh và hai bên đã ký một thỏa thuận cam kết mối quan hệ “không giới hạn”. Trung Quốc đã lên án các biện pháp trừng phạt quốc tế áp đặt lên Nga. Các nỗ lực trung gian hòa bình liên tục của Bắc Kinh trong cuộc chiến của Nga và Ukraine đã bị cộng đồng quốc tế đồng loạt bác bỏ. Tháng Ba vừa qua, Tập Cận Bình đã đến thăm Moscow như một thông điệp sát cánh cùng Putin.

Nhìn chung, Putin và Tập có thể khác nhau về tham vọng, nhưng lại đoàn kết trong một mục tiêu chung: biến thế giới thành một nơi an toàn hơn cho độc tài chuyên chế.  

Tai tiếng của BRI

Nghiên cứu gần đây do Đại học Boston công bố cho thấy trong khi Trung Quốc trợ cấp khoảng 331 tỷ USD cho các nước thông qua BRI trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2021, thì “nhiều nước nhận tài trợ của Trung Quốc lại phải đối mặt với tình trạng nợ nần nghiêm trọng”. Phương Tây đã chỉ trích Trung Quốc thực hiện chiến lược ngoại giao “bẫy nợ” thông qua BRI.

Một trong những ví dụ phổ biến nhất là Sri Lanka, nước đã tuyên bố phá sản vào năm 2022. Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Sri Lanka, chiếm khoảng 52% tổng nợ, xấp xỉ 7,3 tỷ USD. Sri Lanka vay Trung Quốc để xây cảng Hambantota, nhưng không trả được nợ. Năm 2017, cảng nước sâu được Trung Quốc cho thuê với thời hạn 99 năm.

Ngoài Sri Lanka, nhiều quốc gia khác cũng đang phải đối mặt với những thách thức rủi ro tương tự. Chẳng hạn, ngân sách cho dự án đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung ở Indonesia đã vượt đáng kể so với ước tính ban đầu là khoảng 5,5 tỷ USD và đã tăng lên hơn 7 tỷ USD. 

Việt Nam là một trong những quốc gia nhận được nhiều đầu tư nhất từ Trung Quốc vào các dự án BRI, chỉ sau Pakistan. Các dự án BRI đáng chú ý tại Việt Nam bao gồm: Dự án Điện mặt trời Dầu Tiếng do Power China đầu tư, với tổng vốn đầu tư 310 triệu USD; và Dự án Điện than Nam Định 1, với tổng vốn đầu tư 2,16 tỷ USD.

Trung tâm truyền thông báo chí về Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ ba ở Bắc Kinh tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Trung Quốc. Ảnh: VCG/VCG via Getty Images

Cải tổ BRI vì kinh tế Trung Quốc đang gặp khó

Chien-fu Chen, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu BRI, Đại học Tamkang ở Đài Loan, cũng chỉ ra rằng khi nền kinh tế Trung Quốc đang bắt đầu suy thoái, gặp nhiều khó khăn, vì thế lãnh đạo cấp cao nước này có thể sẽ xem xét lại việc cải tổ BRI.

Linda Calabrese, nhà nghiên cứu tại ODI, một tổ chức tư vấn các vấn đề toàn cầu, cho biết nguồn tài chính của BRI ngày càng tập trung vào các dự án nhỏ hơn, với các mục tiêu cụ thể liên quan đến các vấn đề xã hội, hoặc chính trị. Đây là một sự khác biệt rõ rệt, kể từ khi BRI được triển khai cách đây một thập niên. 

Đã có nhiều sự thay đổi cản trở tham vọng thống trị thế giới của Trung Quốc: căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ, đại dịch COVID, cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, và tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang khựng lại. 

Vì thế, Bắc Kinh muốn tập trung vào chất lượng, hơn là số lượng khi cho vay vốn và đầu tư nước ngoài. Theo một tài liệu nhà nước xuất bản tuần trước, Trung Quốc cho biết “mục tiêu cuối cùng của BRI là giúp xây dựng một cộng đồng toàn cầu vì tương lai chung.” Điều đó có nghĩa là tập trung vào các vấn đề như an ninh lương thực, bệnh truyền nhiễm, trí tuệ nhân tạo và biến đổi khí hậu, thay vì chỉ tập trung phát triển kinh tế.

Ý là quốc gia duy nhất thuộc liên minh G7 tham gia BRI. Trong những tháng gần đây, lãnh đạo nước này đã chất vấn tính hiệu quả và minh bạch của BRI. Các nguồn tin cho rằng Ý sẽ rút khỏi BRI vào cuối năm nay.

Yun Sun, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, cho biết ngay cả khi Ý rút lui thì “việc hơn 100 quốc gia tới Bắc Kinh tham dự Diễn đàn BRI là minh chứng cho thấy phần lớn các quốc gia trên thế giới không muốn chọc giận Trung Quốc.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: