Ngày 3 Tháng Tám, báo Điện Tử Chính Phủ và các cơ quan truyền thông Việt Nam đều loan tải thông tin ông Tô Lâm nhận chức Tổng Bí thư (TBT), với thông điệp: “Tại hội nghị ban chấp hành Trung Ương – BCHTW), căn cứ các quy định của Đảng, trên cơ sở định hướng giới thiệu nhân sự của Bộ Chính Trị, Trung Ương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, thảo luận dân chủ, suy tôn, thống nhất rất cao với số phiếu tuyệt đối 100% bầu đồng chí Tô Lâm, uỷ viên Bộ Chính Trị, Chủ Tịch Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam giữ chức tổng bí thư BCHTW Đảng Cộng Sản Việt Nam khoá XIII.”
Điều đó không có gì mới. Việc ông Lâm lên nắm chức TBT đã được giới quan sát nhận định trước đây.
Điều mới ở chỗ, họ dùng từ “suy tôn” dành cho một người mới được “bầu” vào vị trí có thực quyền cao nhất của Việt Nam hiện tại. Nghe sao giống như diễn văn thông báo việc kế vị của dòng hoàng tộc hay các lãnh chúa mới lên ngôi sau cuộc lật đổ trong các triều đại phong kiến.
Cộng Sản Việt Nam đã từng “suy tôn” ai?
CSVN rất ít dùng từ này cho các quan chức cấp cao của họ. Trước đây, họ chỉ suy tôn ông Hồ, người được bơm thổi lên ở tầm “cha già dân tộc.” Ấy vậy mà báo Điện Tử Chính Phủ cùng hàng loạt các cơ quan truyền thông do nhà nước Việt nam kiểm soát lại đồng loạt suy tôn ông Lâm ngay sau khi ông vừa mới được bầu vào vị trí quyền lực tối cao của đảng CS. Ông Lâm đã làm gì khiến cả hệ thống CS phải suy tôn ngay khi cái ghế tổng bí thư còn chưa kịp yên vị?
Tô Lâm – Stalin thời đại mới?
Tô Lâm là người giỏi mượn chiến thuật đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng, để rồi vũ khí hóa nó biến thành công cụ riêng của mình, khiến tất cả những thành viên của đảng CS đều cung kính lo sợ. Nhiều năm kinh nghiệm chờ thời, ông Lâm cũng dựng được cho mình một bộ máy công an trị, với các đàn em thân tín nằm rải rác khắp đất nước
Để phục vụ cho “công cuộc đốt lò,” nhân dân phục vụ đảng, ông Lâm thể nghiệm những quyền lực vượt bậc, như bắt người xuyên biên giới, hay bắt bớ ngay trong nội bộ cấp cao Bộ Chính Trị. Việc đó khiến cho những ai khiêu khích quyền lực của ông Trọng hay thuộc “nhóm đối lập” bị thanh trừng hoặc phải e dè. Và sự sợ hãi e dè này được diễn đạt rất rõ qua hai, chữ “suy tôn.”
Những hành động của ông Lâm làm một số nhà quan sát nhớ đến hình ảnh vị độc tài Xô Viết Stalin ngày xưa: Ông ta là nhà độc tài có những hành động quyết đoán và không có chút nào khoan nhượng với những ai mà ông liệt vào hàng kẻ thù, để vững ngôi cai trị.
Phải suy tôn vì Bộ Chính Trị là con tin của Tô Lâm?
Có ít nhất một lần người dân được chứng kiến những chiến dịch cố gắng chận bước Tô Lâm nhưng có vẻ khó thành công trong thi hành thực tế. Chẳng hạn như ngày 16 Tháng Sáu, ông Lương Cường, thường trực Ban Bí Thư (chức vụ này có giá trị như phó tổng bí thư) phải vội vã ký ban hành cùng lúc hai quyết định: Quyết định 164 về “quy trình giải quyết tố cáo với tổ chức đảng trực thuộc Trung Ương và đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương (TƯ) quản lý,” và Quyết định 165 về “quy trình xem xét, thi hành kỷ luật với tổ chức đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền ban chấp hành Trung Ương Đảng, Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư.”
Hai quyết định này nhằm tạo ra những rào cản khiến cho phe công an của ông Lâm không thể “bắt nóng” những ai thuộc quyền quản lý của TƯ Đảng được nữa.
Những ngày chưa bị bắt, ký giả Trương Huy San (thường gọi: Osin Huy Đức) từng cảnh báo ông Trọng về vấn đề quyền lực của Bộ Công An. Ở một bài có tựa đề “Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi” đăng trên Facebook cá nhân, ông viết:
“Việt Nam đang duy trì một thể chế tương đồng với Trung Quốc. Việt Nam nên học Trung Quốc ở những điều họ đúng: Bộ trưởng công an không phải là ủy viên bộ chính trị. Có lẽ đảng CS Trung Quốc coi công an là công cụ của bộ chính trị chứ không để bộ chính trị trở thành con tin của công an. Bộ Công An cũng không nên cấu trúc như hiện nay mà nên tách chức năng điều tra khỏi lực lượng cảnh sát… Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, không phải lực lượng công an đông mà đất nước an toàn hơn.”
Tuy nhiên, có lẽ những lời cảnh báo được viết dưới dạng góp ý này đã đến vào thời điểm quá muộn màng.
Có câu, “không có bông tuyết nào trong sạch,” bởi vậy sau thời gian được điều tra “không vùng cấm” trước đây của mình, hồ sơ của toàn bộ ủy viên Trung Ương đảng nói chung và cả Bộ Chính Trị nói riêng, ông Lâm đều nắm giữ. Với quyền lực vừa như Stalin mà lại đáng sợ như Beria, không lạ gì khi cả hội nghị phải “suy tôn” ông Lâm với số phiếu tuyệt đối 100%.
Ngay trong ngày đầu tiên, chỉ vài giờ sau khi được “suy tôn” cầm quyền tuyệt đối, ông Lâm đã “chém” bay 4 vị ủy viên TƯ để thị uy. Thông điệp mà ông phát ra đã quá rõ ràng.
Quyền lực hiện nay của ông Tô trên chính trường Việt Nam quá lớn. Lớn đến mức giới “báo chí cách mạng” đã phải dùng từ suy tôn như một bạo chúa toàn quyền.
Rõ là một “triều đại mới” tại Việt Nam đã bắt đầu!